Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

Về lực lượng cứu hộ của chúng ta




Chuyện về những người dũng cảm nhưng thiếu thốn (thợ lặn trục vớt chiếc xe buýt bị đắm vào ngày 18/10/2010 ở sông Lam Hà tĩnh).
(theo số liệu báo chí - trích).

Ngày 20/10. Đã xác định được vị trí chiếc xe buýt, cách điểm đắm 1 km. Thợ lặn cho biết dưới đáy sông (12-15 m) nước lạnh buốt, đục ngầu, chảy xiết.

Một thợ lặn tâm sự “sông Lam nước lũ khủng khiếp lắm, nhiều thợ lặn lành nghề cũng phải sợ. Với tôi, lúc này mong muốn đưa thi thể của nạn nhân lên bờ nhanh nhất. Sinh nghề tử nghiệp mà”. Một thợ lặn khác nói “hồi đó, có chiếc tàu gặp lốc xoáy bị nhấn chìm dưới biển sâu 35m. Chúng tôi mất gần tháng trời mới trục vớt xong con tàu. Tuy nhiên, trục vớt tàu ở biển không nguy hiểm như ở sông. Đặc biệt là lũ sông Lam chảy xiết, quá mạnh”.

9h. Hai tàu và hai xà lan chia thành hai nhóm tiếp cận vị trí chiếc xe. Các thợ lặn ngậm vòi thở và mang theo dây cáp, sẵn sàng lặn.
9h15. Thợ lăn ngoi lên mặt nước cho biết xe khách nằm ngang sông, họ sẽ móc dây cáp vào xe để chuẩn bị kéo lên.
9h50. Thợ lặn ngoi lên mặt nước cho biết, việc cột dây cáp rất khó khăn do nước xiết. Tốt nhất là cột vào bánh xe, nhưng cả 8 bánh đều bị vùi sâu trong cát. Lực lượng trục vớt hội ý tìm cách cột khác.
Tiếp tục lặn. Sau 10 phút, thợ lặn báo đã cột được 1 cáp vào bánh xe. Nhưng sau nhiều lần lặn tiếp theo, đội cứu hộ quyết định chờ tới sáng 21/10 mới có thể trục vớt. Họ tiến hành neo cố định chiếc xe khách dưới đáy sông.

Ngày 21/10. 12h06 chiếc xe đã được kéo lên tới mặt nước.

Chỉ huy đội thợ lặn cho biết, đồ nghề của họ khá đầy đủ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được. Ông nói “trong điều kiện nước sông chảy quá xiết, nếu mang bình khí nén và mặc quần áo thì sẽ bị nước cuốn trôi. Chúng tôi chỉ mặc quần đùi, khi lặn xuống thì cởi quần, cột chặt vào dây cáp rồi mới tiếp cận được chiếc xe. Khi ngoi lên lại mặc quần vào”.

Là một "dân làng lặn”, tôi vô cùng khâm phục sự dũng cảm của thợ lặn ở sông Lam, nhưng cũng đầy băn khoăn: Chẳng lẽ chúng ta, một Quốc gia có diện tích bờ biển và sông ngòi rất lớn, còn lũ lụt lại rất “phong phú” – theo “định mức” của xứ nhiệt đới gió mùa, lại không thể sắm cho thợ lặn kĩ thuật những phương tiện hiện đại hơn cái mà họ đang có (nếu quả thực họ có) hay sao?

Nhớ lại vụ tàu ngầm Kursk (K-141) của Nga bị đắm ngày 12/08/2000, nếu Cứu hộ Nga có các phương tiện cứu hộ đặc chủng thì nhiều người trong số 118 thủy thủy đã được cứu sống. Bộ phương tiện cứu hộ đó tuy rất đắt (ngang giá 1 trái tên lửa hành trình) nhưng vẫn rẻ nếu so đo với tính mạng con người (kẻ bị nạn và người cứu hộ). Về góc độ đầu tư, thay vì “sắm” 100 trái tên lửa hành trình, thì anh sắm 99 trái và 1 bộ phương tiện cứu hộ đặc chủng?!

Không có nhận xét nào: