(Bài của anh Đỗ Nghĩa)
Mùa
xuân năm 1988, gặp bạn ở Cầu Đá, Nha Trang. Ngày đó chúng tôi cùng đi biển và
bây giờ bạn vẫn đang đi biển. Chơi thân với nhau suốt từ ngày đi thiếu sinh
quân cùng một trung đội, tới giờ đã 45 năm.
Lần
ấy, con tàu “Tây Đô” của tôi và tàu “Vàm Cỏ 24” của bạn cặp mạn nhau ở cảng Cầu
Đá. Bạn mới chở đá ra Trường Sa về, chuẩn bị chuyến biển nữa ra đảo, còn tôi
chuẩn bị nhận hàng đi Singapore .
Hai đứa kéo nhau ra quán ngồi nhâm nhi, nói chuyện đời.
Chiếc
Vàm Cỏ 24 của công ty Vitranchat được Bộ Tư lệnh Hải quân trưng dụng phục vụ
chiến đấu Trường Sa thời gian 5 tháng. Trước khi ra đảo, tàu vào Ba Son sửa
chữa hoàn thiện và đăng kiểm. Những ngày này, tin tức của trận hải chiến Trường
Sa với những tên tuổi, quê quán của 64 chiến sỹ hy sinh, mất tích trên ba con
tàu của hải quân Việt Nam chiến đấu với hải quân Trung Quốc, được phát đi phát
lại suốt trên hệ thống phát thanh của hai chiếc tàu săn ngầm đang cặp sát chiếc
24 ở công xưởng Ba Son, chắc là đang trong thời gian tìm kiếm thi hài của những
chiến sỹ Hải quân mất tích. Hai thủy thủ tàu Vàm Cỏ 24 nghe những tin tức trận
hải chiến mới xảy ra ngoài đảo vội vã lên bờ vì sợ hãi. Sau này khi kết thúc
chiến dịch chở cát đá xi măng ra đảo, hai thủy thủ ấy bị công ty sa thải. Bạn
tôi kể đến đây cười “Mình thì con nhà nòi rồi”.
Chiếc
Vàm Cỏ 24 của bạn chuyến ấy chở 2.000 tấn đá xanh ra đảo chìm Đá Nam để
xây dựng ngôi nhà bát giác cho những người giữ đảo. Bạn còn chuyên chở các
thiết bị và người làm việc cho trạm dự báo khí tượng đầu tiên trên đảo
này. Tàu cũng qua Song Tử Tây là hòn đảo nổi lớn hơn.
Ra
Đá Nam ,
thấy nhiều tàu chiến Trung Quốc lởn vởn phía ngoài xa xa. Hải quân ta trên đảo
trong tư thế sẵn sàng nhả đạn nếu tàu bên ấy tiến vào gần hơn. Những ngày bạn
tôi ra đảo không gặp súng nổ, khả năng phía lính Trung Quốc thấy Vàm cỏ là tàu
buôn nên không lại gần.
Kéo
anh em lính trẻ lên tàu, Vàm Cỏ 24 có thứ gì được là lôi ra “nhậu” ráo. Kể cả
nước ngọt, gạo, chén bát đến dép giày sách báo sang tên hết cho lính. Anh em ở
đảo cực và thiếu thốn đủ thứ, họ nói rằng lên con tàu họ tưởng như là đi lạc
tới một thành phố nào đó.
Những
ngày ở đảo, bạn sống như người lính thực thụ, sống với lính những ngày rất
lính. Bạn có nụ cười thật tự hào bên ụ pháo của cỗ xe tăng được ngụy trang kín
đáo dưới hầm để bảo vệ đảo. Bạn kịp ghi lại kỷ niệm bên cột mốc chủ quyền trên
đảo Song Tử Tây cùng các sỹ quan, chiến sỹ Hải quân canh giữ đảo.
Hai
đứa chơi với nhau được ít ngày khi tàu đang làm hàng. Nói với bạn “Tao thèm
được đi Trường Sa như mày quá, không dóc miếng nào, bác Đồng Sỹ Nguyên đang ở
cảng Nha Trang trực tiếp điều động tàu đấy”. Bạn cười chân thật xen chút tự hào
“Có gì đâu, vậy mà nhiều người, cả sỹ quan, thuyền trưởng, một vài ông sỹ quan
Hải quân nữa, nói tới ra đảo mấy người dám đi”. Sau này bạn được tặng một kỷ
niệm chương Trường Sa. Lâu lâu kể chuyện thời đi biển, chúng tôi trân trọng bạn
về những ngày bạn đã ra đảo mùa xuân năm 1988.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét