Danh sách các tab/trang

Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2012

Cảm giác sợ hãi bắt nguồn từ đâu?


Cảm giác sợ hãi xảy ra rất thường xuyên ở con người, song nguồn gốc của nó bắt nguồn từ đâu? (theo suckhoedoisong.vn, trích)

 TS.Adam Perkins, chuyên ngành thần kinh học, bệnh viện Maudsley, London, Anh, đã tiến hành các cuộc kiểm tra sự liên quan khi xuất hiện cảm giác sợ hãi với hoạt động của não bộ bằng cách kết hợp quét cộng hưởng từ trường MRI tại vùng não được xác định là nơi kiểm soát sự lo lắng, cảm xúc, tâm trạng của con người. 


Sau 9 tháng tiến hành nghiên cứu trên nhóm người tình nguyện, trong đó chính TS. Perkins cũng là một, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận: trong não bộ có tồn tại một khu vực được coi là trung tâm của nỗi lo lắng, sợ hãi. Vùng não này nằm ngay trong vùng não trung tâm – hippocampus, bên trong thuỳ thái dương và chính là vùng não có liên quan đến khả năng kiểm soát trí nhớ cũng như khả năng nhận thức của con người. Theo dõi trên màn hình kết quả quét cộng hưởng từ trường cho thấy: bất cứ khi nào, cảm giác sợ hãi xuất hiện, vùng não trung tâm hippocampus lại hoạt động và biểu hiện trên hình ảnh là các vùng phát sáng giống như một đám pháo hoa.
Thông thường, khi cảm giác lo lắng, sợ hãi xuất hiện, con người có xu hướng “cứng đờ” cơ thể. Nó cũng xuất hiện khi phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. Khoa học gọi hiện tượng này là sự ức chế hành xử (behavioural inhibition) do một vùng thuộc não bộ điều khiển. Điều này lý giải cho việc tại sao một số người trở nên bị “đơ người” khi sợ hãi hoặc khi đối mặt với một nguy hiểm đang hiện hữu, trong khi đó một số khác lại vẫn có khả năng giữ được bình tĩnh để đối mặt với mối đe doạ và xử lý được nó.


Lo lắng, sợ hãi là một hiện tượng phức tạp và rất khó hiểu. Chúng ta vẫn cho rằng cảm giác lo lắng xuất hiện như một biểu hiện tất yếu, một trạng thái tự nhiên của cơ thể, song sự thực là chỉ khi xảy ra hoạt động tích cực ở vùng não kiểm soát trạng thái này, nỗi lo lắng sợ hãi mới diễn ra. Điều này cũng có nghĩa là chỉ cần tác động nhân tạo khiến cho vùng não kiểm soát sự lo lắng hoạt động thì cũng có thể khiến cho một người rơi vào tình trạng lo lắng, sợ hãi. Ngược lại, nếu muốn chấm dứt cảm giác sợ hãi của một người, đơn giản chỉ cần tác động ức chế hoạt động tại vùng não ấy.

Trong thí nghiệm của mình, TS. Perkins đặt ra yêu cầu là phải khiến cho người tham gia thử nghiệm rơi vào trạng thái lo lắng, sợ hãi bằng các tình huống thực tế. Đồng thời với việc diễn ra trạng thái này, máy quét cộng hưởng từ trường fMRI hoạt động ghi lại không chỉ cấu trúc của não bộ, mà còn ghi lại các phản ứng của não và các tế bào thần kinh trong não.
Nghiên cứu của TS. Perkins không chỉ làm rõ nguồn gốc trạng thái lo lắng, sợ hãi của người bệnh, mà còn đem lại một phát hiện mới mẻ, thú vị, đó là, nhìn chung, những người thuận tay phải có xu hướng dễ lo lắng, sợ hãi hơn những người thuận tay trái; phụ nữ có xu hướng xuất hiện trạng thái sợ hãi nhiều hơn và mức độ trầm trọng hơn nam giới.
Theo TS. Perkins, phụ nữ dễ bị cảm giác lo lắng, sợ hãi bởi những đe doạ không chỉ về mặt thể chất mà còn bởi những ám ảnh hay tưởng tượng khác, chẳng hạn như: nỗi sợ đám đông, sợ sự mạo hiểm, sợ bóng tối… Ngoài ra, những người đàn ông có lối sống phóng túng thường là những người ít có biểu hiện lo lắng sợ hãi nhất. Và theo kết quả một điều tra xã hội, thì người già có xu hướng ít bị ảnh hưởng bởi trạng thái lo lắng và sợ hãi hơn so với người trẻ tuổi.
Và một điều đặc biệt nữa, trái với suy nghĩ của nhiều người, rằng cảm giác sợ hãi, lo lắng là không tốt cho sức khoẻ, kết quả nghiên cứu của TS. Perkins lại cho thấy: một chút cảm giác sợ hãi đôi khi lại là rất tốt. Trạng thái này khiến cho mọi người trở nên thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định, làm giảm sự hấp tấp, vội vàng vốn là nguyên nhân dẫn tới thất bại trong công việc. Một thử nghiệm với các trò game tạo cảm giác mạnh đã được tiến hành. Những người chơi với tâm lý thận trọng, đề phòng luôn đạt được số điểm cao hơn những người chơi khác. Trong cuộc sống, điều này cũng diễn ra tương tự, những người liều lĩnh, ưa mạo hiểm nói cách khác là những người không biết sợ đôi khi lại làm hỏng việc nhiều hơn.
Kết quả nghiên cứu trên đây của các nhà khoa học giúp mở ra hướng đi mới và những ứng dụng mới trong tương lai. Các thí nghiệm thực tế đã mang lại câu trả lời cho một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học trong nhiều năm qua về nguồn gốc và bản chất của cảm giác sợ hãi, cũng như mối liên quan của trạng thái cảm giác này với hoạt động của não bộ con người.
Và nếu như kết quả từ các hình ảnh quét não có thể được phân tích làm rõ, kết hợp với các dữ liệu thu được trực tiếp từ việc đặt ra các câu hỏi cho người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học hoàn toàn có thể xác định được mức độ sợ hãi của mỗi người. Điều này mở ra hi vọng phát triển các phương pháp trị liệu hoặc các loại thuốc mới giúp điều trị các dạng khủng hoảng thần kinh và căng thẳng do sợ hãi và lo lắng mang lại.

8 nhận xét:

HCQuang nói...

Xin gửi bài này để "lát đường" cho các bài của nhóm lặn nói về chuyện lặn Hồ Đá.
HCQuang

ComputerBoy nói...

Cái gì thái quá cũng không tốt, sợ hãi thái quá thì chẳng làm gì được, không những không bảo vệ mình trước nguy hiểm mà còn gây ra nhiều nguy hiểm đáng lẽ không có (do người đó tự tạo ra). Nhưng nhìn chung thì nỗi sợ là một cái "áo giáp" hữu hiệu của thượng đế ban cho để mỗi người tự bảo vệ lấy mình.

Qua phân tích về các nguy hiểm ở Hồ Đá hổm nay thì cháu thấy cái nguy hiểm lớn nhất vẫn là những "con ma" thực sự: những nguy hiểm "núp trong bóng tối" không phơi bày ra trước mắt người ta để họ đề phòng. Tới giờ cháu thấy được 3 con: Vách đá ngầm, sạt lở đất, chuột rút.

ComputerBoy nói...

Riêng cháu thì bị "đứt dây thần kinh sợ" từ lâu rồi, nên chỉ biết sợ bằng ý thức thôi. Nhưng ngược lại, vì bị mất cái áo giáp trời cho đó nên cháu luôn phải cẩn thận, tìm hiểu kỹ lưỡng mọi nguy cơ có thể trước khi tiến hành.

Khác với hoàn cảnh "ma nhiều hơn quỷ" đối với người trên bờ, cháu thấy đối với người lặn dưới Hồ Đá thì phải đối mặt với nhiều "quỷ" (nguy hiểm hiển hiện) hơn "ma" (nguy hiểm giấu mặt): Nước đục, thiếu ánh sáng, dễ rơi mất đồ,... Cho tới giờ cháu mới thấy có 1 "con ma" đối với dân lặn, nhất là lặn vo, đó là sự rơi tự do nơi không có vật mốc. Vì tầm nhìn kém nên chỉ cần trong bán kính 1m xung quanh ta không có vật mốc nào thì mình chẳng thể biết được mình đang đi lên hay đi xuống. Mà với dân lặn vo thì chỉ cần xuống vài mét là đã rơi tự do rồi, đợi đến khi "ù tai" thì đã xuống quá sâu để có thể ngoi lên một cách thoải mái. Lần này cháu đã mang theo dây có đánh dấu mỗi nửa mét, và thực tế vẫn thấy rõ các ký hiệu độ sâu trên dây cho tới 20m (không cần bật đèn pin), thì "con ma" này cũng đã bị đẩy lùi rồi. Cháu chỉ lo là dây bên phao của chú AMk3 không có đánh dấu, chú AMk3 lại cầm camera nên khó theo dõi độ sâu trên đồng hồ đeo tay, nhưng may mắn là đã không có chuyện gì xảy ra :).

TchyA nói...

Đang đợi bài viết về chuyến lặn Hồ Đá vừa rồi của mọi người...

Unknown nói...

Hihihihihihi
Chu HCQuang vua roi bien Hon Mun ve tham Ho Da lan dau tien da up ngay mot bai viet phan tich ve NOI SO HAI roi.
Kieu nay chac chau se sap xep tiep de nhom cua minh thuc hien them 2 ke hoach nua. Thu 1 la sap xep de chu HCQuang di voi bon chau,khi lan o diem co tam nhin bang 0 va co khuyen mai them nuoc chay manh. Thu 2 la sap xep de nhom minh giao luu voi dong chi Dai uy Tuan, doi truong doi tim kiem cuu nan duoi nuoc cua Cong An TP.HCM de tiep tuc chia se them ve NOI SO HAI khi thuc hiem nhiem vu Tim kiem tu thi duoi nuoc

ComputerBoy nói...

Chắc anh Phương hiểu lầm ý chú Quang rồi. Hình như bài này chú Quang nói về nỗi "ám ảnh Hồ Đá" mà mọi người đồn thổi, về những sự hoảng sợ "cứng người" khi bị rơi xuống hồ đã gây nên nhiều cái chết, và cũng một phần lấy cảm hứng từ cuộc nói chuyện về các môn thể thao mạo hiểm của nhóm ở quán Nhà Sàn (cà phê Tigôn) trước khi ra về. Chứ em nghĩ chú Quang không dễ bị làm sợ đến vậy đâu.

ComputerBoy nói...

Về việc viết bài thì kỳ này cháu xin phép được chỉ định chú AMk3 nhé. Tuy ComputerBoy tổ chức nhưng chú AMk3 là người đưa ra ý tưởng, đứng đằng sau "giật dây" (từ rất lâu, tận hồi "Lặn hồ đá kỳ 1" lận), và đã chuẩn bị rồi thử nghiệm rất nhiều thứ, nên hi vọng chú sẽ có nhiều thứ để viết.

Còn trong khi đợi bài viết của chú AMk3, thì tui có vài thông tin báo cho TchyA biết trước: Tuy hầu như không ai thưởng thức được vẻ đẹp của rong và cá (do tổ chức cập rập, hơi bị lộn xộn), nhưng:
- Chú Quang có thêm kinh nghiệm lặn nước đục.
- AoE đã xuống tới 8m (~ 7.5m nước biển, theo đồng hồ chú AMk3).
- Chú AMk3 chuẩn bị nhiều đồ chơi và thử nghiệm có vẻ thành công.
- ComputerBoy và chú AMk3 được tiếp cận độ sâu mới -20m.
- Xác nhận ý kiến của TchyA khi khảo sát qua ảnh vệ tinh là đúng: Những cái "vũng nước trong ảnh lòng hồ" là chỗ sâu nhất (25m, so với bình quân 20m của lòng hồ).
- Anh Đạt, thành viên mới của nhóm lặn vo có cơ hội đi thực tế lần đầu nên thấy rất nhiều cái mới lạ. Vừa về là đã tậu luôn cái snorkel để tập!
- Anh Phương, anh Giang thì không biết có gì mới không.... (hai anh comment nhé!)

HCQuang nói...

Dúng rồi, Phương.
Thợ lặn công nghiệp làm nghề nắm đuôi hà bá. Chú thực sự nể anh em Thợ lặn công nghiệp.

Tuy nhiên, xét về góc độ an toàn lao động thì có mấy vấn đề sau:

Thợ lặn giải trí thì cần ... giải trí, nên mọi sự kiện đều phải đáp ứng với "kỹ năng giải trí", tóm lại là họ cầu toàn, còn Thợ lặn công nghiệp thì phải thực thi nhiệm vụ. Thợ lặn công nghiệp là thợ gia công cơ khí, không có khái niệm fun dive, thay vào đó là công việc, công việc. Thời tiết xấu, tầm nhìn bằng không ... "chả là cái đinh gì".

Mặt khác, về thiết bị, Thợ lặn công nghiệp có sự kiểm soát nghiêm ngặt, sự thay thế/bảo trì/tu bổ các thiết bị, dụng cụ lặn cùng thiết bị, dụng cụ gia công. Cứ hết giờ (theo Catalo, theo giấy kiểm định) là hủy cũ thay mới, còn tốt vẫn bỏ không chút thương xót. Nhưng chỉ bên Tây mới thực hiện nghiêm túc việc này. Thanh tra lao động của họ mà "vồ" được trường hợp xài đồ quá hạn hoặc xài đồ trong hạn nhưng không đạt Tiêu chuẩn Kĩ thuật, thì không chỉ đơn vị đó mà cả anh Thợ lặn cũng bị phạt, thậm chí bị ra Tòa;

còn bên Ta thì ... lỏng lắm, lỏng như siết ốc bằng tay không vậy. Cứ đồ còn xài được là cứ dùng. Vòi hơi xì - không có chi, "chuyện ngày thường ở Huyện". Đồng hồ độ sâu không nhảy - không có chi, đằng nào tui cũng phải làm việc ở độ sâu đó. Đồng hồ đo khí không nhảy - không có chi, lúc nào thấy thở nằng nặng thì ngoi lên, dư xăng. Mồm thở rách mép - không có chi, ngậm tuốt trong họng là OK. Que hàn dưới nước hết - không có chi, xài đỡ que hàn trên bờ, ăn nhau là gõ một phát có hồ quang liền.

Mẹ kiếp, (Việt nam) mỗi năm có mấy ngàn vụ tai nạn giao thông, chết người tính hàng trăm mà "chẳng sao", còn thợ lặn tụi tui lâu lắm mới chỉ bị có vài nghoe, mà tụi bây cũng hoạnh họe.

HCQuang