Bài
của anh misamainguyen (NST có sửa một vài chữ - không ảnh hưởng tới nội dung)
I.
PHẠM VI CHỦ ĐỀ
Do
hoạt động bơi lội nói chung và môn bơi sải (trườn sấp, crawl, freestyle) nói riêng đều có phạm vi rất rộng
bao gồm từ kỹ thuật đến thành tích và cả hứng thú, nên tôi giới hạn chủ đề
hướng dẫn này chỉ trong phạm vi hẹp là giúp đỡ các bạn đã biết cơ bản về kỹ thuật
bơi sải có thể bơi dài hơn và cải thiện được quãng đường bơi sải của mình.
Vậy cải thiện là thế nào? Mức độ cải thiện mong
muốn là nếu các bạn điều chỉnh được đúng các kỹ thuật trong hướng dẫn (cũng khá
đơn giản), thì có thể đạt được mục tiêu bơi tối thiểu là 1 km và tối đa tùy
theo thể trạng sức khỏe của mỗi người, ví dụ cơ thể như tôi hiện nay có thể bơi
trong giới hạn 5 km bơi sải, ở điều kiện hồ bơi, tất nhiên là đây chỉ là ước
lượng chưa đến mức mình phải kiệt sức - trung bình tôi chỉ bơi 2-3 km mỗi khi
xuống bể.
II. VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT
Trong
các kiểu bơi thì bơi sải và bơi ếch là phổ biến nhất. Do đặc điểm của kỹ thuật
bơi ếch, người biết bơi ếch đều có thể nhanh chóng bơi rất xa 1-2 km đối với cả
nam và nữ, nên tự nhiên rất ít thấy có câu hỏi như "làm sao để bơi ếch
được xa và không mệt (hụt hơi, mỏi cơ)?", dù trên thực tế số người bơi ếch
không đúng kỹ thuật là rất nhiều, nhưng bơi đường trường - hay tạm gọi là bơi
dưỡng sinh - không phải là vấn đề với những người bơi ếch.
Ngược
lại, bơi sải có đặc điểm kỹ thuật khác hẳn với bơi ếch, đồng thời thêm một lý
do là cách dạy bơi sải từ trước đến nay ở nước ta thường sai kỹ thuật là chủ
yếu (kỹ thuật đây được hiểu là kỹ thuật chung hợp lý, đã được thế giới tổng hợp
và phổ biến như một chuẩn từ rất lâu), dẫn đến hầu hết những người học xong một
khóa bơi sải 3-4 tháng chỉ có thể bơi được từ 50 m tới 100 m là hết sức - dù
rằng có nền thể lực rất tốt. Vì vậy vấn đề đặt ra là tại sao bạn đã được giáo
viên dạy hết các kỹ thuật bơi sải, bạn có thể lực tốt hơn rất nhiều so với một
bạn nữ, hay một em nhỏ kia, mà bạn chỉ bơi được 100 m đã thấy mệt hơn là chạy
cả trận bóng đá, trong khi bạn nhỏ kia cứ đều đều từng sải đến cả chục vòng bể.
Sau khi về nhà bạn tiếp tục tập chạy đến 10 km, tập Squat đến 80 kg, rồi ra bể
bơi kết quả vẫn thế, có khi còn tệ hơn cả lúc trước.
Lúc
này bạn băn khoăn là điều gì xảy ra ở đây? Cả về sức bền lẫn sức mạnh bạn đều
gấp mười người khác, mà tại sao không thể cải thiện thêm dù chỉ 10 m, tôi đã
nghe có bạn nói nhìn thấy người khác bơi hàng chục vòng bể như siêu nhân, nhưng
thực ra làm sao lại nhiều siêu nhân đến vậy? Có thể bạn sẽ lên các diễn đàn hỏi
và được rất nhiều cao nhân chỉ giáo, thậm chí cả các huấn luyện viên (HLV) chỉ
lại cho bạn cách thở, cách quạt tay, đập chân ..v.v. nhưng khi áp dụng vào đều
không thực hiện được. Vậy vấn đề tại sao ?
Vấn đề ở đây không phải những điều người khác chỉ
cho bạn không ĐÚNG mà là những điều đó chưa TRÚNG với những gì bạn cần.
Bơi lội là một bộ môn có đặc trưng rất khác với các môn thể thao khác. Từ đó đặt ra các trở ngại việc bạn hoàn thiện kỹ thuật như sau:
III. CÁC TRỞ NGẠI CẦN NẮM RÕ KHI LUYỆN TẬP
Tại sao tôi lại đặt ra các trở ngại trước khi
nói rất ngắn gọn về những kỹ thuật hầu như không phức tạp? Bởi vì với kinh
nghiệm dạy cho nhiều người bơi, tôi nhận thấy những điều rất đơn giản trong môn
thể thao khác chỉ phải nhắc nhở đến 10 lần thì trong môn bơi lội nhắc đến hàng
trăm lần vẫn không thể sửa được. Vì có những trở ngại như sau :
1. MÔI TRƯỜNG NƯỚC
Một
trong những lý do tôi yêu thích môn bơi lội là vì khi thả mình vào môi trường
nước tôi hoàn toàn có thể quên đi mọi stress, thậm chí mọi việc trong cuộc
sống. Nước là một môi trường rất đặc biệt, nó vừa dìm người xuống vừa nâng
người lên. Đặc biệt trong môi trường nước tự bạn phải tìm kiếm oxy để thở, nếu
mất tập trung hay không hoạt động bạn phải trả giá ngay. Cũng trong môi trường
nước, mọi giác quan của bạn đều thay đổi từ xúc giác, khứu giác, thính giác,
cho đến thị giác...v.v. Do đó, có những điều chúng ta có thể dễ dàng thực hiện
trên cạn thì khi xuống nước sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều, và khó khăn nhất,
đó là điều chỉnh động tác.
Tôi đã hàng trăm lần nói chỉ về một động tác
chưa chuẩn, như khủy tay hay chân chưa thẳng với một người, mà người đó cũng
không thể chỉnh được, cứ vào bơi là lại sai. Thậm chí tôi vừa bơi vừa lặn bên
cạnh anh ta đúng 500 m chỉ để theo dõi mỗi khi anh ta sai là hét to lên điều
chỉnh, vậy mà cũng rất lâu sau mới sửa được. Khi con người trong một môi trường
khác lạ như nước, một số người có cách hành xử khác hẳn thường ngày, một số
người quên một cách vô thức. Cộng thêm bạn không thể có một cái kiếng để nhìn
vào khi ở trong bể được, và cũng hầu như không có ai có thể bơi cạnh bạn để
điều chỉnh ngay từng động tác. Nên nói dông dài cũng chỉ để các bạn nhớ kỹ
rằng: sửa một động tác sai trong nước là rất khó, vì vậy bạn phải luôn luôn
hiểu và tự nhớ, tự sửa, kể cả khi đã hoàn thành ngon lành mục tiêu bơi sải 3 km
rồi !
2.
TƯ DUY KỸ THUẬT (còn nữa)
7 nhận xét:
Cháu cũng đang tập bơi sải chú Quang ơi. Phải chi có chú làm huấn luyện viên thì tuyệt.
Tuy bài này không phải do tác giả (anh misamainguyen) gửi cho lanbien-scuba, nhưng vì ảnh đã đăng trên mạng nên tui xem là ảnh đã đồng ý "quốc hữu hóa" bài viết này.
Ngoài ra, do anh misamainguyen là dân chuyên nghiệp, nên có lúc ảnh dùng từ (có thể) hơi khó hiểu đối với một số người không sâu về kỹ năng bơi lội. Đó là lí do mà tui đã mạn phép ảnh sửa một vài từ trong bài.
Chào AoE.
Hôm Vietdivers khai trương văn phòng ở địa chỉ mới, một bạn có hỏi NA là ở đây có dạy bơi không? Chú đành phải đánh trống lảng. Lí do sâu xa để chú từ chối là:
Chú chưa từng được một trung tâm, một HLV hay một VĐV nào dạy bơi cả. Hoàn toàn do chú tự xem tài liệu và gần đây là trên mạng. Khi luyện bơi, chú hoàn toàn dựa vào cảm nhận của bản thân.
Mặt khác, chú không hề có bạn bơi, nên không có ai theo dõi, góp ý cho chú cả.
Vì vậy chú không biết chú có sai sót gì về kỹ thuật không (nếu như chú không tự cảm nhận được về một tiểu tiết nào đó).
Do vậy, chú sẽ rất khó khăn khi được dạy người khác tập bơi. Chú chỉ có thể quan sát người khác bơi và góp ý thôi, trong đó có tụi cháu. Chú chưa nghĩ ra cách để có thể đi "dạy thiên hạ". Cháu hiểu ý chú chứ.
Cuối cùng, một vấn đề tụi cháu cần biết:
-Học bơi theo kỹ thuật cũ (KT của TK20) sẽ rất nhanh. Không trừ một ai, tối đa 16 buổi, mỗi buổi 1h, là bơi ngon lành.
-Học bơi theo kỹ thuật mới (KT của mấy năm cuối TK20 bước sang đầu TK21) thì chẳng biết tới bao giờ mới tốt nghiệp. Có kẻ chỉ vài buổi là OK (mau hơn học KT cũ) nhưng có người vài trăm buổi cũng chưa đâu vào đâu - lại nghi cha nội HLV câu giờ tính tiền.
-Học bơi theo KT cũ rồi sau khi tốt nghiệp thì đi học tiếp để sửa theo KT mới thì sao đây? Sẽ có thể vì "có tật" rồi mà đâm ra khó tiếp thu KT mới. Thế mới rầu.
-KT mới đòi hỏi người học phải tự cảm nhận được mình trong khi chuyển động trong nước. Mà tự cảm nhận thì không định lượng được.
-KT cũ hoàn toàn định lượng được, nhưng lại ... cũ rồi, xài không ngon lành gì.
Bài của anh misamainguyen (bài còn nữa) viết trên cơ sở là ảnh đã quan sát nhiều "thợ bơi" ở Việt nam, đã phát hiện ra nhiều tật của họ, và từ đó đưa ra lời khuyên về KT, về cách luyện tập. Chú nghĩ là sẽ hợp với cháu.
AoE.
Trong bài, tác giả có nói "tôi đã hàng trăm lần nói chỉ về một động tác chưa chuẩn ... mà người đó cũng không thể chỉnh được, cứ vào bơi là lại sai". Cái khó của việc tập theo KT mới là anh ta (chứ không phải phần còn lại của thế giới, trong đó bao gồm cả HLV của anh ta) phải tự cảm nhận được mình.
Dạ, cảm ơn chú Quang. Cháu sẽ tập từ từ, đọc tới đọc lui mấy bài viết chú đăng> Mục tiêu trước mắt là bơi 50m không bị mệt (tại vẫy chân nhiều quá :D).
AoE, các bạn.
Chú vừa tán dóc với chú AMk3, trong đó có đề cập chút đỉnh tới môn bơi trườn sấp cự li dài. Chú AMk3 có bình rằng, trước khi luyện tập bơi nâng cao, bạn cần xác định việc luyện tập này nhằm đạt mục đích gì?
Chú nghĩ rằng, từ mục đích của người tập, HLV (nếu có) và VĐV sẽ thiết lập chương trình luyện tập những kỹ năng gì. Một vài ví dụ:
Luyện bơi nâng cao nhằm:
- Để bơi cự li ngắn, cự li dài, cự li rất dài?
- Để thi đấu, để tự cứu khi đi chơi vùng sông nước, để duy trì sức khỏe, để nâng cao sức khỏe?
- Sau khi qua một khóa nâng cao (theo mục đích trên) bạn có cần nâng cao thêm một nấc nữa không?
Và ...v..v.
Chào các bạn,
Nếu các bạn muốn có thể bơi được xa, và thời gian lâu hơn (liên tục không nghỉ) thì bạn phải tập thở dưới nước đều đặn như bạn đang ở trên bờ. Nhịp tay, và chân phải đều đặn với hơi thở (hít vào/ và thở ra)... Có như vậy bạn mới có sức bền dẻo dai và bơi được lâu hơn/xa hơn được.
Duc
Chào bạn Duc.
Vâng, đúng vậy.
Chúng ta đi bộ trên cạn sẽ đi được rất lâu, vì chúng ta không phải suy nghĩ xem lúc nào nên hít vào, lúc nào nên thở ra, cần hít vào bao nhiêu lít, cần thở ra bao nhiêu lít. Đó là một phản xạ tự nhiên.
Bơi cũng vậy, hít thở cũng phải trở thành phản xạ tự nhiên (bản năng thứ hai) thì mới bơi được xa.
Đăng nhận xét