Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 1 tháng 6, 2010

Một hang động ngầm khác thường (P2)

(tiếp theo và hết)

Nếu những điều kiện trong hang giống như ở dưới vực sâu, thế thì các sinh vật sẽ thế nào ? “Hang chỉ ngập nước từ 8.000 năm nay, vì thế chưa đủ thời gian để những giống loài biệt hóa. Như vậy chúng đã trồi lên từ các vực thẳm của đại dương” - Jean Vacelet giải thích. Điểm độc đáo là các nhà nghiên cứu đã có được một phòng thí nghiệm tự nhiên được bảo quản. Có thể đi từ phòng thí nghiệm ở Endoume đến môi trường sâu thẳm chỉ trong chốc lát, họ không thể mong ước gì hơn nữa. Và họ cũng không tưởng tượng được rằng sẽ khám phá ra tại đấy một loại bọt biển ăn thịt. Đó là phát hiện kỳ thú nhất. Nhưng để nhận thấy được con vật, 3 nhà nghiên cứu đã phải mất 1 năm. Họ đã gán nó vào giống Asbestopluma, vốn giữ kỷ lục về độ sâu. Người ta đã bắt được một con từ độ sâu 8.840m ở vùng đông bắc Tháí Bình Dương. “Chưa ai tìm ra được các lỗ hay ống tiêu hóa để giúp chúng dinh dưỡng cả” - Jean Vacelet cho biết.

Họ bắt một mẫu vật để nghiên cứu bằng kính hiển vi điện tử : hiện ra các mấu nhỏ. Họ nghĩ rằng nó hút thức ăn từ nước biển qua các mấu đó. Họ lại lặn xuống, dùng chuông nhựa chụp lấy con vật rồi bơm chất dinh dưỡng hòa tan vào trong chuông : nó không ăn thứ đó. Họ nhận thấy nhiều loài giáp xác nhỏ bám vào các móc, nhưng lại cho rằng đấy là những loài ký sinh. Sau cùng họ nảy ra ý tưởng bơm loài Artemia vào (loài này dùng để nuôi cá kiểng). Chỉ 1 giờ sau, tất cả đều bị bọt biển bắt giữ.

Ngoài loài bọt biển ăn thịt, còn nhiều loài khác ít được biết đến cũng có mặt trong hang. Chẳng hạn như một loài bọt biển khác, Oopsacas minuta. Hoàng tử Albert I của Monaco đã bắt được 2 mẫu vật đó vào năm 1894 tại eo biển Gibraltar ở độ sâu 924m. Đó là những giọt trong suốt màu trắng. Những đại diện của họ này đều sống ở rất sâu. Trong hang chúng có đến hàng chục con, bé nhỏ và thật mảnh dẻ đến nỗi bọt khí của thợ lặn cũng đủ để bóc chúng ra. Các nhà khoa học phát hiện ra chúng trước tiên, và chúng đã thúc đẩy họ thám hiểm kỹ hơn.

Cũng cùng chỗ ấy, nhiều “quả đồi” cao khoảng 20cm tạo thành một quang cảnh núi lửa tí hon. Nhưng kỳ lạ nhất là những dấu vết hình sao dài 40cm. Chúng chỉ xuất hiện dưới ánh đèn pha của chúng tôi. Chúng tôi đã phát hiện ra nơi sinh sống của một loài giun chưa được biết rõ. Chúng tôi thật may mắn là trong một lần lặn đã bắt gặp một tia “khói” bốc lên từ một đống đất : một điều độc đáo mà các nhà khoa học chưa quan sát được. Có lẽ con giun đang đào hang. Và nó sẽ tạo thành các đường rãnh trong khi thò cái vòi ra để hút những hạt thực phẩm lắng xuống đáy.

Các nhà khoa học chưa hề bắt được con vật, nhưng họ chụp ảnh được nó bằng máy ảnh tự động. Rõ ràng đấy là loài giun tơ với màu xanh đẹp mắt, được nhận dạng khi so sánh với những bức ảnh chụp ở độ sâu. Các dấu vết tương tự đã được quan sát thấy ở độ sâu 2.000m tại vùng biển Malte nhờ tàu ngầm Cyana; nhiều mẫu khác được phát hiện tại hố Planier ngoài khơi Marseille. Một mẫu vật có họ hàng gần đang được nghiên cứu tại Ailen, có lẽ cũng có những tập tính tương tự. Đó là những gì mà người ta biết về loài giun này. Một bí ẩn. Tuy nhiên các nhà khoa học còn ngần ngại trước khi vén màn bí mật lên. Họ chỉ xác định được vài dấu vết, và còn quá nhiều ẩn số : phải đào theo hướng nào? Với độ sâu nào? Làm sao để đừng làm chết chúng?

Nicole Boury-Esnault và Jean Vacelet chủ yếu nghiên cứu về loài bọt biển, còn Jean-Georges Harmelin làm việc với loài động vật hình rêu và sự đa dạng của các giống loài so với khoảng cách đến cửa hang. Những sinh viên mới nghiên cứu về chu kỳ hàng năm của việc cung cấp thức ăn và sự thay đổi nhiệt độ.

Cuối cùng, hang động đó giúp người ta nghiên cứu tại chỗ và theo cách đơn giản, dù các điều kiện lặn rất tinh tế. Nó cũng giúp suy luận rộng sang những giống loài họ hàng ở độ sâu, đồng thời nghiên cứu sâu hơn về môi trường, với điều kiện là luôn nhớ đến các khác biệt so với vực thẳm thực sự, nhất là áp suất và kích thước của địa điểm. Các chủ đề nghiên cứu thật rộng lớn. Ba nhà khoa học vừa khám phá ra một loài bọt biển mới màu trắng, bám vào đá và lan rộng ra bằng những sợi tia. Đó là một loài bọt biển nhện chưa hề được mô tả.

Chỉ còn việc hy vọng rằng đừng có một tay thợ lặn nghiệp dư nào đến đấy để phá rối và làm hỏng địa điểm duy nhất thuộc loại này trên khắp thế giới.

Hình chỉ có tính minh họa.

2 nhận xét:

HCQuang nói...

Nhân ngày Thiếu nhi quốc tế mùng 1 tháng 6, thay mặt "anh blog", chúng tôi xin chúc các "cháu" vui vẻ, thành đạt, đặc biệt là thành đạt trong "sự nghiệp" scuba diving.

Thuật ngữ: "Cháu" ở đây không phải là các nhi đồng theo định nghĩa của Luật, mà chỉ bao gồm những người từ ... 35 tuổi trở xuống. (Tôi xin "khẳng định" rằng, cách đây có 30 năm thôi, những bạn lớn tuổi nhất cũng chỉ mới ... 5 tuổi thôi mà).

tualinh nói...

Hi hi a.HCQ giờ trở lại thời cách đây 30 năm để viết kia đấy?
Tôi nghe nói thám hiểm hang động ở Phong Nha-Kẻ Bàng cũng có nhiều thú vị lắm?