Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Những hòn đảo bỗng biến mất. P2 - Đảo Hòn Tro

(Theo dantri.com và vài tài liệu khác, trích)

Hòn Tro là một đảo nhỏ với diện tích khoảng 16 km², hình thành vào năm 1923, thuộc vùng quần đảo Phú quý (*) tỉnh Bình Thuận
.

Ngày 15/2/1923, vùng biển thuộc cù lao Hòn (Phan Thiết) bị chấn động mạnh, kéo dài một tuần liền, nhà cửa nghiêng ngả, người đứng không vững. Thủy thủ tàu Vacasamaru, Nhật bản, khi đi ngang cù lao này, thấy đám khói đen dựng đứng kèm theo một cột hơi dày đặc bốc cao hơn 2.000 m cùng với những tiếng nổ mạnh phát ra từng đợt. Ngày 8/3/1923 cù lao Hòn phun ra những chất màu xám đen, xám nhạt gồm hơi nước, bùn và đất. Trước mỗi đợt phun, nhiều tiếng nổ phát ra như bom và hỗn hợp bùn đá tung lên sáng lóa. Ngày 15/3/1923, núi lửa đã ngừng phun nhưng hòn đảo còn nóng âm ỉ. Tới ngày 20/3/1923, động đất lại xảy ra, núi lửa phun trở lại. Hòn đảo đó là Hòn Tro. Hiện Hòn Tro đã chìm.

Ngày 8/2/1923, một tàu hải quân Anh, khi đi qua vùng này, còn phát hiện thêm một hòn đảo khác với chiều dài 30,5 m, cao 0,3 m, cách Hòn Tro 3,7 km cũng đã phun lửa cao 12 m, xung quanh nước xoáy rất mạnh. Ngoài đợt hoạt động vào năm 1923, tại khu vực Hòn Tro và một số vùng xung quanh, hoạt động động đất và núi lửa đã xảy ra hai lần vào cuối thế kỷ thứ 19 và sớm hơn nữa. Các nhà khoa học cho rằng ở Nam Trung bộ vẫn có thể xuất hiện hoạt động núi lửa, đặc biệt ở khu vực Hòn Tro.

Các tài liệu khác nói về “hai hòn đảo ngoài khơi Trung bộ vào năm 1923”:

Ngày 2/3/1923, tàu máy hơi nước Wakasa Maru, Nhật, đi từ Hồng Kông đến Singapore nhìn thấy ngoài khơi bờ biển Đông Dương ở tọa độ …Bắc và …Đông, phía nam đảo Phú Quý, một cột khói mà thuyền trưởng Horikawa và các thủy thủ nghĩ là một vụ cháy tàu. Thuyền trưởng Horikawa cho thay đổi hướng đi của tàu với dự định tiếp cứu thủy thủ đoàn chiếc tàu lâm nạn. Đến gần hơn, họ nhận ra đó là một vụ phún xuất hỏa sơn. Cột hơi nước và khí lên cao đến 2.000 m.

Ngày 8/3/1923, tàu Carlisle, Anh, phát hiện ở tọa độ nói trên một đảo núi lửa nhỏ dài 450 m và cao 30 m. Ngày 13/3/1923, đoàn khảo sát thủy văn của Pháp ở Đông Dương nhận được lệnh thực hiện một cuộc thám sát hòn đảo mới. Các kết quả của cuộc thám sát, kèm theo một bản đồ, được trình cho Viện hàn lâm khoa học Pháp sau đó.

Một cuộc đổ bộ lên đảo được thực hiện ngày 17/3/1923. Đảo được hình thành bởi một đống mảnh vụn của một chất màu đen có lỗ rất nhẹ - hiển nhiên là tro núi lửa; và do đó đảo được gọi là Hòn Tro. Những khối đặc sít hơn được tìm thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đỉnh. Khối lớn nhất cao 0,75 m và có bề ngang 0,5 m. Đảo có hình móng ngựa hay trăng lưỡi liềm mà hai sừng bị cắt gọt thành vách đứng cho thấy một sự sụp đổ đã xảy ra. Tổng thể này vả lại ít rắn chắc và không chịu đựng được sóng biển. Miệng hố từ đó thoát ra tro và hơi nước nằm ở phía bắc đảo. Các thăm dò độ sâu cho thấy đảo nhỏ này rất dốc. Cách xa bờ 150 m, độ sâu đã ngoài 30 m. Cách xa bờ 1 km, độ sâu là 100 m. Cư dân đảo Phú Quý kể lại với đoàn khảo sát rằng nhiều địa chấn khá mạnh ở đảo này vào các ngày 10, 12, 16 tháng 2, sau đó yếu dần cho tới 22 tháng 2.

Một cuộc thám sát thứ hai, do Nha hàng hải Sài Gòn thực hiện ngày 29/3/1923, nhận thấy những thay đổi khá quan trọng so với bản đồ thiết lập bởi cuộc khảo sát đầu tiên. Đòng thời Hải quân Anh cũng khảo sát và cho biết rằng ngày 13/5/1923 núi lửa vẫn còn hoạt động và một đảo núi lửa nhỏ đã nổi lên cách đảo thứ nhất 4 km về phía nam. Sự hiện diện của một đáy biển cao cũng được xác nhận cách đảo lớn 2 km về phía tây nam. Sau đó, phún xuất núi lửa ngừng và hai hòn đảo này bị sóng biển bào mòn và chìm dưới mặt nước.

(*) Phú Quý (còn gọi là cù lao Thu, cù lao Khoai xứ) cách Phan Thiết 120 km về phía Đông Nam, cách quần đảo Trường Sa 540 km về phía Tây Bắc, cách Cam Ranh 150 km về phía Nam, cách Côn Đảo 330 km về phía Đông Bắc, cách Vũng Tàu 200 km về phía Đông.
H: "Đội đá vá trời" với "triết lý" rằng, không phải kiệt tác nào, cũng như hòn đảo nào, cũng có thể tồn tại được mãi theo thời gian. (Hình do anh Đỗ Nghĩa cung cấp).

Không có nhận xét nào: