Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Thợ lặn vo bắn cá giải trí (spearfisherman). P2: Thỏa mãn nỗi đam mê

... Dân lặn biển nể nhau về kinh nghiệm, sự lỳ lợm, gan góc và sức chịu đựng. Khác với lặn với bình khí, lặn vo từ 2 đến 2,5 phút đã là giỏi. Trong khoảng thời gian ít ỏi ấy, người lặn phải xử lý gọn ghẽ các thao tác đã định trước như: lặn xuống, bắn cá, gỡ cá, thu dây... Khi xuống quá 10 mét nước, cơ thể con người cảm nhận rất rõ sự thay đổi áp suất. Quyết định bắn con cá là cả một sự tính toán kỹ lưỡng. Với những con cá lớn, khi trúng tên thường vùng chạy quyết liệt và chúng lôi theo cả người bắn là chuyện bình thường. Dưới đáy biển đâu có bằng phẳng mà muôn hình vạn trạng những hang hốc. Khi con cá kéo người ta vào đó, người thiếu kinh nghiệm dễ gì tìm được lối ra trong vòng một phút ít ỏi. Chỉ cần sơ ý để ống thở chạm nhẹ vào chướng ngại vật thì kính lặn bật ra và nước tràn vào trong, kể như nguy hiểm cận kề. Những lúc như thế, thợ lặn phải bình tĩnh, buông súng hoặc cắt dây, định hướng để luồn ra và trồi lên trước khi ngạt nước.

Hùng (trong nhóm lặn) kể lại lần gặp nguy hiểm: anh bắn trúng con cá nhái to lắm. Con cá oái oăm không tìm vào hang mà lao lên chạy quay cuồng phía trên. Khi anh nhô lên thì đúng lúc dây của mũi tên quấn tròn vào người anh. Vô tình, con cá quay cuồng kia đã trói người anh lại. Chiếc kính lặn văng ra. Thoáng trong đầu nghĩ chuyến này hỏng hẳn. Chợt nhớ tới con dao bên đùi, anh gắng sức quay ngược lưỡi dao và... phựt! Cả người anh nhẹ băng, chân tay như bứt phá và anh chuồi nhanh lên mặt nước; cả con cá và cây súng cũng mất dạng trong thăm thẳm của biển xanh. Hú vía!

Sau mỗi lần lặn, cứ khoảng nửa giờ một lần, trên đai đeo nơi lưng người thợ lặn là một xâu cá gồm những hồng, mú, mó, chình ... tươi nguyên, ai cũng phấn chấn. Một gương mặt rạng ngời trước chiến tích pha sự thỏa mãn trước thiên nhiên đã hấp dẫn và làm nức lòng biết bao thanh niên ưa mạo hiểm. Có lẽ, lặn biển là một môn mà người ta dễ xích lại gần nhau nhất. Tôi gặp cô Sumi người Nhật cùng hai thanh niên Hàn Quốc trong nhóm lặn của Lộc. Họ chơi với nhau rất thân. Sumi kể rằng, bên Nhật cô cũng có một câu lạc bộ lặn vo. Thế nhưng cô thích mỗi năm sang Việt Nam lặn hơn bởi vì lặn vo bên này "tự do" hơn.

Lộc nheo mắt “Làm đàn ông, hình như ai cũng tốn kém chút đỉnh về những khoản chi cho sự đam mê. Người thì bỏ tiền chơi xe, câu kéo, bay mô hình, chơi diều, nhậu nhẹt ... Còn chúng tôi thì rủ nhau đi lặn. Tốn kém ư? Không bao nhiêu nhưng cái được thì nhiều lắm. Vâng! Chỉ nguyên cái chuyện ém hơi, dai sức, tăng đề kháng với bệnh tật cũng khó có môn nào hiệu quả hơn môn này”. (hết)
H: Người phụ nữ này là một trong những kẻ lần đầu tiên lặn biển scuba ở tuổi 60 (không lên quan bài viết, trừ mấy hàng chữ cuối cùng).

4 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Nghe kể mới thấy nhiều điều lạ. Nhưng cũng đừng quá liều, nghe ông CQ! Giống khi lên trên trời, khi xuống đáy biển cũng không có chỗ dựa lưng đâu!

TranKienQuoc nói...

Đã link vào BT5 cho những ai thích.

Nặc danh nói...

Đây là bài anh Chí nhắn tin? Bài hay,cái được của lặn thì nhiều.Phải chi anh Chí mời tui dĩa susi với mù tạt, sản phẩm do anh kiếm được từ biển thì sức thuyết phục sẽ tăng gấp vạn lần.

TM

HCQuang nói...

Chào a.TM.
Đúng rồi. Tui nhớ hồi lâu lâu, anh có hỏi tui về chuyện đi lặn vo bắn cá nó ra làm sao, nhưng tui chưa tham gia loại hình giải trí này bao giờ, nên không biết trả lời anh thế nào. Nay "quơ" được bài này bèn đưa lên, trước để bá tánh coi chơi, sau để anh tham khảo.