Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

Quần đảo Hải tặc ở Hà tiên

Quần đảo Hải tặc gồm 16 hòn đảo nhỏ trải trên vùng biển 5 x 7 km, là Hòn Đốc, Hòn Tre, Hòn Đước, Hòn Giang, Hòn Đồi mồi, Hòn Ụ … thuộc xã đảo Tiên hải, thị xã Hà tiên, tỉnh Kiên giang. Phía đông là đảo Phú Quốc, phía tây bắc là quần đảo Bà Lụa. Cách bờ biển Hà Tiên 11 hải lý, cách đất liền 7 hải lý, cách Phú Quốc 16 hải lý.

Mấy trăm năm trước, quần đảo Hải tặc từng là hang ổ của những tên cướp biển khét tiếng. Có thể do địa hình đảo Hòn Tre hiểm trở, lại nằm trên vùng biên hải sát với Campuchia và là nơi nhiều tàu thuyền qua lại, nên được hải tặc chọn làm căn cứ. Đầu năm 2009, một nhóm ngư dân lặn tìm hải sản vô tình bắt gặp một số lượng khá lớn tiền đồng cổ.

Theo nhà sử học Trương Minh Đạt, nạn cướp biển ít nhất đã có từ thế kỷ 17, thời Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích cai quản đất Hà Tiên. Cái tên “đảo Hải tặc” xuất hiện vào thời kỳ này với hàng loạt vụ cướp quy mô lớn. Quần đảo Hải tặc nằm trên tuyến đường thông thương nên đã được chúng chọn làm hang ổ để phục kích đánh cướp tàu thuyền qua lại. Khi đó, Hà tiên là một thương cảng sầm uất, nhiều tàu của thương buôn nước ngoài đến giao thương. Thời điểm hải tặc lộng hành nhất là sau khi Mạc Thiên Tích bị quân Xiêm đánh bại. Chúng cướp táo tợn, ngang nhiên rượt đuổi các tàu buôn giữa ban ngày. Một thời gian dài, vùng biển Tây qua khu vực này đến vịnh Thái lan hầu như do hải tặc quản lý vì bộ máy chính quyền đã tê liệt.

Vào những năm 1950, người ta bắt đầu tới sinh sống ở vùng đảo này. Lúc đó vùng này rất hoang vu, là điểm đến của dân nghèo tứ xứ tới khai hoang, lập nghiệp. Gần đây quần đảo đã có 406 hộ tới đây lập nghiệp, với 1.756 nhân khẩu. Trung tâm xã đảo là Hòn Tre với 250 hộ.

Hồ sơ của Công an Kiên giang về vụ chiều tháng 3/1983: “quần chúng ở xã Tiên hải huyện Kiên hải dùng tàu biển vây bắt hai người nước ngoài xâm nhập vào đảo, một người Anh (Richard Charles Knight), một người Mỹ (Frederick Kurt Graham) đi bằng bobo từ hướng đảo Phú Quốc vào đảo Hòn Tre Nhỏ, thu hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống dòm, nhiều bản đồ, hải đồ và dụng cụ khác”. Họ khai rằng họ có bản đồ được vẽ cách đây 300 năm của dòng họ truyền lại chỉ dẫn tới kho báu mà hải tặc chôn giấu ở đây.

Dưới con mắt của thợ lặn, đáy biển khu vực đảo Hải tặc có nhiều vết tích của những trận hải chiến và nếu ngành du lịch biết khai thác sẽ rất thú vị.

Không có nhận xét nào: