Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Tản mạn nhớ chuyện bơi lội ngày xưa

(Bài của anh Trần Nam Trung)

Sau khoảng 5 tháng đi bơi, thành tích bơi của tôi đã tiến bộ hơn trước và bơi đã thay thế môn chạy trở thành môn thể thao chính vào thời điểm này. Nhớ hồi năm 1992, hồi đang học năm thứ 2 đại học, tôi cùng nhóm bạn cấp 3 đi chơi ở Đồng Mô hay Đại Lải gì đó và tôi đã cảm thấy rất thua thiệt vì không biết bơi. Ngay sau đó, tôi cùng Lê Tử Dương, bạn thân cấp 3 của tôi, đến tập bơi ở bể Tăng Bạt Hồ. Dương là người bày cho tôi bơi ếch. Còn nhớ chỉ một hai buổi đầu, tôi đã bơi được 100 mét ếch, và cứ mỗi hôm sau đó, tôi bơi được thêm 100 mét non-stop dài hơn ngày hôm trước, và sau khoảng 10 ngày, tôi đã có thể bơi một mạch 1 km (20 chiều dài bể).

Từ đó tôi say môn bơi dù chỉ biết bơi ếch. Hè năm 1992, tôi đi bơi ở Quảng Bá, cùng với nhiều bạn trường Bách Khoa, hay cùng với bạn ở khu tập thể trường Y. Sáng nào cũng đạp xe từ nhà lên Quảng Bá khoảng 11 km, vào khu nhà dân ở phía bên kia hồ đối diện với khu bơi lội Quảng Bá, ngày nào cũng vậy, mỗi hôm bơi khoảng 2 tiếng liên tục. Hồi đó làm gì có bể nước nóng như bây giờ, nên chỉ bơi được vào mùa hè và thu, còn mùa đông thì chịu. Thế nhưng có những lúc hăng lắm, đến tháng 11 trời rét căm căm, bể bơi Tăng Bạt Hổ chẳng còn ai, chỉ mỗi mình tôi bơi, nước trong bể có hôm họ chỉ để khoảng 80 cm, mà tôi vẫn bơi, một mình một bể. Đi bơi buổi sáng về nhà ăn cơm vội, rồi mang bị cói áo blue đến bệnh viện thực tập. Hồi đó mỗi tăng bơi là khoảng 45 phút, tôi hôm nào cũng bơi đều đặn 1 km không nghỉ, mất khoảng gần 35-40 phút gì đó, còn thời gian thừa thì tập nhảy cầu.

Còn nhớ có giai đoạn hồi còn học đại học, cả mấy tháng tôi toàn bơi ở hồ bảy mẫu cùng với bạn cùng khu tập thể trường Y, nghĩ lại thấy mình hồi đó "gan dạ" thật – không sợ bẩn. Tôi bơi từ phía đường Đại Cồ Việt ra đảo Hòa Bình, rồi vòng vèo giữa hồ, một tuần đi gần như cả 7 ngày. Hồi đó làm gì có kính bơi, nhưng chẳng thấy bị đau mắt gì cả.

Sang Mỹ, trường UCLA có mấy bể bơi lớn. Tôi đi bơi cùng giáo sư của tôi, người đã dạy cho tôi biết bơi sải. Giáo sư là người rất mê thể thao, một tuần đi bơi 3 buổi, chạy 3 buổi còn lại. Hồi đó chạy thì tôi kém lắm, không thể chạy cùng giáo sư được dù giáo sư cứ rủ chạy cùng. Nhưng bơi thì tôi có thể bơi ếch được. Ở Mỹ, người ta toàn bơi sải chứ không bơi ếch như ở Việt Nam, có lẽ cả bể chỉ có tôi và một vài người châu Á nữa là bơi ếch. Từ khi hơi biết bơi sải một chút, tôi bắt đầu chú ý hơn tới kĩ thuật, nhưng dù sao cũng không thật sự chuyên tâm lắm. Từ Mỹ chuyển sang Thụy Điển, tôi có đi bơi vài lần nhưng chủ yếu là bơi ngoài hồ tự nhiên, còn bể trong nhà tuy có nhưng không tiện lắm về giờ giấc. Thể là ham muốn bơi lội tắt ngấm, lại chuyển sang môn chạy, mà cũng chỉ chạy được trên máy vì thời tiết quá lạnh.

Từ khi sang Mỹ trở lại, xung quanh chỗ tôi ở chẳng có cái bể bơi nào tiện lợi cả. Thế là tiếp tục môn chạy cho tới gần đây. Thế mới biết để tập được môn thể thao mình yêu thích không chỉ cần sự ham muốn mà còn phải có điều kiện phù hợp nữa. Dù tôi yêu thích môn bơi là thế nhưng không có điều kiện thuận lợi thì cũng phải nhường cho môn khác tiện hơn. May mắn là điều kiện thuận lợi đã trở lại. Môn bơi là môn rất lợi ích và phù hợp với nhiều người, nhưng đòi hỏi cao hơn môn chạy – vốn chỉ cần xỏ giầy vào, chạy trên máy hay chạy ra đường cũng được.

Đi bơi thật khác với đi chạy. Khi chạy bộ, tôi có thể suy nghĩ đủ thứ vì không cần để ý tới động tác. Còn lúc đi bơi, tôi chẳng nghĩ được việc gì mà luôn để ý tới đường bơi, tới động tác…Có lẽ bơi ở ngoài thiên nhiên mới thư giãn hơn và đỡ phải tập trung hơn là so với bơi ở bể. Dù sao cả hai đều là môn thể thao aerobic tuyệt vời.

Ghi chú: Anh Trần Nam Trung là tác giả bài Swim swim (đã đăng trên 3-BƠI ở trang tin này).

Không có nhận xét nào: