Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2011

Lặn tại Công Viên Biển Quốc Gia Bunaken, Indonesia

Bunaken từ lâu đã cuốn hút tôi như là một điểm lặn không thể không đến trong danh sách những điểm lặn trên thế giới. Với những thông tin có được qua mạng cũng như theo ý kiến của một số divers mà tôi có dịp trao đổi thì Bunaken xứng đáng là một trong những điểm lặn đẹp nhất Đông Nam Á, đồng nghĩa là một trong những điểm lặn đẹp nhất trên thế giới.
Tôi đã phải trải qua một hành trình sóng gió khi bay tới đây vào tháng 7 năm 2010; máy bay của SilkAir đã gặp một cơn mưa giông trước khi hạ cách xuống Monado. Sau 2 lần hạ cánh không được khiến hành khách thót tim và nhiều người đã lầm rầm cầu nguyện thì tới lần thứ 3 máy bay cũng đã hạ cánh được trong tiếng vỗ tay của các hành khách “thoát nạn”.
Mất gần một tiếng chờ đợi một chú khách tây bị lạc hành lý, một tiếng nữa để đi từ sân bay tới bến cảng, cuối cùng thì tôi cũng đã có thể thư giãn một chút trên chiếc thuyền của khu resort Living Colours để ra đảo Bunaken.
Nếu Manado có dáng vẻ của một thành phố điển hình của Indonesia với giao thông đông đúc, nhiều xe hơi cũ và đường phố không được sạch sẽ lắm thì Bunaken đã cho tôi ấn tượng hoàn toàn ngược lại, ở khía cạnh tích cực. Một hòn đảo nhỏ bé và thanh bình, hầu như không có tiếng động cơ ở nơi đây, ngoại trừ âm thanh của những chiếc thuyền chở khách lặn. Không có bất cứ một dịch vụ giải trí hiện đại nào trên đảo nhưng điều đó không quan trọng vì mọi người từ khắp nơi trên thế giới đền đây chỉ với một đam mê duy nhất là lặn và chỉ lặn mà thôi…..I love diving!!!

Để mọi người biết thêm thông tin về Bunaken thì đây:

Công viên biển quốc gia Bunaken được thành lập năm 1991 nằm ở bắc đảo Sulawesi thuộc quần đảo Indonesia. Tổng diện tích của công viên là vào khoảng 90,000 ha với tổng cộng 5 hòn đảo, trong đó diện tích của rặng san hô ở đây là vào khoảng 8 000 ha.



Đảo Bunaken nhìn từ ngoài




Khu diving resort Living Colours



Một góc đảo Bunaken với bờ biển được bao phủ bởi rừng đước


Bunaken có mức độ đa dạng sinh học vào bậc nhất thế giới với khoảng hơn 300 loại san hô và khoảng 3000 loài cá và sinh vật biển. Những loài cá thường thấy ở đây là các loài cá đặc trưng của rạn san hô như cá nemo, cá thiên thần… ngoài ra còn có cá cá heo, rùa biển, Dugongs …

Để được phép vào công viên quốc gia Bunaken, mỗi khách lặn sẽ phải trả một khoản lệ phí là 150,000 Rp (tương đương hơn 300,000 đ Việt Nam). Khoản phí này nghe nói là có giá trị trong vòng 1 năm, có nghĩa là nếu bạn quay lại Bunaken trong thời hạn 1 năm thì bạn sẽ không phải trả phí nữa.


Một chú cá bướm (butterflyfish)



Một đàn cá triggerfish

Rùa biển

Bunaken thu hút khách lặn ở khắp nơi trên thế giới nhờ sự đa dạng sinh học, điều kiện khí hậu với nhiệt độ quanh năm trong khoảng 27°C và 30°C, tầm nhìn dưới nước khoảng 25 m, đây thực sự là nơi lý tưởng cho những người yêu thích chụp ảnh dưới nước.
Lặn ở Bunaken chủ yếu là wall diving và drift diving nhưng ngoài ra ở đây cũng có những dải san hô dốc tuyệt đẹp. Tổng cộng có khoảng trên dưới 30 điểm lặn trong phạm vi của công viên.


San hô thân mềm




San hô thân mềm



Rặng san hô

San hô rạng quạt



Các điểm lặn ở đây nằm rải rác quanh các đảo Bunaken, Manado Tua, Siladen…với thời gian đi tới các điểm lặn chỉ trong vòng vài phút, điểm lặn xa nhất cũng chỉ cách Bunaken chừng nửa tiếng đi tầu. Bên dưới mặt nước chỉ chừng 1m xung quanh đảo Bunaken là các rặng san hô mới đang phát triển và được gìn giữ rất tốt, nếu bạn là người yêu thích snorkelling thì đây quả là địa điểm lý tưởng để ngắm các rặng san hô từ khoảng cách rất gần.



On the way to the dive site

Enjoy the sun before diving

Ready to go…




Wall diving

Để tới được Bunaken từ Việt Nam, theo kinh nghiệm của tôi cách dễ dàng nhất là bay sang Singapore (với Vietnam Airlines, Singapore Airlines hoặc Tiger Airways nếu bạn tìm được giá rẻ) và từ Singapore bay với SilkAir tới Manado. Ngoài ra Manado cũng kết nối với các thành phố khác của Indonesia; do đó bạn cũng có thể bay dễ dàng từ Jakarta, Bali… tới Manado.



11 nhận xét:

HCQuang nói...

Anh chàng Coral này đi chơi tùm lum hết. Khoái thiệt đó. Chúc cho chương trình diving sắp tới của chú cũng thành công tốt đẹp.

Nặc danh nói...

May buc anh em post ky nay khong duoc tot lam vi mot so duoc em cat tu video. Lan sau hy vong se co nhung buc anh dep hon.

AMk3 nói...

Điểm đến lý tưởng, có bạn lặn hợp cạ còn hay nữa.
"tầm nhìn 25m" trời ơi, hôm rồi ở Cù lao Chàm tầm nhìn 20m đã thấy không tin nổi! Tha hồ quay phim chụp ảnh. Coral đi được mấy ngày? Ngày lặn mấy phiên?

AMk3 nói...

Khi viết bài, Coral nhớ đưa thông tin nhãn (tag) để dễ tìm kiếm, phân loại.

Nặc danh nói...

Chữ của Coral sao không có dấu vậy?

Nặc danh nói...

Em di Bunaken được 5 ngay, đi lặn đươc 4 ngày, trong đó mất 3 ngày để học OAD còn lại 1 ngày là fun dive.
ok lần sau em sẽ thêmm tag vào bài viết.
Sorry bạn nặc danh, bây giờ thì tui viết tiếng việt có dấu rồi nhé!

ComputerBoy nói...

Hèm, phê thiệt!
Em chưa có dịp thử wall diving nữa đó.

Em đang tính đi "tiền trạm" Côn Đảo, sau đó dẫn mọi người ra chơi. Dòm địa hình ở Côn Đảo có vẻ như ko có chỗ để wall dive. (Có vẻ ngoài Trường Sa có, nhưng đố ai dám ra! :P)

HCQuang nói...

OK, anh em mình sẽ đi Côn đảo, nhưng nhớ tránh mùa bão nhé.
Hồi lâu lâu rồi, Hải quân ta (duy nhất, một lần) chủ trì lặn scuba ở Trường sa. Về phía dân sự có 1 CLB. Từ đó tới nay không thấy ai kêu gọi gì nữa.

Nặc danh nói...

Mọi người có biết biển Côn Đảo mùa nào đi lặn đươc không? Mà ở đó có trung tâm lặn nào không nhỉ?
Em nghĩ đi Côn Đảo lặn là ý hay đấy, Computerboy bao giờ định đi Côn Đảo vậy?

AMk3 nói...

@Coral: Trong blog này đã có 1 bài về điểm lặn Côn Đảo Trong đó có đủ thông tin về vườn quốc gia Côn Đảo và thời gian thuận tiện cho lặn biển.

ComputerBoy nói...

Ui, chú AMk3 sao đưa cái link post Côn Đảo mà không click được vậy???

Bài về Côn Đảo, có video clip tham khảo về dugon nữa nè: Diving Condao

*) Cập nhật từ Côn Đảo: Bây giờ là cuối tháng 7 rồi nhưng hiện tại ở Côn Đảo biển vẫn còn khá đẹp, êm, ít mưa. Thường thì mùa biển động là từ tháng 9 đến tháng hết tháng 2 năm sau. Ngoài khoảng đó ra thì nếu không có bão, Côn Đảo luôn sẵn sàng đón tiếp ;) Mấy hôm nữa cháu về sẽ có bài nhận xét sơ về Côn Đảo.