Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Những người lính hy sinh giữa thời bình, hay: Chuyện về nhà giàn DK-1/3 đêm 4/12/1990

"... Khi nhà giàn sụp, anh đã cùng đồng đội bơi nhiều ngày trên biển. Anh đã nhường phao và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội và hi sinh vào ngày 5/12/1990. Đó là Trần Hữu Quảng – Trung úy Trạm phó Chính trị nhà giàn DK-1/3 ...", cùng hai đồng đội là Cơ điện Hồ Văn Hiền và Quân y sĩ Trần Văn Là. (Bài trên Tuổi trẻ, trích).

Nhà giàn DK-1/3 hồi đó có diện tích sử dụng 144m2, cách mặt nước biển lúc triều cường là 10,5m, đặt tại bãi ngầm “Phúc Tần”(*). Hoàn thành ngày 10/6/1989 sau hơn 6 tháng xây dựng. Đây là nhà giàn trên biển đầu tiên, do Bộ Xây dựng thiết kế và thi công, kết cấu dã chiến, dạng pông-tông nổi lập lờ và được neo lại.

Anh (a) Bùi Xuân Bổng, hồi đó là Trạm trưởng DK-1/3 nhớ lại: 23g30 ngày 4/12/1990 sóng mỗi lúc một mạnh, mặt biển đen ngòm. Sóng ập vào nhà giàn ngày càng dữ dội. Nhà nghiêng dần, nghiêng dần. Vật dụng trên nhà bị xô từ góc này sang góc khác. Anh em đã sẵn sàng rời khỏi khi nhà giàn sụp. Có tám người nhưng áo phao chỉ còn năm, còn lại do ngấm nước biển lâu ngày đã bục. Phao cứu sinh bơm lên bị nổ. Vẫn còn phao bè (loại vỏ nhôm độn xốp bên trong).

Đêm ngày 4/12/1990, bão số 10 (cấp 11) đã gây nên các ngọn sóng cao tới 15m, đánh nghiêng 15 độ, phá vỡ các sàn ghi tầng dưới của nhà giàn. Khoảng 2g ngày 5/12 những trận sóng trùm lên tận mái rồi quật xuống khiến nhà giàn sụp hẳn. Tất cả đồng loạt nhảy khỏi giàn, lao xuống con sóng đang quăng quật dữ dội. Phao bè vừa thả xuống bị sóng đánh vỡ. A.Bổng không có áo phao nhưng ôm được mảnh phao bè. Đêm mịt mùng, không nhìn thấy bóng ai, sóng biển át tiếng gọi nhau, giục nhau nương theo dòng chảy ra phía nước sâu, chỗ ấy sóng êm hơn. Mảnh phao mà a.Bổng có được đã đưa tới cho a.Quỳnh và a.Công cùng bám vào.

Chiếc áo phao của a.Quỳnh bị sóng đánh rách mất một nửa. A.Công bị say sóng sặc nước, chuẩn bị buông tay rời bè, a.Bổng phải xé áo cột a.Công vào mảnh phao. Dầm mình trong sóng biển suốt từ mờ sáng tới chiều ngày 5/12, mấy anh em động viên nhau “cố sức bám trụ, thế nào cũng có tàu đến cứu”.

Do sóng to, gió lớn, việc cứu nạn rất khó khăn, tàu HQ-711 (đang trực trên vùng biển này) không tìm thấy các đồng đội bị sóng đánh trôi dạt. 17g ngày 5/12, tàu tìm được a.Bổng, a.Quỳnh, a.Công và a.Báu. 18g gặp a.Trung. Vẫn còn ba đồng đội.

Hải quân điều thêm tàu HQ-07, HQ-11, HQ-682 phối hợp tìm kiếm. Thêm mấy ngày nhưng không tìm thấy a.Quảng, a.Hiền và a.Là. Ba anh là những chiến sĩ đầu tiên hi sinh ở DK-1.

 (*) Bãi ngầm Phúc Tần nằm trong khoảng vĩ độ từ 08004’24”N – 08009’44”N và kinh độ 110028’10”E – 110035’47”E, cách Vũng Tàu 243 hải lý về phía Đông Nam, cách bãi ngầm Quế Đường 22 hải lý về phía Bắc. Điểm nhô cao nhất của bãi Phúc Tần ở dưới mặt nước 5,5m.

Khu vực DK-1 là một bãi ngầm thoải dần từ độ sâu từ 5,5m đến độ sâu 200m. Từ độ sâu trên 200m trở ra, đáy biển có độ dốc rất lớn. Có một dãy cồn cao gần sát mép nước, tạo thành những rạn san hô nổi, các điểm nhô cao cách mặt nước trong khoảng 3m-20m. Có 9 bãi ngầm được đặt tên là Tư Chính, Phúc Nguyên, Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Vũng Mây, Ba Kè, bãi Đất, bãi Đinh. Các bãi này hình thành, phát triển theo hướng Đông Bắc – Tây Nam.

(*) Về việc xây dựng nhà giàn:

Năm 1989: xây dựng 3 nhà giàn đầu tiên tại bãi ngầm Tư Chính (Lô 1), Phúc Tần (Lô 3) và Ba Kè (Lô 6).
Năm 1990-1991: xây dựng 3 nhà giàn trên bãi ngầm Phúc Nguyên (Lô 2); Huyền Trân (Lô 4) và Quế Đường (Lô 5).
Năm 1993-1998: xây dựng, nâng cao chất lượng bền vững và năng lực của các nhà giàn trên bãi ngầm Lô 1, Lô 2, Lô 3, Lô 4, Lô 5, Lô 6, bao gồm:
- Lô 1 (Tư Chính): ngoài DK-1/1A và DK-1/1B, năm 1994, 1995, xây thêm DK-1/11, DK-1/12 và DK-1/14.
- Lô 2 (Phúc Nguyên): ngoài DK-1/6, năm 1995 xây DK-1/15.
- Lô 3 (Phúc Tần): năm 1993 xây lại DK-1/3 (hiện là DK-1/2 Phúc Tần A), năm 1996, 1997 xây DK-1/16, DK-1/17, DK-1/18.
- Lô 4 (Huyền Trân): năm 1991 xây DK-1/7.
- Lô 5 (Quế Đường): ngoài DK-1/8, năm 1997 xây DK-1/19.
- Lô 6 (Ba Kè): ngoài DK-1/3, năm 1993 xây DK-1/9, năm 1998 xây DK-1/20 và DK-1/21.

Tính đến năm 2010, tại khu vực DK-1 đã có 20 nhà giàn, gồm 15 nhà giàn xây mới, diện bền vững và 5 nhà giàn quá khứ là:
DK-1/3 (Phúc Tần) bị sụp năm 1990 làm 3 chiến sĩ hy sinh,
DK-1/6 (Phúc Nguyên) bị sụp năm 1998,
DK-1/5 (Tư Chính) bị sụp năm 1999,
DK-1/4 (Ba Kè) bị sụp năm 2000 làm 6 chiến sĩ hy sinh,
DK-1/1 (Tư Chính) không còn nguyên vẹn (bị nghiêng do bão tố), khi sóng to bị rung lắc mạnh.

H1-2: Nhà giàn DK-1 đời đầu (dã chiến) và DK-1 đời mới (bền vững).
H3: Những người "lính vác đá" xây dựng công trình ở Trường sa hồi ấy.

Không có nhận xét nào: