Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 7 tháng 5, 2015

Thả và rà phá thủy lôi ở miền Bắc trước 1975 (P4-5)

P4. Tự chế tạo tàu quét mìn điều khiển từ xa.
Một khi con người vẫn phải ngồi trên ca nô thì vẫn còn thương vong.

… Chuyến vào khu Bốn năm 1968 khiến chúng tôi (Đoàn Nhân Lộ) càng thấm thía, rằng bất cứ phương tiện nào còn cần đến người lái ở trên phương tiện, thì nguy hiểm vẫn còn. Hoàn thiện “tàu T5” sớm một ngày là một ngày đỡ thương vong cho đồng đội. Công trình tàu T5 bằng phương pháp điều khiển từ xa do anh Nguyễn Hữu Bảo, kỹ sư điện tàu thuỷ là chủ nhiệm công trình. Tôi  được anh Bảo mời cộng tác để giải quyết các vấn đề về vô tuyến điện.


Về nguyên lý, các lệnh của người điều khiển sẽ chuyển thành mã hiệu điện tương ứng, qua máy phát và ăng-ten, được truyền đi bằng sóng điện từ. Sóng điện từ xuống ăng-ten và máy thu, đưa vào bộ giải mã, “trả về” thành lệnh. Mỗi lệnh sẽ điều khiển một cơ cấu chấp hành (quay chân vịt, bẻ lái, ...). Tóm lại là không có khám phá gì mới về nguyên lý, khó khăn là ở khâu thực hành. Với vật tư, linh kiện ít ỏi, gồm những thứ nhặt nhạnh từ xác máy bay Mỹ và từ vài nguồn khác, làm thế nào để lắp ráp được các thiết bị cần có?


… Những ngày đi “thử cự ly”, tôi đứng trên nóc lô-cốt bên nhà Bác Cổ (Bảo tàng Lịch sử Việt nam), máy phát bên mình. Anh Bảo mang máy thu, ngồi đằng sau xe đạp một ông bạn. Xe chạy dọc đường Bờ Sông, qua Bệnh viện Hữu nghị, xuống Nhà máy xay Lương yên. Người qua đường có thể tưởng anh Bảo đi câu cá, vì cần ăng-ten được nguỵ trang thành cần câu. Đứng trên nóc lô-côt, tôi bấm nút cho máy phát truyền đi các tín hiệu khác nhau. Anh Bảo theo dõi xem đến cự ly nào thì máy thu không bắt được. Chúng tôi thử ở nhiều địa hình khác nhau, giữa cánh đồng, trên hồ Tây, ở bến Chèm,... để xác định xem ở mỗi loại địa hình, với cự ly bao nhiêu, thì nhận được tín hiệu điều khiển.


Và với thiết bị tự chế, chúng tôi đã điều khiển con tàu bằng tín hiệu vô tuyến điện ở khoảng cách từ 1,5 km  tới 5 km, tuỳ theo địa hình. Nhưng, có thiết bị điều khiển rồi, chưa phải đã có con tàu. Còn bao việc khác phải làm như thiết kế, chế tạo các bộ rơ-le, bộ tiếp xúc từ, các thiết bị điện, cơ khí,... Nhiều kỹ sư được huy động tham gia: Anh Bảo thiết kế hệ thống truyền động điện; Đinh Ngọc Liễn thiết kế hệ thống truyền động cơ giới; Phạm Văn Đương tham gia thiết kế phương án chọn tần cải tiến. Các kỹ sư trẻ Lương, Đăng, Thắng,... tham gia chế tạo và điều khiển con tàu.


P5. Một vài mẩu chuyện về cuộc chiến chống thủy lôi từ trường.


Đầu năm 1967, Mỹ rải thủy lôi ở các cửa sông, bến cảng. Đợt đầu là các cửa sông Mã, sông Gianh, cửa Hội, Nhật Lệ - những đầu mối giao thông quan trọng của ta lúc bấy giờ. Chỉ tính riêng từ ngày 26/2 đến ngày 21/5/1967, máy bay A6A của hải quân Mỹ từ ngoài biển bay đêm, rất thấp, vào thả khoảng 160 quả.


Từ tháng 6-1967, Mỹ dùng bom từ trường thay thế thủy lôi kiểu cũ, đồng thời mở chiến dịch phong tỏa cảng biển, kết hợp rải bom từ trường trên các luồng sông, cửa biển, bến phà. Đầu năm 1972, Mỹ tổ chức “Đội đặc nhiệm số 11”, mở chiến dịch ném bom, rải thủy lôi, với trận mở màn lúc 7.30 giờ ngày 9/5/1972. Rải mìn xong, Mỹ công bố thời gian an toàn của thủy lôi là 3 ngày, để thúc giục các tàu của nước ngoài đang ở Hải phòng phải nhanh chóng rút lui.


Ngày 11/5/1972, Mỹ tiếp tục rải thủy lôi bịt luồng ra vào cảng Hồng gai, Cẩm phả, các cửa sông và vùng ven biển miền Bắc. Từ 9/5/1972 đến tháng 1/1973, Mỹ đã thả ở 8 tỉnh, thành miền Bắc với 166 điểm, gồm hàng vạn quả bom từ trường và mìn các loại; diện tích bị phong tỏa ở các khu vực trọng điểm gần 478km, suốt từ Quảng ninh, Hải phòng đến cửa Tùng, cửa Việt,...



Do tổ chức quan sát tốt (gồm hệ thống ra-đa, các trạm quan sát phòng không, các tổ quan sát thủy lôi của bộ đội và dân quân ven biển) nên sau khi địch thả 3 ngày, ta đã có những số liệu tin cậy. Hải quân đã rà quét thí điểm ở cửa Nam Triệu và gỡ được 2 quả MK-52, đem về nghiên cứu. Tiếp theo, ta đã dùng ca-nô thả bộc phá, kích nổ ở phao số 17 luồng Nam triệu lúc 8 giờ ngày 19-5-1972 và sau đó ta dùng 6 tàu thả bom chìm kích nổ. Đồng thời dùng máy bay AN2 rải bộc phá kích nổ. Các phương tiện trên đã kích nổ hàng trăm thủy lôi. Đồng thời, “tổ nghiên cứu và tìm giải pháp phá bom từ trường” của ta đã chế tạo thành công thiết bị tạo từ trường để phá bom từ trường và đã thành công ngay lần đầu khi áp dụng ở cảng Hải Phòng. (hết)

(nguồn: “Đánh thắng phong tỏa bằng thủy lôi của giặc Mỹ” trên Tạp chí Hải quân, trích đăng).

Không có nhận xét nào: