Ngày 01/06/1939, tàu ngầm Thetis của Anh, dài 84 mét, lớp T, hiện đại nhất thế giới hồi đó, thực hiện chuyến thử nghiệm đầu tiên trong vịnh Liverpool. Rời cảng chừng 65 km, thuyền trưởng Frederick Woods ra lệnh lặn xuống. Tàu không chìm xuống vì “nhẹ” quá. Thuyền trưởng lệnh mở cửa khoang ngư lôi (khoang rỗng - chưa có ngư lôi) cho nước biển vào (để tăng tỷ trọng tàu) ... Tàu chìm xuống …
Tín hiệu cấp cứu phát đi. Chiến dịch cứu hộ được triển khai, nhưng tàu cứu hộ gần nhất cũng cách nơi xảy ra tai nạn hàng trăm km. Đồng thời máy bay trinh sát lại báo sai tọa độ Thetis gặp nạn, làm công tác cứu hộ đã muộn lại thêm muộn.
Lượng khí thở trên tàu được tính cho một kíp 53 người, giờ phải chia cho 103 người, gồm thuỷ thủ đoàn 63 người (thêm 10 người), 8 thực tập sinh, 32 kỹ sư và kỹ thuật viên. Nhằm tiết kiệm khí thở, ngoài những người làm nhiệm vụ bơm 60 tấn nước và dầu máy ra khỏi tàu để giúp phần đuôi Thetis nổi lên, tất cả được lệnh nằm im.
13 giờ sau, lượng CO2 đã lên tới ngưỡng nguy hiểm. 17 giờ sau đuôi tàu Thetis đã nổi lên. Thuyền trưởng cùng ba người tình nguyện mạo hiểm mở cửa ngoài của khoang ngư lôi mà họ đoán có thể đã ở lên mặt nước. Cửa mở ra, té ra đuôi tàu còn nằm dưới mặt nước 6 mét. Nhóm tình nguyện thì lên được bề mặt, nhưng cánh cửa khoang ngư lôi bị kẹt không thể đóng lại được nữa. Thetis lại chìm xuống mang theo 99 người còn lại. Hơn 4 tháng sau, xác của họ mới được đưa lên.
Nguyên nhân Thetis bị đắm thật "không giống ai": Vào trước chuyến đi, Thetis được kiểm tra, hiệu chỉnh lần chót, trong đó có việc sơn “dặm” cánh cửa trong của khoang ngư lôi. Sơn xong, thợ sơn đã không đóng nó lại (và thuyền trưởng cũng không kiểm tra), do đó khi cánh cửa ngoài của khoang ngư lôi được mở, nước biển tràn vào khoang này, qua cửa đã "mở sẵn", vào khoang số 1 và khoang số 2, khiến Thetis bị chìm.
Tony Booth, tác giả cuốn “Vụ chìm tàu Thetis – Cái chết mòn mỏi của một chiếc tàu”, cho rằng, khi đó người Anh hoàn toàn có thể dùng máy khoan, khoan xuyên qua lớp vỏ tàu Thetis và luồn ống dẫn khí thở vào trong cho thủy thủ đoàn, sau đó dùng máy cắt để mở cửa cứu người kẹt bên trong. Nhưng “điều này không được thực hiện tới khi mọi vấn đề trở nên tuyệt vọng nhằm đảm bảo (chỉ) cho chiếc tàu ngầm càng bị ít tổn hại càng tốt”.
Bà Joyce Bentley, có anh trai là John Tumer tử nạn trên tàu, nói: “Thật là hổ thẹn khi nguyên nhân thực sự đã bị ỉm đi. Bàn tay của Hải quân đã nhuốm máu”. Barbara Moore, con gái của Arthur Robinson, máy trưởng tàu Thetis, hy vọng những thông tin mới sẽ giúp mở lại hồ sơ điều tra vụ chìm tàu Thetis.
H1: Bên trong một tàu ngầm (để minh họa).
H2: Xác tàu ngầm Kursk (để minh họa).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét