Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

Dao thợ lặn

(lượm lặt từ các lời góp trên mạng)

Dao chuyên dụng của thợ lặn là công cụ Tiện ích và An toàn cho thợ lặn, và không được xem là vũ khí, tuy chúng có khả năng như vậy.
- Chúng dùng để cắt/ngoặc đứt các mảnh lưới, dây nhợ … mắc vào cơ thể.
- Cắm dao xuống đáy biển để dừng lại (neo) tại nơi có dòng chảy mạnh.
- Là công cụ lao động (theo tính năng kĩ thuật của từng loại dao).
- Gõ chuôi dao vào bình lặn để gọi bạn lặn.
- Giúp thợ lặn an tâm(*) khi gặp một động vật biển to lớn.

Dao thép không rỉ và dao titanium đều phù hợp cho môn lặn giải trí. Dao titanium là con dao hoàn hảo, bởi chúng nhẹ, lâu cùn, độ chống ăn mòn cao, yêu cầu bảo trì thấp. Dao thép không gỉ được chế tạo từ thép 300-series như SS-304, hoặc 400-series như SS-420. 300-series là thép chống ăn mòn cao hơn series-400, nhưng mềm hơn nên sẽ phải mài nhiều hơn. 400-series cứng hơn, sắc hơn, nhưng dễ bị ăn mòn hơn và cần được bảo trì kỹ hơn.
Khi bảo trì, bạn nên tháo cán dao để bảo quản phần bên trong.

Có vô vàn kiểu dao, nhưng thường có cấu tạo như sau: Lưỡi dao có 1 cạnh sắc, 1 cạnh răng cưa, 1 móc cắt. Bao dao bằng nhựa cứng, có chốt hãm dao, có dây (đai) với độ dài đủ để đeo dao vào cẳng chân. Loại dao "mũi bằng" thích hợp cho đào xới, cạy; loại "mũi nhọn" thích hợp cho các “trò chơi”.
Để tăng tiện nghi, một số thợ lặn (như lặn hang động) đeo 2 con dao, mặc dù như một kẻ đã nói “tôi lặn cả trăm lần nhưng chưa một lần rút dao”.

Tùy thói quen và mục đích sử dụng mà thợ lặn có phương án (PA) đeo dao khác nhau:

1. Đeo dao ở cẳng chân “kiểu điệp viên 007”: Đeo ở mặt ngoài cẳng chân. Nếu thuận tay phải thì đeo ở cẳng chân phải. PA này tiện lợi khi rút-gài dao, nhưng dao có thể bị vướng khi bơi ngang một đám rong, đồng thời không hoàn toàn thoải mái cho thợ lặn trong khi bơi. Đây là PA của số đông thợ lặn.

Có thể đeo dao ở mặt trong cẳng chân (H1): Sẽ không gây vướng như nói trên, nhưng khi bơi đôi lúc dao quẹt vào chân bên kia.

2. Đeo dao vào đai chì (H2): So với PA trên, PA này nhằm giải phóng đôi chân, nhưng khi tháo đai chì sẽ có thêm rủi ro mất dao. Ngoài ra, nếu bạn bơi sát ngọn san hô thì đuôi bao dao có thể quẹt gây sứt mẻ san hô. Đây là PA của số đông thợ lặn hồi thế kỉ 20.

3. Đeo dao ở đùi (H3): Nếu thuận tay phải thì đeo vào đùi phải. So với các PA, PA này tiện nghi hơn cả. Phức tạp của PA này là phải chống hiện tượng dao bị tụt dần xuống. Như vậy, Wetsuit(**) phải có chi tiết giữ bao dao, hoặc bao dao được bọc bởi một bao khác bằng vật liệu Neoprene có Vencro hỗ trợ, bó vòng quanh đùi.

4. Bỏ dao vào túi của BCD (**): PA này gọn gàng nhất, nhưng nếu cần rút-gài dao nhanh sẽ bất lợi nhất. Thường đây là vị trí cất dao dự phòng (dao xếp).

5. Đeo dao vào bắp tay theo “kiểu Biệt kích” (H4): PA này thuận lợi khi rút-gài dao. Đeo lộn ngược dễ rút-gài hơn trường hợp cán dao ở phía trên, tuy sẽ có thêm rủi ro mất dao. Thường đây là vị trí dao dự phòng (đề phòng khi tay thuận bị kẹt). Nếu bạn dự kiến cầm dao tay trái thì đeo vào bắp tay phải, nhưng cần cộng với một lưu ý là bạn có thói quen tháo gỡ quai đeo BCD ở vai nào trước? Bởi khi gỡ, quai BCD sẽ có thể bị mắc vào dao. Có lẽ vậy nên PA này thường áp dụng với dao cán mỏng (cán dao không ốp nhựa).

6. Đeo dao vào dây lưng chuyên để treo đồ nghề (H2-tham khảo): PA này tiện nghi, với điều kiện bạn không mang đai chì (chì đã gắn đầy đủ ở BCD), vì đeo đồng thời 2 đai, bạn có thể gặp vướng bận khác.

7. Treo dao vào đai vai của BCD: PA này tiện nghi, nhưng khi thay bình khí (cùng BCD) ở dưới nước, thì bạn có thể quên chuyển dao sang BCD mới. Rủi ro này giống như rủi ro của PA4 .

(*) Một Instructor nói “Một số thợ lặn cho rằng dao lặn là vũ khí tự vệ. Thật sai lầm. Nếu gặp cá mập, bạn chớ vội rút dao mà hãy nghĩ về điều này trong MỘT phút”.
(**) Xin xem "Tự điển lanbien" ở bên phải trang blog.

3 nhận xét:

HCQuang nói...

Tui có sửa bài viết chút ít sau khi đăng.

Unknown nói...

Dao mua ở đâu vậy bạn

HCQuang nói...

Bạn có thể mua dao thợ lặn tại các Câu lạc bộ lặn Scuba giải trí, mà một trong chúng là Vietdivers ở Sài gòn.