Từ lời góp của ba huấn luyện viên (HLV) về một số mẹo
lặn scuba, tôi xin trích về chuyện cân bằng và thăng bằng của thợ lặn, để bạn
đọc tham khảo.
Cân bằng (cân bằng trung tính,
Buoyancy).
Kỹ năng cân bằng giúp thợ lặn
(Diver) ở trong trạng thái lơ lửng trong nước mà không cần sự tích cực của họ,
nhằm giữ cho cơ thể của họ không nổi không chìm.
Để cân bằng thì một trong các
việc cần làm là lặn với một BCD xẹp và một trọng lượng chì tối thiểu –
ở mức mà cấu trúc của cơ thể Diver cùng các thiết bị mà họ đang sử dụng chấp
nhận: Đeo đầy đủ trang, thiết bị và bình lặn đầy khí, bạn xuống nước, xả hết khí trong BCD, không cụ
cựa, không hít thở sâu. Nếu chìm tới mức ngang trán thì chì của bạn đã vừa đủ. Bạn
đã “cân” xong.
Nếu bạn xài bình lặn vỏ thép
thì có lẽ ổn rồi, vì độ nổi khi rỗng của bình thép luôn luôn âm, nhưng với bình
nhôm thì chưa chắc, bởi nó có độ nổi dương khi gần hết khí. Cụ thể bình thép 12
lít có sức nổi khi rỗng là -1,2 kg, bình nhôm AL80 (11 lít) có sức nổi khi rỗng
là +1,8 kg.
Do vậy, HLV khuyên nên “cân”
ở độ sâu 5 mét với bình lặn gần rỗng. Bạn cứ việc rong chơi dưới đáy biển với
lượng chì mà bạn đã quen thuộc, và dừng ở độ sâu 5 mét, cho tới khi bình lặn
còn chừng 50 bar, thì tiến hành “cân”: Xả hết khí trong BCD, bạn bớt một cục chì
0,5 kg và cảm nhận sự cân bằng trong một phút. Bạn tiếp tục bớt/thêm chì và cảm
nhận trong một phút cho mỗi lần, cho tới khi đạt được cân bằng. Bạn đã “cân”
xong.
Nếu bạn không sẵn cục chì 0,5
kí cùng bình lặn gần rỗng, thì bạn có thể “cân” bằng cách “đối chiếu ảo/cảm
nhận” với cục 1 kí, với sự hỗ trợ của Divemaster.
Nhưng tại sao nhiều Diver chỉ
cần “cân” ở bề mặt là ổn rồi? Theo HLV, với Divers có cấu trúc cơ thể “không bình
thường” (những kẻ “nằm ngoài” thống kê của giáo án) sẽ phải chấp nhận nhiều thủ
tục hơn so với Divers có cấu trúc cơ thể “phổ cập” (những kẻ “nằm trong” thống
kê của giáo án). Ngoài ra, HLV khuyên mọi Diver nên “cân thêm” ở độ sâu 5 mét thì mới hoàn
toàn “ăn chắc”.
Thăng bằng (trim).
Thăng bằng là việc cơ thể Diver
nằm ngang bằng trong nước một cách tự nhiên, tức bạn không cần nỗ lực điều
chỉnh “cái sự thăng bằng” của mình. Trong lúc lặn mà lúc nào cũng đầu cao chân
thấp (trừ phi có lí do “chính đáng”) thì bạn sẽ không hoàn toàn được thoải mái.
Tại sao bạn lại không thăng
bằng? Những Diver có trọng tâm nằm ở vùng thắt lưng và họ đeo chì ở đó là ổn,
nhưng có khối kẻ đeo vậy thì bị “ngỏng đầu”, tức trọng tâm của anh này bị “xích
lên” phía đầu (do cấu trúc cơ thể của anh ta chứ nào phải tại lỗi của anh ta).
Với Divers này, HLV khuyên họ hãy tự xác định trọng tâm của mình. Theo nguyên lý về mô men trọng lực hay lực đòn bẩy, thì “một pound chì đặt ở vị trí sai sẽ tác động rất lớn về thăng bằng của thợ lặn”: Thay vì đeo tất tật chì ở vùng thắt lưng, bạn lấy ra một cục 0,5 kí (kẹt quá thì đành 1 kí vậy) và giữ nó trong lòng bàn tay. Trong khi rong ruổi, đầu tiên bạn giữ cục chì này ở vùng thắt lưng và cảm nhận trong một phút để “ôn lại chuyện cũ”. Rồi bạn đưa lên vùng ngực và cảm nhận trong một phút, rồi ngang mặt, rồi duỗi thẳng cánh tay về phía trước.
Khi đã cảm nhận được sự thăng
bằng và không thăng bằng tại các vị trí khác nhau, bạn hãy nghĩ cách chuyển một
số chì lên phía trên. Chuyển tới vị trí nào và chuyển bao nhiêu chì sẽ do bạn tự
quyết.
Lời góp của NST:
Cục chì cần dịch chuyển sẽ gá vô chỗ nào? Vị trí thấp nhất chính là đai chì đeo
ở vùng thắt lưng, và (tùy từng loại BCD) cao hơn chút xíu là 2 túi chì “dễ dàng
giật ra trong tình huống khần cấp” nằm hai bên sườn của BCD; cao hơn nữa là 2
túi chì nằm phía sau lưng của BCD (túi đựng chì “dằn BCD”); cao hơn nữa thì BCDs
đều … hết túi. Với những BCD có 2 đai gá bình lặn thì bạn có thể đeo túi chì (tự
chế) vào đai phía trên. Muốn cao hơn nữa thì … từ từ tính tiếp.
H1-2: "tút se" (bao đạn) cuối cùng của người lính cuối cùng (vui).
H3: Diver này đeo chì ở đâu ta (vui)?
1 nhận xét:
Đăng nhận xét