Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Tàu ngầm của ông Phan Bội Trân

(Theo CAND.com.vn, trích đăng)

Khi nghe ông sẽ chế tạo tàu ngầm, thực sự tôi (phóng viên) không tin, thậm chí cho là ông bị ảo tưởng, thần kinh có vấn đề, hay đại loại thế. “Đặc trưng” của người Việt mình là khi đứng trước một công việc mới mẻ phức tạp nào đó, thường có xu hướng sợ không làm được, “cái đó sao mà làm được”. Vì thế khi biết ông chế tạo tàu ngầm thì không một ai tin. Họ nói ông bị hoang tưởng. Tuy nhiên, khi ghé nhà ông, điều gây ấn tượng với tôi là căn nhà của ông là một công xưởng với rất nhiều thiết bị, dụng cụ, bản vẽ, chi tiết máy.

Rồi một hôm, tôi được biết ông đã thử nghiệm thành công chiếc tàu ngầm do ông thiết kế và chế tạo.

… Tôi không tin vào mắt mình. Con tàu dài 3,2 mét, ngang 1 mét, cao 1,5 mét, nặng gần 1 tấn, chở 1 người. Vỏ tàu bằng vật liệu nhựa kỹ thuật, lặn sâu tối đa 30m, tốc độ tối đa 15 knot (NST cho là 15 km/h – cũng chỉ vì từ suy nghĩ “tốc độ đó làm sao mà đạt được”). Phiên bản tiếp theo chở 2 người, dài 6m, ngang 1,5m. Vật liệu, linh kiện hầu hết là trong nước. Nhiều chi tiết của tàu chưa tinh xảo như những tàu ngầm tôi thấy trên màn ảnh nhỏ, nhưng nó đầy đủ các chức năng cơ bản của một chiếc tàu ngầm. Tàu có bánh lái trước, sau, có cánh lái lên/xuống. Có kính tiềm vọng, có snorkel (ống thở) hút khí trời, có thiết bị khí nén dùng khi tàu lặn.

Chỉ trang bị động cơ điện, tạm thời ông muốn thử nghiệm khả năng cơ động, lặn xuống, nổi lên của tàu. Thiết bị đổi điện sẽ đổi điện accu một chiều thành điện ba pha xoay chiều. Để tăng/giảm tốc độ, ông không chủ trương tăng/giảm điện áp, mà thay đổi tần số dòng – nhằm giảm thiểu tổn hao điện accu. Ông nói phiên bản sau sẽ thêm động cơ diesel với snorkel tương thích. Ở mẫu này, cửa vào ở phía dưới, với phiên bản sau sẽ có thêm cửa trên. Cửa dưới tiện lợi ở chỗ, là khi mở/đóng, nước không tràn vào tàu (nguyên lí quả chuông úp). Khi dừng ở dưới biển, thợ lặn có thể ra chui ra/vào tàu được, mà không cần khoang trung chuyển.

Ông nói lần thử thứ nhất chưa thành công lắm, ví dụ khả năng dừng cấp tốc và khả năng vào “cua gắt” chưa đạt như mong muốn. Buổi thử nghiệm lần sau ở hồ bơi của Trường kỹ thuật Hải quân đã thành công.

Ngồi gần cả ngày nghe ông kể chuyện mới thấy được sự đam mê của ông. Ông nói: “Tôi thấy mình như có món nợ tinh thần với đất nước vì tôi thấy rằng mình có khả năng để làm điều gì đó cho đất nước, nhất là mong muốn làm sao để góp phần chế tạo ra những sản phẩm công nghệ phục vụ cho lực lượng hải quân để cứu hộ và nhiều mục đích khác nữa”.

Nói thêm: Sau đó, ông đã điều chỉnh thiết kế và đã cho ra đời các mẫu tàu hoàn chỉnh. Hiện ông đã được một công ty Mã lai mua các tàu này và đã đặt hàng sản xuất với số lượng khá lớn, để phục vụ du lịch biển của Mã lai.

Ông Phan Bội Trân (tức Phan Bội An), sống tại Tp.Hồ Chí Minh, 62 tuổi (tại thời điểm viết bài). Cụ của ông là anh em ruột với cụ Phan Bội Châu và làm quan trong triều Nguyễn. Cha của ông tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945 và bị thực dân Pháp bắt giam.

Ông tốt nghiệp ngành hóa học tại Đức năm 1974, sau đó học ngành hóa học tại Pháp, chuyên ngành composite và nhựa kỹ thuật. Tốt nghiệp năm 1978, ông ở lại làm việc cho các hãng chuyên về tàu ngầm và vỏ trực thăng. Năm 1988, nhận lời mời của Đại sứ quán Libya tại Pháp, ông sang nước này hỗ trợ cho họ về bản vẽ, kỹ thuật đúc vỏ tàu ngầm. Về nước năm 1996. Năm 2006 ông lập công ty thiết kế máy móc, vỏ tàu, xe đạp điện, đồ chơi trẻ em.

Không có nhận xét nào: