Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Xuồng ba lá miền Tây Nam bộ


Miền Tây Nam bộ là vùng sông nước, người dân đi lại chủ yếu bằng xuồng, ghe. Các chợ nổi trên sông như chợ Quới Thiện (Cù Lao dài), chợ Trà ôn (ngã ba sông Hậu), chợ Lục sỹ (Cù Lao mây), ... là một minh chứng cho lối sống ở nơi đây. Với địa hình kênh rạch chằng chịt, rừng rậm rạp, đường bộ trắc trở của thuở xưa, thì xuồng ba lá là loại thuyền thích hợp nhất ở nơi đây.

Tên gọi “xuồng ba lá” bởi xuồng được ghép từ ba tấm ván: hai tấm be (hông thuyền) và một tấm đáy. Các “thanh cong” là các khung liên kết ba tấm ván. Đây là loại thuyền hai đầu đều là mũi, chỉ khác ở phần nổi (diện tích “ván sạp” ở lái lớn hơn ở mũi). Thiết bị đi kèm gồm cây chèo để bơi (chèo) trên sông, “dầm” để bơi trong rạnh, “sào nạng” để chống ở nơi nước xâm xấp. Quá trình hoàn thiện, kỹ năng điều khiển và những ứng dụng của xuồng ba lá đã tạo nên một sắc thái riêng cho diện mạo văn hóa miền Tây Nam bộ.

Xuồng ba lá rất thích hợp ở luồng lạch hẹp. Nếu như các loại thuyền khác phải quay mũi khi trở lại, thì với loại thuyền hai đầu đều là mũi này, người ta chỉ cần hoán đổi vị trí ngồi bơi là xong.

Chúng tỏ ra tối ưu khi đi trên mương nhỏ, rạch cạn, chân rừng ngập nước. Đáy phẳng và cạn, chúng dễ dàng đi qua những vùng nước xâm xấp – nơi mà các loại thuyền khác đều thua. Người ta có thể dễ dàng kéo chúng băng qua ruộng trũng. Chúng không chỉ đi trong kênh nhỏ mà có thể hoạt động trên sông cái.

Mớm nước thấp và hông xuồng ngả nên xuồng ba lá dễ bị lật(*). Giữ cho chúng khỏi chòng chành, không bị lật úp là một kỹ năng được tích lũy qua một quá trình.

Trọng tải xuồng ba lá tính theo kích cỡ ván be (một con số rất tương đối). Số be càng thấp thì xuồng càng nhỏ, càng nhẹ, khả năng linh hoạt càng cao, nhưng sức chở lại thấp. Thường là cỡ từ “be bảy” tới “be mười”. "Be mười" có thể chở tới 15 giạ lúa. "Be sáu" là một dạng thuyền câu nhỏ. Xuồng thông dụng dài chừng 4 mét, rộng chừng 0,8 mét, chở được 4 người lớn không kèm hàng.

Chiếc xuồng ba lá gắn bó với vùng quê sông nước miền Tây như gắn bó với cuộc đời người dân nơi đây từ lúc sinh ra cho tới cuối cuộc đời. Cũng như chiếc xe gắn máy ở đô thị Việt nam, chiếc xuồng ba lá đảm nhiệm mọi việc, từ đi học, đi chơi, đi bốc thuốc, đi đám cưới, đám hỏi, thăm viếng, vận tải,… Chúng thủy chung với con người miền Tây như tấm áo mảnh khăn của họ.
 
(*) Về tới nhà, người ta dìm xuồng để tránh bị khô nứt, tới khi lên đường lại phải lắc nước ra; hay vào mùa khô, thiếu nước sinh hoạt, họ bơi xuồng ra sông cái, lắc rửa lòng xuồng, rồi lắc cú chót cho nước vô đầy xuồng và đưa về dùng. Chuyện gì chứ lắc nước vô, lắc nước ra, với xuồng ba lá, chỉ một người phụ nữ nhỏ nhắn hay một đứa trẻ “trọng trọng” đều dễ dàng làm được, bởi chúng được cấu tạo theo “kiểu dễ bị lật”.

4 nhận xét:

HCQuang nói...

Tui có sửa một chút trong phần kích cỡ xuồng ba lá (thông số "be").
Xin lỗi và xin cảm ơn bạn đọc.

HCQuang nói...

Xin bạn đọc đừng nhầm "xuồng ba lá" với "ghe tam bản", mặc dù về văn phạm, "tam bản" có nghĩa là "ba tấm", là "ba lá".

Ở miền Tây Nam bộ, ghe là những loại thuyền lớn hơn xuồng.

Ghe tam bản lớn hơn xuồng ba lá. Thông thường, ghe tam bản cỡ nhỏ cũng phải dài (ít ra là) trên 5 mét và chở được 8 người lớn không kèm hàng. Và cũng như xuồng ba lá, kích cỡ và trọng tải của chúng là những đơn vị đo lường rất tương đối.

Nặc danh nói...

Thông tin rất thú vị, cảm ơn bạn.

HCQuang nói...

Hồi xưa, chỉ riêng vùng Cần thơ mới có xuồng năm lá.

Trong những năm gần đây, do nguồn gỗ không còn dồi dào, ván khổ lớn trở nên hiếm hoi, nên người dân không đủ khả năng đóng xuồng ba lá theo đúng nghĩa đen của cụm từ này nữa, mà phải ghép các tấm ván lại với nhau, thành thử, tuy vẫn là công nghệ và trường phái "ba lá" nhưng nay là nhiều nhiều "lá" (như hình 1 trong bài viết).

Đồng thời, công nghệ "đúc thuyền" composit đã biến chiếc "xuồng ba lá" thành xuồng "một lá".