Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 16 tháng 1, 2014

Chuyện về một con tàu mất tích – Ma hay sóng ma (P1)

Nhân "vụ Vinalines ra Tòa", chúng tôi xin nói riêng chuyện về một con tàu mất tích đầy bí ẩn.

P1 – Tàu Vinalines Queen đã gặp “sóng ma”?
(Bài của anh Nguyễn Bá Xuân, trích)

Vị trí địa lý của vùng mà Vinalines Queen (VNLQ) bị đắm rất không bình thường. Vùng này nằm ở tuyến đầu của hệ thống gió mùa đông bắc thổi vào Biển Đông, được xem như một thung lũng gió, có tốc độ gió thổi rất mạnh. Hơn nữa, trong khi thổi qua eo biển Đài Loan và eo biển Luzon, trường gió này có thể bị cản trở và thay đổi hướng bởi sự hiện diện của đảo Đài Loan và đảo Luzon. Do đó, ở đây có thể xảy ra trường gió tạo xoáy, giống như sự xuất hiện một cơn lốc mạnh, và sẽ biến mất sau một thời gian ngắn. Sự thoắt ẩn thoắt hiện các tai biến ấy không phải ai cũng có cơ hội chứng kiến trực tiếp và, vì thế, dễ sinh chủ quan.

Thời gian VNLQ bị đắm là lúc có gió mùa đông bắc cấp 8–9, giật cấp 10–11. Với vị trí địa lý như nêu trên, bất kỳ tàu biển nào, dù trọng tải lớn và hiện đại đến đâu, cũng phải dè chừng. Vậy mà VNLQ vẫn ra khơi chở quặng chuyến thứ hai trên hành trình ấy ở điều kiện thời tiết ấy. Vì sao vậy? Xin lưu ý, chuyến chở quặng đầu tiên của VNLQ không rơi vào điều kiện thời tiết xấu như thế.

Đây là một vùng biển có hệ dòng chảy gió trên mặt biển và ở dưới sâu rất phức tạp, có hướng chảy xiết đối nghịch nhau qua eo biển Luzon vào Biển Đông. Không những vậy, một phần hệ dòng chảy trong vùng này còn được tạo thành bởi hệ dòng chảy qua eo biển Đài Loan. Hai hệ dòng chảy từ Thái Bình Dương và từ vùng Biển Đông có thể kết hợp và tạo thành một dòng xoáy nghịch, hội tụ và đưa nước chìm xuống sâu.

Sự kết hợp và tương tác lẫn nhau giữa hai quá trình gồm quá trình khí tượng trên mặt nước và quá trình động lực dưới nước, tạo cho vùng này trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với các vùng biển khác. Gió trên biển mạnh có thể tạo sóng cao 5–7 mét và lốc xoáy; trong khi đó, dòng chảy ở dưới biển chảy xiết và cũng có khả năng tạo xoáy nghịch, nhấn chìm tàu xuống đáy.

VNLQ có thể bị gió mạnh, sóng lớn và dòng chảy xiết tác động mạnh, làm lệch hướng một góc nào đó hoặc góc 90 độ. Trường hợp này, nếu tàu nằm song song với hướng sóng tới thì có thể bị nghiêng mạnh, không kịp lấy lại thế cân bằng(*) và hậu quả tàu sẽ bị chìm rất nhanh trong phút chốc.

VNLQ đắm cũng có thể liên quan sự tác động của một con sóng ngầm, từ chuyên môn gọi là “sóng nội”, xảy ra đột ngột. Nếu quả thực bị sóng ngầm tấn công, tàu này chắc không kịp trở tay. Vì sao vậy?

Sóng nội có thể được hình thành và truyền vào Biển Đông qua eo biển Luzon từ Tây Thái Bình Dương. Vào Biển Đông, nó bị ảnh hưởng bởi độ hẹp của eo biển. Tại ngưỡng cửa của eo biển Luzon, còn tồn tại dải địa hình nổi lên cao so với các vùng phía trong và phía ngoài eo biển. Đây rất có thể là một trong những điều kiện nền cơ bản để tạo thành sóng nội có năng lượng lớn. Chúng thường hình thành tại các vùng thềm lục địa có địa hình phức tạp. Vậy đâu là sự khác nhau giữa sóng nội và sóng gió trên bề mặt nước?

Sóng mặt có nguyên nhân hình thành từ sự tác động của trường gió trên mặt biển. Còn nguyên nhân tạo nên sóng nội là do sự kích động của các yếu tố ngoại lực và nội lực đến các lớp nước có mật độ khác nhau. Về cơ chế hoạt động, sóng nội có thể nâng cả một lớp nước ở độ sâu 100 mét lên trên tầng nước mặt, sau đó lại đánh sập lớp nước ấy xuống sâu(**).

(*) Tuy nhiên, đây là điều rất khó xảy ra đối với thủy thủ lái tàu và/hoặc sĩ quan có kinh nghiệm ở mức trung bình (NST).
(**) Bạn đọc có thể tham khảo “Sóng ma hay sóng sát thủ trên đại dương” trong chủ đề “Chuyện của biển” tại trang tin này.

Không có nhận xét nào: