Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Tôi học bơi Bướm – Phương pháp của Shaw. P2 – Ba nguyên tắc chủ đạo

Sau khi coi kỹ 3 clip nói trên, tôi mới dám quyết định học bơi bướm. Theo chỉ dẫn của thầy Shaw và cô trợ lí, sau 3 buổi, tôi đã quăng được 2 cái tay ra khỏi mặt nước, khá là ì ạch vì mình mập quá mà. Hơn 1 tháng sau nhờ chị bạn sửa cho, tôi có thể đi bơi quạt bướm mà không sợ bị chê (khen thì chưa). Tới giờ tôi cũng chỉ bơi được quá nửa hồ là rớt, nhưng tôi rất vui.

Ghi chú: 
Ở Mỹ có Terry Laughlin với phương pháp TI, ở Anh có Steven Shaw với phương pháp Shaw. Cả hai đều dạy bơi. Nổi tiếng gần như ngang nhau. Vì tài liệu ít quá, chỉ biết Shaw dựa trên những nguyên tắc về Kỹ thuật động học cơ thể Alexander: Kỹ thuật về những cử động hợp lý của cơ bắp và trí não sao cho không gây ra căng thẳng. Phương pháp này đề cao sự thư giãn hơn nữa.
Ví dụ: Shaw dạy bơi sải theo nguyên tắc Alexander, tay đưa cao ra khỏi nước, cho là hợp lý cử động hơn, còn như theo TI thì có thể gây căng thẳng.
Phương pháp Shaw dạy chủ yếu về thực hành bơi, không nói lý thuyết nhiều như TI, HLV bơi uốn nắn cụ thể cho từng học viên.
Riêng tôi thấy thì cốt lõi 2 phương pháp này không khác nhau mấy. Thói đời ăn cây nào rào cây nấy, các đệ tử của 2 thầy này không đến nỗi cãi nhau, nhưng “dìm hàng” nhau thì có. Còn tôi thì học chùa nên tôi cảm ơn cả hai thầy.

HỌC BƠI BƯỚM KHÔNG QUÁ KHÓ NHƯ TA NGHĨ.
Muốn bơi bướm đúng, bạn phải tập cho được:

1. Uốn làn sóng:
Uốn làn sóng mô phỏng chuyển động của cá heo, hay là cách mà con sâu đo co mình để đi tới. Muốn uốn làn sóng được đầu tiên phải biết: 
NHẤC CÁI MÔNG LÊN. Coi cái clip số 1, tưởng như thầy Steven và cô Trợ giảng gập đôi người cho ló cái mông ra khỏi nước. Không phải đâu. Họ nhấc cái mông lên đó, chân co nhẹ và vẫy cũng nhẹ. NHẤC MÔNG–CO CHÂN–CHÌM NGỰC. Uốn làn sóng là vậy.

Bạn thành công khi cơ thể nằm ngang, tay thẳng ra trước: NHẤC MÔNG–CO CHÂN–CHÌM NGỰC. Cả thân người của bạn uốn lượn theo một hình sin với biên độ theo chiều đứng
(y) càng nhỏ càng tốt (Balance), mà bạn vẫn đi tới được. Vậy là bạn đã thành công. Uốn sóng mạnh hay nhẹ, nhanh hay chậm thì tùy, nhưng nhứt thiết là phải có làn sóng. Và nhận biết nó là bạn nằm trên mặt nước và bạn NHẤC MÔNG LÊN ĐƯỢC.

Uốn sóng được thì bơi mới nhẹ nhàng được. Điều kiện tiên quyết là vậy.
Không uốn sóng thì vẫn bơi “bướm” được thôi, nhưng xin tạm gọi là bơi “Đại bàng”. Những người bơi đại bàng có sức khỏe cực kỳ tốt, đập chân như sấm sét, quăng mình lên cao đâu có thua ai, dũng mãnh cực kỳ. Già yếu như tôi không mơ làm được vậy.
Coi cái clip số 2, vào lúc cuối, lượn hình sin đưa lên, và nương theo đà lên, cô trợ giảng quạt tay và quăng tay ra trước nhẹ như không. Nhờ uốn sóng đó.

2. Bơi bướm có 1 lần quạt tay và 2 lần vẫy chân. Lần vẫy chân thứ 1 gần như đồng thời (sớm một tích tắc) với tay vuốt nước ra sau (bạn nên coi lại nhiều lần mấy cái clip để học), cái vẫy này thì nhẹ nhàng, lúc này đầu ngoi lên thở (thầy hay nói: cần cổ nằm ngang, mặt nhìn ra trước như đang cãi nhau). Lần vẫy thứ 2 kia là gần đồng thời (sau một tích tắc) với 2 tay vào nước, lần này vẫy mạnh hơn. Tôi dùng chữ “vẫy” thay vì “đập” để nhấn mạnh là mình đang uốn sóng.

3. Hai tay quăng ra trước, cánh tay phải thẳng, động tác như cây gạt bột dư lúc đổ khuôn bánh vậy. 2 cánh tay bay là là hay chạm nhẹ mặt nước cũng được. Do uốn sóng nên 
ĐẦU VÀO NƯỚC TRƯỚC 2 TAY. Nhận biết: 2 cánh tay dang ra ngang 2 vai thì đầu đã cuối xuống rồi, hay mắt không nhìn thấy 2 cánh tay vào nước.

Nhờ đầu vào nước trước nên không bị cản nước do lúc này cái vẫy thứ 2 tác động và 2 cánh tay được thoải mái quăng hết về phía trước, lúc này gọi là phục hồi (
Recovery) tức là pha nghỉ của bơi bướm. Không cho đầu vào nước trước, nên có người quăng 2 cánh tay ra trước cong như chữ U theo kiểu “đại bàng gãy cánh” là vậy.

Mai bạn ra hồ bơi, kiểm tra lại xem, hầu hết dân nghiệp dư khi “bơi bướm” rất ít có ai cho đầu vào nước trước 2 cánh tay hết. Giống tôi hồi đầu vậy thôi. Đầu ngoi lên “ăn cơm tháng” trên mặt nước, mắt còn ngó láo liên lấy làm đã đã nữa! Không chịu tập uốn sóng hay không biết uốn sóng thì sửa không được đâu.

Quên, xin nói thêm: Trong bơi bướm, hai cẳng chân và hai bàn chân luôn luôn phải khép khít lại làm một. (hết)
Hình minh họa.