Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

Bơi - P3: kĩ xảo bơi trườn sấp


Bơi Krun (bơi trườn sấp, bơi "tự do", bơi sải) là môn bơi có hiệu suất cao nhất trong 4 môn bơi, đồng thời nó hỗ trợ kĩ thuật tốt nhất cho dân scuba diving.

Chữ tắt: PLực - phát lực; Lỗi TG - lỗi thường gặp của đa số những người không chuyên nghiệp.

1. Nguyên tắc giảm lực cản của nước:

a/ Đầu luôn thẳng với thân mình và “cố định” vào vai.

b/ Đỉnh đầu là mũi thuyền: bạn luôn thấy đỉnh đầu rẽ nước.

c/ Khi bơi, tuy cơ thể lắc qua lắc lại quanh trục cơ thể (như con thuyền lắc lư theo chiều ngang trong khi tiến) nhưng phải luôn thẳng với hướng tiến và luôn song song với mặt nước.

d/ Từng bộ phận của cơ thể thẳng với hướng tiến và cố gắng duỗi thẳng tay chân, trừ bộ phận đang PLực hoặc chuẩn bị PLực.

2. Kĩ xảo (bơi là a/ làm nổi và b/ tiến về phía trước).

2.1. Chân – hãy coi toàn bộ chân là cây gậy dẻo và bạn cầm phần gốc vụt nó xuống:

Chân thẳng như vũ nữ balê, bạn dùng hông-đùi và lợi dụng lúc lắc người để “vụt” chân xuống (lỗi TG: đầu gối bị gập; không lắc người; dùng cẳng chân để vụt; vụt quá sâu, quá mạnh).
Khi đó cổ chân sẽ “tự động vụt” theo nhịp của chân (lỗi TG: cổ chân bị gập, cổ chân không chịu vụt theo chân).

2.2. Tay – hãy coi cơ thể là thuyền, từ đỉnh ngón tay đến cùi chỏ là mái chèo (lỗi TG: cổ tay bị gập):

a/ Chu kì trước kết thúc: tay đang ở vị trí duỗi thẳng.

b/ Chuẩn bị PLực: tay quạt xuống và cùi chỏ gập dần thành góc 120 độ (lỗi TG: cùi chỏ thẳng), và:

c/ PLực: quạt chéo vào lòng để ôm nước (lỗi TG: quạt thẳng xuống; quạt quá mạnh),
rồi hơi “quẹo” ra (theo hình chữ “S”)
(lỗi TG: cùi chỏ bị hạ thấp).

d/ Khi mái chèo tới ngang hông thì thôi PLực (lỗi TG: vẫn quạt tiếp),
bạn rút tay lên khỏi mặt nước y như rút tay ra khỏi túi quần và đưa lên trời (lỗi TG: gập tay lại và đưa ra phía trước).

a/ Khi tay xuống nước, cánh tay thẳng với hướng tiến cho tới khi vào chu kì sau (lỗi TG: vội vàng chúc tay xuống).

2.3. Thở: Hít vào khi trong lúc cơ thể nổi chếch lên và miệng vừa lên khỏi mặt nước (lỗi TG: ngước mặt lên thở).

2.4. Tại sao phải PLực như thế:
Không phải bạn dùng tay đẩy nước về phía sau để tiến lên, mà tay bạn tạo dòng xoáy để sinh ra động lực (như dòng xoáy của chân vịt tàu thủy),
Vì vậy đường đi của bàn tay phải theo hình chữ “S”.
Khi cơ thể lắc qua lắc lại đã “vô tình” làm chân (tuy với bạn chỉ là ve vẩy lên xuống) chuyển động theo hình chữ “C”, tạo thêm dòng xoáy cho cơ thể.
Xin nhắc lại là bạn sẽ hoàn toàn sai lầm khi bạn cố gắng đẩy nước về phía sau để tiến lên.

3. Ưu nhược điểm:
Bơi krun ít bị sức cản của nước nên tiết kiệm sức nhưng do chân “vụt” liên tục để giữ nổi nên sẽ mau mỏi hơn bơi ếch. Tuy nhiên, nếu bạn đúng kĩ thuật thì sẽ “bơi dai” hơn bơi ếch.

14 nhận xét:

HCQuang nói...

Lưu ý:
Đây không phải là tài liệu của các trung tâm huấn luyện, mà chỉ là tài liệu của cá nhân tôi - đưa ra đây để cùng chia sẻ với các bạn.
Đây không phải là bài dạy bơi mà chỉ là các lời góp ý dành cho người đã biết bơi và tự cảm thấy mình có lỗi về kĩ thuật.

Theo cách hiểu của tôi, tài liệu chính thống là hoàn toàn chính xác, nhưng do nó quá "cầu toàn" nên (đôi khi) "khắt khe" về kĩ thuật làm cho người tập quá vất vả, bởi cơ thể của họ không thể hoàn hảo như các VĐV chuyên nghiệp;
Từ lí do đó, tôi hi vọng tài liệu này (có vẻ) thích hợp với những người bơi nghiệp dư - những kẻ có thể trạng không hoàn hảo, không muốn đầu tư nhiều thời gian cho luyện tập, không có hoài bão "nhanh hơn, xa hơn, mạnh hơn" của Olempic.

HCQuang nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
HCQuang nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Nặc danh nói...

-Đọc bài này mới biết mình bơi sai, hèn nào để tuột mất mấy giải Olempic.
- Trong thực tế tôi thấy kiểu bơi này dễ bị chuột rút do phải trương cơ. Cách đạp chân( như bơi ếch) an toàn hơn nhiều.Thứ hai, do tư thế nghiêng đầu, mắt bị nước vào nên dễ lạc hướng khi bơi. Bằng chứng là có lần tôi nhắm bơi ra biển, nhưng hóa ra cứ lòng vòng ở đoạn sông Sài Gòn thuộc thành phố HCM.
Phiền bác lọc ra những ý đúng ở đây!
TM

HCQuang nói...

Anh đi bơi thì phải đeo kiếng bơi, chứ để mắt "trần" không tốt đâu. Mất công bơi xong lại phải nhỏ thuốc gì mà "...đỏ con mắt bên phải...".

Lựa kính bơi:
Anh không nên chọn loại có giuăng (phần áp vào da mặt nhằm ngăn nước lọt vào mắt) cao su mà hãy chọn loại có giuăng silicon. Lí do:
Loại gioăng cao su hợp với kẻ bơi đua (các VĐV chuyên nghiệp). Họ phải đeo thật chặt, tức phải siết dây đeo thật căng. Vì vậy, những kẻ "bơi thông thường" sẽ cảm thấy hơi khó chịu - nếu siết chặt dây đeo. Mà không siết chặt thì lâu lâu nước lọt vô kính - cũng lại khó chịu.
Giải pháp khắc phục là đeo kính gioăng silicon, êm ái, không cần siết dây nhưng không lọt nước.
(một kinh nghiệm chia sẻ).

HCQuang nói...

Xin được nói với anh chị em.
2 lời góp bị xóa là bài của tôi, chứ không phải do quản trị viên blog - với lí do "giận dỗi" ai đó - đã xóa: Do tôi viết lời góp bị "đúp" (1 bài) rồi thêm 1 lời góp để đề nghị quản trị viên blog xóa dùm (1 bài), thành ra mới có 2 lời góp bị xóa.

AMk3 nói...

Bơi là một dạng vận động không yêu cầu phải "trương cơ"! thực tế nếu thả lỏng cơ thể thì có thể bơi cả ngày không mệt (vẫn đói và khát). Bơi trườn sấp đặc biệt dễ thả lỏng nếu đúng động tác, thoái mái hơn bơi éch do ít bị cản. Khi PLực, mặt bàn tay nghiêng 45 độ so với mặt phẳng sẽ tạo xoáy tối ưu nhất (sách nói). Việc vụt chân chỉ có tác dụng giữ nổi, nhiều người khi bơi trườn sấp do nổi tốt nên không cần đập chân.

HCQuang nói...

"Bàn tay nghiêng 45 độ":
Rất đúng. Tuy nhiên với những anh đã quen quạt nước theo kiểu cũ thì khó sửa.

"Vụt chân chỉ có tác dụng giữ nổi":
đó là kĩ thuật chính tắc ở sách thời thế kỉ 20, hiện nay vẫn còn nhiều HLV bơi lội Vietnam nghĩ như vậy và bắt VĐV luyện tập như vậy. Đó là cái thời bơi tức là đẩy nước về phía sau để tạo phản lực mà tiến lên phía trước, và vì vậy, đôi chân trong bơi Krun trở nên "vô dụng".
Cuối thế kỉ 20, đầu thế kỉ 21, con người phát hiện ra rằng, lí thuyết "phản lực thuần túy" gây thiệt thòi rất lớn cho VĐV bơi lội. Thiệt thòi hơn nữa, đó là cặp chân khỏe mạnh lại chỉ có rất ít tác dụng tạo lực tiến. Rút cục chuyển động tiến "phó thác" cho đôi tay yếu ớt.
Rồi con người phát hiện ra rằng, nếu bơi kiểu khoan xoáy (trục cơ thể lắc qua lắc lại mỗi bên 45 độ, tức 90 độ toàn bộ) thì đôi chân sẽ đem lại lợi ích to lớn.
Nói chính xác hơn, ở bơi Krun hiện đại, người ta bơi bằng sự vận động uyển chuyển, đồng bộ của toàn bộ cơ thể;
nghĩa là tay "tạo thế" cho chân, chân "tạo thế" cho tay, cơ thể "tạo thế" cho tay chân, tay chân "tạo thế" cơ thể;
Tức bơi Krun là bơi bằng toàn bộ cơ thể;
Như vậy, hoặc bạn bơi đúng kĩ thuật, hoặc bạn bơi sai, chứ không có chuyện bạn bơi tay đúng rồi nhưng chân chưa đúng, vv.
Như vậy, khi tập bơi, nếu ta bỏ đi một chi tiết (hoặc 2 tay, hoặc 2 chân, hoặc sự uyển chuyển của cơ thể) thì kết quả sẽ tụt xuống nghiêm trọng, có thể thất tốc tới 50% hoặc hơn, bởi sự khoan xoáy (con Át chủ bài) sẽ bị biến mất.
Việc tập bơi theo kiểu lần lượt bỏ đi 1 chi tiết chỉ phù hợp với kĩ thuật bơi của thế kỉ 20.

Nguyên nhân: do 90% sức lực của VĐV bỏ ra chỉ để thắng sức cản của nước, chỉ có 10% dùng để tiến lên, nên người ta tìm mọi biện pháp kĩ thuật để "vô hiệu hóa" lực cản của nước, chứ không phải tăng cường cơ bắp, ra sức đẩy nước về phía sau để tiến lên. Đó là nguyên lí bơi của thế kỉ 21.
Xem cách bơi của anh chàng "Pheo Hoa kì" - vô địch thế giới - sẽ thấy rõ điều này.

Nặc danh nói...

Nguyên lý bơi của thế kỷ 22??
Do tình trạng nước lụt, triều cường, con người thích nghi, tiến hoá...Loài người chỉ cần "vẫy đuôi" để tiến.

HCQuang nói...

Oh, anh/chị nói chính xác 100%. Tụi VĐV bơi bướm (bơi Denphin) với ống thở + đuôi cá (2 chân gá chung vô 1 cái "chân nhái", vẫy lên vẩy xuống như cá Heo) cũng chỉ "vẫy đuôi" thôi, chứ không "thèm" sử dụng 2 tay để bơi. Tụi nó bơi tuyệt đẹp, thể hiện đầy tính kĩ thuật, uyển chuyển mềm mại như ... cá Heo.

HCQuang nói...

Mấy hôm vừa rồi ở Saigon có đợt thi bơi cho các VĐV trẻ (tụi từ 12 tuổi trở lên và có đợt cho tụi dưới 12 tuổi), tôi cảm thấy rằng, việc huấn luyện của ta có vấn đề, vì có một tỉ lệ không nhỏ những VĐV bơi theo kĩ thuật cũ,
và cũng rất vui khi các VĐV bơi đúng kĩ thuật mới đều đạt thành tích cao hơn những VĐV bơi kiểu cũ.
(Chỉ là cảm nhận của tôi, một kẻ a-ma-tơ về bơi lội).

HCQuang nói...

Thực ra, với những người đã bơi tương đối rồi thì việc sửa chữa các lỗi theo kĩ thuật mới không gặp khó khăn, vấn đề là bạn phải tự cảm nhận được mình trong khi luyện tập.

h nói...

Xin mời các anh/chị có quan tâm tới bơi lội hãy ghé thăm phần "nhận xét" của bài "Bơi(P5)" để xem các lời trao đổi tay đôi về bơi lội.

HCQuang nói...

xin lỗi, tôi quên kí trong phần "nhận xét".