Chủ nhật xanh dưới đáy biển là
chuyện đi lượm rác dưới đáy biển, cộng với lời nhắn “hãy cùng nhau giữ gìn môi
trường biển xanh, sạch, đẹp”, còn ở đây, tôi xin nói về các cuộc “nghiệm
thử” (để chuyện không quá lạt, tôi có bỏ vô chút muối tiêu).
Lượm rác không dễ như … lượm rác:
Rác dưới đáy biển đa phần bị phù
sa che lấp, trừ phi chúng bám trên san hô, trên đá tảng. Nếu bạn dùng “công
nghệ” lượm rác trên đất liền thì dễ dầu gì gặp chúng. Lúc đầu tôi đi mãi mà
chẳng thấy rác đâu. Thế là thế nào? Chắc mình đui nên không thấy? Phải một lúc lâu
sau tôi mới thấy rác … để mà lượm.
Lại nữa, khi lôi rác lên khỏi
mặt cát, tức thì một màn phù sa bốc lên mịt mù, bạn vội vã lấy tay bịt mũi, may
chiếc kính lặn nó chặn lại, chứ không thì … làm thật. Mà phải dòm cho kĩ nhen,
kẻo quơ trúng ngạnh của một chú cá “giang hồ” nào đó, nó chích một phát la thấu
trời (thấu đáy biển). Lôi miểng sắt, miểng gốm sứ lên coi chừng bị chém tay. Đừng
quá tin vào chiếc găng tay bảo hộ lao động mà bạn đang đeo.
Dao thợ lặn cắt lưới:
Gỡ mảnh lưới đánh cá ra khỏi vỉa
san hô không đơn giản, dùng dao thợ lặn cũng không dễ dàng gì, bởi nó bó chặt
thân san hô, lựa thế cắt hoài không xiết, mà giật mạnh thì … cũng vậy, chưa kể sẽ
làm hư san hô. Chà, nếu mình bị mảnh lưới trói lại và neo tuốt dưới đáy biển
cho tới khi chai lặn hết khí thì sao nhỉ.
Cuộc lặn “solo”:
Lặn giải trí, bạn đi với Divemaster(*)
– một anh chàng “thóc mách”, cứ một chặp lại lục vấn “Chai của bạn còn bao
nhiêu khí vậy?”. Đi chặp nữa lại nhăn nhó “Đề nghị dồn đội hình”. Chẳng là
khách khứa mải ngắm, mải nghía, đâm ra mỗi anh mỗi nẻo, không gom lại thì dễ bị
lạc đường. Tai nạn thường gặp của Divemaster là khách bị lạc nhóm.
Còn đi lượm rác thì khác hẳn,
mạnh ai nấy bới, nấy lượm. Bạn cứ việc tới tới mà không hề bị ai ràng buộc. Nó
tạo cho bạn cảm giác như đang lặn solo vậy – mặc dù bạn không hề một mình, mặc
dù bạn đã thông qua kế hoạch lặn: Nào là không xuống quá 10 mét, nào là đi theo
hướng Nam và trở về theo hướng Bắc, nào là bạn hãy tự chọn cho mình một “tổ
công tác”, nào là …
Trượt độ sâu:
Mải vui quên hết lời em dặn
dò.
Nếu đáy biển ở đó có độ sâu
bằng với độ sâu trong kế hoạch lặn thì không vấn đề, nhưng nếu bạn đi men theo
bình độ và phải canh sao cho đúng với độ sâu trong kế hoạch, thì có thể có chuyện.
Men theo bình độ, bạn mải mê tìm rác nên có thể dần dần di chuyển xuống dốc. Đó
là trường hợp của “tổ” tôi, cứ đi xuống dần dần và cuối cùng là ở độ sâu 18 mét
(quá 10 mét so với kế hoạch). Thế đấy, mải vui quên hết lời em (Divemaster) dặn
dò là cần ngó chừng đồng hồ đo độ sâu.
Nửa chai ít hơn nửa chai:
Bạn đang xài chai nhôm 80
foot khối, nạp 200 bar, tức có 2,26 mét khối khí trời được nén vô trỏng. Sau cú
lặn, chai còn 100 bar, tức còn phân nửa lượng khí. Cú lặn tiếp theo, với cùng
thời gian và độ sâu như chuyến trước, bạn dự kiến sẽ xài nốt 1,13 m3 khí còn
lại. Nếu bạn mong muốn cú lặn sau vẫn sẽ y hệt như cú lặn trước, thì có thể sai
lầm.
Kết thúc cú lặn, chai của tôi
còn 110 bar, chai của Ngọc Anh cũng vậy, chai của anh chàng Định – khá hơn – còn
130 bar. Cú lặn sau, tụi tôi lôi ra xài nốt. Lặn một chập, tôi coi đồng hồ giờ,
vẫn còn thời gian để lặn trở lui (so sánh áng chừng với các cú lặn trước) ... Bỗng có kẻ
vỗ vai, tôi ngó qua: Ngọc Anh ra hiệu “Con chỉ còn 20 bar khí, con đi lên đây”.
Tôi dụi mắt coi đồng hồ khí của tôi “Ồ, chú cũng chỉ còn 20 bar, cùng đi lên
nhé”. Tôi ngó quanh, gần đó có một thợ lặn khác. Tôi bơi tới, té ra Định. Tôi
ra hiệu “Chú đi lên đây, con có đi lên cho dzui không?”. Hắn xua tay “Chú lên
trước đi, con ở lại bới rác, dzui hơn”.
Tôi và Ngọc Anh đi lên từ độ sâu 18 mét với 20 bar khí, lên chậm rãi đúng như sách đã biểu. Tới bề mặt, hai chú cháu bơm chút khí vào BCD là chai khí dường như vừa hết.
Đường về tàu xa xôi diệu vợi, mà nằm đây chờ tàu tới rước thì tới Tết Công gô. Được cái, ông chú là “thợ bơi xuất sắc” nên dư sức kéo cô cháu cùng trở về tàu. Lên tàu, Divemaster nói “Tụi con nghiệm hoài rồi, nửa chai sau hết lẹ hơn nửa chai đầu”, còn tôi thì ngắn gọn rằng "nửa chai (sau) ít hơn nửa chai (đầu)".
Tôi và Ngọc Anh đi lên từ độ sâu 18 mét với 20 bar khí, lên chậm rãi đúng như sách đã biểu. Tới bề mặt, hai chú cháu bơm chút khí vào BCD là chai khí dường như vừa hết.
Đường về tàu xa xôi diệu vợi, mà nằm đây chờ tàu tới rước thì tới Tết Công gô. Được cái, ông chú là “thợ bơi xuất sắc” nên dư sức kéo cô cháu cùng trở về tàu. Lên tàu, Divemaster nói “Tụi con nghiệm hoài rồi, nửa chai sau hết lẹ hơn nửa chai đầu”, còn tôi thì ngắn gọn rằng "nửa chai (sau) ít hơn nửa chai (đầu)".
(*) Xin xem “Tự điển Lanbien”
ở trên cùng bên phải trang tin.
2 nhận xét:
Cuối cùng thì cháu đã lặn solo thiệt đó chứ, đâu có để trong dấu nháy kép đâu! Có lẽ nên có 1 người chuyên giám sát những "tay móc bọc dưới biển" để nắm được toàn cảnh và tình hình của mọi người. Chứ không thì mỗi người lo làm việc của mình làm sao mà biết được còn lại bao nhiêu người và ở cách mình bao xa. Ngay buổi lặn solo hôm đó cháu cũng đã không hề ý thức được rằng mình đang lặn một mình... cho tới khi quay lại tìm camera và trồi lên.
Lần sau đề nghị ban tổ chức tổ chức quản lý tốt hơn. Ngay 2 buổi lặn hôm đó, ngoài việc không có người giám sát ra, việc phổ biến và thống nhất các quy tắc, hướng đi, bắt cặp, v.v. cũng làm rất sơ sài, và rốt cuộc là mọi người tự đi, rồi tuỳ cơ ứng biến hết, chẳng còn quy tắc gì nữa cả!
Thực tình thì trong chuyến lặn sau, "tổ công tác" này là hoàn toàn là sự ngẫu nhiên đụng nhau dưới đáy, chứ lúc ở trên tàu, ba chú cháu mình đâu có "bắt cặp" với nhau.
Cũng để rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Đăng nhận xét