Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Chia sẻ về kỹ thuật bơi trườn sấp (bơi sải) – P1

Học bơi cơ bản (beginner) thì huấn luyện viên (HLV) là thầy. Luyện nâng cao thì HLV là bạn bơi, và trong đó, sẽ có một số lời khuyên là khác nhau (do trường phái của mỗi người là khác nhau), do vậy, bạn không cần phải coi giáo án là kinh thánh. Chỉ những gì bạn cảm nhận được mới là kinh thánh (của bạn, do bạn).

Hãy nhớ lại “thời beginner”: Bơi trườn sấp có 3 kiểu đập chân cơ bản là cứ 2 quạt tay (stroke) thì 6 đập chân (kick), 2 tay 4 chân, 2 tay 2 chân. Động tác vẩy bàn chân cũng 3 kiểu.

P1 - Lời góp của bạn Scerpio (trích)

Bạn thích bơi ếch vì bơi ếch có nhịp nghỉ và khi đó đầu bạn ngẩng lên khá cao và khá lâu, nên bạn sẽ thấy thoải mái. Nhưng bơi ếch lại là kiểu bơi bị cản nước nhiều nhất, do lực từ đạp chân khá nhiều, mà hoạt động của chân lại tiêu hao năng lượng rất nhiều. Bắt đầu bơi, bạn sẽ thấy thoải mái vì được dùng chân, nhưng bơi đường dài mà đạp ếch thì có nước rụng chân. Bạn cứ tưởng tượng bơi ếch giống như bạn đạp xe đạp ba bánh, trong khi sải như đạp xe đạp hai bánh.

Bơi sải ít bị cản nước nhất trong các kiểu bơi. Nếu bơi đúng kỹ thuật thì bạn sẽ bơi bằng toàn bộ cơ thể chứ không phải chỉ là quạt tay – như rất nhiều người nghĩ. Thử nghĩ, chân to và mạnh hơn tay nhiều mà còn mệt mỏi khi bơi ếch, thì cánh tay bạn làm sao chịu được lâu để kéo cả thân? Bí quyết là phải bơi bằng toàn bộ cơ thể. 

Bạn để ý các video quay dưới mặt nước, cơ thể của vận động viên khoan qua khoan lại xung quanh một trục. Con người không có xương sống kiểu của con rắn nên không uốn éo được như rắn, vì vậy cơ thể bạn cần khoan qua khoan lại để trườn đi trong nước. Khi quạt tay, bạn không chỉ dùng cánh tay, mà còn phải dùng cả vai, ngực và xô để kéo nước, bởi vì tay, ngực và xô là những cơ lớn nhất ở phần trên của cơ thể con người.

Tôi thấy nhiều người bơi sải cứ quạt tay liếng thoắng. Họ muốn quạt rất nhanh để đi cho nhanh và để thở cho nhanh. Động tác của họ rất tốn sức nên mau mệt, mà không đi tới đâu cả, vì họ chỉ dùng có mỗi lực của cánh tay mà thôi.

Muốn bơi sải bằng toàn bộ cơ thể, bạn cần học kỹ thuật và kinh nghiệm. Trong khi luyện tập bạn phải bơi chậm lại, và bơi nhịp nhàng hơn. Khi luyện tập, bạn hãy dành thời gian tập kỹ thuật sau:

1. Bơi bằng 1 tay: Bắt đầu bằng 2 tay duỗi thẳng ra phía trước. Mắt nhìn thẳng vào bàn tay. Quạt bằng 1 tay trong khi tay kia vẫn giữ thẳng. Bạn sẽ thấy là khi 1 tay thẳng, người thẳng, thì cú quạt của tay kia sẽ kéo bạn đi được xa nhất. Khi quạt tay, đừng thở liền và đừng quay đầu thở. Hãy giữ đầu cho thẳng, mắt nhìn vào bàn tay phía trước. Bạn quạt cách tay tới khi nào bàn tay qua khỏi bụng thì nghiêng đầu, thở ra mũi. Khi rút tay ra khỏi nước thì miệng cũng vừa lên trên mặt nước – đủ để bạn thở. Co khuỷu tay để rút tay ra khỏi nước, chứ không nên quạt tay như chong chóng cối xay gió. Đừng thở sớm quá. Tay thẳng vẫn giữ thẳng và tập quạt cho hết chiều dài hồ bơi, rồi đổi tay trong lượt về. Cách này giúp bạn tìm cho mình động tác nào sẽ làm cho mình đi được xa nhất. Mỗi lần nên tập khoảng 5x50m hay 10x25m.

2. Bơi 2 tay gặp nhau: Bắt đầu bằng bơi sải thông thường nhưng có cái khác là chờ cho 2 bàn tay gặp nhau rồi hãy quạt. Nghĩa là tay thẳng hãy chờ tay quạt trở về tới vị trí thẳng rồi mới quạt tay kia. Cách này tập cho mình bơi chậm lại và bơi theo nhịp. Nên tập khoảng 10x25m hay 5x50m cho quen cơ.

Bạn cần chú ý là làm sao cho cơ thể càng thẳng càng tốt. Bạn càng uốn éo thì càng bị cản nước và càng mất sức. Cứ nghĩ mình lướt đi như trái ngư lôi vậy. Dùng các cơ lớn (xô, vai, ngực) để hỗ trợ cho cơ cánh tay.

Cái gì cũng vậy, có chịu khó luyện thì mới đem lại hiệu quả. Hãy kiên nhẫn.

Bạn hãy để ý (tự cảm nhận bản thân) qua các điều sau:

- Bạn để ý cánh tay bạn khi rút ra khỏi nước: khuỷu tay cong (như chữ V ngược). Tay lết, trườn vào nước chứ không quạt và đập như chong chóng.
- Để ý một cánh tay bạn quạt trong khi tay kia trườn, lướt qua nước để được đi tối đa. Tay này gần vào nước tay kia mới quạt.
- Để ý dưới nước, chân bên kia quất một cái để quặn người mà lướt.
- Để ý vào vai, một vai lên, vai kia xuống. Hai vai xoay quanh một trục (shoulder rotation).
- Để ý từ đằng trước, không lúc nào vai nằm ngang (vai xiên – để giảm diện tích cản nước).
- Một chi tiết nhỏ rất quan trọng là để ý cái đầu. Khi tay bắt đầu quạt, đầu lúc nào cũng nhìn thẳng về phía trước. Động tác này làm cho cơ thể thẳng ra, ít cản nước.

Nói chung là những động tác gì của bạn cũng nhằm để tiến thẳng phía trước. Không lên, không xuống, không ngang. Đầu đi đâu thì cơ thể theo đó.

Không có nhận xét nào: