Danh sách các tab/trang

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Những Nguy hiểm cùng Kinh nghiệm cho Bơi lội và Lặn tự do ngoài Biển

Trong quá trình tìm điểm lặn vo gần SG và nghĩ về kế hoạch thực tập ngoài biển cho nhóm lặn tự do mới (sắp) thành lập, mình bỗng nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa chứa đầy đam mê, mạo hiểm, cùng những kinh nghiệm, kiến thức được rút ra từ đó. Thế nên để chào mừng buổi họp mặt đầu tiên của nhóm lặn tự do ngày mai, mình cũng muốn chia sẻ vài kinh nghiệm cùng mọi người.

Dòng chảy dọc theo bờ (longshore current) (Viết tắt: "Dòng dọc bờ")

Ở biển khơi, không lúc nào là không có gió. Gió thổi tạo nên sóng, sóng đánh vô bờ, nước chồm lên bãi cát rồi phải rút xuống tạo nên các dòng chảy gần bờ (nearshore currents). Thuở nhỏ, cứ mỗi mùa nghỉ hè, mẹ lại đưa mình ra Vũng Tàu đi tắm biển. Mình thích bơi ra ngoài xa thoát khỏi vùng sóng vỡ (surf zone) để tự do vùng vẫy với làn nước trong và êm ả, không bị quấy nhiễu bởi những con sóng bạc đầu (surf, breakers). Cũng trong những lúc thưởng thức cái không gian thoáng đãng ở ngoài đó rồi dòm vào trong bờ ngắm những con người bé nhỏ nô đùa với sóng mà có một ngày, mình chợt nhận ra rằng mình đang bị nước cuốn đi ngang với một tốc độ đáng gờm... Lấy những căn nhà cao tầng hoặc ngọn núi xa xa phía sau làm mốc thì cái khung cảnh náo nhiệt trên bãi biển đang trôi sang một bên (trái/phải) thấy rõ. (Điều này thật khó nhận ra khi ở gần bờ vì không thấy được những điểm mốc ở đằng xa.)

Những lần đầu thấy bị cuốn đi như vậy, mình đã hoảng hồn cố sức bơi ngược trở lại, nhưng hầu như chẳng bao giờ thắng được dòng của nước. Từ từ rồi mình mới nhận ra rằng hễ bơi vô gần bờ thì dòng chảy chậm đi, nên không bao giờ được bơi ngược dòng nước mà phải cắt ngang dòng của nó. Và đây cũng là quy tắc chung cho các dòng chảy khác.

Ngoài cái thú vùng vẫy ngoài xa, mình còn luôn bị hấp dẫn bởi những cảnh quan ngoạn mục dưới đáy biển. Và cũng trong những lần lặn xuống đáy như vậy, mình đã phát hiện ra là vận tốc dòng chảy giảm đi nhiều khi đi từ trên mặt xuống dưới đáy. Bình thường, nếu nằm trên mặt nước quan sát một cái mốc dưới đáy (hòn đá chẳng hạn) thấy nó liên tục rời xa mình, thì (với dòng chảy nhẹ) chỉ cần xuống khoảng 1 mét nước là không còn thấy bị xê dịch nữa.


Mãi sau này khi đi học lặn, mình mới biết đó là dòng chảy dọc theo bờ. Nó là kết quả của gió thổi xéo (không vuông góc với bờ biển) tạo nên những con sóng đánh xéo vào bờ, đưa nước lên rồi rút xuống chạy dọc bờ theo những đường zig-zag. Ngày trước chẳng được học, chẳng có mạng internet, mình chẳng biết đến cái tên của nó, nhưng lần nào ra biển mình cũng xem hướng chảy và vận tốc của nó để biết đường bơi lội. Với những bãi cát nhỏ thì mình phải bơi ra từ đầu này của bãi để dòng nước đưa mình đến đầu kia rồi bơi vào trước khi phải đối mặt với những ghềnh đá đầy vỏ hàu sắc bén như dao cạo. (Dù có bị trôi ra khỏi bãi cát, cũng phải bơi hướng vào bờ chứ không được bơi ngược dòng! Đó là kinh nghiệm xương máu của mình.) Còn với những bãi cát dài thì có thể thoải mái để nước cuốn đi, nhưng nếu có bơi lội thì nên hướng ngược dòng nước để khi vào bờ đỡ phải "chạy bộ" trở về chỗ cũ.

Dòng dọc bờ chảy nhanh cỡ nào? Theo kinh nghiệm của mình ở Vũng Tàu và Nha Trang thì thông thường nó từ chỗ rất chậm (chưa bao giờ thấy dừng hẳn) đến khoảng 3km/h (0.8m/s). Còn trong những ngày biển động, gió lớn thì theo CoastalWiki nó có thể lên trên 9km/h (2.5m/s). Và có một lần đi tắm biển với đoàn ở Bãi Sau (VT) đúng lúc trời mưa to gió lớn, nhưng vì lịch đã lên cứng rồi nên buộc phải xuống tắm, mình cũng chỉ dám quanh quẩn ở vùng nước sâu tới gối nhưng đã cảm thấy nước chảy rào rào dưới chân mạnh đến độ không còn đứng vững nữa, ai thả mình xuống nước thì bị nó "bắn" đi như giữa dòng nước lũ! Bữa đó khi mò lên bờ, cả đám đi mãi, tìm mãi mới ra cái xe của đoàn (loại 52 chỗ, to tướng).

Dòng chảy rời xa bờ (rip current) (Còn gọi "dòng rút")

Nếu dòng dọc bờ xuất hiện hầu như mọi lúc mọi nơi (vì ít khi nào gió thổi đúng vuông góc với bờ) và không mấy nguy hiểm thì anh em của nó là dòng chảy rời xa bờ tuy ít gặp hơn nhưng lại rất nguy hiểm. Cũng là sóng vỗ nước lên bờ rồi rút trở ra, nhưng khi gặp những lạch nhỏ tạo bởi những dải cát ngầm chắn ngang dưới nước, nước rút ra biển bị dồn thành một dòng xảy xiết với vận tốc tăng dần từ bờ kéo ra tít ngoài xa (thường ra khỏi vùng sóng vỡ) tạo thành dòng chảy rời xa bờ (dòng rút). Dòng chảy này nguy hiểm ở nhiều điểm: Thứ nhất, nó kéo người ta từ chỗ cạn (gần bờ) ra chỗ sâu (xa bờ) nên vô cùng nguy hiểm cho những người không biết bơi; Thứ hai, khi bị bất ngờ kéo ra khơi thì kể cả người biết bơi cũng dễ dàng bị hốt hoảng và cố sức bơi ngược vào bờ, dẫn đến kiệt sức (dòng rút có thể chảy tới 18km/h (5m/s)); Thứ ba, dòng chảy này thường tập trung ở những lạch nhỏ nên khó bị phát hiện, dễ gây bất ngờ cho người bơi.


Nói là nguy hiểm, nhưng thực ra dòng rút chỉ nguy hiểm đối với những ai chưa biết đến nó mà thôi. Theo quy tắc nói ở trên, chỉ cần bình tĩnh không chống lại dòng nước mà bơi cắt ngang nó, tức bơi dọc theo bờ, thì ta có thể dễ dàng thoát khỏi nó. Hơn nữa, khi thoát khỏi "cái lạch nhỏ" đó rồi thì chúng ta còn được sóng đưa ngược trở vô bờ nữa (vì nước có ra ắt phải có vào), nên việc bơi vào bờ lúc bấy giờ sẽ nhẹ nhàng hơn. (So sánh với việc phải lội bộ ngược trở lại chỗ cũ sau khi bị dòng dọc bờ cuốn đi.)

Tuy nhiên, dòng rút sẽ thực sự trở nên nguy hiểm trong điều kiện thời tiết xấu, vì nó xuất hiện bất chợt, mạnh bất thường, ở những nơi bình thường không hề nguy hiểm, và thường kết hợp chặt chẽ với dòng dọc bờ. Ngày trước, có lần 2 mẹ con mình ra tắm ở cái bãi tắm nhỏ bên dưới Ô Cấp (VT) và gặp phải trận mưa dông. Đó là một bãi cát nhỏ với 2 bên được "che chở" bởi những phiến đá chồm ra ngoài biển. Ngày thường thì ở đây chỉ có dòng dọc bờ thôi, nhưng hôm đó thì cả cái bãi cát nhỏ đó trở thành một lối thoát nước khổng lồ khi những con sóng lớn liên tục tràn lên thềm đá 2 bên rồi đổ dồn vô bãi để thoát ra biển. (Y như những con đường trong thành phố bỗng trở thành những cống thoát nướt khổng lồ trong mưa vậy.) Mẹ mình thấy sóng lớn thì thích đùa với sóng mà không chú ý là nó đang kéo mình dần ra ngoài... Khi nước ngập tới ngực thì bất chợt 2 mẹ con bị nó "bứng" hổng cẳng lôi thẳng ra khơi... Mẹ mình bị lôi ra trước, bị những con sóng bạc đầu cao lớn vùi dập và cảm giác liên tục xa bờ làm hốt hoảng, cố sức bơi ngược trở vô... Nhưng không những không nhích vào được tí nào mà ngay sau đó mẹ mình đã "được" dòng dọc bờ tiếp đón, kéo phăng phăng sang bên phải (hướng về Bãi Trước, bắc tây bắc)... Mới phút trước 2 mẹ con còn nắm tay nhau được thì bây giờ đã cách nhau mười mấy mét! Rồi thì cũng đến lượt mình lặp lại con đường của mẹ, nhưng sau nhiều lần chui đầu xuống nước để tránh những con sóng dữ, ngẩng đầu lên thì mình đã thấy mẹ ở tuốt trong kia, trên những phiến đá đầy vỏ hàu bén ngót... "Tiêu mẹ rồi!" mình vừa nghĩ được một tí về mẹ thì lại phải tiếp tục chui đầu xuống nước để trốn sóng... Chẳng mấy chốc mà dòng dọc bờ đã đưa mình đi xa, dòm vào chẳng thấy bờ cát đâu mà toàn là đá với đá. May là có kinh nghiệm trước đó, mình bình tĩnh lựa lúc sóng yên mà bơi từ từ vào gần bờ cho dòng chảy chậm lại (nhưng vẫn đủ xa tránh bị đập vào bãi đá), rồi từ từ quay trở ngược lại bãi cát (bằng hết sức bình sinh, nhưng cũng chỉ tiến được một cách rất từ từ). Khi lên bờ thì chẳng thấy ai ngoài 2 cha con nhà nọ đã rút lên trên đường Hạ Long quan sát tự nãy giờ. Mình thì không sao nhưng mẹ thì đã bị thương nặng ở tay, phải đi bệnh viện gấp! Một kỷ niệm đau thương, nhưng cũng là bài học lớn: địa hình nguy hiểm, dòng rút, dòng dọc bờ, và nhiều điều bất lợi khác có thể "hợp tác" với nhau biến những thứ bình thường trở nên hết sức nguy hiểm.

Những con sóng dữ

Gió trên biển thổi mạnh tạo nên sóng, từ những con sóng tròn đầu, gió thổi mạnh hơn nữa sẽ trở thành sóng nhọn đầu, rồi đến khi chiều cao con sóng (tính từ đỉnh tới chân) vượt quá 1/7 chiều dài của nó (tính từ đỉnh sóng này tới đỉnh sóng kia) thì ngọn sóng bắt đầu vỡ ra tạo nên sóng bạc đầu. Đó là ở ngoài khơi, còn khi tiến vào bờ thì những con sóng tròn đầu cũng bị đáy biển dưới chân đội lên dần và trở thành sóng bạc đầu (khi chiều cao vượt quá 1/7 chiều dài) dù không có gió mạnh.

Trong những cơn mưa dông và/hoặc lúc biển động thì hầu như đâu đâu cũng gặp những con sóng bạc đầu hung dữ. Một người đang bơi mà gặp phải cái lưỡi sóng vươn dài lên cao rồi đập xuống thì chắc chắn phải lộn nhào, rất dễ bị mất phương hướng. Nếu phải liên tục đối đầu với chúng thì người khoẻ mạnh cũng nhanh chóng bị đuối sức. Còn mình thì không khoẻ lắm nhưng qua vài lần tiếp xúc với sóng, mình đã nhận ra cách sống hoà bình với nó: Đơn giản nhất là chui thẳng vào bụng sóng, nơi yên bình nhất! (Hiển nhiên là bạn phải biết nín hơi, và tốt nhất là một tí lặn tự do.) Bằng cách này, mình luôn vượt qua vùng sóng vỡ (sóng bạc đầu) để tiến ra ngoài xa một cách nhanh chóng và hết sức nhẹ nhàng, bất chấp sóng to đến cỡ nào. (Ở VN thì ít thấy sóng bạc đầu cao, nhưng ở Nhật thì mình đã thấy những con sóng cao tầm 1 mét tiến vào bờ.) Mỗi lần chui vào bụng sóng trong làn nước yên bình và lắng nghe những chấn động bạo lực của lưỡi sóng đang lùi nhanh về phía sau, mình có cảm giác thật khoan khoái tuyệt vời!

Đó là khi ta đi ngược chiều sóng vỗ, còn nếu đi xuôi chiều hoặc song song với lưỡi sóng thì sao? Khi bơi từ ngoài vào bờ, nếu gặp những con sóng vừa tầm (từ 1m trở xuống) thì đó là cơ hội tốt để chúng ta thưởng thức cảm giác lướt sóng bằng cách hơi chúi đầu xuống và đưa chân lên khi sóng vừa tới để "ôm con sóng vào bụng" và lướt đi cho tới khi nó tan rã. (Với những con sóng cao hơn thì có lẽ bạn nên tập lướt sóng bằng ván.) Và cuối cùng, nếu ta đang bơi song song với lưỡi sóng thì tốt nhất là chui xuống nước một tí (khoảng nửa mét) mỗi khi gặp con sóng đang tấp đến bên sườn, nếu không muốn "thưởng thức" cảm giác xoay vòng trong nước. Mỗi khi chui xuống nước, mình lắng nghe cảm giác sóng đang rào rào lướt qua trên lưng cũng rất chi là thú vị!


Vậy là nhờ vào lặn vo mà mình đã tránh được nhiều rắc rối ở trên mặt nước, vùng "biên giới phức tạp" giữa nước và không khí: Dòng chảy mạnh trên mặt, sóng vỗ mạnh trên mặt, hầu hết những bạo lực thông thường đều xảy ra trên mặt nước. Hơn nữa, những cử động tay chân của chúng ta ở trong nước hiệu quả hơn nhiều so với trên mặt nước. Thế nên nhiều khi cần có sự yên bình, mình đã lặn hẳn xuống dưới đáy để di chuyển, bỏ mặc những ồn ào náo nhiệt của sóng gió ở lại bên trên! Với mình, di chuyển ở trong nước luôn hiệu quả hơn trên bề mặt: Ở vùng nước lặng thì tốc độ như nhau nhưng lặn bên dưới khoẻ hơn bơi bên trên; Còn ở vùng sóng gió thì đi bên dưới luôn nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn nhiều.

Vọp bẻ (chuột rút)

Hồi nãy giờ, mình đã nói nhiều về chuyện vật lộn vớn những con nước dữ với một ý chung nhất là "bình tĩnh, mềm dẻo, không cố sức". Ngoài việc tránh bị kiệt sức ra, cách hành xử mềm dẻo còn giúp chúng ta tránh một con "ma da" nguy hiểm, đó là vọp bẻ, hay chuột rút. Vọp bẻ là hiện tượng co cơ không tự chủ, thường xảy ra khi chúng ta cố gắng dùng cơ bắp để làm điều gì đó nặng nhọc, nhất là trong vùng nước lạnh. Một lần nữa, dù cho bị vọp bẻ, chúng ta cũng nên hết sức bình tĩnh và nhẹ nhàng: cơ nào bị vọp bẻ thì để nó yên, đừng cố cử động, và nhẹ nhàng dùng những cơ khác để vận động. Không ít người bị vọp bẻ ngoài khơi và chết... vì hốt hoảng, sặc nước, v.v. chứ không phải vì vọp bẻ. Mình từng bị vọp bẻ ở khắp nơi, từ giữa hồ (cái "hồ đá" hoang lạnh ở Làng ĐH chứ không phải hồ bơi) đến ngoài biển khơi và dưới đáy biển, nhưng chưa bao giờ có vấn đề gì xảy ra ra cả. Lần đầu tiên mình bị vọp bẻ là ở dưới đáy biển Vũng Tàu, cũng ở bãi tắm dưới chân Ô Cấp đó. Hôm đó, mình đã quá mãi mê quan sát một cụm sinh vật dưới đáy đến nỗi quên mất việc hết hơi dự trữ. Khi nhận ra thì mình bất chợt đạp mạnh xuống nền cát để ngoi lên, nhưng cái lạnh ở tầng nước sâu cùng với cú đạp chân bất ngờ đó đã làm bắp vế mình co cứng lại, nổi lên một cục hạch cứng ngắc. Mình trồi lên mặt nước và nhoẻn miệng cười "À, cuối cùng thì mình cũng đã biết 'con vọp' nó 'bẻ chưn' như thế nào!" Không sao, quả là đau thiệt, nhưng mình vẫn hoàn toàn tỉnh táo cùng với 2 tay 1 chưn còn lại rất bình thường. Nằm trên mặt nước một hồi, thấy rõ nguyên nhân của cái lần vọp bẻ này, mình bắt đầu khuơ tay quạt nước từ từ tiến vào bờ, không thèm cố sức nữa. Những lần sau cũng vậy, mình cứ thoải mái nằm nghỉ trên mặt nước một tí rồi vào bờ giãn cơ, xoa bóp một chập là khỏi.

Thực ra, để có thể bình tĩnh và thoải mái được ngay trong lần vọp bẻ đầu tiên đó, mình đã phải nhờ đến một cái duyên tự thuở bé thơ: Hồi nhỏ xíu, chẳng nhớ rõ lớp mấy, nhưng hẳn là còn tiểu học, trong một lần đi bơi ở hồ bơi Cần Thơ, mình đã học lỏm được cái "bài học đầu tiên" trong một lớp bơi lội nào đó, đó là bài "lướt nước". Từ đó, mình biết được rằng với cái phổi chứa đầy khí thì mình chẳng bao giờ có thể tự chìm được. Nhờ thế mà từ đấy về sau mình cứ thoải mái nằm nhởn nhơ hằng giờ liền trên mặt biển, thỉnh thoảng lại quạt tay một cái hoặc đạp chân một tí để ngẩng lên hớp một bụng khí rồi trở lại nằm tiếp. Có những "chân lý" hết sức đơn giản như vậy mình đã "ngộ" ra chỉ trong một khoảnh khắc, mà nhiều người tập mãi, bơi mãi vẫn không hề biết đến. Điển hình là hồi bên Nhật, trước khi đi chơi ở Okinawa, 2 anh bạn của mình đã phân vân rằng "nếu không có ống thở thì làm sao mà ngắm san hô được?!" Họ đều đã biết bơi, nên chỉ trong 1 buổi ở hồ bơi ngay trước ngày lên đường, mình đã kịp chỉ cách "dưỡng" (theo cách nói của một anh bạn) để có thể nằm thoải mái trên mặt nước mà hầu như không tốn một tí sức lực nào. Rồi một lúc nào đó trong hồ bơi, mình đã thử xuống nước trong tư thế 2 tay 2 chân bị trói, nhưng rồi cũng thấy là vẫn có thể thở và di chuyển chầm chậm được. Vậy là bơi thì khó chứ để nổi được thì không hề khó! (Ngược với quan điểm miệt vườn Miền Tây "biết nổi gọi là biết bơi".) Quan điểm này cũng giống quan điểm bơi trong bài "Bơi chìm và bơi nổi" vậy.

5 nhận xét:

HCQuang nói...

ComputerBoy.

Về thuật ngữ Rip current.

Dân Vũng tàu gọi nó là "xoáy cát" tức "xoáy cát gần bờ". Họ gọi theo hiện tượng là bạn đang đứng nghịch nước ở độ sâu ngang bụng, bỗng nhiên cát dưới chân mình thụt xuống, rồi mình chìm nghỉm. Thế là bạn sợ quá, xỉu luôn. Tỉnh đậy thấy mình nằm trên bờ, bá tánh bu xung quanh. Người gọi hồn, kẻ gọi vía um sùm.

Mấy ông nhà báo gọi nó là "dòng chảy xa bờ". Ổng gọi thế, vì ổng đang bì bõm bơi, nước sâu hun hút tới tận ngực, bỗng dưng bị một dòng nước đẩy ra xa tít mù tắp, chắc phải tới gần Trường sa. May có một người bơi tới lôi ổng vô bờ. Bá tánh bu lại hỏi bị sao vậy, ổng nói là "dòng chảy (đẩy tui ra) xa bờ". Xem trên các trang báo, bạn sẽ thấy thuật ngữ "dòng chảy xa bờ" xuất hiện nhiều lần.

Theo tui: Gọi nó là "xoáy cát" thì có vẻ tối nghĩa, gọi nó là "dòng chảy xa bờ" thì không trúng về kỹ thuật. Tui nghĩ, vì nó là một dòng nước xoáy, hình thành từ mép bờ biển và chạy thẳng ra ngoài (chừng một/ài chục mét), nên gọi nó là "dòng xoáy gần bờ" có vẻ trúng hơn.

Tuy nhiên, Việt nam mình chưa có thuật ngữ chính thức đối với Rip current, nên mạnh ai nấy gọi, sao cũng được.

HCQuang

HCQuang nói...

Bài này rất có ích cho người tham gia môn bơi, lặn biển.
HCQuang

ComputerBoy nói...

Nói tiếp về cái thuật ngữ "rip current", theo TS. Nguyễn Bá Xuân ở viện HDH Nha Trang thì "dòng Rip được nhân dân các địa phương khác nhau gọi là: dòng chảy xoáy, ao xoáy, vũng nước xoáy, dòng chảy xoáy đứt đoạn, dòng rút, dòng nước lừa, ống hút, lò hút v.v…". Như chú Quang đã nói, trong dân gian có chỗ gọi dòng rip là dòng "xoáy", nhưng cháu thấy nó lẫn lộn với các dòng xoáy điển hình khác, và cũng không thể hiện rõ bản chất dòng rip lắm. Còn "dòng nước lừa" thì cũng hay ở chữ "lừa", thể hiện sự nguy hiểm rất rất khó lường của nó. Nhưng cháu thấy hay nhất là "dòng rút" hoặc "ống hút", vừa ngắn gọn, vừa thể hiện đúng bản chất của dòng nước.

Còn về cụm "dòng chảy xa bờ" thì ngay từ lần đầu gặp nó (khá lâu trước khi viết bài trên), cháu đã thấy nó quá sai lầm, vì "dòng chảy xa bờ" nếu hiểu theo nghĩa của từ ngữ này là hệ thống các dòng hải lưu (ocean currents) ở ngoài khơi, đối lập với hệ thống dòng chảy gần bờ (nearshore current system) bao gồm dòng dọc bờ (longshore current) và dòng rút (rip current). Không rõ ai đã "sáng tác" ra cụm "dòng chảy xa bờ" đầu tiên, nhưng có một tác giả đã đổi lại thành "dòng rút" ở đây.

ComputerBoy nói...

Về sự nguy hiểm của dòng rút và dòng dọc bờ thì qua lần khảo sát biển vừa rồi, mình vừa tìm ra được thêm một cách kết hợp hết sức nguy hiểm nữa là dòng rút + dòng dọc bờ + sóng lớn vỗ bãi cạn: Dòng rút kéo người ra ngoài qua những lạch sâu (xẻ ngang các bãi cạn đá và san hô); rồi dòng dọc bờ đưa người dạt qua những bãi cạn và sóng lớn đẩy người vào bãi cạn, đập vào những khối đá và san số bén nhọn.

Unknown nói...

trẻ sơ sinh uống cam có được khôngTheo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, trước đây, bệnh viện cũng từng tiếp nhận trường hợp bị ngộ độc cam thảo. Phần lớn các bé nhập viện đều bị viêm phổi, gây khó thở tím tái, ảnh hưởng đến tim mạch… Dù chưa có hậu quả đáng tiếc xảy ra nhưng để điều trị cho bé trở lại bình thường, khỏe mạnh cũng tốn không ít thời gian và công sức. Đa phần các bà mẹ sử dụng những lát cam thảo bắc ngâm vào nước và cho con uống khi trẻ có dấu hiệu “lên đàm” hay “khó thở”.trẻ sơ sinh uống vitamin d bị táo bónếu bé uống vitamin tổng hợp, cần đảm bảo nó có ít nhất 400 IU vitamin D. Với trẻ sơ sinh, cả bú mẹ hay bú sữa công thức, bác sĩ nhi khoa có thể kê bổ sung vitamin D dạng lỏng. chữa trị táo bón cho trẻ sơ sinhTáo bón là tình trạng phân di chuyển chậm, bị hấp thu lại một phần nước nên phân trở nên cứng rắn, khô nứt nẻ hoặc tròn nhỏ như phân dê. Đi đại tiện rất khó khăn, bé phải ngồi lâu, rặn nhiều gây đau rát, tình trạng nặng hơn phân có thể dính máu khiến bé sợ hãi, không chịu đại tiện. trẻ bị tiêu chảy phải làm saoKhi bé bị tiêu chảy thường có những dấu hiệu sớm như ăn kém, bỏ ăn, đầy bụng, nôn, những biểu hiện này kéo dài 3 – 6 giờ trước khi tiêu chảy (bé bị tiêu chảy dạng phân lỏng, hoặc phân nước có máu). Thời điểm này, điều quan trọng nhất là mẹ cần để ý sát sao các triệu chứng để phát hiện các dấu hiệu mất nước và mất muối ở bé. dấu hiệu sốt mọc răng ở trẻ nhỏBé sốt do mọc răng thường đi kèm những dấu hiệu chuẩn bị mọc răng khác như: bé chảy nhiều dãi, thích kéo tai; bé ngứa răng nên thích “gặm” tay mẹ hoặc nhai những đồ vật khác; lợi bé có biểu hiện sưng đỏ; bé sốt theo từng cơn, Bé cũng có thể đi cầu phân nhão, sệt 3-4 lần/ngày, quấy khóc, biếng ăn..… Khoảng 2-3 ngày sau đó, khi những chiếc răng mới nhú lên, cũng là thời điểm dấu hiệu sốt và tiêu chảy ở bé giảm dần rồi mất hẳn.