(bài trên Việt Báo – trích)
Xe ôm thả tôi (phóng viên) xuống một bến nhỏ bên con sông Cái (Nha Trang) thơ mộng xanh mướt bóng dừa. Chỉ trong vòng 30 phút, dân lặn vo đã tập trung đầy đủ. Khá phong phú: hai cô gái Nhật có làn da trắng phau, quần lửng đời mới, áo thun cá sấu căng hum, trên ngực phập phờ dây chuyền mặt Phật. Hai ông bạn tháp tùng, đeo mắt kính dày dặn gói trong khuôn gọng vàng thanh thoát, phong thái ung dung gọn gàng với túi lặn và dàn camera quay dưới nước. Bốn anh dáng phong trần, bộ đồ lặn rằn ri, mũ bê rê, đồng hồ to như quả lựu, vai cồng kềnh túi lặn, tay lăm lăm súng bắn cá khoan thai từng bước ra bến ca-nô. Chúng tôi ngồi bên nhau trên chiếc ca-nô cao tốc. “Thắt chặt áo phao nghe các vị!”. Vừa dứt lời, chiếc ca-nô ngỏng lên, đuôi hơi thấp xuống, gió tạt mạnh và hai bên sườn tung sóng e... e... e!
Trong lòng biển xanh đầy lý thú và ngoạn mục nhưng cũng đầy bất trắc, đòi hỏi người lặn biển phải chuẩn bị kỹ càng, có kinh nghiệm và quyết đoán. Bộ quần áo lặn là không thể thiếu vì nó không chỉ giữ nhiệt cho cơ thể mà còn tránh được những trầy xước do vách đá, san hô, tránh những nguy hiểm từ bọn cầu gai, cá độc... Chân nhái là sự cơ động dưới nước, bằng 60% khả năng của con người. Đeo chân nhái vào, người lặn có thể rảnh rang hai tay để xử lý súng bắn, dao và thao tác hàng loạt các kỹ năng khác. Ngay cả cái đai lưng có gắn chì cũng vô cùng quan trọng bởi nó là nơi móc theo những đèn pha, máy ảnh, dao tay, móc cá... Một khẩu súng ưu việt, bắn ở tầm xa luôn là niềm mơ ước của thợ lặn vo. Với người thợ lặn, khi lặn xuống đáy biển không gì yên tâm bằng có đồng đội bên mình và cây súng cầm nơi tay. Dù có chạm trán với một con cá mập đi chăng nữa thì với một chiều dài cỡ 1,8 mét cả chân nhái, thêm chiều dài cây súng nơi tay, người thợ lặn đã “ngang nhiên” trở thành một ... loài cá lạ dài hơn 2 mét, như thế thì cá mập cũng chỉ lượn lờ thủ thế chứ không dám chủ động tấn công.
Người lặn được chứng kiến những màn trình diễn vô cùng ngoạn mục và xuất sắc của thiên nhiên. Dưới cái thủy cung bao la và phong phú kia hằng ngày đang xảy ra những chuyện mà kể ra chưa chắc đã có ai tin. Lộc kể: anh say mê hàng giờ chỉ để chứng kiến một màn dựng vở bắt mồi rất điêu luyện của một con bạch tuộc. Khi phát hiện ra sự di chuyển của một chú cua, gã bạch tuộc mắt sáng lên và toàn bộ vỏ ngoài của nó chuyển màu y hệt màu của vách đá. Những cái tua của nó uốn lại, tạo thành một cái hốc. Con cua tội nghiệp kia vô tình tưởng rằng đó là một cái hang đá và bò vào. Rắc! Con bạch tuộc ép gọn chú cua và hiện nguyên hình là một gã lừa đảo tinh quái. Rồi, trong những lần lặn hy hữu, người thợ lặn còn được mát-xa bởi những mũi chích của hàng ngàn con cá cơm đột ngột xuất hiện.
Những lúc như thế, họ không thấy biển đâu cả mà chỉ thấy một màu xám xịt của cá và cá, giống hệt như trời chuyển cơn giông. Và có những khi người lặn phải đi nương theo dòng chuyển của nước biển để ngắm nhìn từng đàn cá nối đuôi nhau hành quân trong trật tự. Ngoạn mục hơn: tôm hùm thì bò ngang, ghẹ thì bò dọc còn những con cá chình thì cứ thập thò. Nói đến chình, dân lặn vo ngại nhất cá chình hoa bởi chúng biết biến đổi thành vân hoa màu đất và không sợ người; cánh thợ lặn sơ ý khi lặn lại gần, chúng tấn công và vết cắn dễ bị nhiễm trùng. (còn nữa)
Hình: Sam Bester và Cá Nhám voi ở Durban-Namphi (không liên quan bài viết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét