Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

Thả và rà phá thủy lôi ở miền Bắc trước 1975 (P1-2)

Nhân dịp lễ 30 tháng Tư, chúng tôi xin trích đăng một số bài viết về chuyện thả và rà phá thủy lôi ở miền Bắc trước 1975.

Thủy lôi là loại mìn được neo dưới mặt nước để diệt tàu thủy đối phương. Chúng sẽ phát nổ khi tàu tác động. Để cố định thủy lôi, một số dây cột sẽ giữ thủy lôi lơ lửng trong nước, không nổi lên bề mặt để dễ bị phát hiện nhưng cũng không chìm dưới đáy khiến hiệu quả bị suy giảm. Cũng vì ngầm trong nước nên xác suất va chạm với tàu khá nhỏ, do đó thủy lôi có thêm đầu nổ cảm ứng để kích nổ khi tàu đến gần. Các đầu nổ thường là dựa vào cảm ứng với tác động mạnh của làn nước, với kim loại, với từ trường khi tàu đi qua.

P1. Thủy lôi dày đặc trên các sông, cảng biển ở miền Bắc. 
(bài trên dantri.com.vn, trích đăng)

Tháng 4/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh ném bom ồ ạt miền bắc Việt nam. Khác với lối đánh "leo thang từng bước” trước kia của Tổng thống Lyndon Johnson (Đảng Dân chủ), Richard Nixon (Đảng Cộng hoà) xử sự như một "diều hâu", dùng lối đánh phủ đầu. Ý đồ của R.Nixon là, cùng một lúc, triệt đường sắt, cắt đường bộ, chặn đường sông, ngăn đường biển của đối phương.

Trước kia, L.Johnson chỉ bao vây vòng ngoài cảng Hải Phòng, chứ không trực tiếp đánh vào bến cảng. Nay R.Nixon ra lệnh đánh tuốt cả tàu Liên Xô, Trung Quốc. Đồng thời ông ta cho thả khoảng 7.000 quả thuỷ lôi MK-52 phong tỏa 25 cửa biển của bắc Việt nam, bao gồm cả cảng Hải Phòng. Trên đường bộ, máy bay đánh sập các cầu Long Biên, Đuống, Bắc Giang, Việt Trì, Lai Vu, Phú Lương (ở tuyến ngoài), và các cầu Phủ Lý, Ninh Bình, Đò Lèn, Hàm Rồng (ở tuyến trong).

Trên đường sông, không quân Mỹ đã thả hàng vạn trái bom, trong đó có 6.000 bom từ trường MK-42 (khi xuống nước, bom từ trường được gọi là thuỷ lôi từ tính). Mỹ thường dùng máy bay của hải quân như A4D, A3J, A6, A7 để thả thuỷ lôi; thả vào lúc sương mù, nửa đêm về sáng để đối phương khó phát hiện; thả bom nổ ngay, bom nổ chậm xen với thuỷ lôi, khiến cho đối phương dễ lẫn lộn, khó xác định được số lượng từng loại. Mỹ tập trung triệt phá các đầu mối đường sông, cửa sông, cửa biển; phong toả Lục đầu giang, sông Lèn, đoạn Đào viên trên sông Đuống, đoạn Vạn điểm trên sông Hồng, cửa Ba Lạt, cảng Bến Thuỷ, phà sông Gianh, …

Thời Nixon không dùng các loại thuỷ lôi MK-42 mô-đen 0, mô-đen 1 (mà thời Johson đã dùng) vì đối phương đã có kinh nghiệm rà phá. Ông ta thả các loại mới như MK-42 mô-đen 2, mô-đen 3, mô-đen 4, "những quả mìn này có gắn bộ phận điều khiển nửa tự động để đánh lạc hướng tàu vớt mìn, có thể nổ hoặc không nổ, tuỳ theo ý đồ của người thả". Cách rà phá cũ đã trở nên vô hiệu, người đi rà phá thủy lôi "thông minh" sẽ cầm chắc hy sinh.

P2. Rà phá bom từ trường là chấp nhận hy sinh.
(bài trên tinhhinh.net, trích đăng)

Từ 1964 đến 1968, Mỹ đánh phá ác liệt vùng khu Bốn. Sau khi Johnson tuyên bố "ném bom hạn chế", thì dải đất từ cầu Bùng trở vào càng bị ném bom không hạn chế! Trên đất liền, Mỹ ném bom phá, bom bi, bom cháy, bom hơi, bom từ trường... Trên sông nước, chúng thả thuỷ lôi MK-42 mô-đen 0, mô-đen 1, rất nhạy cảm trước các biến thiên của từ trường. Chiếc thuyền gỗ đi qua, thế mà thuỷ lôi cũng nổ. Vì thuyền đóng đinh sắt. Nhưng chiếc thuyền nan đi qua, thuỷ lôi vẫn cứ nổ. Tại sao? Thì ra anh thuỷ thủ đeo thắt lưng với khoá sắt mạ kền.

Chiến sĩ phá bom mìn kể:

Cách rà phá của chúng tôi lúc đầu là phóng ca-nô lướt thật nhanh, khiến thuỷ lôi chỉ kịp nổ  vuốt đuôi. Cũng có lúc thành công. Đằng sau ca-nô, liên tiếp dựng lên những cột nước trắng xoá. Nhưng cũng lắm khi nó nổ ngay trước mũi, hoặc tai hại hơn, nổ dưới buồng lái! Ca-nô bị hất tung lên, tan thành từng mảnh! Nếu thuỷ lôi nổ chếch đi một chút, thì có thể chiếc ca-nô chỉ bị tung lên mà không tan vỡ. Người ngồi trên, trong trường hợp ấy, thường không chết vì mảnh bom (bom nổ dưới nước không nhiều mảnh như nổ trên cạn) mà chết vì sức ép. Có anh va đầu vào xà ngang ca-bin vỡ sọ, chùn xương sống; có anh đập người vào thành ca-bin gãy tay.

… Sau này chúng tôi không dùng ca-nô sắt thép nữa, mà dùng thuyền nan, thuyền gỗ đóng đinh nhôm, đinh đồng. Các anh kỹ sư bom mìn gọi nó là “thuyền tiêu từ”. Anh em đi rà phá ngồi trên thuyền tiêu từ. Chiếc thuyền kéo theo sau một tấm lưới có buộc một thỏi nam châm. Thuyền không mui, để tránh va đập. Thuỷ thủ mặc quần cộc, mình trần, đeo phao cứu sinh, tay ghì chặt lấy cọc thuyền. Con thuyền đi qua, quả thuỷ lôi không nổ. Tấm lưới có nam châm quét qua, quả thuỷ lôi nổ. Anh em ngồi trên thuyền bị hất văng xuống sông, nhưng như thế, vẫn ít nguy hiểm hơn là đập đầu vào mui thuyền. Nếu không ngất xỉu, thì cứ từ từ bơi vào bờ. Nếu ngất xỉu, thì có phao cứu sinh nâng đầu lên, cứ thế trôi xuôi dòng nước, đồng đội trên bờ chèo đò ra vớt. Thường rà phá về đêm. Sông nước mênh mông, vắng lặng. Thuỷ lôi có thể nổ bất cứ lúc nào! Thần kinh căng như sợi dây đàn! 1 phút... 30 giây... 10 giây nữa... cái chết rất có thể ập tới! Đã có hôm thuỷ lôi nổ ngay dưới bụng thuyền tiêu từ. 
 (còn nữa)

1 nhận xét:

HCQuang nói...

Gửi bài mà quên tựa đề, nay chúng tôi xin bổ túc. Thành thật xin lỗi bạn đọc.