Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Bơi lội – Các sai lầm trong tư duy kỹ thuật thường gặp lúc luyện tập (P2)

(Bài của anh misamainguyen) (tiếp theo)

2. TƯ DUY KỸ THUẬT

A. Khi bơi sải, tay quạt như chân vịt của xe đạp nước: SAI.

Hầu hết người tập bơi sải khi chưa thuần thục đều nghĩ rằng tay người sẽ quạt như cái chân vịt của xe đạp nước, nghĩa là chuyển động tròn đều, lấy tay thẳng làm mái chèo, lấy vai làm trục. Đây là sai lầm cơ bản nhất trong tư duy người mới tập bơi. Để chứng minh không khó: nếu bạn thử nằm trên mặt nước mà quạt tay kiểu này đều thì chỉ 5 phút là tối về bạn sẽ khỏi phải nhấc bát ăn cơm. Thực tế trục vai của con người không được thiết kế theo kiểu đó. Vậy mà không hiểu sao đôi khi thấy các HLV dạy các cháu động tác trên cạn vẫn bắt xoay tròn tay như thế ???

ĐỘNG TÁC ĐÚNG: Tay bạn không phải mái chèo hay chân vịt mà thực ra là bạn dùng bàn tay và khủy tay ÔM NƯỚC và VUỐT NƯỚC CHẠY QUANH CƠ THỂ. Để minh họa bạn có thể theo dõi trên một số động tác bơi quay chậm của kình ngư Ian Thorpe có trên Youtube sẽ thấy khá rõ.

B. Khi tay nâng lên khỏi mặt nước phải dơ cao tay lên trời: SAI.

Khi kết hợp cái sai này và cái sai nói trên thì tay người đúng là thành cái chân vịt của xe đạp nước rồi. Thực ra có vài động tác tập bơi để tay nâng thẳng lên khỏi mặt nước, nhưng đó chỉ là tập bổ trợ - giống như chạy cao gối và chạy nhấc gót trong tập chạy - chứ khi chạy không ai chạy như thế cả.

ĐỘNG TÁC ĐÚNG: Sau khi tay vuốt nước đến ngang hông (hoặc ngang đùi), thì sẽ nhấc bàn tay lên sát với thân người, khi đó chỉ cần: điều chỉnh bàn tay CHẠY LƯỚT trên mặt nước theo đường thẳng: từ điểm tay ra khỏi nước - đến điểm trước trán khoảng 5 cm rồi duỗi thẳng cánh tay. Khi bạn làm như vậy thì tự động cùi trỏ của bạn sẽ tạo đúng góc và di chuyển đúng chứ không cần thiết tập trung vào cùi trỏ.

C. Chân tạo động lực chủ yếu để cơ thể tiến lên phía trước: VỪA ĐÚNG VỪA SAI

ĐÚNG: Đó là khi bạn bơi thi đấu. Chương trình bơi thi đấu thường chỉ giới hạn đến 400 m, tốc độ là yếu tố tiên quyết, do đó thêm mỗi 1m/s là cả một kỷ lục, đôi chân kết hợp với tay phát huy sức mạnh toàn thể, tốc độ vẫy chân sẽ quyết định đến 30% thành tích. Nhưng đó là đối với bơi nước rút, cự ly ngắn, và các tay bơi đều ở đẳng cấp Top of the ... pool :)

SAI: Khi bạn bơi đường trường thì hoàn toàn không như vậy. Dù bạn có một nền thể lực và một hệ tuần hoàn gần với Iron Man, thì việc vẫy chân nước rút trong suốt 1.000 m cũng là điều không thể. Trong môn bơi đường trường, bạn phải điều hòa được nhịp chân, đôi chân bạn chỉ có tác dụng tốt nhất là ... giữ thẳng. Để cho đôi tay với các bài kéo xô 100 kilo sẽ hoàn thành phần lớn nhiệm vụ kéo cơ thể lên phía trước.

Để đơn giản hóa, bạn có thể hình dung công thức như thế này: NẾU BẠN ĐÃ ĐI BỘ ĐƯỢC 3 KM, THÌ BẠN SẼ BƠI SẢI ĐƯỢC 3 KM. Khi bạn đạt được mức hoàn thiện về kỹ thuật (chứ không phải thể lực) thì bạn bơi sải cũng như bạn đang đi bộ: Khi đi bộ, đôi chân bạn sẽ đóng vai trò chính, đôi tay chỉ có tác dụng phụ trợ vung vẩy bổ trợ cho động tác. Ngược lại, khi bơi, đôi tay bạn lại đóng vai trò chính, kéo cơ thể về phía trước, đôi chân chỉ là “phớt phẩy cho đẹp đội hình” mà thôi. Kỹ thuật đúng của đôi chân sẽ được trình bày trong phần BÍ QUYẾT tiếp sau.

D. Bơi sải là phải giữ thẳng thân người: VỪA ĐÚNG VỪA SAI

ĐÚNG: Một trong những câu tôi phải nói nhiều nhất với những người tin tưởng nhờ tôi hướng dẫn, đó là: Quan trọng nhất phải giữ thẳng người. Thực là trong tất cả các phương pháp bơi lội, điều quan trọng nhất là cơ thể phải thẳng, không cần biết bạn bơi kiểu gì, nếu cơ thể không giữ được thẳng thì chỉ giống như ... bạn đang nằm thư giãn trên mặt nước mà thôi 
:p

SAI: Nhiều người hiểu sai về việc giữ thẳng thân người, thẳng ở đây nghĩa là thẳng so với phương chuyển động và phương của mặt nước - chứ hoàn toàn không phải như một con thuyền Kayak với hai tay như hai mái chèo - hay để dễ hình dung - là như một cái bè được kéo trôi thẳng trên mặt nước.

ĐỘNG TÁC ĐÚNG: Là bạn sẽ vừa bơi vừa lật người sang hai bên theo một góc 45o, nghĩa là cơ thể bạn như cây chuối được lật đi lật lại trên mặt nước, và khoan xoáy về phía trước. Mỗi khi bạn quạt tay, cơ thể sẽ lật nghiêng một góc 45o so với phương ngang của mặt nước, và theo đó bạn lấy hơi !

Trên thực tế đã có một phương pháp bơi theo kiểu không lật mình, lấy hơi bằng cách chồm lên mặt nước, vận động viên này đã từng vô địch thế giới, nhưng điều này áp dụng cho siêu nhân người Nga. Các siêu nhân người Úc và người Mỹ đều phải vừa bơi vừa lật mình, chúng ta cũng nên như vậy.  (còn nữa)

Không có nhận xét nào: