Với bình khí nén 11 lit-200bar, người này diving 60 phút vẫn còn quá dư khí, trong khi kẻ kia chỉ 35 phút là “hết veo”? Lí do:
Tôi nặng 90kg, anh 60kg nên nhu cầu oxy của tôi cao hơn của anh, bình của tôi sẽ hết trước.
Lặn sâu 30m tốn khí hơn lặn 15m.
Lặn nước lạnh tốn khí hơn lặn nước ấm.
Hôm “bay nhảy, lao động” nhiều sẽ tốn khí hơn hôm “tà tà, lững thững”.
Hôm nghĩ ngợi lung bung sẽ tốn khí hơn hôm đầu óc thư thái.
Thế nhưng, trong một “điều kiện khách quan, chủ quan” ngang bằng, tại sao kẻ này lại thở tốn khí hơn người kia? Xin kể: Hôm đó tôi lặn cùng một anh người Đức. Anh ta chừng 1,85m-85kg, tôi 1,69m-54kg. Khi xuống, bình khí nén của cả hai đều là 200bar. Khi lên, cả hai đều còn 65bar. Lạ thật, đấy là chưa “xét” tới quân hàm: anh ta Binh nhất còn tôi Trung sĩ. Đối chiếu “sổ công tác” mới biết anh ta từng diving cả trăm lần còn tôi chưa tới bốn chục lượt (cộng cả những lần lặn “chui”). Kinh nghiệm “chiến trường” đã tỏ ra hơn bằng cấp.
Xin trao đổi về kĩ năng:
Bản năng của “động vật trên cạn”: Sau khi lên Binh nhất (OWD), do “ham dzui”, ta có xu hướng bỏ qua kĩ năng thở dưới nước, ta trở về với cách thở trên cạn – “thở ngực”, tức thở đỉnh phổi. Chả sao, chỉ thiệt thòi là ở dưới nước, áp suất môi trường quá lớn (xuống 10m – áp suất tăng gấp đôi, 20m – gấp ba, 30m – gấp 4…) mà nhu cầu oxy trong máu lại tăng vọt theo độ sâu, nếu thở ngực riết thì thiếu oxy, dư CO2, lỗ vốn to.
Làm việc theo nhóm: Đi chơi “nản” nhất cảnh cả nhóm đang diving vui vẻ thì ta “nằng mặc đòi về” (bình khí của họ còn 80bar, ta còn 50bar – lượng khí dự phòng). Ta lên mình ên thì họ “không đành”, mà cả nhóm cùng lên thì sau đó họ sẽ xúm lại “xử” ta vì tội “anh em đang dzui, khi không anh phá đám”.
Sau đây là cách “thở bụng” tức "thở đáy phổi" (không phải của PADI hay của một HLV) của một kẻ có số giờ lặn rất thấp. Đây chỉ là cái cớ đưa ra để anh chị em cùng tranh luận.
Cách tốt nhất: hãy luyện thở theo cách của nghệ sĩ ô-pê-ra, hoặc yoga, hoặc khí công, sau đó áp dụng sang môn scuba diving.
Cách đơn giản hơn:
Bước 1 – Thở bụng kiểu "hai thì":
1/ Chuẩn bị: Ngồi thẳng lưng, đầu cổ thẳng, 2 tay để lên đùi, thả lỏng cơ bắp, thả lỏng đầu óc.
2/ Khởi động: Hít thở sâu vài lần theo kiểu thở ngực.
3/ Hít vào: Chậm rãi. Hãy đẩy khí xuống đáy phổi cho tới khi đầy (bụng phình ra).
4/ Thở ra: Chậm rãi. Hãy thở ra cho tới khi hết khí (bụng xẹp lại).
Thời gian tập: 15 – 20 phút cho mỗi lần tập.
Lưu ý: Không cố sức hít/thở và/hoặc cố sức phình/xẹp bụng. Hãy để cho cơ thể dường như tự nhiên.
Kết quả: Tập tới khi ta cảm thấy mình đã thở bụng được một cách tự nhiên (không gò ép, không phải suy nghĩ là sẽ thở như thế nào) thì xem như đạt.
Bước 2 – Áp dụng: Khi xả khí trong BCD và chìm xuống, ta cứ tạm hít thở “như cũ” (để "tập trung" vào kĩ năng cân bằng áp suất tai). Khi nhóm lặn chuyển sang “chúng ta bơi nhé” thì ta bắt đầu áp dụng: "hít … vào … vào ... chậm thôi, … thở … ra … ra ... không được nín thở, … hít … vào … vào ... chậm thôi, …”.
Buớc 3 – Khắc phục “hậu quả”: Khi hít vào, cơ thể có xu hướng nổi lên, khi thở ra, cơ thể có xu hướng chìm xuống. Nếu kĩ năng giữ “cân bằng trung tính” của ta kém thì khi áp dụng thở bụng, lỗi của ta sẽ bị khuyếch đại. Hãy khắc phục bằng cách nâng cao kĩ năng giữ cân bằng trung tính.
Hình: một khách của Bưu điện dưới đáy biển (độ sâu 3m).
4 nhận xét:
Xin các anh/chị/cháu lưu ý: đây chỉ là kinh nghiệm của một kẻ chỉ có không tới 40 lượt lặn và chỉ diving lanh quanh ở một vài nơi. Nó có thể không đúng.
Với kinh nghiệm đơn giản, hít hơi vào sâu, thở ra càng chậm càng tốt (kéo dài thời gian thở ra) – trung tá Ki Ka thường chỉ xài 1 bình khí cho hai lần lặn trong ngày (không phải thay bình khí). Tuy nhiên để tập được như vậy, ban đầu rất khó chịu. Với những người ít đi lặn như chúng ta thì không đủ điều kiện tập. :P
Văn ôn võ luyện mà. Quân hàm là một chuyện còn kinh nghiệm "chiến trường" lại là chuyện khác. Chả trách anh chàng người Đức, tuy Binh nhất nhưng lại hơn tui - một Trung sĩ hệ "chính quy" hẳn hoi, chứ không phải là kẻ "chạy bằng" đâu nhé.
Cảm ơn các chú (2 bác già) đã truyền bí quyết thở!
Nhưng cũng như chú Quang có nói về việc hít vào nổi lên và thở ra chìm xuống đó, hồi lúc học lặn cháu cũng gặp khó khăn đó khi tập cân bằng. Lúc đó, vì hơi thở làm dao động quá mạnh nên hít vào được một tí, khi cơ thể bắt đầu nhích lên thì cháu đã phải thở ra để hạ xuống, thành ra đã đi ngược lại với bài tập thở. Chứ nếu không thì cháu có thể hít thở sâu và rất chậm, không tốn nhiều hơi. Như hồi lặn đêm với thầy Mike (không nhớ tá tướng gì đó) ở bãi biển Nha Trang thì nhờ đi sát đáy cát, tay có thể chống xuống cát (1 ngón à :D) nên không cần cân bằng nhiều mà cháu đã tiết kiệm hơi gần bằng thầy luôn! ;)
Chắc mấy chú viết 1 bài về kỹ thuật cân bằng trung tính dưới nước đi!
Đăng nhận xét