Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 29 tháng 4, 2010

Truy tìm kho báu hải tặc: P2 - Khẩu pháo bắn vào bão

(tiếp theo)

Barry Klifford (người chuyên buôn đồ cổ tàu đắm), người có công tìm ra kho báu sẽ được một phần tài sản kếch xù. Nhưng trước khi tập trung được mọi hiện vật dưới nước, Whydah phải mất nhiều thời gian cùng với khoản kinh phí trục vớt không nhỏ. "Một vài triệu USD phí tổn có thấm tháp gì so với mấy trăm triệu USD trị giá hiện vật? Sẽ tới một ngày...", B.Klifford cười nói suốt kể từ ngày tìm ra kho báu. “Nhưng sao ông không bán bớt một ít đồ vớt được đi để xúc tiến các công việc còn lại?”. "Ồ, không, tôi không cho phép đụng tới kho báu. Trước tiên tôi muốn mọi vật phải được nghiên cứu đã, bởi đây là những sản phẩm nghệ thuật vô giá...", Barry khảng khái đáp. Tuy có vài nhà tài trợ góp tiền giúp ông, bản thân Klifford cũng đã bỏ vào đây hàng trăm nghìn USD rồi. Ông buộc phải giới hạn các công việc của mình.

Nhà thám hiểm hiện đại thổ lộ: "Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước về Whydah. Tôi cảm thấy con tàu này còn quan trọng hơn là kho báu nó mang theo. Gần 3 thế kỷ nay, dân chúng ở Cape Cod đã nghĩ ra hàng ngàn cách nhằm truy tìm kho báu của Bellamy. Chú tôi cũng là một người trong số đó. Ông kể cho tôi nghe huyền thoại về Whydah lần đầu khi tôi mới lên 8 tuổi và nó cứ ám ảnh tôi suốt. Nguồn tin đầu tiên tôi biết được về Whydah qua các báo cáo lưu trữ của Siprien Suntek, người được nguyên Thống đốc bang Massachusetts cử đi tìm kho báu Whydah hồi cuối thập niên 20 thế kỷ XVIII. Tôi đã tự nhủ nếu tìm được Whydah, tôi sẽ lập một bảo tàng về cướp biển, để các thế hệ tiếp nối có thể thấy tận mắt những hiện vật lừng lẫy một thời, để mà suy ngẫm ...".

Khẩu thần công mà nhóm thợ lặn mục kích dưới nước cũng chính là khẩu súng đã bắn vào bão trước khi tàu chìm. Hai thủy thủ sống sót sau đó kể lại rằng, Bellamy khi ấy quá phẫn uất đã cho thần công khạc đạn khắp nơi: vào bão, vào sóng biển, vào sấm chớp để trả thù những thế lực đã nhấn chìm chiến hạm Đô đốc. Họ khai trước phiên tòa ở Boston và được xử trắng án vì lí do bị buộc phải phục dịch trên tàu. Nếu bị quy tội cướp biển, họ sẽ bị treo cổ.

Barry Klifford đã nhảy cẫng lên khi vớt được đồng xu Tây Ban Nha đầu tiên từ dưới nước. Ông kể lại: "Tôi giữ chặt nó trong tay và nhìn thật kỹ. Trên đó có khắc dấu chữ thập bằng bạc và niên hiệu 1684. Từ giây phút này, huyền thoại Whydah đã biến thành thực tế. Tôi không bao giờ quên được khoảnh khắc ấy: vòm trời đen kịt, mặt biển còn đen hơn, ở giữa là từng đàn hải âu trắng". Đồng xu Tây Ban Nha nói trên chỉ là một trong hàng nghìn đồng xu cổ được vớt lên từ Whydah. Kho báu nằm cách Welflee độ 400m, dưới độ sâu 7,5m nước. Whydah bị một lớp cát đáy biển dày khoảng 2m phủ lên. B.Klifford và đội thợ lặn 9 người thuộc con tàu khoa học mang tên Đức vua West UK Exsplorer đệ nhị chuyên khảo sát đáy biển, đã làm việc dưới sự chỉ đạo của Viện Nghiên cứu Lịch sử và Khảo cổ Đại dương, có trụ sở tại Hải cảng Bristol (tiểu bang Maine).
(còn nữa)
Hình minh họa: huyền thoại về một nữ Tướng hải tặc.

Không có nhận xét nào: