Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

Nguyên lý về Bơi chìm và Bơi nổi

(Bài của Phạm Anh Tuấn, trích)

Sai lầm của các giáo trình và phương pháp dạy bơi là tập cho ta sự “nỗ lực làm nổi”. Chính “nỗ lực làm nổi” đã tạo cho ta tâm lý “sợ chìm”, càng sợ bị chìm, ta càng dễ bị chìm hơn và ta sẽ dễ phát hoảng khi bị “chìm”. “Nỗ lực làm nổi” ban đầu được hỗ trợ bằng hai cái phao nhỏ đeo ở nách và một miếng xốp đeo ở lưng. Dần dần, khi đã quen, “nỗ lực làm nổi” sẽ được thay bằng các động tác liên hoàn để giữ cho cơ thể ta luôn nổi trên mặt nước. Đó là học bơi theo giáo trình.

Với tôi, “biết bơi” có hai thứ hạng là bơi nổi và bơi chìm.

“Bơi nổi” là cách bơi mà bạn được học khi đăng ký học bơi. Đối với những người này, dù đã biết bơi(*), nguy cơ bị chết đuối ở trong tự nhiên vẫn cao như người không biết bơi, thậm chí cao hơn.

“Bơi chìm” là cách bơi mang tính nhận thức: Bạn phải hiểu được nước, phải hòa vào nước, đi trong nước, nghe trong nước, nhìn trong nước, bạn không cần nhiều nỗ lực để “làm nổi” lên mặt nước, ngoại trừ để hít chút không khí. Khi đã thực sự biết bơi, bạn sẽ thấy nước không hề nguy hiểm, mà trái lại, là một môi trường đầy quyến rũ.

Biết bơi theo hai nghĩa trên, giống như đối với một đứa trẻ, vừa phải biết cách học giỏi vừa phải biết cách sống tốt. Mà … thực ra, chỉ cần biết cách sống tốt đã là giỏi lắm rồi.

Tôi muốn bạn bắt đầu bằng sự “chìm”.

Ở một độ sâu vừa phải (do bạn chọn), bạn hãy thả lỏng cơ thể, hít một hơi vừa phải, nhắm mắt và buông người nằm sấp để cho cơ thể chìm tự nhiên trong làn nước.

Lần thứ hai, hãy hít một hơi dài hơn, và lặp lại như lần thứ nhất, nhưng bây giờ bạn hãy mở mắt ra, và thở ra nhè nhẹ để tự mình nhìn thấy những bọt khí nổi lên trong nước.

Lần thứ ba, cũng như vậy, nhưng hãy bắt đầu nhìn ra xung quanh bạn, hãy cảm nhận cơ thể bạn trong nước, hãy đưa tay ra để nhìn ngắm bàn tay mình, thử động đậy chân.

Bạn hãy lặp lại vài lần và sẽ nhận ra rằng mình “chưa hề chìm”, cho dù mình có buông xuôi tay chân và nằm sấp trong nước, cơ thể mình vẫn nổi. Nước sẽ đưa ta nổi lên, vô điều kiện.

Vậy “nỗ lực làm nổi” là không cần thiết. Khi đã làm quen với nước, bạn sẽ cảm nhận nó, như là không khí. Bạn ở trong nước và bạn nổi, điều đó tự nhiên như khi ta đứng trên mặt đất.

Việc còn lại của bạn là học cách hít thở và di chuyển bằng những động tác đơn giản, có thể học từ một con ếch.

Cách dạy bơi của tôi rất hiệu quả, vì những người được tôi dạy chỉ mất 30 phút để bơi và bơi rất tự nhiên, như đã nói ở trên, như người ta đi bộ.

Cho tôi lạc đề chút xíu:

Trong cuộc sống nói chung, con người đều được giáo dục để ít nhiều tập được tính “nỗ lực làm nổi”. Nhưng bằng những thành công và đẳng cấp cụ thể (mà đôi khi rất hư ảo), người ta không hề nhận ra “nỗ lực làm nổi” ấy là một sự lãng phí thời gian.

Cuộc sống cũng có qui luật như tự nhiên, mà chữ “tự nhiên” bản thân nó cũng nói lên được bản chất của cuộc sống rồi. Đôi khi, cứ sống tự nhiên thôi. Sống như cái cây ngọn cỏ, như con thú trong rừng. Bớt “nỗ lực làm nổi”, cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn chăng?

Đừng sợ chìm, không chìm được đâu. Khi không cảm thấy bị chìm, khi cảm thấy mình tự nhiên nổi, thì mọi việc còn lại như hít thở, khua tay, đạp chân sẽ trở nên tự nhiên và dễ dàng.
(*) Tác giả coi những người biết bơi theo phương pháp “nỗ lực làm nổi” là người chưa hẳn đã biết bơi.

8 nhận xét:

HCQuang nói...

AMk3 ơi, tại sao khổ chữ trong bài này lại to quá vậy, và có chữ đậm chữ lạt nữa. Anh sửa dùm thành khổ chữ như các bài trước đây và chỉ gồm một loại chữ không đậm. Cám ơn.

AMk3 nói...

@HCQ: Sau khi đã "dán" nội dung bài vào cửa sổ soạn thảo, bác phải chọn toàn bộ văn bản và chỉ định lại phông, kiểu chữ và độ lớn của chữ.
Bài viết này rất hay, một lối đặt vấn đề hoàn toàn mới. Các huấn luyện viên lặn tự do đều sử dụng lối tiếp cận này để dạy lặn.

ComputerBoy nói...

Hè, chú Quang làm cháu nhớ bài học đầu tiên cháu học lỏm được trong một lớp bơi nào đó hồi con nít, đó là bài "lướt nước"... Lúc đó cháu mới biết rằng "chẳng cần phải làm gì để nổi cả, quạt tay đạp chưn là chỉ để lướt tới trước và ngoi lên thở mà thôi". Và có lẽ đó vẫn là bài học quý giá nhứt, vì từ đó về sau, cháu chẳng còn bao giờ sợ chìm nữa... Sau đó cháu cứ thoải mái nằm hằng tiếng đồng hồ ngoài biển! Và kể cả mấy lần bị vọp bẻ (chuột rút) ngoài biển, mấy lần bị trong hồ, chưa bao giờ cháu bị lúng túng khi đã biết cách "không làm gì vẫn nổi" :D

Đối với cháu, "đứng nước" là cái trò "trâu bò" nhứt, có lẽ chỉ để so đọ cơ bắp mà thôi :D Và hồi dẫn các bạn đi Okinawa ("Hawaii của Nhật"), chỉ với 1 buổi hướng dẫn cách "nín hơi và nằm trên mặt nước", cháu đã giúp nhiều bạn thoải mái nằm ngắm san hô tuyệt đẹp (không dùng snorkel).

HCQuang nói...

Tác giả bài này là một huấn luyện viên bơi lội xuất sắc và phụ trách mạng E_Bơi (dạy bơi trên mạng). Theo tui hiểu thì phương pháp bơi lội của ảnh đồng hành với "Kỹ xảo bơi lội" của HLV Mạnh Tuấn (XB 2/2006), và cấp tiến hơn "100 bài tập hoàn thiện và nâng cao kỹ thuật bơi" của Tiến sỹ Nguyễn Đức Thuận (XB 2/2006)(không phải ông N.Đ.Thuận trong "Bất khuất").

Do tác giả viết cho đối tượng là các cháu thanh thiếu niên nên (trong bản gốc) hành văn của ảnh theo kiểu đàn anh, đàn chú hướng dẫn cho đàn em, đàn cháu. Với blog của chúng ta (đối tượng là những người từ bậc lão thành trở xuống tới tận ... rất ít tuổi) nên tui đã mạn phép cắt sửa, trước là cho gọn, sau là để giọng văn phù hợp với các đối tượng của blog của chúng ta.

Bài tui đăng trước bài này một chút, do cách viết, cách hướng người đọc tiếp cận nội dung, theo kiểu Tât, cho nên bên Ta đọc có thể bị hiểu lệch đi chút ít. Vì vậy tui đã bỏ bài đó và thay bằng bài này - cũng cùng một nội dung nhưng khác về cách giúp bạn đọc tiếp cận nội dung.

HCQuang nói...

Ủa, viết lộn, xin sửa ...theo kiểu Tây...
Xin lỗi bạn đọc.

TchyA nói...

Bài viết hay quá chú Quang ạ. Cháu xem những đoạn video clip trên youtube, bên Tây người ta có những lớp dạy chìm trong nước cho trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Mục đích của những lớp này là để cho trẻ quen với nước và không hoảng sợ khi bị rơi xuống nước. Cháu nghĩ phần lớn trường hợp chết đuối là do nạn nhân hoảng sợ.

HCQuang nói...

TchyA.
Hồi TK20, các HLV (của hầu hết các môn thể thao) quan niệm rằng cứ luyện tập, luyện tập và luyện tập là sẽ thích nghi; tức về mặt "triết học", khi lượng (số lượng) đổi tới một mức nào đó thì dẫn tới chất (chất lượng, bản chất) đổi.
Bước vào TK21, người ta không phủ nhận quan niệm trên, nhưng đề nghị người tham gia (VĐV) hãy thích thú với cái mà mình tham gia - trước khi tiến hành luyện tập về kỹ thuật.
TK21 hướng VĐV tới việc vui thú (tìm thấy niềm vui) trong luyện tập thay vì xem luyện tập là khổ sai.
Hồi xưa cũng đã có HLV theo trường phái như vậy, nhưng chưa được phổ cập.
Cách đây chừng vài chục năm, chú được xem một cuốn phim Truyện kể về chuyện huấn luyện bóng chuyền nữ của Nhật bản (mà HLV theo trường phái khổ luyện thành tài) và của Liên xô (mà HLV theo trường phái tạo niềm vui trong luyện tập). Kết thúc phim là đội bóng chuyền Nhật bản được huy chương Vàng, đội Liên xô huy chương Bạc.

HCQuang nói...

Có một bạn hỏi tui trên email thế này:
Tại sao cháu tập bơi đã 5-6 buổi rồi mà vẫn chưa đâu vào đâu.
Thực khó trả lời vì tui đâu phải là HLV nên tui đành trả lời: giáo trình dạy bơi gồm 16 buổi (dạy kiểu một kèm một), cháu mới 5-6 buổi thì ... chưa là bình thường.

Rồi một câu hỏi khác: Tại sao cháu cảm thấy rất khó nổi trong khi tập bơi.
Tui đành trả lời (chứ biết nhờ cậy ai bây giờ): Theo lý thuyết Bơi nổi, Bơi chìm của P.A.Tuấn thì do cháu sợ bị chìm nên mới "ra nông nỗi" này. Như vậy là phải tập "sợ nổi" mới được.
P.A.Tuấn có nói, đại ý: ai mà chẳng nổi, nổi là đương nhiên, chìm khó lắm, nên bạn phải tập chìm thôi.
May quá, thế nào mà tui lại đoán trúng "bệnh" của người đặt câu hỏi.

HCQuang