(sưu tầm, trích)
Mấy năm trước, trong một lần dong tàu từ cảng Dương Đông về bắc đảo Phú Quốc, tình cờ Tiến lạc vào vùng biển này. Sau 45 phút hải trình, anh cho tàu thả neo trước một mũi đá. Lặn xuống mười mấy mét nước, anh lạc vào một rừng san hô. Đi tới một điểm có lẽ là ranh giới của đám san hô. Nó dường như được phân định bởi một dải cát mịn. Bên kia dải cát là một thế giới khác. Chằng chịt những khóm đá được phủ rong rêu và xác thủy sinh. Tôm cá cũng ít lởn vởn như những nơi khác. Một vùng nước lạnh lẽo và hoang tịch. Tiến đã phát hiện ở các hốc đá những đôi mắt xám đục đang theo dõi người lạ … hàng trăm đôi mắt, quá nhiều cá mập (bamboo shark). Anh như người tìm được kho báu. Tiến đặt tên nơi này là “vịnh cá mập”.
Những lần sau, khi tàu neo lại mũi đá phía bắc đảo, Tiến lại qua dải cát mịn để đến với vùng biển lạnh. Vẫn từ hốc đá là hằng hà những đôi mắt dò xét. Anh vuốt ve những thân hình sần sùi, gai góc. Hai năm nay, không biết từ khi nào, cá mập ở đây đã không nhát bóng người. Chúng có thể theo con người rời hang và dạn dĩ với những bàn tay trìu mến.
“Lặn chỗ anh có gì hay không?”. “Có san hô tuyệt đẹp”. “Cái đó nơi khác cũng có”. “Nhưng chỗ tui có bamboo shark”. “Chắc gặp không?”. “Chắc!”. “OK, nếu thật vậy thì tuyệt!”. Đó là lần đầu tiên Tiến kiếm tiền từ việc đưa khách lặn đến vịnh cá mập – một cách rất ngẫu nhiên.
Khi vào khu vực cá mập, khách lặn sướng như phát cuồng. Có lần, một du khách vô tình làm đau cá mập, lập tức chúng “không còn bạn bè gì nữa”, may Tiến kịp có mặt để “giải hòa”. Những lần sau, khi đưa khách lặn đến nơi này, anh dặn họ tránh xâm hại nơi cư trú và không can thiệp vào cuộc sống tự nhiên của cá. Và đám cá cũng càng trở nên thân thiện với con người. Vịnh cá mập trở thành “trang trại” của Tiến.
Thức ăn của chúng là các loài tôm cá. Chúng thường theo các đàn cá con vào mé để kiếm ăn nên mắc lưới là chuyện thường. Là một tay săn cá nhưng thấy người ta tóm cá mập bỏ vào bao mà con cá cũng không bỏ chạy, thì anh buồn như thể họ vào vườn bắt thú nuôi của mình. “May là chưa ai tìm ra chỗ ở của đám cá mập”, rồi Tiến chợt chùng xuống: “Chưa phát hiện chứ không phải là không thể phát hiện. Và điều lo lắng nhất là các ghe lưới cào có thể san bằng bãi đá san hô – chốn cư ngụ cuối cùng của chúng”.
Những chuyến đến vịnh cá mập, nhóm thợ lặn nhẹ nhõm khi dưới những khóm san hô vẫn còn những đôi mắt thụp, ló quan sát. Nhưng cũng có những lần bầy cá thưa thớt hẳn. Các anh biết làm gì hơn để bảo vệ vương quốc cá mập kỳ thú này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét