Danh sách các tab/trang

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2012

Đặc công nước thời bình

(bài trên báo Thanh niên, trích)
Tôi (phóng viên) đến thao trường giữa mùa đông năm 2011, gió thổi ù ù, cái rét làm khô héo những cây cỏ bên bờ sông Giá, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Các chiến sĩ đang tập bài “thả ống”. Sau lệnh “xuất phát”, hàng chục chiến sĩ lao xuống dòng nước lạnh. Tôi căng mắt nhìn: “Họ đâu rồi?” –  tôi hỏi với hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Chỉ tay về phía những đám bèo xa xa, anh đội trưởng đưa tôi chiếc ống nhòm: “Nhà báo cố nhìn kỹ ở đám bèo kia, sẽ có một vài ống thở nhỏ xíu nhô trên mặt nước, đó là nơi các chiến sĩ đang tập thả trôi”. Sau 15 phút, cả đội đã hoàn thành bài tập tiếp cận. Một chiến sĩ nói “có đêm trời lạnh dưới 10 độ C, chúng em vẫn phải xuống nước bơi vài cây số”.

Vào mùa đông, sóng biển cấp 3, cấp 4, họ được tàu đưa ra vùng đảo Bạch Long Vĩ, Trường Sa. Họ phải lênh đênh trên phao, tự sinh tồn, tự tìm đường về vị trí tập kết. Có lần nhảy dù xuống rừng hoang vắng, tự tìm thức ăn, nước uống để sinh tồn và tìm về vị trí tập kết.
Ở bài vùi mình trong cát nóng, anh em tâm sự: “Sóng gió, lạnh lẽo tụi em không sợ, nhưng anh nào cũng ngán bài vùi mình trong cát. Trời mùa hè 39-40 độ, tụi em ra cồn cát đào hố, vùi mình xuống chỉ hở lỗ mũi và đôi mắt. Ở ngoài đó suốt một ngày, khi về da đỏ như tôm luộc”.
 
“Để có được chiến sĩ đặc công nước, chúng tôi phải chọn trong hàng ngàn tân binh lấy vài chục người. Ngoài những chỉ tiêu về huyết áp, tim mạch … chiến sĩ còn phải chịu áp lực trong buồng tăng áp, mới được tuyển”. Tôi tò mò xin được thử. Họ dẫn tôi đến buồng tăng/giảm áp. Một chiến sĩ đi kèm tôi trong buồng tăng áp: “Khi nào nhà báo cảm thấy không chịu được thì bấm nút nhé”. Ngồi trong buồng, tôi nghe tiếng hơi xì xì dồn vào, rồi một sức ép dần dần tăng lên ở tai, lồng ngực. Cố chịu vài phút, cảm giác như lồng ngực ép lại không thể thở được, tôi vội vàng ấn nút xin ra. Không khí được xả ra, cửa buồng mở. Tôi hít căng lồng ngực và lảo đảo bước ra. Xem đồng hồ, té ra tôi mới chỉ chịu một áp lực tương đương với độ sâu 15m ...

Hình: đặc công Bộ binh tập vượt rào. Bạn có tin rằng người chiến sĩ đó nằm trực tiếp lên hàng rào làm cầu vượt cho đồng đội. (Do tác giả không lặn theo anh em nên không có hình, do đó tui mới lấy anh trên bờ "thế" cho anh dưới nước vậy).

12 nhận xét:

ComputerBoy nói...

> Ngồi trong buồng, tôi nghe tiếng hơi xì xì dồn vào, rồi một sức ép dần dần tăng lên ở tai, lồng ngực. Cố chịu vài phút, cảm giác như lồng ngực ép lại không thể thở được...

Không rõ cái buồng tăng áp này được thiết kế như thế nào và nhà báo này đã làm gì trong đó, chứ mô tả của nhà báo có vẻ khó hiểu quá!

Thứ nhất, áp lực ở lồng ngực chỉ cảm nhận được nếu người đó nín thở, bằng không thì có ở trong áp suất hằng trăm atm cũng chẳng thể cảm nhận được (mặc dù cảm nhận được qua nhiều triệu chứng khác như say nitơ, say ôxy, v.v.) Thứ hai, nếu không biết cách thông tai thì ở áp suất tương đương 5m là nhà báo đã cảm thấy như có một cái kim đang đâm vào màng nhĩ mình, và tới cỡ 10m thì chắc phải lủng màng nhĩ mất rồi, chứ làm gì có chuyện "té ra tôi mới chỉ chịu một áp lực tương đương với độ sâu 15m"???!!!

ComputerBoy nói...

Là một nhà khoa học, nhiều khi mình phải cười (dù không thấy mắc cười) với những tưởng tượng sai lầm của mọi người về áp suất. Nhưng mình luôn thông cảm được với họ vì những tưởng tượng đó đến một cách tự nhiên qua kinh nghiệm thường ngày.

Còn đối với những bài viết cho mọi người đọc mà lại nói chuyện hoang đường theo trí tưởng tượng thì mình thấy rất là "ngứa cái lỗ tai"!

ComputerBoy nói...

Hè, tìm lại bài gốc trên Báo Thanh Niên [http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120225/dac-cong-nuoc.aspx] thì thấy đã bị dở bỏ. Chỉ còn lại trong các blog, forum, hoặc các trang cache tin như 24h.com.

Không rõ chú Quang đã lấy bài này ở đâu vậy?

Làm nhà giáo, mình hiểu rõ tác hại của những kiến thức sai lầm (rất phổ biến trên các phương tiện truyền thông, và cả trong khoa học), nên không muốn blog của nhóm mình tiếp tay cho sự truyền bá sai lầm.

Thân ái.

AMk3 nói...

Đây cũng chỉ là trích từ báo Thanh niên và nhà báo này cũng chẳng có kiến thưc cơ bản nào về lĩnh vực này nên viết như vậy cũng là chuyện thường.

HCQuang nói...

Chú thấy có trên báo nên đưa lên cho bá tánh coi chơi.

Báo chí đăng tin, kể chuyện về cái mà anh ta nhìn thấy hoặc nghe thấy, rồi suy diễn thêm. Khác với Tòa án, cơ quan điều tra (phải có chứng cứ pháp lý và phải thu thập theo đúng trình tự nghiệp vụ), anh báo chí chỉ cần chộp được một rẻo thông tin là quá OK rồi, đưa lên lè lẹ cho nóng sốt.

Xem phim của anh Hô-li-út cũng vậy, ví dụ có một cuốn phim kể về một vụ cháy trong con đường ngầm chui qua đáy sông, cháy luôn cả hai đầu, làm 2 nhân vật của phim (dĩ nhiên là 1 nam và 1 nữ) bị kẹt trong đó. Nguy cơ chết cháy đã rõ ràng. May họ đã tìm thấy một ngách cụt trên nóc hầm, bèn cho kích nổ, và do vậy, đã phá được một lỗ thông ra (chính xác là thông lên) bên ngoài đáy sông. Rồi họ hít một hơi, lặn qua lỗ thủng và nổi lên tới tận bề mặt sông. Lên tới mặt nước, hai người vẫn bình thường, y như vừa ở dưới hồ bơi sâu 2,2m nổi lên vậy.
Nghe nói đã có hàng triệu người xem phim này và đã rất xúc động.
HCQuang

HCQuang nói...

À quên, còn hình 2 anh đặc công Bộ binh tập vượt rào.
Về kỹ thuật tiềm nhập của đặc công, việc cởi trần nằm lên dây thép gai là kỹ thuật thông thường, ai cũng làm được. Bài tiếp theo, anh ta nằm lên hàng rào thép gai để làm cầu cho đồng đội vượt qua - cũng bình thường đối với họ.
HCQuang

ComputerBoy nói...

Hai chú chắc chưa hiểu ý cháu. Cháu không muốn chỉ trích ai, chỉ muốn sự thật và chân lý thôi. Nếu là nhựt ký cá nhân, tự viết tự xem thì chẳng có vấn đề gì, nhưng viết cho mọi người xem thì lại khác. Bất kỳ nghề nào có ảnh hưởng đến quần chúng đều phải có cái "lương tâm nghề nghiệp" trong đó. Anh nhà văn thì cần viết cho hay, cho thật lôi cuốn, đâu phải câu nệ tính chân thực của tác phẩm. Còn anh nhà báo thì phải viết đúng cái đã diễn ra thật, cũng cần một tí giọng văn hấp dẫn, nhưng đâu cần kiến thức uyên thâm về sự kiện. Anh nhà khoa học thì lại cần phải nói đúng bản chất, mặc cho giọng điệu có khô khan, v.v.

Cái lương tâm "viết đúng sự thật" của nhà báo cũng tương đương như lương tâm của ông thầy giáo với ông thầy thuốc vậy. Vì mọi người lấy thông tin từ đó. Làm khoa học, cháu cũng luôn phải đọc báo để xem thực nghiệm có kiểm chứng đúng lý thuyết của mình không. Nếu thực sự không đúng thì mình cần phải xem xét lại lý thuyết của mình.

ComputerBoy nói...

Cháu không đồng ý với chú AMk3 khi đòi hỏi nhà báo phải có kiến thức về lặn để viết đúng sự thật (vì lặn không phải là nghề của họ). Cũng không đồng tình với chú Quang khi đem một bài báo so sánh với một truyện phim. Nếu nhà văn là nguồn cảm hứng thì nhà báo là nguồn thông tin vầ nhà khoa học là nguồn tri thức, mỗi người có một vai trò riêng.

Là một người bình thường, hầu như ai cũng dễ dàng phân biệt một tiểu thuyết với một bài báo và một tài liệu khoa học.

Ví dụ, có một mẩu truyện kể rằng "Một ngày nọ các nhà khoa học công bố 'freedive là môn thể thao có lợi cho sức khoẻ nhất'; thế là mọi người đổ xô tập freedive... đến lúc cả thế giới đều tập freedive thì mọi người mới thấy nó quá nguy hiểm, kẻ thì chết vì lặn quá sức, người thì chết vì không tập luyện đúng cách... và đến 1 thế kỷ sau thì freedive chỉ còn trong lịch sử và viện bảo tàng!" Khi đọc nó xong người ta sẽ chẳng quan tâm là freedive có thực sự "có lợi cho sức khoẻ nhất" hay không, mà đọng lại trong họ sẽ là những tình tiết ly kỳ hấp dẫn, là thông điệp về sự cân bằng vừa phải và rằng tập cái gì cũng cần phải tuân thủ quy tắc của nó. Còn nếu có một bài báo với tiêu đề "Freedive có lợi cho sức khoẻ" với nội dung nói về số lượng freediver trên thế giới đang tăng lên vùn vụt, thì người đọc cũng bị ảnh hưởng một tí về ý tưởng "có lợi cho sức khoẻ" nhưng cũng không tới nỗi khiến một người đam mê gym lại chuyển sang freedive. Nhưng nếu có một bài báo nói về các nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học cho thấy rằng freedive có lợi cho sức khoẻ hơn tập gym, thì chắc hẳn sẽ có nhiều người chuyển từ gym sang freedive.

ComputerBoy nói...

Quay trở lại với bài báo này, nếu tác giả bảo rằng "Nhìn các chiến sỹ đặc công luyện tập trong buồng tăng áp có vẻ rất dữ dội. Khi áp suất tăng lên tương đương độ sâu 50-60m mà họ vẫn chịu được. Còn chúng tôi có lẽ chỉ tới áp suất khoảng 15m là ù tai, tức ngực đến không thở được rồi!" thì cháu đã chẳng có một mảy may thắc mắc nào rồi. Đằng này nhà báo nói về kinh nghiệm bản thân, đã đích thân vào trải nghiệm trong buồng tăng áp thì sao có thể bỏ qua tính xác thực của nó được. Tiếng hơi xì xì, sức ép ở tai, sức ép lồng ngực thì ai cũng có thể cảm nhận được chứ đâu cần kiến thức về lặn, và lại càng không thể "suy diễn" hay "tưởng tượng" ra được.

HCQuang nói...

Chú cho là, có thể anh em bơm vô "tủ áp suất" chỉ chừng 1 Bar thôi (cộng với 1 Bar áp suất khí trời có sẵn, là 2 Bar) chứ không nhiều đâu. Dại gì bơm nhiều, lỡ anh nhà báo bể màng nhĩ thì khốn khổ cho ... cả 3 bên.
Và với 1 Bar cũng đủ để buốt nhói tai rồi nếu không biết cách "bóp mũi, thổi tai".

Nhưng tại sao nhà báo nói "tương đương 15 mét"? Có 2 cánh giải thích:

- Hoặc anh em nói "tương đương 15 mét đấy nhé" để động viên anh nhà báo, kiểu như ở Hòn mun, khách lần đầu tiên trong đời đi lặn (lặn khám phá), HDV chỉ dám "dìm" ông khách xuống 2-5 mét thôi, khách nào ngon lắm mới "dìm" xuống 6 mét (mắc-xi-mum rồi). Tới khi lên tàu, ông khách háo hức hỏi "hồi nãy tui xuống được mấy mét?", HDV sẽ nói "phải cỡ chục mét chứ không ít đâu. Anh ngon thiệt đó, Súp-pờ-men".

- Hoặc anh em nói "tương đương 5 mét", thì do anh nhà báo tai vẫn đang ù, nên nghe là "15 mét".
Chú nghĩ người lần đầu tiên chui vô "tủ" - nếu chưa chuẩn bị tồt về tâm lý - thì chỉ cần cửa "tủ" đóng vô cái "bụp" là hoảng rồi, chẳng cần phải tăng áp.

Chắc dzậy thôi. Có thế mới có chuyện để trao đổi trên blog chứ.

HCQuang

HCQuang nói...

Xin sửa: Nếu chưa chuẩn bị tốt về tâm lý.
HCQuang

ComputerBoy nói...

Chú Quang giải thích nghe cũng có lý, nhưng nếu được tác giả hoặc ai đó trong cuộc nói nói rõ thì hay hơn là tự mình đoán mò. Theo các bài lưu trữ (cache) trên mạng thì đều ghi là nhóm nhà báo (chúng tôi) nên khó có thể là cảm giác chủ quan của 1 người được.

Thực ra, ban đầu cháu cũng chỉ muốn tìm lại bản gốc, và nếu được là nhóm tác giả để hỏi cho rõ những điều khó hiểu đó. Nhưng khi tìm về tới báo Thanh Niên Online thì lại thấy không còn ở đó nữa nên mới nghĩ là nội dung bài viết có vấn đề. (Theo các cache thì bài này được đăng trên Thanh Niên Online ngày 25/2/2012 tại [http://www.thanhnien.com.vn/pages/20120225/dac-cong-nuoc.aspx].)

Còn tại sao cháu không dễ dàng cho rằng những thông tin có vẻ vô lý của nhà báo là "do thiếu kiến thức" hoặc "suy diễn" hoặc "tưởng tượng" là vì thực tế có không ít những điều tưởng chừng vô lý mà thực ra chỉ do mình thiếu kiến thức mà thôi. (Làm một nhà khoa học, nếu không có cái nhìn mở đối với thế giới thực thì sẽ bị đóng khung trong cái "đáy giếng kiến thức" của mình.) Chẳng phải là chỉ mới vài chục năm trước, các bác sỹ vẫn còn quả quyết là con người sẽ chết do bị xẹp phổi khi lặn vo xuống dưới 30m mét nước đó hay sao! Ngay như cháu năm ngoái khi nghe SV của mình kể rằng khi lặn vòi hơi - máy nén khí xuống 20-30m thì anh ta chỉ nhớ là quan tâm nhiều đến kỹ thuật cắn vòi hơi thôi chứ không có khái niệm về thông tai thì cháu cũng lấy làm lạ. Nhưng sau này mới biết rằng có không ít người bẩm sinh có khả năng tự động mở vòi nhĩ để thông tai (BTV).