Thợ lặn đi theo tàu, nhưng không phải ai cũng thấu hiểu cuộc đời sóng gió của Thủy Thủ, kẻ cùng hội cùng thuyền với mình.
(Bài của a.Đạt, một thủy thủ, nguyên là bạn thời Phổ thông với tôi – trích)
Nếu trời yên, biển đẹp thì đời thủy thủ thật là lãng mạn. Nhưng có mấy khi, lúc thì gió mùa, lúc thì biển động, lúc thì mưa bão, thường xuyên gặp sóng, gió nổi lên, khi đó đầu của người yếu sóng sẽ cảm thấy như quay cuồng, chao đảo, mắt hoa, mày váng, ruột cồn cào muốn lộn từ trong ra ngoài bắt đầu ói lên ói xuống. Đầu tiên là thức ăn trong ruột còn cái gì thì ra tất, khi không còn gì thì tiếp theo là một thứ nước màu vàng xanh đắng ngắt mà người ta vẫn gọi là mật, ra cả mật xanh, mật vàng đúng theo nghĩa đen. Nhiều khi ói nhiều quá, mạch máu trong cuống họng vỡ ra, lúc đó nước dịch trong miệng ói ra sẽ là máu nhưng vẫn phải đi ca đều đặn.
Để có cái mà ói ra và tiếp tục làm việc, họ phải uống nước hoặc ăn tạm một thứ gì đó còn có thể nuốt được? Nhiều trường hợp yếu sóng bỏ ca, hay bị bệnh bất ngờ không thể đi ca nổi, sẽ phải có người gánh thêm một ca nữa, mà một ca là 4 tiếng, xong ca trực ai nấy đều mệt mỏi, chỉ muốn nghỉ ngơi, nên việc phải trực thêm là bất đắc dĩ, nhưng có một điểm khác với mọi thứ say như say tàu, say xe vật vờ, mệt mỏi, thì say sóng khi tàu thả neo, chạy trong sông hay cập bờ là tỉnh liền như trước đó không hề có gì xảy ra, giống như giả vờ ốm vậy. Đối với người mới đi biển thì còn có cảm giác say đất. Đi trên đất liền mà có cảm giác khó chịu, bồng bềnh như trên biển và cũng ói.
Trên boong thì sau này có trang bị thêm hệ thống GPS dẫn đường, hải đồ điện tử nên đỡ vất vả. Dưới máy hầu như không có thay đổi gì nhiều! Vẫn phải dựa vào con người là chính. Trong lúc máy chạy ầm ầm, sỹ quan đi ca có trách nhiệm xử lý mọi sự cố xảy ra trong ca trực, như bể đường ống, chết máy do mọi nguyên nhân, ... Nói chuyện với nhau phải gào sát vô tai may ra mới nghe rõ, nên hầu như giữa sỹ quan phụ trách ca với thợ máy phải hiểu ý nhau mới được, ví như người bác sĩ phụ mổ phải hiểu bác sĩ mổ khi mà người đó chìa tay ra mà không nói! Ai mà xử lí chậm là ăn chửi hoặc bị một cái gì đó trong tầm tay bay ngay vào đầu, sau đó khi về bờ là "khăn gói" lên nhận nhiệm vụ tại phòng nhân sự công ty.
Đang lúc biển động, cả con tàu đang chuyển động,bỗng dưng bục đường ống nước hoặc dẫn dầu. Kim đồng hồ chỉ áp lực nước,dầu giảm xuống, phải xử lí ngay không được để cho chết máy. Nếu người thợ máy không đi kiểm tra thường xuyên hoặc không có đôi tai chuyên nghiệp nghe tiếng máy nổ (khác đi bình thường) thì hậu quả xảy ra với cả con tàu là khôn lường! Chưa kể hơi dầu bốc lên mờ mịt, nhiệt độ phòng máy luôn trên 40 độ C, sờ vào bất cứ thứ gì trong phòng máy cũng bỏng rát.
Thủy thủ đi dài ngày trên biển, mấy ngày đầu còn được ăn thức ăn tươi, còn sau đó là đồ đông lạnh, rau héo, thối, mà rau thì rất cần thiết cho con người. Nên trên mỗi con tàu, người nấu bếp rất quan trọng. Thuyền viên được ăn ngon hay không là do tài chế biến của đầu bếp! Người nấu bếp phải có cái tâm mới làm được, còn nhăm nhăm xuống tàu để đi buôn thì cả thủy thủ đoàn thường xuyên ăn mì gói hay tự nấu lấy khi xong ca là chuyện thường. Có lẽ do quá căng thẳng khi đi trên biển nên lúc thả neo hay đi bờ thủy thủ thường hay nhậu để tìm lại sự cân bằng? Thủy thủ cũng dễ đánh nhau thậm chí có trường hợp còn cắn lưỡi, cắt cổ tay ... tự tử do stress khi tàu lênh đênh vài tháng trên biển xa.
Hình: tàu buồm viễn dương thời xưa, chiếc Mayflower nổi tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét