Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Tôi học bơi Bướm – Phương pháp của Shaw. P1 – Già vẫn điều chỉnh được kỹ thuật bơi.

(Bài của anh tangatdi).

Giới thiệu: Với giọng văn dí dỏm, khiêm tốn, anh tangatdi giúp chúng ta, những vận động viên “chân đất”, hiểu được rằng bơi lội không chỉ dựa vào thể lực, không chỉ dựa vào các kỹ thuật mà mình đã được học, mà còn là những lý thuyết mới đã được loài người phát hiện gần đây; rằng bơi bướm không quá khó nếu nắm được nguyên lý của nó. Bài viết đã được nhiều vận động viên bơi lội xuất sắc đánh giá cao. Sau đây là bài của tác giả:
(NST có sửa một vài chữ, không ảnh hưởng tới nội dung).

Trích trên báo:
“…Bơi ếch phù hợp cho những người mới tập bơi vì động tác dễ hơn những kiểu bơi khác. Tốc độ kiểu bơi này chậm đều nên cũng phù hợp với người lớn tuổi. Để tăng cường thể lực, sức bền, cần kết hợp thêm kiểu bơi sải, bơi ngửa. Hai kiểu bơi này tạo ra sức khỏe hoàn chỉnh, giúp bơi được nhiều vòng hơn, dài hơn trong cùng một ca bơi. Trong 100 người bơi nghiệp dư thì chỉ có khoảng một người có thể bơi bướm, chủ yếu là nam. Kiểu bơi này đòi hỏi cơ khớp phải thật dẻo dai, sự phối hợp ăn ý động tác giữa các bộ phận tay chân thân; chỉ cần sai một động tác là không nhấc người lên nổi. Để có thể bơi kiểu này cần được tập từ bé, khi hệ cơ xương khớp vẫn còn mềm dẻo” (TS Chung Tấn Phong, Tổng thư ký Liên đoàn Thể thao dưới nước TP.Hồ Chí Minh).

Tôi đọc bài nói trên lúc tôi 59 tuổi.

Lúc này tuy đã tương đối thấm nhuần “Cửu âm và Cửu dương chân kinh” của Terry Laughlin và thêm “Giáng long thập bát chưởng” của misamainguyen, tôi cũng không dám mơ một ngày mình dám học và bơi bướm – dẫu là theo kiểu "đại bàng gãy cánh". Lên trên mạng coi mấy cây đa, cây đề bơi bướm thiệt là phát hãi. Phải khỏe như trâu mới bơi như họ được. Coi mấy sư phụ TI bơi bướm cũng hùng hục thấy phát ớn.

Nhưng ở đời có một chữ “duyên”. 

Tôi thường bơi vào sáng sớm, khi đó trong hồ có chừng 7
8 anh em bơi bướm (sau này tìm hiểu thì họ bơi chưa giống anh Phelps nhưng ngon quá rồi), trong đó có chừng 2 người là bơi được hết 50m. Có 3 chị bơi bướm, 2 chị thì tay quơ lên cong vòng như hết hơi, giống đại bàng gãy cánh hơn. Chỉ có 1 chị (sau này tôi làm quen được) nhỏ hơn tôi chừng 3 tuổi. Chị ấy cao chưa tới 1m50, nặng xấp xỉ tôi, tức tròn quay. Ngày nào vô bơi chị ấy cũng “súc miệng” trước bằng 25m bướm (nửa hồ). Chị ấy bơi rất chuẩn và cũng khá nhẹ nhàng. 

Vấn đề hình dạng cơ thể.
Tôi lại đọc trên báo, có một vị tên BS Tản, ông ấy nói mình cũng mập, bụng phệ và khi đã trọng tuổi mới tập bơi bướm và đã thành công. 

Vấn đề tuổi tác.
Lâu lâu, có một chú cựu gác hồ, chừng ba mấy tuổi vô bơi, chú ấy bơi bướm lạ lắm, nhẹ như sương khói. Tôi lân la làm quen, rồi đánh bạo hỏi: "Qua muốn học bơi bướm được không em". Chú ấy im một hồi rồi thở dài, hỏi tuổi, rồi ngó cái form của tôi, chú ấy lắc đầu nhè nhẹ, không nói gì. 
Một ngày nọ, chú ấy dắt cô con gái nhỏ vô bơi, hỏi ra chỉ mới hơn 4 tuổi. Con bé xinh thật là xinh, nhưng bé như nắm xôi. Không biết được dạy từ hồi nào. Con bé bơi ếch rồi sải, dĩ nhiên còn non nớt chưa chuẩn. Nhưng nửa hồ bơi (khách bơi) đã trầm trồ rồi.
Đến lúc này chú mới biểu con bé: “Con bơi bướm cho mấy bác coi chơi”. Con bé nhóc nhách bơi tỉnh queo hết một chiều dài hồ, dĩ nhiên 2 cái tay cũng quơ như 2 chị nói ở trên. Ba nó chậm chậm theo, nhắc luôn miệng: “Nhấc cái mông lên con, nhấc cái mông lên con,...”. Cả hồ lặng trang bái phục. 

Vấn đề thể lực.
Tôi đã lên mạng tìm hiểu, đọc các bài viết, coi nát các clip. Rồi gặp được 3 cái clip: NHỮNG BÀI HƯỚNG DẪN CỦA STEVEN SHAW VỀ BƠI BƯỚM. (còn nữa)

Không có nhận xét nào: