(sưu tầm, trích)
Trong những tour du lịch độc đáo như “Vượt rừng, chinh phục thác”, “Leo núi nhân tạo”, “Khám phá cực đông”, du khảo và “phượt”..., thì những tour “Lặn biển thám hiểm” đang “hot”! Đó là thế giới kỳ thú, hấp dẫn y như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne. (Lao Động)
… Tôi theo học lớp lặn nhập môn OWDC: Bài đầu tiên là lặn ... trên cạn. Tôi bị “test” về vật lý biển như: Một vật nửa nổi nửa chìm trong nước mặn thì hiện tượng gì sẽ xảy ra? Ở độ sâu 30m, áp suất sẽ tăng bao nhiêu lần so với áp suất mặt biển? Bạn sẽ làm gì để cân bằng tai và các xoang trong lúc lặn? Vấn đề gì xảy ra nếu bạn nín thở trong lúc bơi lên khi sử dụng bình khí nén? Nếu lặn sâu 17m thì thời gian cho phép lặn tối đa của người lặn là bao lâu? Mất một ngày ròng rã, tôi mới “giải mã” được một “núi” câu hỏi đại loại như đã nói ở trên và phần nào “thông tuệ” về lý thuyết bơi lặn.
Ngày thứ hai, đến lượt học lặn hồ bơi, tôi được làm quen với áo chống lạnh, kính lặn, chân nhái, bình khí, bộ điều khiển khí, áo phao, dây chì,... Và được học phương pháp lắp ráp và mang vác, sử dụng các loại thiết bị lặn.
… Trời lạnh, tôi khoác bình ôxy trên lưng và đeo chì quanh thắt lưng rồi nhảy ùm xuống hồ bơi. Các guide hướng dẫn tận tình cách xả hơi áo phao, ngậm ống hơi, tháo nước ra khỏi kính, thở cân bằng cơ thể dưới nước, các thao tác “ngồi đáy” nước xử lý các tình huống bất trắc có thể xảy ra khi lặn. Mười phút, hai mươi phút ngâm mình dưới nước, anh bạn tôi lạnh run bắn người, đành bỏ cuộc lên sưởi ấm trên ... bờ hồ. Còn tôi phải gắng gượng hoàn thiện các bài học “vỡ lòng” bơi lặn trong lòng hồ bằng bình thở ôxy.
… Trời không mưa, không nắng, nhiệt độ 23 độ C, gió lùa sóng biển vỗ uồm oàm vào bờ cát trắng phau. Tàu rời cảng Cầu Đá tiến thẳng ra đảo. Gần 1 giờ vượt sóng, tàu mới neo đậu ở sát mỏm đảo phía nam. Tôi bắt đầu ngày học thứ ba thực hiện 2 ca lặn 90 phút cùng với các học viên Chelsea, Leigh, Dominik. Từng người lặn biển đều có một guide đi kèm để hướng dẫn thao tác lặn, các chỉ số của đồng hồ đo ôxy, các vale cân bằng trong nước, cách lặn ở từng độ sâu khác nhau ... Ngôn ngữ trao đổi duy nhất với bạn đồng hành trong suốt quá trình lặn là ký hiệu. Càng lặn sâu, tai càng bị đau nhức, ù, tôi phải đánh quai hàm, bóp mũi liên tục và thở mạnh để giảm áp suất qua hai màng nhĩ, cân bằng cơ thể.
… Lại ngày mới ở Hòn Mun. Tôi mang chân nhái, vác bình hơi nhảy tàu. Giờ thì tôi như thợ lặn thứ thiệt, bắt đầu ứng dụng bài học thực tế lặn biển bằng cách hít thở sâu bằng miệng, giơ cao cần ấn nút xả khí và thân hình “người nhái” của tôi từ từ chìm xuống biển. Tôi bơi theo cuộc hành trình thám hiểm của guide, mắt mở to phóng tầm nhìn bao quát vào “thủy cung” dưới lòng đại dương xanh.
Ở độ sâu 10 – 18m nước, tôi lạc vào thế giới với muôn vạn sinh linh, với muôn sắc màu đẹp rực rỡ của san hô, của hàng trăm loài sinh vật biển. Cuộc sống con người vốn chứa đựng nhiều bí ấn, thì dưới đáy biển bao la cũng hiện diện đầy ắp triết lý nhân sinh, cộng sinh bầy đàn như “ngôi nhà chung”, tạo nên bức tranh thiên nhiên huyền ảo, đẹp đến nao lòng. “Thủy cung” trong câu chuyện cổ tích ngày xưa ông bà kể như hiện lên trước mắt với nhiều cảnh vật lạ lẫm, thích thú, độc đáo. Này là thiên đường san hô với hàng trăm loài cứng và mềm, lớn nhỏ tương hỗ nhau trông giống như những đóa hoa khổng lồ. Này là vô số các loài động vật giáp xác và cá chào mào, hải sâm, sao biển, hải quỳ, cá hoàng đế, cá mao tiên, cá hề ... có màu sắc sặc sỡ, lượn lờ quanh thợ lặn. Và đây, những hang động lung linh, kỳ bí dưới lòng biển rộng. Tôi cảm giác vô cùng diễm phúc khi lặn vào ngóc ngách hang san hô, nhìn thấy hàng ngàn con cá bơi lượn thân thiện quanh mình.
Chỉ vài ngày trải nghiệm, trong tôi như tan biến mọi lo toan của cuộc sống thường ngày, thay vào đó là sự trào dâng một cảm xúc, một niềm đam mê, một tình yêu mãnh liệt với “bảo tàng sống” dưới lòng đại dương sâu thẳm, mênh mông, kỳ vĩ và bí hiểm.
1 nhận xét:
Nghe nói thầy của anh này là trung tá Kika bên RW.
Đăng nhận xét