Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

Hồ Chagrgo Ggagoggmanchauggagogg Chaubunagungamaugg

Đó là tên chính thức của một hồ nước thuộc một thị trấn của Webster, Massachusetts, Mỹ.

Bạn đã từng du lịch tới những hồ nước sâu nhất, lớn nhất trên thế giới như hồ Huron, hồ Baikan, hồ Titicaca, hồ Tonle sap, nhưng có thể bạn chưa đặt chân tới một hồ với tên gọi rất khó gọi. Với 45 kí tự, “Chargo Ggagoggmanchauggagogg Chaubunagungamaugg” là tên của một hồ có cái tên khó gọi nhất ở Mỹ. Nó khó gọi đến nỗi ngay cả dân địa phương cũng không dễ dầu gì nói đúng được, thậm chí có biển báo dẫn đường tới hồ cũng bị viết sai. Sau này, để “đơn giản hóa”, nhiều người gọi nó là hồ Chaubunagungamaug hay Chargo.

Hồ này được tạo nên từ sự rút lui của các dòng sông băng trong Kỷ băng hà cuối cùng. Tham quan khu vực này là một cách tuyệt vời để dành thời gian với thiên nhiên. Du khách tới đây để khám phá các đầm lầy xung quanh hồ, tìm hiểu các kiếm động vật hoang, để bơi lội và chèo thuyền trên hồ.

Hồ này được biết đến từ khá sớm với ba tên gọi khác nhau là: Chabanaguncamogue, Chaubanagogum, Chaubunagungamaug. Các nhà sử học đều thống nhất rằng ba tên gọi đó đều mang chung một ý nghĩa: “Hồ câu cá sát biên giới”. Xưa kia, hồ này thuộc quyền sở hữu của bộ lạc người da đỏ Nipmuc.

Rồi hồ này bị đổi tên khi người Anh chiếm vùng đất này làm thuộc địa. Lúc đó một người Anh tên là Samuel Slater đã xây dựng một nhà máy gần ngôi làng Manchaug và đặt tên là Monuhchogoks. Từ đó người da đỏ gọi hồ này là Chargoggaggoggmanchoggagogg với hàm ý là “Người Anh ở Manchaug”. Không lâu sau, vào năm 1795, tên gọi này đã xuất hiện trên bản đồ thị trấn Dudley. Năm 1831, cả Dudley và Oxford - hai vùng tiếp giáp hồ này - cùng điền lên bản đồ cái tên Chargoggaggoggmanchoggagogg, nhưng tới năm 1830 thì quay lại sử dụng cái tên Chaubunagungamaugg.

Cuối cùng, người ta quyết định ghép tên nguyên gốc do người da đỏ đặt (tức Chaubunagungamaugg) cùng với tên mới (tức Chargoggagoggmanchoggagogg), và ý nghĩa hoàn chỉnh của cụm từ Chargoggagoggmanchauggagogg chaubunagungamaugg này là “Người Anh ở Manchaug tại Hồ câu cá sát biên giới”. Riêng tờ Webster Times đã “dịch” nghĩa cụm từ này là “Bạn câu cá bên phía bạn, tôi câu cá bên phía tôi, và không ai câu cá ở giữa”.

Lời góp:
Nếu chỉ quan tâm tới cái tên của địa danh, thì tên dài nhất phải là tên gọi của thủ đô Thái lan. Bạn không tin ư? Bạn sẽ nói: Dóc vừa thôi cha nội, thủ đô Thailan là “Bangkok”, phiên âm Hán-Việt là “Vọng các” hay “Mạn cốc”, đâu có dài.

Thực ra “Bangkok” là tên “giao dịch” quốc tế. Trong nội bộ quốc gia, họ gọi là “Krung Thep”. Tuy nhiên Krung Thep là tên gọi tắt (kiểu như dân thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí trong văn bản của chính quyền địa phương, vẫn gọi thành phố của họ là “Thành phố”), còn tên đầy đủ được đọc như sau : Krung Thep Maha Nakhon Amon Rattanakosin Mahinthara Ayutthaya Mahadilok Phop Noppharat Ratchathani Burirom Udom Ratchaniwet Mahasathan Amon Phiman Awatan Sathit Sakkathattiya Witsannu Kamprasit.
(Tất nhiên họ viết bằng chữ Thái, hàng chữ trên chỉ là phiên âm tiếng Việt).

Không có nhận xét nào: