Tourestki nói có hai cách để bơi nhanh hơn: nâng cao lực quạt nước hoặc làm giảm lực cản nước. Cả hai cách đều liên quan đến kỹ thuật nhưng theo ông cách thứ hai tốt nhất.
Để có thể "chèo" được trong nước nhanh hơn, bạn phải tăng tần số động tác. Nhưng ở đây có một vấn đề, Tuorestki nói, bạn sẽ nhanh chóng bị hụt hơi. Ông trích dẫn một đoạn trong cuốn sách ưa thích nhất của mình, Fish Swimming của nhà động vật học John Videler thuộc trường ĐH tổng hợp Groningen Hà Lan, trong đó nêu rằng sự tiêu hao năng lượng trong nước tăng theo lập phương tốc độ động tác. Nói cách khác, nếu bạn tăng tốc đô quạt nước lên gấp đôi thì năng lượng bạn tiêu hao sẽ tăng lên gấp tám.
Hơn thế nữa, nâng cao tốc độ chắc chắn làm cho động tác quạt nước ngắn hơn. Hãy quan sát phần lớn các loài động vật xử lí như thế nào. Khi muốn di chuyển nhanh hơn, chúng tăng độ dài từng chuyển động. Trong băng hình video: các chú ngựa tăng tốc độ bằng cách tăng độ dài của mỗi bước chạy, chứ không phải tăng số bước chạy mỗi giây. Kangoroo cũng thực hiện điều tương tự trong mỗi bước nhảy trên hai chân của mình. Tourestki tin rằng các VĐV bơi cũng phải thực hiện diều tương tự như những động vật đã làm, duỗi dài động tác về phía trước càng xa càng tốt để có đoạn “kéo nước” dài nhất trong mổi động tác. Huy chương vàng đầu tiên của Popov tại Olympic Barcelona năm 1992 đã cung cấp bằng chứng hỗ trợ cho cách tiếp cận này. Khi Popov đánh bại tay bơi người Mỹ Matt Biondi, Popov hoàn thành cư ly chỉ với 33 động tác so với 36 động tác của Biondi.
Nếu nâng cao tần số động tác không phải là câu trả lời tối ưu thì quạt tay mạnh hơn và ủi trong nước có tác dụng không? Cho đến thập kỉ 80, các VĐV và HLV đều nhắm vào việc nâng cao sức mạnh. Họ lấy cảm hứng từ các mô hình cơ học như cánh quạt máy bay và bánh guồng tàu thủy. VĐV bơi điển hình có vai to như VĐV cử tạ và chú trọng các buổi huấn luyện cự ly dài. Theo HLV nổi tiếng Cecil Colwin, tác giả quyển sách "Bơi lội bước vào thế kỉ 21"(Swimming into the 21th century), thì khoa học “đã nhắm hướng sai lầm vào việc tranh đua với các chuyển động của các cánh quạt, thay vì đi vào quy chế hoạt động tự nhiên của chim trời, cá nước”. Tourestki đồng ý với Colwin, vì những lý do dựa vào vật lý học. Thủy động học cho chúng ta thấy rằng lực cản phụ thuộc vào hình dạng và ma sát. Ví dụ cá heo có thể bơi nhanh vì hình dạng thuôn dòng và lớp da được thiết kế để giảm lực cản ma sát tối đa.
(Hình: không liên quan tới bài viết)
4 nhận xét:
Tôi rất sung sướng vì đã "vô ý" áp dụng (tương đối) đúng với nguyên lý của Tourestki, Ngòai ra, tôi đã được xem các đoạn phim tường thuật về kĩ thuật bơi của một vài VĐV quốc tế. Đọan phim được quay từ nhiều góc độ (quay từ trên xuống, dưới lên, hai bên, từ phía trước/phía sau) nên rất dễ tiếp thu. Vì vậy tôi muốn được chia sẻ niềm vui của tôi với các bạn.
Tôi chia sẻ với HCQ!
Về sự lợi hại của KT bơi theo nguyên lý khoan xoáy đối với KT bơi theo nguyên lý "phản lực đơn thuần", thì có một chuyện như sau:
Ở hồ bơi, đám thanh niên thấy tôi bơi qua bơi lại êm ru, nên (thỉnh thoảng thôi) có chàng "âm thầm" bơi đua với tôi.
Chờ khi tôi vừa quay người, đạp tường lao ra thì chàng cũng lao theo. Một bên là gã trai vạm vỡ, bơi quyết liệt, nước sôi sùng sục, sóng cuồn cuộn, và một bên là lão già bạc phơ, thong dong, nước chỉ sủi tăm;
Một bên quyết chiến thắng, còn một bên theo kiểu "Cậu muốn thắng thua tùy Cậu, Qua cứ thong thả cho nó khỏe".
Sang tới đầu bên kia, gã trai và lão già cùng "cán đích" một lúc, huề! Nhưng:
Lão già vẫn thong thả bơi tiếp với tốc độ không giảm, trong khi gã trai thở hồng hộc, phải nghỉ mệt. Nghỉ cho tới lúc lão già bơi thêm được dăm trăm mét nữa thì (gã trai) mới ... tiếp tục bơi.
Công bằng mà nói thì tôi chẳng giỏi giang gì, chẳng qua là "tại" ông Tuorestki thôi.
Xin mời các anh/chị có quan tâm tới bơi lội hãy ghé thăm phần "nhận xét" của bài "Bơi(P5)" để xem các lời trao đổi tay đôi về bơi lội.
Đăng nhận xét