Lỗ xanh là hang động ngầm dưới đáy đại dương, có vách dốc đứng như cái giếng. Chúng là hang cac-xtơ bị sụp nóc, xuất hiện vào cuối Kỷ Băng hà (cách đây khoảng 15.000 năm):
Nhiều triệu năm trước, các hang cac-xtơ đã hình thành trên đất liền. Những vỉa đá vôi dưới tác động (ăn mòn, lắng đọng) của không khí và nước ngọt, đã tạo nên hệ thống hang động ngang dọc và vô vàn nhũ đá. Sau một thời gian nữa, hang động này rộng thêm làm mái vòm trở nên nặng nề (và cộng với động đất) làm một số đã bị sụp nóc, tạo ra "giếng (thông lên) trời".
Tới cuối Kỷ Băng hà, băng tan chảy, mực nước biển dâng cao thêm khoảng 100-120 mét (như ngày nay) làm chúng bị nằm lại dưới đáy đại dương. Các dấu vết do nước biển khắc trên vách hang dưới độ sâu 45-50 mét và 5-6 mét là những chứng cứ cho thấy các thời kì nước biển dâng lên.
“Lỗ xanh” có nghĩa là lỗ sụp màu xanh. “Lỗ” vì sự thay đổi độ sâu đột ngột của đáy biển nơi đó, “xanh” vì màu sắc giữa nó với vùng biển xung quanh có độ tương phản rõ rệt, bên trong xanh đậm còn xung quanh xanh lạt. Từ mặt nước nhìn xuống, chúng giống như chiếc giếng khổng lồ ghê rợn dưới đáy biển. Chúng thật sự nguy hiểm.
Do nước biển trong nhiều lỗ xanh bị hạn chế lưu thông, nên chúng bị thiếu oxy trầm trọng, thậm chí có hydrogen sulfide trong nước, và cũng do rất thiếu ánh sáng, nên sinh vật biển ít định cư ở nơi đây, nhưng lại hình thành một quần thể sinh vật biển kì lạ. “Dưới đó giống như một hành tinh khác vậy. Điều này còn vượt qua cả sự tưởng tượng của tôi” – Wes Skiles (nhà nhiếp ảnh tiên phong trong lĩnh vực chụp ảnh hang động dưới nước) kể lại.
Nhiều lỗ xanh đã được phát hiện nằm rải rác từ quần đảo Bahama và Belize cho đến Biển Đỏ. Đa số lỗ xanh có đường kính khá rộng, đặc biệt hang Great Blue Hole có đường kính tới 305 mét. Lỗ xanh sâu nhất là hang Dean, 202 mét, nằm ở vịnh phía tây Clarence Town của Long Island, Bahamas. Các lỗ xanh khác có chiều sâu chừng phân nửa so với Dean. Các lỗ xanh ăn thông với những hang nằm ngang, với các “sảnh đường” hùng vĩ, trong đó có hang Cascade Room sâu 24 mét với hơn 10 km chiều dài hang đã được khám phá.
Thợ lặn lỗ xanh cần có kinh nghiệm lặn hang động, phải có các thiết bị phù hợp và qua huấn luyện chuyên ngành. Những mảnh xương rùa biển tìm thấy trong lỗ xanh cho thấy rùa đã chui vào hang nhưng không bao giờ tìm thấy lối ra. Điều này cũng sẽ nguy hiểm đối với thợ lặn: Tuy có thể chỉ đang ở độ sâu 30 mét, nhưng anh ta phải tìm thấy lối ra trong một hàng lang dài 70 mét có nhiều ngóc ngách – trước khi anh ta có thể nổi lên. Nếu anh ta, bạn lặn hoặc một con rùa biển đã khuấy động phù sa, thì rất có thể anh ta sẽ không bao giờ tìm ra lối về. Cũng tương tự nếu anh ta không dự phòng đầy đủ khí thở.
Hình: Lỗ xanh ở Belize nhìn từ trên không.
3 nhận xét:
Lỗ xanh cũng là nơi các nhà vô địch lặn tự do lập kỷ lục về lặn sâu của mình.
Ô, tui không ngờ thợ lặn vo lại "dám" lập kỉ lục ở lỗ xanh. Tui xem một số hình chụp mô tả về lỗ xanh mà đã thấy ớn rồi. Tui nghĩ, chắc tui chỉ cần nghe bá tánh kể lại là đủ rồi.
Mô phật.
Tui dự trữ 2 bài đi lặn ở lỗ xanh, khi nào "cờ bí" thì "dí" bài lên blog. 1 bài về cảm tưởng của 1 thợ lặn nghiệp dư lần đầu lặn lỗ xanh, 1 bài của 1 thợ lặn chuyên nghiệp đi lặn giải trí ở đó. Mỗi bài mỗi vẻ, góc nhìn khác nhau.
Đăng nhận xét