Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Học chụp hình dưới nước. (tiếp theo)



Bài 1. Lựa chọn chiếc máy chụp hình dưới nước đầu tiên.(tiếp theo)
 

Các tính năng của máy chụp hình dưới nước. 

 Bước đầu tiên, cũng là khó khăn nhất khi mua máy ảnh dưới nước chính là quyết định xem bạn sẽ đạt tới đâu trong nhiếp ảnh của bạn. Càng đòi hỏi nhiều đối với những hình ảnh bạn chụp, càng nhiều lựa chọn mà bạn sẽ phải quyết định. Bước này cũng rất khó vì nó đòi hỏi bạn phải dự tính trước cả năm hoặc hơn thế.
 Các nhà sản xuất luôn luôn nhồi nhét thêm nhiều tính năng vào cái máy nhỏ nhất với giá cả tốt nhất, tuy nhiên luôn vẫn có sự thỏa hiệp ở đây. Đặt mức độ ưu tiên cho các tính năng nào là cần cho bạn nhất chính là bước đi đầu tiên tốt nhất. Sau đây là danh sách các xuất phát điểm chọn lựa máy ảnh tốt nhất.

 Sự có sẵn của vỏ chống nước.

 Ngay cả khi có sẵn các vỏ hộp cho một loại máy ảnh, bạn vẫn cần nghiên cứu các tính năng mà vỏ máy của bạn có. Có thể truy cập mọi nút điều khiển máy không? Có những kết nối nào cho đèn chớp lắp ngoài? Có khả năng gắn thêm ống kính để chụp góc rộng, hay macro gần? Có đầy đủ các khoản mục quan trọng để khảo sát. Có một số máy compact chỉ có một loại vỏ máy trong khi những máy “ngắm và bắn” cao cấp hơn hoặc máy DSLR luôn có vài loại vỏ hộp để lựa chọn.

 Ba loại vỏ hộp khác nhau cho máy Canon G10 

Các nút điều khiển bằng tay (Manual controle).

Đây chính là chọn lựa quan trọng nhất khi bạn lựa chọn máy chụp dưới nước.. Trong khi bạn có thể chụp trên mặt đất với chế độ tự động mà không có vấn để gì, thì trường hợp lý tưởng mà bạn cần khi chụp dưới nước lại là phải có nhiều kiểm soát hơn đối với hình chụp. Đó là vì hai nguyên nhân chính sau:

 Nguyên nhân thứ nhất: Đơn giản là chế độ tự động không hoạt động tốt trong môi trường nước như trên mặt đất. Sử dụng các tính năng của máy để đạt được màu sắc và độ phơi sáng tốt là cách hiệu quả nhất khi chụp dưới nước vì máy ảnh không được thiết kế để làm việc với ánh sáng trong nước

Nguyên nhân thứ nhì: Nhiếp ảnh dưới nước có sự khác biệt. Phần lớn các nhiếp ành gia dưới nước đều muốn có nhiều bức hình họ chụp minh chứng cho những cuộc lặn của họ - họ muốn có thể tự hào với những bức hình này.
 “ Tôi đã có một chuyến đi lặn cùng một phụ nữ, cô này mượn được một máy ảnh compact cho chuyến đi. Cô ấy nói chỉ muốn để mẹ xem những gì cô ấy thấy và không muốn phải “phát cuồng” với chiếc máy ảnh trong khi lặn. Cô bắt đầu bằng chế độ tự động, nhưng càng lúc càng trở nên không vừa ý với chiếc máy ảnh. Tới ngày thứ năm thì chúng tôi chuyển sang chế độ chụp tay. Vào ngày thứ 11 cô ấy đã chụp được những tấm hình đẹp hơn và bắt đầu thích thú với chụp hình và xin lời khuyên nên mua loại máy ảnh nào” Như vậy là, cho dù bạn nghĩ rằng bạn sẽ chỉ chụp hình với chế độ tự động thì việc ở dưới nước sẽ nhanh chóng làm thay đổi điều này.
 Cũng phải nói lại là chụp chế độ tự động còn hơn là không có gì. Với những ai chỉ chụp hình với chế độ tự động thì chỉ cần hiểu những hạn chế trước khi mua máy ảnh không có chế độ chụp tay.
 Nếu bạn chọn máy chụp hình hoàn toàn tự động, thì nhiều khả năng bạn không quan tâm các tính năng khác và chỉ cần chọn khích thước và giá cả.

 Cân bằn trắng bằng tay. (Manual White Balance)

 Cân bằng trắng bằng tay trở nên quan trọng nếu như bạn dự định sẽ chụp hình không có đèn chớp và chỉ dựa trên ánh sáng tự nhiên. Do đặc tính của môi trường nước, hình ảnh dưới nước chỉ dùng ánh sáng tự nhiên sẽ lên màu xanh. Việc điều chình cân bằng trắng bằng tay sẽ loại bỏ được được màu thừa này.
Nếu bạn dự kiến sẽ mua đèn flash, cân bằng trắng sẽ không còn quan trọng nữa.
 Tôi dùng tính năng cân bằng trắng (white Balance) để lấy lại màu sắc hình ảnh khi không dùng dèn chớp.

Lựa chọn ống kính.

Nếu bạn dự kiến sẽ chụp hình bằng máy “nhắm và bắn”, bạn sẽ cần chọn loại vỏ có khả năng lắp thêm “ống kính ướt” (“wet lenses”). Ống kính ướt là loại ống kính bổ sung được gắn ở cổng trước vỏ hộp chống nước để cho khả năng chụp góc rộng hoặc macro gần. Nếu bạn quan tâm chụp góc rộng hay Macro, lý tưởng nhất là bạn nên chọn loại vỏ hộp có thể gắn được ống kính mắt cá loại ướt (fisheye wet lense) của hãng thứ ba, Những ống kính này cho phép bạn tiếp cận gần đối tượng nhất có thể đồng thời cho ảnh kết quả với nhiều màu sắc và chi tiết hơn.

 Nếu chọn lựa của bạn là máy DSLR, mỗi thương hiệu máy đều có các ống kính chất lượng và sự lựa chọn ống kính sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết dịnh chọn máy nào. Tuy nhiên, bạn vẫn phải đảm bảo sử dụng đúng loại ngàm tương ứng cho ống kính.

 Sự trễ của màn trập (Shutter Lag)

 Máy chụp hình compact có một sự trễ cố hữu giữa thời điểm khi ta nhấp nút chụp và khi tấm hình thực sự được chụp. Độ trễ này khác nhau tùy theo model. Sự trễ này có thể gây bực dọc khi chụp hình các đối tượng chuyển động như cá hay các động vật hoang dã khác vì khi ta nhấn nút chụp thì đối tượng đã chuyển mất. Hãy kiếm loại máy có độ trễ ít nhất có thể. Máy compact càng cao cấp thì càng được cải thiện và độ trễ càng thấp.

 RAW Files

 Các loại máy khác nhau cho ra các tệp ảnh khác loại nhau. Nếu bạn không có ý định dành nhiều thời gian chỉnh sửa hình ảnh chụp được bằng Photoshop hay phần mềm chỉnh sửa ảnh nào đó thì sự chọn lựa loại tệp ảnh JPEG là ổn. Nếu bạn dự kiến sẽ chỉnh sửa ảnh của mình chụp thì nên chọn loại máy có thể tạo tệp dạng RAW, là loại tệp không nén và giữ lại nhiều dữ kiện nhất có thể vì đó chính là các thuộc tính quí giá khi bạn chỉnh sử hình ảnh.

 Hình ảnh nảy được chụp bằng máy Olympus 5060 và đèn chớp Sealife 960. Một trong các lý do tôi chọn máy Olympus 5060 chính là khả năng chụp ảnh RAW. 

Megapixels 

 Đừng nên để bị gạt bởi Megapixels. Việc gấp đôi số Megapixels không hể gấp đôi độ phân giải, mà chỉ tăng độ phân giải thêm khoảng 40%. Vậy nên từ 8 MP lên 10 MP chỉ tăng độ phân giải quãng 8%. Khía cạnh khác của máy chụp hình, chính là kích thước của sensor quyết định chất lượng của hình ảnh mà nó tạo ra ( Vì thế mà máy DSLR 10 megapixels tạo ra các hình ảnh chất lượng cao hơn hẳn máy compact cũng 10 megapixels Máy DSLR có sensor lớn hơn và mỗi pixel của nó cũng lớn hơn, lưu trữ được nhiều thông tin hơn, và bởi thế nên chất lượng ảnh cũng tốt hơn) Năm 2009 đánh dấu xu thế một số thương hiệu máy ảnh giảm số megapixel của một số dòng máy. Ví dụ như, Canon cho ra G11, con chủ bài của dòng máy point & shoot, với số megapixels ít hơn dòng G10, nhưng với sensor tốt hơn và do đó cải thiện chất lượng ảnh. Trừ phi có nhu cầu in ảnh rất lớn và ưu tiên của bạn là chất lượng ảnh in thì bạn không cần phải lo lắng về megapixels tại thời điểm này.

 Video 

 Nay chúng ta không còn chỉ giới hạn ở hình tĩnh. Phần lớn các máy ảnh loại compact có chế độ video cho phép quay các đoạn phim ngắn, còn hôm nay thì các máy DSLR cũng được trang bị chế độ Video. Quyết định bạn cần có lúc này là chọn chất lượng video theo yêu cầu của mình – là chất lượng chuẩn hay HD thấp trên máy Point & Shoot hay là HD và Full HD trên máy DSLR. Cần nhớ là phim bao gờ cũng có kích thước tệp rất lớn và sử dụng máy ảnh để quay video không phải là lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, một số máy DSLR có tính năng HD có thể tạo video có chất lượng của điện ảnh.

 Kích thước.

 Với một số người, kích thước rất có ý nghĩa. Với những người phải mang lỉnh kỉnh các trang bị lặn và quần áo, thì việc thêm cái máy chụp hình to đùng là quá nhiều, không chịu nổi. May mắn là có cả những máy ảnh có thể bỏ vừa vặn trong túi quần, và vỏ hộp chịu nước nhẹ và nhỏ đủ để có thể đính, treo theo người. Những camera này thường có các tính năng hạn chế, tuy nhiên vẫn còn tiếp tục được cải thiện.
 Nếu như bạn quyết định sẽ lên đường với các phụ tùng như đèn chớp, ống kính bổ sung…thì kích thước của máy ảnh hầu như không còn là vấn đề nữa.

 Một số thứ cần phải để mắt đến…

 Ngày nay, máy ảnh số chịu nước đã khá phổ biến trong giới tiêu dùng, dẫn đến sự tăng vọt các lựa chọn. Máy ảnh chịu nước (waterproof camera), đôi khi được gọi là máy lưỡng cư, được thiết kế sao cho không cần phải dùng tới vỏ máy khi dùng dưới nước. Nhược điểm chính của máy chụp hình chịu nước là nó chỉ cho phép hoạt động ở vùng nước nông. Máy tốt nhất loại này chỉ chịu được tối đa độ sâu 10m/33feet Mặc dù hạn chế được sự đắt đỏ và cồng kềnh của vỏ máy chống nước, sự lựa chọn những máy ảnh chịu nước này chỉ đáp ứng được các chuyến lặn nước nông mà thôi. Tuy nhiên những máy mày rất tuyệt để mang theo khi đi tắm biển, trên du thuyền hoặc lặn với ống thở (snorkeling). Tương lai của những dòng máy chịu nước này sẽ theo hướng nào? Chúng ta hãy cùng chờ xem. Liệu trong tương lai gần có xuất hiện các dòng máy chịu nước được xếp vào hạng máy chụp ảnh cho lặn gải trí? Cũng có thể vậy sau vài năm nữa. Và điều này sẽ làm thay đổi mạnh mẽ thị trường máy hình dưới nước.

 Giá thành trang bị nhiếp ảnh dưới nước.

 Hiển nhiên nhiếp ảnh dưới nước đòi hỏi nặng về trang bị. Giá cả phần lớn các lựa chọn chiếc máy ảnh đầu tiên của chúng có thể đang giảm. Thật không may là ngay cả khi ta chọn thứ rẻ nhất trong những thứ tốt, không có nghĩa ta luôn có thể mua nổi chúng.
Nhiếp ảnh dưới nước không phải là thú chơi rẻ. Vỏ máy, đèn Flash, ngoàm (ports), đèn lấy nét (focus lights), cánh tay đèn và những phụ kiện khác có thể cộng thêm vào chiếc máy ảnh vốn đã đắt tiền trở nên còn đắt hơn nữa. Có hai thứ cần cân nhắc khi đề cập vấn đề ngân sách.

 Ngân sách và cộng thêm 50% 

 Cái đầu tiên cần tính đến là sẽ phải trả nhiều hơn một chút so với ngân sách ban đầu bạn có, đặc biệt là nếu bạn nghĩ rằng sẽ có thể bạn cần nâng cấp máy trong tương lai không quá xa. Nếu như ban đầu bạn mua một chiếc máy nhỏ, đơn giản, chỉ sáu tháng sau bạn lại muốn những tính năng của những máy phức tạp và đắt tiền hơn, thì kết quả là bạn sẽ phải tốn kém hơn. Đây là vấn đề thường xảy ra. Không cần thiết phải có nhiều phức tạp với nhiều tính năng hơn, thì bạn đã có thể luôn tiến bộ cùng chiếc máy ảnh.

 Đừng quên đèn chớp. 

 Chúng tôi khuyến cáo mạnh mẽ: luôn có ít nhất một đèn chớp trong hành lý của bạn. Việc bổ sung thêm đèn chớp (strobe) sẽ tăng chất lượng hình ảnh của bạn nhiều hơn là nâng cấp lên chiếc máy ảnh “tốt hơn". Lý tưởng nhất là mua một đèn chớp hạng trung để bạn có thể chuyển đổi giữa máy, vỏ và các nâng cấp của nó. Cần nhắc lại, chúng ta đã không nhấn mạnh đầy đủ tầm quan trọng của đèn chớp.

 Phụ kiện

 Trong khi các phụ kiện có vẻ được coi chỉ là lựa chọn thêm, thì trong nhiếp ảnh dưới nước nhiều phụ kiện sẽ giúp việc chụp hình thuận tiện và hiệu quả hơn. Ống kính ướt (wet lenses), gá máy (camera stray), cánh tay đèn chớp (strobe arms), và hộp đựng máy chỉ là một vài trong số các phụ kiện phụ giúp bạn chinh phục nhiếp ảnh dưới nước.

 Kế hoạch cho định luật Murphy 

 Nhiếp ảnh dưới nước và định luật Murphy là những kẻ đồng sàng. Hãy lên kế hoạch mua thêm pin dự phòng, vài linh kiện dự trữ và dụng cụ. Đôi khi nên có một bộ dụng cụ sửa chữa nhỏ đi kèm. Lạt nhựa (cable ties), cọ nhỏ, bóng thổi bụi, vài miếng vá tự làm là những thứ hữu ích khi luật Murphy được áp dụng.
 Nhất thiết phải mang theo thẻ nhớ dự phòng, và không quên mang máy laptop hay ổ đĩa cứng. Thứ cuối cùng bạn không muốn xảy ra là làm mất hoặc hỏng thẻ nhớ với tất cả hình ảnh trên đó. Vậy đừng bao giờ quên lưu trữ dự phòng, lưu trử dự phòng , lưu trử dự phòng và bạn sẽ không thể sai.
 Như bạn có thể thấy, khi mua chiếc máy chụp hình dưới nước, tất cả nhữ điều trên chỉ là phần nổi của tảng băng trôi của các trang thiết bị mà bạn cần…

9 nhận xét:

HCQuang nói...

Rất hay. Cám ơn AMk3.
Xem bài, tui vỡ vạc ra được nhiều vấn đề về kĩ thuật. Nghề chơi cũng lắm công phu.

Luật Murphy: có phải "luật" này phát biểu rằng "Bất cứ điều gì có thể đi sai sẽ có thể đi sai". Không biết có đúng không, AMk3? (tại tui không biết tiếng Anh).

AMk3 nói...

Luật Murphy phát biểu: "Bất kỳ cái gì có thể hỏng, nó sẽ hỏng" ("If anything can go wrong, it will."
Xuất xứ của luật này liên quan việc chế tạo các trang bị hàng hải, hàng không...

HCQuang nói...

Tại vì tui đang xem một bài tạm đặt tên là "Trang cuối cùng trong giáo án của tôi" của một HLV cấp cao - giải thích nguyên nhân gây ra tai nạn cho các thợ lặn. Trong đó, anh ấy có dẫn "luật" Murphy.
Cám ơn

coral nói...

Bài viết của anh hay quá. Trong chuyến đi lặn tại Sipadan tháng trước em có gặp một diver với cái máy quay không có đèn chiếu mà chất lượng quay thì rất đẹp. Rất tiếc là em không hỏi được kỹ. Không biết anh AMK3 có ý kiến gỉ không?

AMk3 nói...

@Coral: Máy quay Camcorder vốn được thiết kế để quay cảnh với ánh sáng tự nhiên là chính nên thường có chế độ khuyech đại sáng. Còn để kăắc phục sự thêếu hụt màu sắc dưới nước - máy quay có chế độ cân bằng trắng bằng tay.

coral nói...

Em hiểu rồi!
Như vậy có phải tất cả các dòng máy quay đều có thể cân bằng trắng bằng tay không? sự khác biệt về chất lượng hình có nhiều không khi so sánh với quay với đèn?

AMk3 nói...

@Coral: Theo anh hiểu thì không phải các máy Camcoder (quay phim cầm tay) nào cũng có chế độ cân bằng trắng bằng tay, chỉ có những máy cao cấp thôi. Quay video có đèn chiếu chất lượng ổn định và hơn hẳn không đèn, nhất là ở độ sâu trên 10 met.

ComputerBoy nói...

Xin lỗi cho cháu spam tí: Chú AMk3 ơi, chú đi đâu rồi mà cháu gọi điện không được, cũng không thấy chú đi bơi cuối tuần này! Cháu tính gặp chú ở hồ bơi rồi hỏi chuyện đi Nha Trang tuần sau luôn mà...

Có ai biết tung tích của chú AMk3 thì cho cháu biết với nhé!

AMk3 nói...

@Computerboy: Cuối tuần vừa rồi đi chơi, không ở SG. Từ thứ 3 này lại tiếp tục lặn hồ bơi.