Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Thợ lặn cá mập, những người tìm lại sự công bằng cho cá mập

Nói đến cá mập, hầu như ai cũng rùng mình khiếp sợ trước những cái răng đâm tua tủa trong miệng của nó. Hình ảnh hãi hùng về cá mập như một cỗ máy giết người hàng loạt, một con quái vật kinh tởm một phần là do phim "Hàm Cá Mập" ("Jaws") đã gieo rắc vào tâm trí của người ta và một phần cũng do bản năng săn mồi hung bạo của cá mập cùng với nhiều vụ tấn công con người trên thế giới. Hình ảnh đó xấu đến độ trong phim tài liệu nổi tiếng đầu tiên của thuyền trưởng Jaques Cousteau, cả đoàn thuỷ thủ trên tàu Calypso đã tàn sát một đàn cá mập chỉ vì lòng hận thù!

Sau khi bị giới khoa học chỉ trích, thuyền trưởng Jaques Cousteau đã quan tâm nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ môi trường và tác giả Peter Benchley cũng như đạo diễn Steven Spielberg của phim "Hàm Cá Mập" đã tích cực tìm cách xua đi ấn tượng xấu về cá mập. Thự tế thì trong hơn 360 loài cá mập, chỉ có vài loài là nguy hiểm đối với con người như cá mập trắng lớn (great white shark), cá mập đầu trắng (white-tip shark), cá nhám hổ (tiger shark), cá mập bò (bull shark). Nhưng đa số những vụ tấn công con người đều do cá mập bị nhầm lẫn (VD bóng người lướt ván giống cá con đang nhảy trên mặt nước), bị kích động (cố tình hoặc vô ý chọc phá cá mập), hoặc đơn giản chỉ vì chúng tò mò muốn biết xem "đây là cái gì"! Ngoài ra, có những loài cá mập không hề săn mồi mà chỉ ăn lọc (ăn sinh vật phù du, tảo biển) như cá mập voi (whale shark), cá mập phơi (basking shark)!

Và đến bây giờ thì chính cá mập mới là kẻ cần phải được bảo vệ bởi nhiều loài bị tàn sát hàng loạt, bị cắt vây rồi quẳng xuống biển, và bị đánh bắt vô tội vạ khiến cho số lượng cá mập bị suy giảm trầm trọng trong những năm gần đây. Theo Tổ chức Nông-Lương Liên hiệp quốc (FAO) thì có hơn một nửa số loài cá mập đã bị săn bắt quá mức và đang trên đà tận diệt, trong đó có tới 21% loài cá mập đã bị liệt vào nhóm "có nguy cơ tuyệt chủng". Về chính trị thì một số nước trên thế giới đã bắt tay vào công cuộc bảo vệ cá mập, như Mỹ đã ban hành danh sách những loài cá mập bị cấm săn bắt gồm cá mập trắng lớn, cá mập voi, cá mập phơi,... Còn về ý thức cộng đồng thì nhiều tổ chức cũng như cá nhân đang nỗ lực cải thiện hình ảnh và quan trọng hơn là kiến thức về cá mập cho mọi người, điển hình như dự án AWARE dạy cho dân lặn giải trí kiến thức về cá mập cũng như cách lặn scuba xem cá mập; hay như Mike Rutzen đã dành nhiều thời gian để bơi với cá mập, lặn vo với cá mập để tìm hiểu chúng và để xua tan những nhận thức sai lầm của mọi người về chúng.

Được mệnh danh là "người đàn ông cá mập - sharkman", Mike Rutzen đã bỏ ra nhiều thời gian để bơi với cá mập trắng lớn, đi khắp nơi trên thế giới để tìm hiểu về nhiều loài cá mập khác nhau và loan truyền thông điệp bảo vệ cá mập đến với mọi người. Khác với hình ảnh đen tối thông thường, Mike cho thấy cá mập là loài rất thông minh, thích đùa, hay tò mò, và thích thử mọi thứ bằng... cái miệng của nó! Là một loài động vật săn mồi, cá mập hiển nhiên là rất nguy hiểm (như hổ, rắn), nên khi tiếp cận với chúng, Mike hoàn toàn không dựa vào "vận may" mà anh phải biết rõ con cá mập đó đang "thích đùa" với mình dựa vào cảm nhận và kinh nghiệm của bản thân. Những con cá mập thích đùa thì chuyển động rất khoan thai và không tỏ vẻ hung hăng. Và bằng cảm nhận tinh tường của mình, Mike cho biết cá mập cũng cảm nhận được thái độ của chúng ta để phản ứng lại tuỳ theo cách hành xử của con người.

Một khi đã "làm quen" được với một con cá mập, Mike có thể cưỡi trên lưng nó y như người ta cưỡi trên lưng cá heo vậy!

Không những đùa giỡn với cá mập, Mike còn nghiên cứu cách "thôi miên" chúng, đưa chúng vào trạng thái bất động liệt cơ (tonic immobility), một trạng thái chết giả để giúp cho các nghiên cứu khoa học được thực hiện dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, đối với mỗi loài phải có một cách thôi miên khác nhau, nên Mike đã phải thử nghiệm rất nhiều và luôn luôn lắng nghe những phản ứng của cá mập. Ví dụ dưới đây là cảnh Mike thử nghiệm với con cá mập hổ: Khác với cá mập trắng lớn, Mike không thể thôi miên cá mập hổ bằng cách xoa mũi mà phải vuốt ve hai bên mép của nó.

Còn "thiên thần cá mập - shark angel" Cristina Zenato thì thích thể hiện tình cảm bằng cách hôn cá mập!

Cuối cùng, bonus thêm một clip nghệ thuật cảnh Cristina cho cá mập ăn và đùa giỡn với chúng.

* Chú ý: Tất cả những tương tác trực tiếp với cá mập bên trên đều được thực hiện bởi những chuyên gia về cá mập. Là một loài động vật săn mồi chuyên nghiệp, cá mập hết sức nguy hiểm đối với người thiếu kinh nghiệm và hiểu biết về chúng. Đặc biệt, để có thể dùng tay trực tiếp cho cá mập ăn, nhất thiết phải mang lưới thép bảo hộ (chain-mail) đề phòng trường hợp các mập cắn nhầm vào tay.

2 nhận xét:

ComputerBoy nói...

Trong chiến dịch Hòn Rơm vừa rồi, nhóm mình có bàn về shark diving và "nỗi oan cá mập" nên cháu post bài này cho mọi người thưởng thức :D

HCQuang nói...

Tất nhiên "đùa" với cá mập phải cẩn thận, không "đùa" được đâu.

Nói dưới góc độ khác, trong quan hệ giữa người với người mà có lúc còn hục hặc nhau, thậm chí đánh nhau, giết nhau, huống hồ quan hệ với những anh chàng săn mồi kiếm sống chuyên nghiệp như cá mập, cọp,...
Cái mà người viết nêu ra cho mọi người rằng những kẻ chuyên nghiệp nói trên, về bản chất, chỉ là kẻ "làm ăn lương thiện" (tuy đôi lúc chúng ...) chứ không phải chúng là kẻ giết người.
HCQuang