Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Nghề lặn biển bắn cá kiếm sống ở Ninh vân

(Bài  của một phóng viên, trích đăng) 

Lặn bắn cá thường từ tháng 3 tới tháng 8 “tây”, thời điểm nước biển êm, trong, ít sóng gió. Khác với giã cào, giã nhủi, lưới mành, lưới rút, lặn biển chỉ hoạt động trên những dải đá ngầm, những vùng nước có rạn san hô sâu từ 30 – 50 mét. Hải sản khai thác chủ yếu là cá rạn: Mú, mó, bò chìa, búp nẻ, tôm hùm, mực, ốc,… Cá bắn được ít hay nhiều tùy theo tháng, con nước, mùa trăng. Một năm chỉ “làm biển” có 4 chuyến, cứ gió mùa Tây Nam thổi mạnh là quay ghe vào bờ vì biển động, nước đục.


Anh Vinh, thợ lặn làng Ninh vân. 17 năm theo nghề, đã đưa anh đến các vùng biển miền Trung và miền Nam cho tới Phú quốc, với những bãi cá mú trong rạn san hô. Ra giàn khoan dầu vùng biển Vũng tàu, dưới đáy biển 30 – 40m nước, anh dám chắc chỉ có thợ lặn làng anh mới thấy được vẻ đẹp của giàn khoan.



Anh Quân theo nghề lặn chỉ 12 năm mà đã xây được căn nhà trị giá 50 triệu đồng và mua được chiếc ghe 10 mét, máy 15 CV (ngựa). Anh chủ yếu bắn cá mú hồng ở vùng biển Khánh hòa, Cà ná. Mỗi chuyến bắn khoảng 1 tấn cá mú hồng, doanh thu khoảng 10 triệu đồng. Do bắn cá ở gần, mỗi năm ghe của anh đi từ 7 10 chuyến, trừ chi phí, tiền công thợ lặn, lãi khoảng 40 triệu đồng. Mối lo lớn nhất hiện nay của anh là cá mú hồng ở vùng biển Khánh hòa và các tỉnh lân cận đang thưa dần.

Bác Lục nói: Vùng rạn ở Khánh hòa và các tỉnh phía Nam có số ngư dân đánh bắt tăng, phương tiện đánh bắt nhiều, nên nguồn hải sản ngày càng cạn kiệt. Cá trong rạn bị tận diệt nên tái sinh chậm, một số loài có nguy cơ tuyệt chủng. Hơn nữa, nghề lặn cũng hết sức nguy hiểm. Bác muốn chuyển sang nghề nuôi tôm hùm lồng, nuôi cá bè, nhưng nghề này đòi hỏi vốn đầu tư cao.

Nghề lặn biển cũng đã đổi đời cái xã đảo nhỏ bé có vài trăm hộ dân này. Ông chủ tịch xã đảo nói: Cả làng sống bằng nghề lặn biển. Nhờ nghề này mà tỷ lệ đói nghèo của xã đảo giảm đáng kể. Bây giờ xã toàn là nhà xây với những phương tiện sinh hoạt hiện đại. Tính đến nay, toàn xã có 56 tàu thuyền công suất 30 ngựa trở lên, trong đó có 51 tàu thuyền chuyên nghề lặn biển.

Sanh nghề tử nghiệp: Số người bị tê nhức trong làng Ninh vân hiện chưa xác định chính xác là bao nhiêu. Họ cho biết nguyên nhân là do bị “nước ép”, bị gặp “nước độc”. Trường hợp anh Lành là thương tâm nhất. Vào năm 1999, sò mai ở Phan thiết có giá tới 40 ngàn đồng/kí. Sáng hôm ấy, biển lặng, đẹp trời, anh cùng đám thợ lặn ra khơi. Sau 3 tiếng lặn, anh thấy rân cả toàn thân và phải lên thuyền nghỉ. 2 tiếng sau, anh tê liệt từ vùng thắt lưng trở xuống. Từ đó hai chân anh cứ teo dần.

Tháng 3, mùa đi biển đã đến, ghe trong làng chuẩn bị ra khơi. Họ nói “Chén cơm, manh áo kiếm được chan đầy nước mắt, nhưng trong làng từ xưa đến nay có ai bỏ nghề bao giờ đâu”. Chúng tôi (phóng viên) chia tay Ninh vân. 3 giờ sáng lên ghe đò, biển lạnh buốt, từng đợt sóng vỗ liên hồi. Ở đó, dưới đáy đại dương có bao nhiêu số phận chìm nổi những người lặn biển kiếm sống.

Không có nhận xét nào: