Danh sách các tab/trang

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Rạn San Hô


Khi nói đến các rạn san hô thì người ta không chỉ nói đến sự đa dạng, giầu có sinh học và vẻ đẹp mà ngoài ra chúng còn cung cấp rất nhiều dịch vụ cho các cộng đồng dân cư ở đó. Các rạn san hô mạnh khỏe là nền tảng của nhiều hệ sinh thái nhiệt đới và chúng cung cấp sự sống, thực phẩm, niềm vui và cả những giá trị văn hóa cho hàng triệu người trên trái đất. Nếu các rạn san hô bị thoái hóa, phá hủy hay xâm hại, tất cả các dịch vụ trên sẽ bị ảnh hưởng


Cấu tạo và các loại rạn
Trước đây người ta tin rằng san hô đã mọc từ đáy của những vùng biển nhiệt đới sâu và sau nhiều thế hệ đã phát triển lên từ đỉnh của những bộ khung xương calcium carbonat. Ý kiến này sau đó đã bị bác bỏ vì những hoạt động nạo vét đã chỉ ra rằng các rạn san hô chỉ có thể mọc được ở những vùng nước nông.
Hiện nay lý thuyết của nhà tự nhiên học Charles Darwin về sự hình thành rạn san hô được chấp nhận rộng rãi. Lý thuyết này công nhận 3 loại rạn là: rạn san hô viền (the fringing reef), rạn san hô rào cản (the barrier reef) và đảo san hô vòng (the atoll)

  • Loại rạn thứ nhất là rạn san hô viền bao bọc những bờ biển của những lục địa và đảo ở các vùng biển nhiệt đới. Các rạn san hô viền rất phổ biến ở các đảo Hawaiian phía nam Thái Bình Dương và một phần ở Caribbean.
  • Loại rạn thứ hai là rạn san hô rào cản (barrier), nằm ở phiá ngoài khơi xa hơn so với rạn san hô viền. Rạn san hô rào cản được hình thành khi những vùng đất gần bờ biển bị chìm xuống, và những rạn san hô viền bị tách ra khỏi bờ biển bởi những con kênh rộng. Sự sụt lún bờ biển là kết quả của sự xói mòn và dịch chuyển vỏ trái đất. Những rạn san hô rào cản khá phổ biến ở vùng biển Caribbean và Indo-Pacific. Rạn san hô Great Barrier ở phía bắc Australia trong vùng biển Indo-Pacific là rạn san hô lớn nhất trên thế giới với chiều dài lên tới  hơn 2,000 km
  • Loại rạn thứ ba là đảo san hô vòng, được tạo thành trong trường hợp một hòn đảo nhỏ bị chìm xuống đáy biển. Khi đó rạn san hô bao quanh đảo sẽ trở thành đảo san hô vòng. Các đảo san hô vòng là các rạn san hô bao quanh một đầm phá trung tâm. Các đảo san hô vòng thường xuất hiện ở vùng biển Indo- Pacific. Đảo san hô vòng lớn nhất là Kwajalein, bao quanh một đầm nước có chiều dài trên 97km.

Các rạn san hô hiện nay được hình thành từ cuối của ba kỷ băng hà, vào khoảng 10,000 năm trước. Trong giai đoạn này nước biển bị kẹt trong các dòng sông băng khiến cho mực nước biển hạ thấp xuống. Hậu quả là các rạn san hô được hình thành trước đó đã bị chết. Khi các sông băng tan chảy, mực nước biển dâng cao tới vị trí hiện tại và các rạn san hô đã bắt đầu phát triển trở lại.
Hệ sinh thái rạn san hô là tập hợp đa dạng các loài sống cộng sinh lẫn nhau và với môi trường. Mặt trời là nguồn năng lượng khởi đầu cho hệ sinh thái này. Qua quá trình quang hợp các loài thực vật phù du, tảo và các loài thực vật khác chuyển hóa năng lượng ánh sáng thành năng lượng hóa học. Khi các loài động vật ăn các loài thực vật, một phần của năng lượng này sẽ được lưu chuyển.

Một số thông tin về các rạn san hô:
  • Các rạn san hô nằm trong số những hệ sinh thái lâu đời nhất trên trái đất.
  • Các rạn san hô hỗ trợ cho sự đa dạng đáng kinh ngạc của các loài và cung cấp nguồn thực phẩm và chỗ cư trú không thể thay thế. Các khu rừng mưa nhiệt đới đóng một vai trò tương tự như vậy trên cạn.
  • Các rạn san hô hỗ trợ các nhu cầu đa dạng của con người. Chúng có vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người, nghề cá, du lịch, bảo vệ bờ biển khỏi sự xói mòn, và cung cấp các chất cho ngành công nghiệp dược.
  • San hô là phần không thể tách rời khỏi rạn và đặc biệt dễ bị tổn thương trước các hoạt động của con người và các mối đe dọa liên quan tới khí hậu.
  • Các hoạt động của con người như  giẫm đạp, đánh bắt cá hủy diệt (bằng thuốc nổ, thuốc độc…) và việc thả neo có thể phá hủy hoặc giết chết san hô, kết quả là rạn san hô bị chết.
  • Các hoạt động vùng đầu nguồn như phá rừng và sử dụng phân hóa học có thể hủy hoại và giết chết san hô tại bờ biển.
  • San hô đã cho thấy khả năng phục hồi nhanh đáng kinh ngạc sau những lần thay đổi khí hậu cũng như thay đổi mực nước biển, tạo ra hy vọng cho sự sống sót của chúng.
  • Các rạn san hô tạo ra những rào cản  thiên nhiên bảo vệ các vùng bờ biển khỏi bị xói mòn, do đó bảo vệ cho các cộng đồng dân cư ven bờ biển, ngành nông nghiệp và các bờ biển.
  • Mặc dù các rạn san hô chỉ che phủ ít hơn 1% bề mặt trái đất, chúng là nơi sinh sống của 25% các loài cá trên đại dương.
  • It nhất 500 triệu người sống phụ thuộc vào nguồn lương thực, sự bảo vệ bờ biển của các rạn san hô.
  • Người ta đã ước tính rằng các rạn san hô cung cấp sản lượng hàng hóa và dịch vụ khoảng 375 tỷ đô la mỗi năm trên toàn thế giới.
  • Người ta ước tính rằng khoảng 20% các rạn san hô trên thế giới đã bị phá hủy trong một vài thập niên gần đây và khoảng 20% hoặc hơn nữa đang bị xâm hại  nghiêm trọng, đặc biệt ở vùng biển Caribbean và Đông Nam Á.
Các loài động vật rạn san hô
  • Bọt Biển là một phần của rạn san hô từ thời kỳ đầu. Bọt biển cung cấp chỗ trú ngụ cho các loài cá, tôm, cua và những sinh vật nhỏ khác. Chúng xuất hiện trong nhiều hình dạng và màu sắc
  • Hải quì là họ hàng gần của san hô. Các loài hải quì vùng biển Indo-Pacific được biết tới nhờ các quan hệ cộng sinh với các loài cá hề và cá nemo. Xúc tu của hải quì cung cấp chỗ trú ngụ cho các loài cá này và trứng của chúng. Ngược lại cá nemo có thể bảo vệ hải quì khỏi các loài săn mồi như cá bướm. Cá nemo thậm chí có thể loại bỏ những loài sống ký sinh trên hải quì
  • Thảm Biển (sea mat) bao phủ rạn. Những loài động vật không xương sống rất nhỏ này mọc các nhánh che phủ bộ khung san hô và các mảnh vụn của rạn, gắn kết các kết cấu của rạn.
  • Rạn san hô cũng là nhà của các loài sâu khác nhau, bao gồm cả giun dẹt và giun nhiều tơ. Giun dẹt sống trong các kẽ đá của rạn. Một số loài giun nhiều tơ thì có khả năng khoan vào bộ khung của san hô.
  • Các loài sao biển, hải sâm và cầu gai sống ở trên rạn san hô. Loài sao biển gai là loài ăn polyp san hô nổi tiếng. Với một số lượng lớn loài sao biển này có thể tàn phá rạn san hô, chỉ còn lại bộ khung calcium carbonate. Ở những rạn san hô chết, một số lượng lớn cá đã biến mất. Thậm chí cả các loài cá biển sâu cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng thức ăn này.
  • Các loài tôm, cua, tôm hùm và các loài giáp xác khác tìm kiếm sự bảo vệ khỏi các kẻ săn mồi khác bằng cách sống trong các khe đá hoặc giữa các cành san hô. Bản thân các loài giáp xác cũng là những kẻ săn mồi. Loài cua san hô nghiền nát những con cầu gai và con trai bằng bộ hàm khỏe của nó. Loài tôm san hô sọc là ví dụ của loài tôm dọn dẹp (cleaner). Nó lấy đi các loài ký sinh và lớp da chết của các loài cá rạn.
  • Bạch tuộc, mực, trai, sò điệp, ốc và ốc sên là những loài động vật thân mềm sống ở gần hoặc ngay trên rạn san hô. Nhiều loài sinh sống bằng cách lọc lấy thức ăn từ nước biển. Loài ốc Carnivorous có khả năng khoan các lỗ vào trong thân loài trai hoặc các động vật có vỏ cứng khác sau đó ăn thịt chúng. Một trong những loài động vật thân mềm lớn nhất ở rạn san hô là loài trai khổng lồ, với chiều dài có thể lên tới 1.2 m.
  • Các loài cá sống độc lập hay theo đàn là những cư dân quan trọng của hệ sinh thái rạn san hô. Các loài cá đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung cấp thức ăn của rạn, trong cả vai trò kẻ săn mồi và con mồi. Những thức ăn thừa của chúng là nguồn thức ăn và chất dinh dưỡng cho các cư dân khác của rạn san hô.
  • Một số loài cá mập, các loài cá đuối sống ở trên hay gần các rạn san hô. Một số loài khác thì chỉ bơi vào rạn để kiếm mồi. Một số loài cá mập rạn là lemon, nurse, Pacific blacktip, white-tipped và zebra. Những loài cá mập này cũng như cá đuối thường ăn cua, tôm, mực, trai và những loài cá nhỏ.
  • Cá vẹt (Parrotfish) sử dụng hàm răng như lưỡi đục của nó để gặm nhấm san hô cứng. Loài cá này là loài ăn thực vật, thường ăn tảo phía trong san hô. Chúng nghiền bộ xương ngoài của san hô để ăn tảo rồi thải ra cát. Một con cá vẹt có thể sản xuất ra khoảng 5 tấn cát mỗi năm.
  • Cá hàng chài (wrasses) bao gồm một nhóm lớn những loài cá có hình dáng giống điếu xì gà nhiều mầu sắc. Một số loài được biết đến như những cá dọn dẹp (cleaner). Chúng thiết lập nên những trạm vệ sinh dọc theo rạn san hô. Khi một con cá lớn hơn bơi dọc theo một trong những trạm vệ sinh này, một con cá hàng chài (cleaner wrasse) sẽ bắt đi những sinh vật ký sinh trên con cá đó.
  • Lươn là một trong những kẻ săn mồi hàng đầu của rạn. Loài vật này sống trong những kẽ đá của rạn và đi săn mồi vào ban đêm. Chúng có hàm răng sắc và bộ hàm khỏe. Lươn ăn những loài cá nhỏ, bạch tuộc, tôm và cua.
  • Những loài cá khác được thấy ở rạn san hô còn bao gồm: cá thiên thần (angelfishes), cá bướm (butterflyfishes), damselfishes, triggerfishes, cá ngựa (seahorses), cá chỉ vàng (snappers), cá sơn (squirrelfishes), grunts, cá nóc (pufferfishes), cá mú (groupers), cá nhồng (barracudas) và cá bọ cạp (scorpionfishes).
  • Một số loài rùa biển thường thấy tại rạn san hô là rùa xanh, rùa caretta (loggerhead) và đồi mồi.
  • Các loài rắn biển hiếm khi thấy ở rạn san hô nhưng chúng thường sống ở vùng nước xung quanh rạn ở vùng biển Indo-Pacific. Chúng có những răng nanh nhỏ nhưng ẩn chứa nọc độc nguy hiểm.
(Tổng hợp)

5 nhận xét:

ComputerBoy nói...

Góp ý anh Coral: "rặng" (range) là chữ trong "rặng núi", còn san hô thì thường tạo thành "rạn" (reef). Còn nếu anh muốn nói "rặng núi dưới biển có san hô" thì có lẽ dùng "rặng" cũng ok.

ComputerBoy nói...

Nội dung bài viết rất bao quát và đầy đủ đó anh Coral! Vậy mà hồi đó giờ hỏng chịu viết cho bà con thưởng thức!

HCQuang nói...

Coral.
Viet nam mình chưa lập được một bộ Tự điển mang tính quy phạm nên, ngay cả trong các văn bản pháp luật cũng xài từ ngữ không thống nhất, thành thử cứ phải có điều 1 định nghĩa "các thuật ngữ được dùng trong văn bản này", đâm ra mất thời gian.
Anh cũng nghĩ như ComputerBoy là thường người ta nói "rạn san hô" và "rặng núi" - mặc dù anh chưa hiểu chính xác thuật ngữ "rạn" và "rặng" nó khác nhau ra răng.

coral nói...

@ComputerBoy: Về mặt từ vựng thì chắc là ComputerBoy đúng rồi. Trước giờ coral quen sử dụng từ "rặng" thành ra khi viết bài cũng quên sửa lại.

AMk3 nói...

Bài viết hay và hữu ích. Tui rất thích những bài phổ biến kiến thức như thế này. Nhất là về thiên nhiên, đời sống hoang dã. Đọc bài này có thể hiểu vì sao bạn Giang lại chọn nick cho mình là Coral.