(bài của Chí Nhân – Diễm Thư, trên thanhnien.com.vn, trích đăng)
Điểm lặn ngắm san hô trong đợt đi lặn lần này là nơi chúng tôi đã từng đến. Chúng tôi ngậm ống thở, bơi trên mặt nước và ngắm những đàn cá tung tăng bơi lội quanh các cụm san hô đầy màu sắc, đủ hình dạng đẹp không thể tả. Nó chắc chắn là đẹp hơn những gì tôi đã từng xem trên tivi. Chúng giống như những khu rừng nguyên sinh dưới đáy biển. Nhật Anh, huấn luyện viên của chúng tôi, nhìn thấy một đàn cá to đang tung tăng bơi lội. Anh và chúng tôi lặn xuống bơi theo chúng. Những chú cá dạn dĩ không chút sợ sệt hay bỏ chạy làm chúng tôi càng thêm thích thú. Dù chỉ có thể nín thở được hơn một phút, nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để tôi tận hưởng cuộc sống hòa mình vào thiên nhiên.
Chị Ngọc Anh, một huấn luyện viên khác của tôi từng kể, ở Phú Quốc có nhiều san hô hình ống, roi, quạt và cá khá to. Trong khi đó, ở Nha Trang hay Hội An thì san hô đa dạng hơn, còn cá thì nhiều màu sắc hơn. Mỗi điểm có sự thú vị riêng của nó.
Anh Trần Minh, một người có thâm niên chơi freedive nhiều năm, tâm sự: “Tôi bắt đầu với scuba sau đó chuyển qua freedive và giờ tôi thích nó hơn. Khi bạn freedive thành thạo bạn sẽ không còn thở ra nhưng bong bóng nước. Lúc đó cá cũng như các loài sinh vật biển khác không cảm thấy sợ và xem bạn như những mối đe dọa nữa. Bạn và chúng trở nên rất gần gũi với nhau một cách mật thiết, điều thú vị của freediver nằm ở chỗ đó”.
Người chơi môn freedive có thể nhịn thở dưới nước và bơi lặn dưới nước trung bình được khoảng 2 phút, có người lên đến từ 3 - 4 phút. Tôi nhớ có huấn luyện viên lặn nổi tiếng thế giới từng nói: “Freedive không phải là cuộc chiến giữa bạn và biển cả vì biển sẽ luôn thắng. Nhưng nó là sự thách thức bản thân để bạn có thể vượt qua và đẩy khả năng tăng thêm từng tí một theo năm tháng”.
Sau khi lặn xong,
một học viên nói: “Nếu được cầm cái gì đó về làm kỷ niệm như san hô thì còn
thích hơn rất nhiều”. Chị Ngọc Anh, một trong các huấn luyện viên của chúng
tôi, nhẹ nhàng: “Nếu bạn cầm thứ gì đó về thì lần sau lặn xuống chúng ta sẽ
không còn gì để ngắm? Nếu ai lặn xuống cũng mang một thứ gì đó về thì môi
trường biển sẽ bị tàn phá. Nguyên tắc của chúng ta là chỉ được ngắm, chụp hình
thôi chứ không được mang bất kỳ thứ gì lên để giữ cho tự nhiên sự nguyên vẹn
vốn có của nó”.
Chị Nga, một bạn
lặn trong nhóm Viet Divers chia sẻ: “Tại Thái Lan, lặn biển gần như phát triển
giống như một ngành công nghiệp. Đó chính là lý do khách du lịch rất thích đến
Thái Lan để lặn biển. Còn ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức độ dịch vụ chưa
phát triển mạnh”.
Theo chị Ngọc Anh,
nước ta có nhiều lợi thế để phát triển loại hình này nhờ có nhiều điểm lặn đẹp.
Để phát triển loại hình du lịch lặn biển, cần phải bảo vệ môi trường tự nhiên,
san hô và các động vật quý hiếm.
Có lẽ vào một ngày
nào đó tôi sẽ được đến Haiwaii để bơi cùng cá mập! Nhưng điều tôi muốn làm nhất
lúc này là được đi lặn ở nhiều nơi khác nhau của Việt Nam để có thể chiêm
ngưỡng được vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho dải đất hình chữ “S”.
H: Nữ VĐV Sara Campbell lặn vo độ sâu (hình chỉ có tính minh họa).
H: Nữ VĐV Sara Campbell lặn vo độ sâu (hình chỉ có tính minh họa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét