Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 28 tháng 6, 2012

Giới thiệu một số video lặn vo

Sara Campbell - 104m CWT



Đầu tiên là video clip về một buổi luyện tập của Sara Campbell chuẩn bị cho Giải Vô địch Độ sâu Thế giới 2011 (Individual Depth World Championship 2011). Trong clip này, ta thấy rõ cách bố trí hệ thống bạn lặn (buddy system) đảm bảo nguyên lý "mỗi người ở trong một trạng thái nín hơi khác nhau": Vận động viên chính (Sara Campbell) lặn riêng một dây, vđv an toàn (Linda Paganelli) lặn riêng một dây khác, vđv an toàn phụ (Jacques de Vos) giữ dây lặn của vđv chính để "lắng nghe" tín hiệu của Sara ở bên dưới; Khi xuống tới đáy, Sara "giật dây" để báo hiệu và Jacques bảo Linda đi xuống để đón Sara; Trong lúc Sara bơi lên thì Linda lặn xuống tới -45m để đợi và cùng Sara quay lên; Cuối cùng là Jacques cũng đi xuống để hỗ trợ 2 người trên đường đi lên cho tới mặt nước. Vì lặn quá sâu (trên 100m) nên sau đó Sara phải quay xuống nước thở oxy để giảm nguy cơ bị bệnh giảm áp (ni-tơ "sôi lên" trong mạch máu).

Thân tặng clip này cho thành viên nữ đầu tiên của nhóm lặn vo, AoE. Mình cũng muốn nhắn với AoE nói riêng và mọi người nói chung thông qua lời của Sara Campbell, gương mặt tiêu biểu của kênh truyền hình The Underwater Channel: Tôi nghĩ thất bại có thể thực sự là một người thầy vĩ đại nhất! Nếu chúng ta luôn luôn thành công, chúng ta không có cơ hội để thấy được những mục đích và động lực của mình. Và tôi nghĩ là trong lặn tự do, rất dễ dàng để bị vướng vào những con số mà chẳng thực sự hiểu cái gì đang "lái" (chi phối) chúng ta hoặc rằng động lực là những thứ rất cá nhân và tâm linh theo nghĩa của sự hợp nhất với biển cả và có thêm một kinh nghiệm. Vậy đó, đây là những gì mà thất bại đã dạy tôi và đã thực sự đi với sự thành công to lớn nhất. (I think failure can be actually the biggist teacher! If we always succeed, we don't get the chance to get perspective on our goals and our motivation. And I think it's very easy in freediving to get caught up in the numbers and to not really understand that what drives us or for most motivation is something more personal and spiritual in terms of being one with the ocean and just having a piece of experience. So, this is what the failure has taught me that did actually with greatest success.)

Ocean Men (IMAX film)



Còn đây là phim mang tính tài liệu kể về những bậc tiền bối đã khai sinh ra các bộ môn lặn nín hơi hiện đại: Jacques Mayol, Pipín Ferreras, Umberto Pelizzari. Qua phim, mình mới biết ngày xưa các vận động viên lặn tự do hoàn toàn không cô đơn khi lặn xuống sâu bởi họ được tiếp đón bởi cả một đội thợ lặn scuba giữ an toàn bên dưới. Điều đó hoàn toàn khác với bây giờ, khi mà môn lặn tự do đã phát triển đủ để mọi thứ từ bạn lặn giữ an toàn đến thợ lặn quay phim đều thực hiện lặn vo, và khi khoa học đã cho thấy nguy hiểm không nằm ở dưới đáy mà chủ yếu ở vài chục mét cuối cùng trên đường quay trở "về nhà" (mặt nước). Thực tế là bây giờ thì độ sâu của các bộ môn lặn tự do đã vượt xa độ sâu của lặn scuba, đặc biệt với độ sâu trên 200m của bộ môn "không giới hạn" thì vđv lặn tự do còn an toàn hơn gấp nhiều lần thợ lặn scuba ở cùng độ sâu.

Một điều nữa mà mình rất ấn tượng là cảnh nhóm bạn của Umberto mỗi cuối tuần dong xe ra bãi biển và háo hức "quăng đồ chơi xuống, cởi đồ, nhảy xuống nước", rất giống cảm giác của mình!!!

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2012

Thao tác Frenzel - Kỹ thuật thông tai chuẩn cho môn lặn vo

(Đang bổ sung hình & video minh hoạ...)

Phần 1: Giới thiệu


Khi bắt đầu học lặn, việc quan trọng đầu tiên chúng ta bắt buộc phải học để có thể xuống được dưới nước là kỹ thuật thông tai (cân bằng áp suất tai giữa với áp suất môi trường). Trong môn lặn bình hơi (và nhập môn lặn tự do) thì kỹ thuật thông tai cơ bản được giới thiệu là "bịt mũi - thở ra", tức thao tác Valsalva (Valsalva manoeuvre). Đây là một thao tác đơn giản nhất về mặt kỹ thuật và hiệu quả đối với hầu hết mọi người trong điều kiện phổi còn chứa đủ hơi. Nhưng trong môn lặn tự do, khi xuống dưới 5 mét nước, phổi chúng ta co lại mất 1/3 (còn 2/3 thể tích), việc "thở ra" để thông tai trở nên khó khăn hơn, đặc biệt với những người có "cái tai khó thông". Xuống thêm 5 mét nữa, với 1/2 thể tích hơi còn lại trong phổi, hầu hết mọi người đều rất khó khăn, gần như không thể lấy đủ hơi để thông tai bằng thao tác Valsalva. Vì thế, một kỹ thuật thông tai khác hiệu quả hơn được đưa vào làm chuẩn cho môn lặn tự do, đó là thao tác Frenzel (Frenzel manoeuvre).

  • Lịch sử: Nếu thao tác Valsalva được bác sỹ giải phẩu người Ý Antonio Maria Valsalva đưa vào y học từ thế kỷ 17, thì thao tác Frenzel được trung tá bác sỹ tai mũi họng người Đức Herman Frenzel phát triển năm 1938 để huấn luyện cho các phi công cân bằng áp suất tai trong khi bổ nhào ném bom (dive-bombing). Sau khi thao tác Frenzel được đưa vào môn thể thao lặn hiện đại thì vận động viên lặn vo người Canada Eric Fattah (sinh năm 1975) đã phát triển nó thành kỹ thuật thông tai "phồng má" hay "đầy miệng" (mouth-fill) để đưa con người "tay không" xuống sâu tới cả trăm mét. Không dừng lại ở thể tích giới hạn của khoang miệng, huấn luyện viên lặn vo người Anh Marcus Greatwood (sinh năm 1973) đã thiết kế "túi kéo dài cần bằng" (EqEx - equalisation extension tool) để đưa vận động viên kỷ lục gia lặn vo người Úc Herbert Nitsch xuống dưới 200 mét nước (kỷ lục hiện tại là 214m).

  • Các giới hạn của kỹ thuật Valsalva: Thao tác Valsalva đòi hỏi sự vận động của cả cơ hoành, cơ bụng và cơ ngực (cơ liên sườn) để ép phổi đẩy khí lên tai, nên rất tốn sức, nhất là ở dưới sâu, một điều tối kỵ trong môn lặn vo. Khi lặn vo càng xuống sâu thì thể tích khí trong phổi càng nhỏ nên càng phải dùng nhiều sức để thông tai, và tới khoảng 10 mét thì thao tác Valsalva hầu như không còn hiệu lực nữa. Valsalva Không những không hiệu quả mà còn nguy hiểm khi ta cố sức ép phổi ở dưới sâu. Thực tế là không ít người bị teo phổi (lung squeeze) ở độ sâu chưa tới 10 mét chỉ vì cố gắng thông tai bằng Valsalva. Ngoài ra, với một số người có "cái tai khó khăn" thì nhiều khi phải bất lực với Valsalva và không thể thực hiện "thông tai liên tục" (kỹ thuật liên tục duy trì trạng thái cân bằng áp suất tai giữa, tránh nghẹt tai do lặn xuống nhanh, nhất là ở những mét đầu tiên).


  • Nguyên lý hoạt động của kỹ thuật Frenzel(-Fattah): Tương tự như thao tác Valsalva, thao tác Frenzel cũng thông tai bằng cách ép khí vào khoang mũi (gồm phễu lỗ mũi sau, các ngách-xoắn mũi và ống lỗ mũi trước) để đi qua vòi Ơ-tát (vòi nhĩ, Eustachian tube, E-tube) thông lên tai giữa. Nhưng Frenzel đã cải tiến thao tác Valsalva bằng cách thay cái "máy bơm" có thể tích lớn (khoảng 5-6 lít) là phổi bằng cái "máy bơm" nhỏ hơn nhiều là khoang miệng để đạt được áp suất cao hơn mà đỡ tốn sức hơn (vì áp suất = công tác dụng / thể tích). Vậy nghĩa là ta vẫn phải bịt mũi, ngậm miệng như thao tác Valsalva, nhưng thêm nữa là phải đóng nắp thanh quản (epiglottis) và dùng cả thềm họng (chủ yếu là lưỡi, từ đầu lưỡi đến cuống lưỡi) làm piston đẩy khí lên khoang mũi (với vòm họng mềm đặt ở vị trí trung tính). Thực ra điều khó nhất ở kỹ thuật này là việc điều khiển độc lập 2 cái "van": nắp thanh quản chặn khí xuống phổi và vòm họng mềm ngăn giữa khoang miệng với khoang mũi, vì theo tự nhiên thì chúng đóng/mở cùng với nhau.

  • Cảnh báo: Tuy khi mới tập thì chúng ta có thể cảm thấy "không đủ lực để thông tai" nhưng khi "bắt được nhịp" rồi thì cơ thềm họng của chúng ta đủ mạnh để làm tổn thương màng nhĩ, và/hoặc nhẹ hơn thì áp suất lớn đó cũng đủ để chèn ép các động mạch trên đầu làm chúng ta choáng váng, ngất xỉu. (Với thao tác Valsalva thì an toàn hơn, vì phổi chúng ta quá lớn, cơ hoành không đủ mạnh để tạo áp suất cao.) Lưu ý khi lặn xuống sâu, nếu tai khó thông thì vẫn phải quay lên (một tí) chứ tuyệt đối không được cố gắng nén hơi để thông (vì áp suất lớn đang bị chặn bởi cái tai nghẹt đột ngột được thông sẽ có sức công phá rất lớn, làm tổn thương màng nhĩ). Ngoài ra, khi đã tập được thao tác Frenzel rồi thì chúng ta cảm thấy việc lặn xuống rất dễ dàng và dễ dẫn tới việc đi xuống quá nhanh và/hoặc quá sâu vượt khỏi khả năng chịu đựng (áp suất & nín thở) của bản thân, gây nguy hiểm khó lường.


Phần 2: Tập kỹ thuật cơ bản


Về cách tập thao tác Frenzel thì trên mạng cũng có không ít tài liệu hướng dẫn (tham khảo [1], [2]), nhưng ở đây mình hướng dẫn theo kinh nghiệm bản thân mình, và tập trung vào giai đoạn "bắt nhịp" ban đầu vì sau đó thì mình thấy là mọi thứ diễn ra khá tự nhiên (mỗi người tự cảm nhận và tự tập được theo cách riêng của mình) và không cần phải "tập luyện theo bài" nữa. Thực ra, cũng như nhiều môn thể thao khác, cách hướng dẫn tốt nhất là "làm mẫu" và cách học tốt nhất là "bắt chước". Có nhiều động tác mà chúng ta chỉ cần nhìn một cái là bắt chước được ngay, nhưng dùng ngôn ngữ thì tốn hằng trang vẫn không truyền tải được. Dù sao thì ở đây mình cũng cố gắng giải thích bằng mọi cách có thể.
  • Đóng các van vùng cổ họng: Nín thở là một phản ứng phức tạp bao gồm sự tham gia của nhiều cơ khác nhau trên cơ thể, nhưng nhìn chung thì có 2 vùng cơ lớn là vùng cơ bụng/hoành/ngực và các cơ vùng cổ họng. Khi hít vào hoặc thở ra, ta dùng các cơ dưới bụng (cơ bụng, cơ hoành, cơ ngực), đến cuối cùng dừng lại (nín thở) thì các cơ đó vẫn đang căng... Chỉ khi ta thả lỏng các cơ vùng ngực & bụng ra mà vẫn còn nín thở thì các cơ vùng cổ họng mới phát huy tác dụng. Với những người đã quen lặn vo thì các "van" vùng cổ họng được đóng một cách tự động. Nhưng với những ai chưa quen thì nên tập hít vào/thở ra hết cỡ rồi nín thở và thả lỏng cơ vùng ngực & bụng, rồi ghi nhận cảm giác đó. Nếu làm đúng thì ngay khi dừng nín thở, bạn sẽ nghe tiếng rít (hoặc nhẹ hơn là tiếng "phật", "phù", "xì") và cảm giác rõ các "van" ở cổ họng mở ra để hơi thoát ra hoặc hút vào. Theo mình thì thở ra nín thở (phổi lép) sẽ cảm giác rõ hơn là hít vào nín thở (phổi đầy).

  • Cô lập nắp thanh quản: Ở vùng cổ họng, chúng ta có tới 3 loại cơ tham gia vào việc chặn luồng khí ra/vào phổi khi nín thở. Chúng bao gồm 2 van và lưỡi (đa năng): 1) Nắp thanh quản (epiglottis) là van chặn khí ra vào thanh quản (phần trên của khí quản nối liền xuống phổi); 2) Vòm họng mềm (soft palate) là van lưỡng dụng, khi nâng lên chặn khí thông với khoang mũi, khi hạ xuống chạm cuống lưỡi thì chặn khí thông với khoang miệng, khi để ở giữa (vị trí trung tính) thì thông khoang miệng với khoang mũi; 3) Lưỡi là một cơ đa năng, đầu lưỡi khi đưa lên chạm vòm họng cứng (vùng răng cửa) thì chặn khí thông giữa khoang miệng với bên ngoài (thay cho môi), cuống lưỡi khi đưa lên chạm vòm họng mềm thì chặn khí thông giữa khoang miệng với bên trong (phổi và khoang mũi). Thông thường thì khi nín thở cả 3 cơ này phối hợp như sau: cả lưỡi áp sát vòm họng và đẩy ra sau bịt chặt khoang miệng, vòm họng mềm nâng lên bịt chặt khoang mũi, nắp thanh quản đóng bịt chặt thanh quản. Nhưng trong thao tác Frenzel thì ta chỉ được dùng nắp thanh quản để chặn luồng khí thôi. Sau khi thả lỏng các cơ ngực & bụng, tới đây chúng ta phải tập nín thở chỉ dùng nắp thanh quản: hít đầy hơi hoặc thở ra hết, nín thở, hả họng, lè lưỡi mà vẫn còn nín thở. Khi đó, chúng ta đã thả lỏng van khoang miệng (lưỡi) và van khoang mũi (vòm họng mềm). Nếu bạn không thả lỏng được 2 cơ đó (không hả họng lè lưỡi được) thì hãy thử nuốt (nước miếng) vào, động tác nuốt sẽ tạo phản xạ đóng nắp thanh quản (phản xạ giúp tránh nước / thức ăn lọt vào thanh quản). Khi cô lập được việc đóng nắp thanh quản, hãy ghi nhận cảm giác nằng nặng ở cổ đó.

  • Tập phùng má: Sau khi đã dùng nắp thanh quản và chỉ một mình nắp thanh quản để nín thở, ta bắt đầu tập điều khiển vòm họng mềm để làm nhiệm vụ khác. Bạn hãy thở ra hết, thả lỏng cơ ngực & bụng, hả họng lè lưỡi, rồi ngậm miệng lại phùng má, xẹp má, lặp lại phùng má, xẹp má... Ở đây, mình nhấn mạnh phải thở ra nín thở (phổi lép) để đảm bảo không khí dùng để phùng má được lấy từ mũi chứ không phải từ phổi. Đặt ngón tay trước lỗ mũi, nếu bạn cảm thấy hơi thoát ra khi xẹp má thì mọi việc đang tiến triển tốt, còn nếu không thì nên thử kết hợp tập song song với bài tập tiếp theo "piston miệng". Nếu làm đúng thì bạn sẽ nghe tiếng "khịt khịt" nhỏ ở mũi khi phùng/xẹp má do vòm họng mềm đổi tư thế: vòm họng mềm gập xuống sát cuống lưỡi để "nhốt khí" trong khoang miệng khi đang phùng má, và nó nâng lên vị trí trung tính khi hút khí vào (chuẩn bị phùng má) cũng như khi đẩy khí ra (xẹp má).

  • Tập piston miệng: Bước cuối cùng trong phần tập "bắt nhịp" các cơ là tập biến khoang miệng (lưỡi, hàm, má) của mình thành một cái "máy bơm": thở ra hết, thả lỏng cơ ngực & bụng, hả họng lè lưỡi rồi ngậm miệng lại, hạ hàm dưới xuống (như há miệng) trong khi môi vẫn khép kín, nâng hàm lên, lặp lại hạ hàm xuống, nâng hàm lên... Nếu làm đúng thì khi đặt ngón tay trước lỗ mũi bạn sẽ cảm thấy hơi thoát ra khi nâng hàm lên, khi đó cả thềm họng mình (hàm và lưỡi) đóng vai trò như cái piston đẩy khí ra mũi. Tập hạ nâng hàm càng nhanh càng tốt. Tiếp theo, bạn hãy dùng 2 ngón tay bóp nhẹ lỗ mũi (để làm hẹp lỗ mũi) trong khi hạ nâng hàm và dùng một ngón tay khác đặt trước lỗ mũi để cảm nhận luồng khí ra vào. Khi đã điều khiển và cảm nhận được luồng khí ra vào một cách suôn sẻ, bạn hãy chuyển sang bước cuối (làm từ từ): 2 ngón tay để sẵn ở tư thế bóp mũi, buông tay ra khi hạ hàm xuống (hút khí vào), bóp mũi khi nâng hàm lên (đẩy khí ra), và lặp lại cùng với việc tăng dần độ bóp mũi cho đến khi bóp kín hoàn toàn lỗ mũi. Nếu bạn thấy hơi thông ra 2 lỗ tai (ù tai) khi bóp kín lỗ mũi thì bạn đã thành công, còn nếu không thì giảm bớt độ bóp mũi và/hoặc kết hợp kỹ thuật "giả lập nghẹt tai" bên dưới.

  • Giả lập nghẹt tai: Để có được cảm giác nghẹt tai khi lặn xuống để kiểm tra tính hiệu quả của kỹ thuật thông tai, ta có thể tạo áp suất âm trong tai giữa bằng cách sau: ngậm miệng, bóp kín mũi, hít mạnh vào (thấy 2 lỗ mũi bị ép chặt lại), nuốt (nước miếng). Động tác nuốt sẽ mở rộng vòi Ơ-tát làm tai giữa thông với khoang mũi nên tai giữa cũng nhận được áp suất âm trong khoang mũi làm màng nhĩ bị ép vào trong. Ngay sau khi cảm thấy màng nhĩ bị ép, bạn hãy tập ngay các thao tác thông tai xem có hiệu quả không, và nhớ đừng nuốt nước miếng vì nó sẽ thông tai ngay (động tác nuốt là một kỹ thuật thông tai đơn giản nhưng khá kém hiệu quả). Thao tác này cũng có thể dùng để hút dịch / nước ở tai giữa ra nếu cần.


Phần 3: Hoàn thiện kỹ thuật & nâng cao


Sau khi các cơ ở cổ họng đã "bắt được nhịp" rồi thì việc còn lại chỉ là thời gian và kiên nhẫn để luyện cho nó thành thục hơn. Thực ra tư thế (ngồi) tập trên cạn của chúng ta là tư thế dễ dang nhất. Khi xuống nước, ở tư thế cắm đầu xuống, mọi việc sẽ khó khăn hơn nhiều: Khi lộn ngược đầu thì vòm họng mềm "rớt lên" vị trí chặn khoang mũi; Ở tư thế ngửa cổ (để nhìn xuống) thì nắp thanh quản khó đóng hơn.
  • Tập các tư thế khác nhau: Khi đã thành thục ở tư thế ngồi, hãy thử tập ở tư thế nằm, bạn sẽ thấy khó hơn một tí. Tiếp theo, khó hơn và cũng gần thực tế hơn là tập ở tư thế cắm đầu xuống (nằm trên giường chồm đầu xuống đất chẳng hạn).
  • Kết hợp với tập nín thở: Để không nhàm chán, bạn có thể kết hợp tập thao tác Frenzel với tập nín thở. Với cái phổi lép, bạn hãy thử "làm ù tai" (bằng Frenzel) xem được mấy lần. Nâng cao hơn, từ một cái phổi căng đầy, bạn hãy thử giữ mũi bịt kín, lấy khí từ dưới phổi đưa lên miệng (mở nắp thanh quản rồi đóng lại) để thông tai, xả khí trong miệng ra (vẫn giữ nắp thanh quản đóng chặt), rồi lặp lại lấy khí lên miệng... Ở bài tập này, bạn sẽ thấy rõ việc giữ nắp thanh quản đóng kín sẽ ngày càng khó khăn khi chúng ta đi vào giai đoạn co thắt (của nín thở). Và bài tập "lấy khí từ phổi lên miệng" chính là thao tác chúng ta phải làm khi xuống sâu (khi đã xài hết khí trong miệng để thông tai).
  • Tập ở hồ bơi: Ở hồ bơi, chúng ta nên tập từ tư thế đứng thẳng (chân xuống trước) đến tư thế cắm đầu (đầu xuống trước), từ phổi lép đến phổi đầy. Riêng với việc lặn phổi lép, cần phải hết sức cẩn thận và tăng độ khó từ từ để tránh làm tổn thương phổi (có thể bị "teo phổi"): Ở độ sâu 2 mét, xuống chân trước rồi ngồi xuống từ từ, khi quen rồi thì mới cắm đầu; Ở độ sâu 2 đến 5 mét, mỗi khi tăng độ sâu, luôn bắt đầu từ tư thế chân xuống trước và phổi còn khí (không thở ra hết) rồi mới từ từ giảm lượng khí và đổi tư thế. Lặn phổi lép thì nên tập ở hồ có độ dốc tăng dần (như hồ CLB Hàng Không, TP.HCM). Bây giờ thì mình có thể thở hết ra, bịt mũi và rơi tự do thẳng xuống -4m một cách thoải mái, nhưng với người chưa quen lặn phổi lép thì điều này vô cùng nguy hiểm.
  • Các kỹ thuật nâng cao:
    • Thông tai liên tục: Ở 5 mét đầu tiên (từ 0m đến -5m), áp suất thay đổi rất nhanh nên chúng ta sẽ thấy thoải mái hơn khi liên tục giữ áp suất vừa đủ để thông tai trong suốt quãng đường đi xuống đó (những mét đầu tiên): làm ù tai ngay từ trên mặt nước và giữ áp suất dương (rất nhẹ) đó trong lúc đi xuống. Kỹ thuật này sẽ giúp những người khó thông tai cảm thấy dễ dàng hơn. Và với kỹ thuật này, bây giờ mình đã có thể thoải mái "rơi tự do" xuống nước mà không phải bận tâm với cái lỗ tai nữa.
    • Dùng lưỡi thay môi: Trong một số trường hợp, khi miệng chúng ta không thể đóng kín như phải ngậm mồm thở trong lặn scuba thì chúng ta phải dùng đầu lưỡi để chặn cửa miệng thay cho môi: đẩy đầu lưỡi lên sát vòm họng cứng ngay bên trên răng cửa và giữ ở tư thế đó.

    • Kỹ thuật mouth-fill: Khi xuống quá sâu, phổi chúng ta sẽ co lại đến độ không thể lấy khí lên miệng được nữa, vì thế để vượt qua giới hạn này, chúng ta phải "dự trữ khí" trước khi quá muộn: Tới độ sâu cuối cùng còn có thể ép ngực để lấy khí, gập người co ngực, hóp bụng đẩy cơ hoành để ép tất cả lượng khí còn có thể lấy từ phổi lên làm đầy khoang miệng (phồng má). Với một miệng đầy khí đó, các vận động viên lặn sâu có thể xuống thêm được vài chục mét nữa (kỷ lục hiện tại đã vượt 100m).
    • Kỹ thuật eqex: Trong môn lặn sâu không giới hạn (no limit), các vận động viên được máy kéo xuống rất sâu, vượt khả năng thông tai của kỹ thuật mouth-fill. Vì thế, các vận động viên phải thổi khí trong phổi ra một cái túi dự trữ (equalization extension tool) ngay ở gần mặt nước (khoảng -20m) rồi dùng dần lượng khí đó để thông tai trong quãng đường còn lại. (Kỷ lục hiện tại đã vượt 200m.)


Thao tác Frenzel rõ ràng không phải là một kỹ thuật dễ dàng, nhưng khi đã nắm được nó rồi thì chắc chắn chúng ta sẽ được đền đáp xứng đáng bằng sự thoải mái và hiệu quả thông tai trong những chuyến dạo chơi dưới đáy biển ;)

__________________
Tham khảo:
[1] "Frenzel-Fattah Equalizing Document" Revised Edition 2006 @ Frenzel Fattah Equalizing Workshop (English version)
[2] The Frenzel Technique @ freedivingfinland.net

Chủ Nhật, 24 tháng 6, 2012

Những người có khả năng nhìn rõ ở dưới nước

(Theo Nature, trích) 

Bộ lạc Moken sinh sống dọc bờ biển Andaman thuộc hải phận của Thái Lan và Myanmar. Họ khoảng 15.000 người, đều nhìn thấy rõ trong môi trường nước. Từ ngàn đời nay, người Moken đã sử dụng khả năng này để tìm kiếm thức ăn dưới đáy đại dương. Giới khoa học gọi họ là "Bộ lạc có mắt của loài cá". 

Người bình thường lặn biển không đeo kính lặn thì hình ảnh nhìn thấy sẽ rất mờ, bởi mắt người vốn chỉ thích nghi với môi trường không khí, nhưng người Moken lại thấy rõ những con sò, trai, hải sâm và cả con ốc nhỏ xíu ở độ sâu 3 - 4m nước mà không cần kính lặn. Người ta không giải thích được vì sao cả những em bé 5 - 7 tuổi trong bộ lạc này cũng có được khả năng nhìn rõ mọi vật dưới nước. Trong môi trường nước, mắt của các em tinh gấp 3 lần mắt của trẻ em châu Âu, vì thế có thể phân biệt được những vật thể đường kính nhỏ hơn 1,5 mm, trong khi trẻ em châu Âu phải vất vả lắm mới nhìn thấy những thứ dưới 3 mm. 

GS.Anna Gislen, Đại học Y khoa thành phố Lund, Thụy Điển, nhận định: Về mặt sinh học, mắt người rất khó thích nghi với môi trường nước. Do mắt người tròn và chứa chất lỏng có thể tập trung các tia sáng về phía con ngươi, đó là năng lực khúc xạ. Có điều, trong môi trường nước, ánh sáng lại không truyền đi giống như trong không khí. Kết quả là năng lực khúc xạ của mắt người có thể giảm đến 2/3 khi ở dưới nước. Tất cả những gì diễn ra trước mắt đều mờ ảo khiến cho việc đánh giá chính xác các động vật biển như cá, san hô, ốc và cả khoảng cách hoàn toàn bị sai lệch. Bình thường chỉ có những người bị cận thị nặng mới có thể bù đắp lại được sự sụt giảm này. Giả thuyết mà GS đưa ra là có thể người Moken đã bị cận thị như loài chuột chũi. Thế nhưng họ không giải thích được là tại sao trên mặt đất, mắt của người Moken lại bình thường. 

Trở lại bờ biển Andaman lần thứ ba, GS mới phát hiện ra bí quyết nhìn dưới nước của người Moken: Khi lặn, họ đã thu hẹp đồng tử lại. Ngoài ra, họ còn có khả năng nén thuỷ tinh thể để cho chúng trở nên tròn hơn, nhờ thế có thể bẻ cong được tia ánh sáng đi vào. Hai quá trình này giúp cho hình ảnh dưới nước trở nên sắc nét hơn trong mắt họ. Sự thích ứng này với môi trường nước là một phản ứng phụ mà các nhà nhãn khoa học gọi là "sự hưởng ứng phản xạ khi lặn xuống nước". Tất cả các loài động vật có vú, kể cả con người đều có cơ chế đặc biệt này nhưng ở các cấp độ khác nhau. Và có thể đối với người Moken, sự đáp ứng của phản xạ được phát triển mạnh và ngay lập tức bởi một số dây thần kinh thị lực. Howard Howland, nhà sinh học thần kinh, Đại học Cornell, New York, Mỹ, nói: Kỹ năng thu hẹp đồng tử và nén thủy tinh thể để nhìn rõ mọi vật dưới nước là hoàn toàn có thể học được, dù là học một cách vô thức. Kỹ năng này dần dần được tiến hóa lựa chọn cho các thế hệ sau. Chính tiến hóa đã hỗ trợ cho quá trình thích nghi di truyền nhằm tăng cường khả năng nhìn dưới nước của người Moken. Điều này giúp giải thích tại sao trẻ em Moken ngay từ khi còn nhỏ cũng đã ít nhiều có kỹ năng này. Trong giai đoạn dưới 10 tuổi, khả năng thu hẹp đồng tử, nén thuỷ tinh thể của các em vẫn còn yếu, nó sẽ mạnh dần lên khi đến tuổi trưởng thành. 

Chỉ tiếc là nhóm nghiên cứu chưa biết được cụ thể mức độ "tinh mắt" của người Moken trưởng thành, bởi họ, do quá rụt rè, e ngại, đã không đồng ý tham gia các thử nghiệm.

Thứ Ba, 19 tháng 6, 2012

Chiến dịch Vùng Vinh - Video Clips

  Sau chiến dịch Vùng Vịnh, quân ta say mê tập lặn vo (freedive). Chỉ với một hơi, với đầu chìm xuống trước, thả lỏng mọi cơ, cắt mọi luồng suy nghĩ, đắm chìm vào thế giới im lặng của đại dương, cảm nhận sự thay đổi của áp suất, phản ứng của cơ thể, liên tục cân bằng tai, chân đạp khoan thai để thắng lực nổi cho tới độ sâu 10m rồi chuyển qua trạng thái "rơi tự do" từ từ, từ từ trôi xuống vực sâu xanh thẳm, tối tăm.....

  Hey, wake up! he he.... mời các bạn xem mấy clips tui mất công edit từ đống 4 gigabytes video do cái GoPro ghi được trong chiến dịch Vùng Vịnh cuối tháng 5 vừa qua. Khi edit, tui đã cố gắng để khôi phục màu sắc sao cho gần với thực nhất. Tuy nhiên sau khi post lên You Tube nó lại trở lại màu xanh như vậy.

Các video này được xuất ra định dạng HD720 MP4. Bạn nào quan tâm, có thể tải về từ đây

 Ngày 26/05 - Ngày đầu tiên tác chiến.

   

Ngày 27/05 Ngày thứ 2 của chiến dịch. Điểm lặn thứ nhất - Hòn Tai

 


Ngày thứ 2 (27/05) Điểm lặn thứ hai - Bãi Nhàu. Trong chuyến này DM của Vinadive bị "out of air" và phải thở bằng octopus của Computerboy. Bắt đầu từ 4:37 cặp này cứ cặp kè với nhau cho tới kết thúc chiến dịch!



Hẹn gặp lại ở chiến dịch sau!

Phản xạ lặn và Khoa học về lặn nín thở

(Đang viết...)

khoa học về nín thở: phản xạ lặn, blackout, hypervent./pack, anaerobic, tim mạch

Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2012

Tập nín thở - 3 bức tường - 3 giai đoạn

Được truyền cảm hứng từ chú AMk3, hai chiến sỹ trẻ là mình (ComputerBoy) và TchyA đã tập nín thở trong tuần vừa rồi và đã khám phá được nhiều điều thú vị trong chính bản thân mình.

Trước khi đi vào nội dung chính, mình muốn bàn một tí về quan điểm "biết để không sợ" và "hiểu để không sai" của mình. Nếu có ai hỏi rằng "lặn vo có nguy hiểm không?", mình phải thành thực trả lời rằng "rất nguy hiểm", một cách khách quan. Nhưng mình chẳng hề sợ sệt nó, đơn giản vì đối với mình, nó không hề nguy hiểm. Cũng như những hiểm nguy khác mình từng gặp (xem bài này), lặn vo chỉ nguy hiểm và rất nguy hiểm khi chúng ta không biết rõ về nó, không biết vài giây nữa cái gì sẽ xảy ra, không biết những cái bẫy được giăng ra ở những lúc mình thoải mái nhứt, ở những chỗ bất ngờ nhứt (ngay gần mặt nước chứ chẳng ở sâu, chẳng hạn). Vậy thứ nhất, mình phải tìm để "điểm mặt" những con ma (hiển nhiên, phải từ một khoảng cách an toàn) để không còn sợ chúng nữa: thiếu oxy não, samba (loss motor control), bất tỉnh nước nông (shallow water blackout). Tiếp theo là mình phải hiểu rõ chính mình cũng như môi trường xung quanh để không phạm phải những sai lầm đáng tiếc (nhưng nhiều khi rất nhỏ nhặt). Ví dụ như có những quy tắc an toàn có vẻ rất "vớ vẩn" như "khi xuống không được nhìn xuống, khi lên không được nhìn lên". Nếu chúng ta không hiểu mà chỉ học thuộc lòng thì trong thực tế sẽ rất dễ bỏ qua chúng (quên, hoặc bỏ qua vì thấy không quan trọng) và dẫn đến những hậu quả tai hại. Hoặc có nhiều dân lặn vo amateur quan niệm rằng mình chỉ lặn chơi trong khoảng thời gian ngắn và lặn không sâu nên sẽ chẳng bao giờ gặp những thứ ghê gớm như bất tỉnh (blackout) hay các phản ứng của phản xạ lặn như máu dồn về trung tâm, v.v. Ngày trước mình cũng nghĩ thế... cho đến khi mình và TchyA, 2 tên mới bắt đầu tập lặn vo mà đã gặp triệu chứng thiếu oxy não (chỉ còn cách điểm bất tỉnh trong gang tấc) để rồi nhận ra rằng những thứ "rất khó gặp" có thể bất chợt hiện ra giữa những lúc bình thường nhất nếu chúng ta thực hành không đúng cách. Tóm lại, nếu không hiểu rõ thì cái sai có thể đến từ mọi nẻo và chẳng có quy tắc an toàn nào có thể ngăn chặn được.

Với quan điểm đó, mình đã bắt đầu đi vào khám phá những bí mật đằng sau những con số trong các bảng tập nín thở của chú AMk3 giới thiệu.(1) Và kết quả đầu tiên mình nhận được là 3 giai đoạn điển hình mà một người nín thở sẽ trải qua trong mỗi lần nín thở:

  • Giai đoạn thanh thản: Trừ những trở ngại nhỏ về tâm lý đối với người mới tập (xem bức tường tâm lý), giai đoạn đầu tiên là lúc chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, nhẹ nhàng nhất, và nhiều người hoàn toàn không cảm thấy là mình đang nín thở.

  • Giai đoạn co thắt: Sau một thời gian nín thở, não chúng ta ra lệnh "hãy thở đi", và chúng ta bắt đầu thấy khó chịu trong lồng ngực, bụng và cơ hoành bắt đầu co thắt. Cảm giác khó chịu và co thắt ngày càng mạnh, kèm theo nhiều cảm giác khác như ớn lạnh, cảm giác quặn bụng như sắp đi cầu, đổ mồ hôi lạnh, v.v. Tuỳ từng người mà cảm giác và độ co thắt có khác nhau, nhưng cả thảy đều do chúng ta đang chống lại mệnh lệnh của não rằng "hãy thở đi, CO2 nhiều quá rồi!" Thế nên cách đơn giản nhất để thấy dễ chịu hơn là đừng chống lại phản ứng co thắt. Còn riêng mình thì thích "chủ động co thắt"(2) hay "hít thở nội bộ" (cơ hoành, cơ bụng, cơ ngực chuyển động như hít vào thở ra) để vừa "đánh lừa não" rằng mình đang hít thở vừa tạo hiệu ứng phụ "trộn khí" trong phổi và "nén khí" đưa O2 lên não. Thông thường thì giai đoạn co thắt này dài tương đương với giai đoạn thanh thản (thấy rõ nhất trong khi nín thở tĩnh - static). Chỉ có một số ít người rất đặc biệt thì có giai đoạn co thắt ngắn (chỉ hơi co thắt rồi trở lại thanh thản) hoặc thậm chí không có. Ngoài phản ứng co thắt và các cảm giác khó chịu trong bụng do não thấy dư CO2 ra, ở gần cuối giai đoạn này (nếu có vận động) chúng ta sẽ cảm thấy những cảm giác ở tay chân báo thiếu O2 như lạnh tứ chi, nhức mỏi (acid lactic tích tụ), và nặng hơn là tê tay chân. Lúc đó, máu của chúng ta đang dồn về trung tâm để nuôi tim và não, nên chúng ta phải vận động hết sức nhẹ nhàng và tiết kiệm (rất dễ bị vọp bẻ / chuột rút). Tuy đối với người tập nín thở thì đây là giai đoạn cực nhọc nhất nhưng chúng ta nên trân trọng nó, vì đó là cái "áo giáp" che chở chúng ta khỏi những nguy hiểm ở giai đoạn tiếp theo.

  • Giai đoạn mơ màng: Co thắt một hồi thì có vẻ như chúng ta đã "quen" rồi và không thấy nặng nề nữa (mặc dù nhịp độ có thể vẫn tiếp tục tăng). Thực ra là não chúng ta đang thiếu O2 nên đã giảm phản ứng và làm cho cảm giác bị nhoè đi. Khi tới đây, các vđv nín thở tĩnh (static) bắt đầu phải mở mắt ra để kiểm tra xem khung cảnh trước mắt có còn sắc nét không, lỗ tai còn nghe rõ không, và trong đầu thử làm các phép suy luận đơn giản như cộng trừ nhân chia, nhớ xem mình đang ở đâu, hôm qua đã làm gì, v.v. để kiểm tra độ tập trung của ý thức. Qua tập luyện, những vđv static có thể kéo dài giai đoạn này ra mười mấy giây, đến cả nửa phút trước khi bị bất tỉnh (họ phải dừng nín thở trước khi bất tỉnh). Tuy nhiên, khi chúng ta có vận động thì giai đoạn này ngắn hơn nhiều, và đặc biệt là khi chúng ta đang ngoi lên từ dưới sâu. Khi đó chúng ta sẽ thấy rõ cảm giác "choáng" như khi đang ngồi/nằm lâu rồi đột ngột đứng dậy, kèm theo có thể là khung cảnh nhoè đi, tai nghe không rõ, và mất trí nhớ ngắn hạn. Lúc đó chúng ta chỉ còn cách điểm bất tỉnh vài giây thôi, nên phải dừng ngay việc nín thở (nếu đang dynamic), hoặc giảm ngay cường độ vận động nếu đang trồi lên từ dưới sâu. Và hơi thở đầu tiên tuyệt đối không được thở ra hết (cùng lắm là nửa phổi thôi), tiếp theo là hít vào và gồng mình nén hơi để ép O2 lên não, rồi thở ra hết, hít vào sâu, nén hơi,... lặp lại khoảng 3 lần. Thao tác thở kết hợp nén hơi đó được gọi là "thở móc câu" (hook breathing) vì chúng ta không thở suôn tuột mà phải "móc" lại sau mỗi lần hít vào. Để tiện thở móc câu thì nhiều thợ lặn xả bớt khí ra ngay trước khi trồi lên mặt nước để hơi thở đầu tiên là hít vào chứ không phải thở ra. Nếu sau khi nín thở mà bạn lại ngáp thì cũng đừng bất ngờ, vì đó là phản xạ tự nhiên khi não chúng ta bị thiếu oxy.

Cụ thể về kinh nghiệm của mình tự đó giờ thì như sau:
  • Static, ngồi được lâu hơn nằm: Từ lâu trước khi tập lặn vo và tập nín thở một cách nghiêm túc, mình đã thử nín thở để ghi lại kỷ lục của bản thân ở các trạng thái khác nhau. Khi đó mình đã tình cờ phát hiện ra một điều có vẻ rất "ngược ngạo" là nín thở ở tư thế nằm thoải mái lại không lâu bằng ở tư thế ngồi xếp bằng. Khi thở ra hết, nếu nằm nín được 1:30 thì ngồi nín được 2 phút. Khi hít vào đầy phổi, nếu nằm nín được 3 phút thì ngồi nín được 4 phút!?!
  • Thanh thản - co thắt, tỉ lệ 5-5 trong nín thở tĩnh: Đầu tuần rồi, khi bắt đầu tập nín thở tĩnh mình đã chú ý đến các phản ứng và cảm giác của cơ thể, liền nhận ra rằng độ dài hai khoảng thanh thản và co thắt bằng nhau, cái mà sau này tìm hiểu thêm mới biết là chuyện bình thường. Cụ thể, trong 2 phút nín thở phổi lép thì 1:10 đầu là thanh thản, còn trong 4 phút nín thở phổi căng thì 2 phút đầu là thanh thản. Tuy nhiên khi có vận động thì phản ứng có thắt đến rất trễ khiến giai đoạn co thắt ngắn hơn nhiều so với giai đoạn thanh thản, và hầu như không có giai đoạn mơ màng.
    * Lưu ý: Càng vận động mạnh thì giai đoạn co thắt càng ngắn khiến chúng ta càng dễ vượt qua giới hạn của bản thân, tức bức tường bất tỉnh. Nên hết sức thận trọng với việc vận động trong nín thở.

  • Biến thiên ngoạn mục của nhịp tim: Khi hít vào thật sâu, bắt đầu nín thở, nhịp tim bỗng chậm lại rồi nhanh chóng đập nhanh trở lại. Khi bước vào giai đoạn co thắt, mình thấy nhịp tim cứ từ từ chậm lại và càng ngày càng mạnh hơn, nghe rõ "thình thịch, thình thịch". Đến khi hết chịu nổi, xả hơi và hít thở lại thì nhịp tim bỗng vọt lên đập nhanh hơn cả bình thường. (Nếu có thở móc câu trước khi thở lại bình thường, thì trong lúc thở móc câu, nhịp tim vẫn chưa tăng.)
  • Dynamic & thiếu oxy não: Nếu trong lúc nín thở tĩnh mình có cố đến đâu cũng không chạm được tới cái giai đoạn mơ màng (thiếu oxy não), thì mình đã mấy lần cảm thấy choáng váng khi nín thở động, dù không hề cố gắng nhiều. Có lần mình thử nín thở đi xe đạp, thế là sau 30 giây thanh thản bỗng các cảm giác của 2 giai đoạn sau đến dồn dập gần như cùng lúc (trong khoảng 5 giây): lạnh tay chân, bồn chồn ruột, mỏi nhức cơ, chóng mặt, liền thở lại ngay... và ngáp những cái ngáp dài to tướng! Có lần khác, mình thử nín thở và đi bộ rất chậm rãi, sau 1:30 thanh thản bụng bắt đầu hóp lại dần (báo hiệu bước vào giai đoạn co thắt), mình liền ngồi xuống nghỉ thì sau 1 phút co thắt, mình bắt đầu thấy hơi choáng, khung cảnh phía trước bắt đầu rung rinh (như có một làn nước phủ lên vậy), mình liền gồng người để tăng áp suất máu thì khung cảnh rõ lại... đến khi hít thở lại mình mới nhận ra là không thể nhớ được những gì diễn ra trong một khoảng nhỏ từ khi thấy các hiệu ứng thị giác tới khi thở móc câu.
  • Tác dụng của khởi động: Nếu những lần "chạm tới giai đoạn mơ màng" kể trên được mình thực hiện một cách thử nghiệm, không có nín thở khởi động trước, thì trong những lần tập nghiêm túc có khởi động đầy đủ, dù cho vận động có nặng nhọc hơn (đi cầu thang chẳng hạn), mình cũng hoàn toàn không thấy bất kỳ dấu hiệu nào của giai đoạn mơ màng (kể cả ngáp). Và sau khi khởi động bằng nín thở tĩnh, quá trình nín thở động trở nên suôn sẻ và các giai đoạn diễn ra rõ ràng hơn (không đến dồn dập). Ví dụ sau 30 giây đi cầu thang một cách thoải mái, cơ bụng và cơ hoành bắt đầu co thắt, mình vẫn tiếp tục đi được thêm 30 giây nữa (với cùng số bậc thang ở giai đoạn thanh thản) nhưng hiển nhiên là trong cảm giác nặng nhọc hơn và cử động phải mềm dẻo nhẹ nhàng hơn. Hơn nữa, ngay cả trong nín thở tĩnh, khởi động cũng kéo dãn độ dài các giai đoạn ra một cách nhanh chóng. Mình thường khởi động bằng nín thở phổi lép, ví dụ: lần đầu 1 phút (nếu nín thở phổi căng thì khoảng chưa tới 2 phút), lần hai 1:20, lần ba 1:45, lần bốn 2 phút, đạt tới giá trị tối đa và giữ nguyên như vậy cho những lần sau.

  • Những tư thế nguy hiểm: Trong buổi sinh hoạt hằng tuần của nhóm lặn vo, TchyA đã kể về một kinh nghiệm hết sức ly kỳ là TchyA đã gặp các dấu hiệu của 2 giai đoạn sau (choáng, lạnh tay chân) ngay giữa giai đoạn đầu (chưa thấy dấu hiệu co thắt)!?! Thì ra là do TchyA đã có một sáng kiến táo bạo là nín thở trong lúc... tập thể dục! Và chính những động tác xoay cổ, ngửa đầu về sau đã làm hẹp động mạch cổ dẫn đến choáng váng do thiếu oxy não. Còn những động tác giơ tay hay gập tay ở những tư thế bất lợi đã làm cho các mạch máu cung cấp oxy cho tứ chi bị đột ngột hẹp lại dẫn đến lạnh tay. Chính vì thế, khi nín thở thì mọi hoạt động không những phải hết sức nhẹ nhàng uyển chuyển mà còn phải ở trong tư thế tự nhiên thoải mái, không được bẻ, vặn ngược, nhất là phần cổ.


Vậy là trong quá trình luyện tập nín thở, tương ứng với 3 giai đoạn trong một lần nín thở, có 3 bức tường mà chúng ta cần phải đẩy lùi (hoặc phá vỡ) trong suốt quá trình luyện tập như sau:
  • Bức tường tâm lý / kỹ thuật: Đối với người mới tập và chưa quen nín thở thì trở ngại đầu tiên gặp phải không phải là sự co thắt hay thiếu oxy, mà là tâm lý lo lắng khi nín thở (một cách ý thức hoặc vô thức), cảm giác khó chịu khi ngực bị căng, cảm giác khó chịu khi phải giữ nắp thanh quản (epiglottis) đóng chặt, và/hoặc không biết cách đóng nắp thanh quản để giữ hơi trong ngực.
    • Để giải quyết tâm lý lo lắng, chúng ta nên tập với một người khác: thử nín thở mà không nhìn đồng hồ (người kia sẽ bấm đồng hồ giùm mình), không tập trung vào việc nín thở mà lấy một thứ gì đó mình yêu thích ra để thưởng thức (nghe nhạc, xem phim chẳng hạn), đến khi thở lại thì hỏi xem là mình đã nín được bao lâu... Hẳn bạn sẽ thấy bất ngờ với khả năng của mình.
    • Các cảm giác khó chịu thì sẽ nhanh chóng tan biến sau một thời gian làm quen với nó.
    • Còn kỹ thuật đóng nắp thanh quản thì đòi hỏi phải tập luyện: Có nhiều cách như ngậm và khọt nước trong họng, hít thở bằng miệng, v.v. Nhưng cách tốt nhất là xem và bắt chước người khác. (Nếu cần, mình sẽ trực tiếp hướng dẫn, nhanh và dễ hơn diễn tả bằng từ ngữ nhiều.)


  • Bức tường CO2: Vượt qua bức tường tâm lý / kỹ thuật tức là chúng ta đã thưởng thức được hết giai đoạn thanh thản trong mỗi lần nín thở rồi (đừng lo nếu thấy nó quá ngắn, vì nó sẽ được kéo dài ra nhiều nữa trong quá trình luyện tập). Tiếp theo ta sẽ đối mặt với một bức tường rất dày và phức tạp, đó là những phản ứng của cơ thể chống lại việc thừa CO2 trong máu. Để đẩy lùi bức tường này, đòi hỏi chúng ta phải luyện tập cả thể chất lẫn tinh thần. Về thể chất thì có lẽ yoga và phương pháp thở pranayama của nó sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta tăng sức dẻo dai và làm chủ cơ thể, nhất là cơ bụng và các nội tạng. Về tinh thần thì mình thấy thiền quán là thích hợp nhất cho việc tĩnh tâm và tập trung tư tưởng để lắng nghe mọi cảm giác, mọi phản ứng vi tế nhất của cơ thể để quay trở lại điều khiển nó một cách có hiệu quả. (Không có bài tập nào, ông thầy nào tốt hơn là bài học rút ra từ "ông thầy" trong chính cơ thể mình!) Đó là nói chuyện đường dài, chứ đối với người mới tập thì chỉ cần tập đơn giản như sau trong vài tuần là có thể kéo dài giai đoạn co thắt ra bằng giai đoạn thanh thản rồi:
    • Ngồi/nằm ở tư thế thoải mái nhất, nhắm mắt tập trung vào quan sát từng cảm giác của cơ thể (đừng mở mắt xem đồng hồ hay làm việc khác).
    • Khi thấy các phản ứng co thắt thì cứ nương theo nó, đừng chống lại nó. Nếu cảm thấy muốn hít thở thì cứ hít thở (phải giữ chặt nắp thanh quản để không thoát khí).
    • Khi cảm thấy cồn cào khó chịu trong bụng thì hãy thử chủ động gồng hóp bụng và/hoặc động tác hít thở (với nắp thanh quản đóng chặt).

  • Bức tường O2 (não): Vượt qua bức tường CO2, chúng sẽ bước vào giai đoạn mơ màng và đối mặt với bức tường "bất tỉnh", là chỗ "một đi không trở lại" mà chúng ta không được phép vượt qua. Thực ra bất tỉnh chỉ là một cơ chế bảo vệ, cơ thể chuyển sang trạng thái ngủ đông (hibernated) trước khi O2 hết hẳn để tránh làm tổn hại đến não và tim. Nếu bị bất tỉnh nhẹ, chúng ta thường tự hồi phục sau vài giây nếu ở trên cạn, và nhanh chóng tỉnh dậy khi được bạn lặn nâng mặt lên khỏi mặt nước nếu đang ở dưới nước. Tuy nhiên bức tường này nguy hiểm ở 2 chỗ: (1) Khác với hai bức tường trước, đây là một bức tường "vô hình" vì nó không đẩy chúng ta về mà có hướng muốn hút chúng ta tới nó bằng việc làm giảm cảm giác khó chịu của phản ứng co thắt; (2) Sau khi bất tỉnh, chúng ta không còn tự chủ nữa nên hết sức nguy hiểm trong những môi trường lạ và đặc biệt là khi không có bạn lặn bên cạnh. Tuy đây là bức tường cuối và không được vượt qua, nhưng qua quá trình luyện tập, nó sẽ được đẩy lùi đi đáng kể.


Để đẩy lùi những bức tường trên, người ta có thiết kế sẵn cho chúng ta 2 bảng tập: Bảng tập CO2 tăng sức chịu dư CO2 bằng cách giảm dần thời gian nghỉ giữa những lần nín thở bằng 50% kỷ lục nín thở của bản thân; Bảng tập O2 tăng sức chịu thiếu O2 (chủ yếu của tứ chi) bằng cách tăng dần thời gian nín thở từ 50% đến 80% kỷ lục nín thở của bản thân và giữ nguyên thời gian nghỉ ở giữa (Xem bài này). Tuy nhiên, theo mình thì con số "50%" trong 2 bảng trên nên được hiểu là "độ dài giai đoạn thanh thản", và tuỳ theo từng người chứ không nên áp dụng máy móc "50% thời gian kỷ lục bản thân". (Nhất là đối với những người mới tập, khi giai đoạn co thắt còn quá ngắn so với giai đoạn thanh thản.) Ngoài ra, bên cạnh việc tập nín thở tĩnh, chúng ta nên kết hợp tập nín thở động để rèn luyện cơ bắp trong tình trạng dư CO2 và thiếu O2. Tuy nhiên, chúng ta nên tập nín thở động trên cạn trước để đảm bảo an toàn: nín thở đi bộ (giả lập dynamic), nín thở leo cầu thang (xuống rồi lên, giả lập depth).

Trong bài này, mình tập trung vào phần thực hành và các kinh nghiệm nên chỉ đề cập mà không đi sâu vào các khái niệm như phản xạ lặn, bất tỉnh, các vấn đề tim mạch v.v. Cơ sở khoa học cho những khái niệm và cách thực hành đã bàn luận ở bài này sẽ được nói rõ ở bài sau: "Phản xạ lặn và Khoa học về lặn nín thở".

_________________________
(1): Tuy xuất thân từ dân làm Toán và làm trong lĩnh vực Công nghệ Thông tin, nhưng mình rất ghét những "con số vô nghĩa". Có lẽ cũng nhờ cái trí nhớ kém cỏi của mình mà mình luôn phải tìm cách đưa các con số vô vị, các quy tắc dài dòng về thành những nguyên lý cơ bản nhất để "chỉ cần nắm cái gốc là đủ!"

(2): Nếu cần thì chỉ nên chủ động co thắt khi nín thở tĩnh. Vì khi vận động thì phản ứng co thắt đến rất trễ (có thể do việc vận động các cơ đã giống như chủ động co thắt rồi) nên việc kết hợp vận động với chủ động co thắt dễ đẩy chúng ta vượt qua giới hạn của bản thân khi ở dưới nước, một điều rất nguy hiểm. Và hoàn toàn không nên chủ động co thắt ở dưới sâu. Lý do là khi kết hợp với áp suất cao ở độ sâu, sự co thắt mạnh (tự nhiên hoặc chủ động) rất dễ gây "teo phổi" (lung squeeze).

Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

Phản xạ Bơi & phản xạ Lặn ở trẻ sơ sinh

Từ nhỏ, mình đã nghe nói về phản xạ bơi của trẻ sơ sinh, nhưng bây giờ mới biết là em bé còn có phản xạ lặn! Tuy trẻ em nhanh chóng "quên đi" các phản xạ này, nhưng các nghiên cứu cho thấy mọi trẻ sơ sinh từ 1 đến 6 tháng tuổi đều có phản xạ rất tốt:

  • Phản xạ lặn: Khi bị nhúng mặt xuống nước, các em bé lập tức nín thở (apnoea), mở mắt, giảm nhịp tim (bradycardia), co mạch ngoại vi (peripheral vasoconstriction). Phản xạ này mạnh đến độ chỉ cần bị thổi hơi vào mặt, các em bé cũng phản ứng một cách tương tự. Đây là phản xạ lặn của các loại động vật có vú nói chung, thấy rõ ở hải cẩu, cá heo, chim cánh cụt, v.v. Khi lớn lên, con người ta có vẻ quên mất phản xạ tự nhiên này, nhưng vẫn có thể kích hoạt nó trở lại thông qua các tác nhân kích thích như nín thở và/hoặc ngâm mặt vào nước lạnh.

  • Phản xạ bơi: Khi bị đặt úp bụng xuống nước, các em bé liền quạt tay đạp chân một cách tự nhiên. Tuy các bé không biết ngoi đầu lên để thở, nhưng kết hợp với phản xạ lặn, các bé có thể vùng vẫy trong nước một thời gian mà không bị sặc nước. Nếu được tập, các bé có thể kết hợp 2 phản xạ này để tự bơi vào bờ hoặc tìm một vật bám.

Trong các phản ứng của phản xạ lặn, bây giờ mình chỉ còn giữ lại phản ứng "nín thở", cái mà nhiều người khác cũng đã quên mất. Bây giờ khi xuống nước mà không có kính bơi thì mình thường nhắm mắt, nhưng mình nhớ hồi nhỏ (hình như đến tiểu học) mình vẫn luôn mở mắt trong nước, ngay cả khi bơi lặn trong làn nước đầy phù sa ở sông Hậu... Mãi tới lớn lớn một tí (hình như trung học), mình mới được mẹ mua cho cái kính bơi... và từ đó cũng bắt đầu không còn mở mắt trong nước nữa. Còn 2 phản ứng giảm nhịp tim, co mạch ngoại vi để tiết kiệm ôxy thì mãi cho tới tuần này, khi tập nín thở theo nhóm lặn vo, mình mới "đánh thức" nó trở lại.

Tham khảo:
- Các chuyên gia của Trung tâm Bé con (Baby Center) nói về phản xạ bơi & lặn của trẻ sơ sinh.
- Nghiên cứu về phản xạ lặn ở trẻ sơ sinh.

Các em bé bơi lặn trong hồ bơi của công ty "Bé con Bơi lội" (Baby Swimming) ở Anh:

Thứ Ba, 12 tháng 6, 2012

Bắt đầu tập lặn tự do.

Một vài thông tin cung cấp cho các bạn quan tâm lặn tự do. Trên mạng có rất nhiều trang web và diễn đàn về Freedive. Qua thời gian tìm hiểu, tui nhận thấy trang blog Freediving Explained là dễ đọc nhất, thông tin đầy đủ và dễ hiểu cho những người mới bắt đầu như chúng ta. Tui cũng đã đưa trang này vào danh sách các trang liên kết của blog này để các bạn tiện tham khảo.

 Hôm nay tui xin đề cập vấn đề dẫn nhập luyện tập lặn tự do.


Kỹ thuật thở căn bản
Cách thở tốt nhất là thở chậm và sâu.

Thở ngực/bụng
Trong lặn tự do, kỹ thuật thở phổ biến nhất là thở ngực/bụng, hít vào chậm rãi sao cho bụng phình ra, khi tới hạn (căng hết bụng) hít vào sâu hơn bằng ngực và bụng. Kỹ thuật thở này giúp bạn thở chậm hơn và làm cho bạn thả lỏng (relax) tốt hơn.

Thư giãn (Relaxation)
Thư giãn là một trong những thứ quan trọng nhất trong lặn tự do.
 Nếu bạn không thư giãn, bạn sẽ không thể lặn tự do giỏi được. Khi bạn thực hiện Static Apnea, bạn cần hoàn toàn thư giãn. Mỗi một lần căng cơ là tiêu tốn ô-xy và năng lượng. Bạn có thể thư giãn các cơ bắp của mình bằng động tác, khi úp mặt chìm xuống nước việc đầu tiên bạn làm là hãy nghĩ tới các cơ bắp mà bạn có thể nghĩ tới và thư giãn những cơ bắp này. Sự thư giãn trước khi lặn cũng rất quan trọng. Kỹ thuật thở nói trên có thể là một kỹ thuật thư giãn trước khi lặn rất tốt, tuy nhiên còn có các kỹ thuật thư giãn trước khi lặn khác nữa mà bạn có thể áp dụng, phần lớn những kỹ thuật này được mượn từ Yoga. Tham khảo các kỹ thuật thư giãn và thở Yoga tại các trang sau: Yoga Home Page, yoga breathing, yoga postures, Pranayama, breathing fundamentals, yoga for beginners, yoga as a mind-body therapy, yoga as an alternative therapy, alternative medicine, complementary medicine, integrative medicine

Sự hình dung, mường tượng (Visualisation)
Khi thực hành Static Apnea bạn đừng nghĩ về thời gian của bạn cũng đừng có suy nghĩ "mình còn được bao nhiêu không khí" . Thay vào đó, bạn hãy hình dung, mường tượng (visualise) những thứ tốt đẹp, như cảnh bờ biển đẹp, hay không gian yên tĩnh...Bạn có thể chuyển ý nghĩ, sự mường tượng của mình từ thứ này qua thứ khác, cố gắng không nghĩ đến điều xấu :) mà chỉ nghĩ tới những thứ tốt đẹp thôi. một số người có thể để suy nghĩ của mình trôi đi và chẳng nghĩ gì cả, đây là thứ hay nhất cần làm. Tuy nhiên đạt được điều này rất khó.

Các phản xạ tự nhiên của loài có vú (mammalian)
Dây là các bài giúp ta hiểu rõ hơn phản xạ lặn của loài có vú.
Unraveling the mammalian diving reflex (Part I) by Erik Seedhouse on DeeperBlue.net - Fanatical About FreeDiving, Scuba Diving, Spearfishing & Technical Diving
Unraveling the Mammalian Dive Reflex (Part II) by Erik Seedhouse on DeeperBlue.net - Fanatical About FreeDiving, Scuba Diving, Spearfishing & Technical Diving

Cân bằng (Equalization)
Có các kỹ thuật để cân bằng xoang mũi (sinus) và tai như dưới đây. Còn để cân bằng kính lặn, bạn chỉ cần thổi chút khí vào kính bằng đường mũi. (với trường hợp dùng kính bơi, Computerboy có hệ thống ống để cấp khí khi cần cân bằng kính)

Kỹ thuật Valsalva
Bịt mũi và thổi khí ra theo đường mũi, lượng khí này sẽ được cấp vào xoang và tai.

Kỹ thuật Frenzel
Xem ở đây
http://liquivision.com/docs/Frenzel_Fattah_English_r2006.pdf

Các bảng tập thở

Bảng CO²
CO² là tác nhân kích thích sự đòi hỏi thở. Bảng CO² là phương thức giúp bạn tăng cường khả năng chịu đựng các mức CO²  cao, bằng cách giảm dần chu kỳ nghỉ trước khi nín thở. Trong bảng CO² thời gian nín thở luôn bằng 50% kỷ lục cá nhân của bạn.

Ví dụ bảng CO² Table:
1. ventilate 2:30 static 1:30
2. ventilate 2:15 static 1:30
3. ventilate 2:00 static 1:30
4. ventilate 1:45 static 1:30
5. ventilate 1:30 static 1:30
6. ventilate 1:15 static 1:30
7. ventilate 1:00 static 1:30
8. ventilate 1:00 static 1:30
total duration 25:15

Bảng O²
Bảng O² là phương thức tăng cường sức chịu đựng các mức O² thấp, bằng cách tăng dần thời gian nín thở trong khi vẫn giữ nguyên chu kỳ nghỉ. Lần nín thở cuối cùng trong bảng O² luôn là khoàng tới 80% kỷ lục cá nhân của bạn.

Ví dụ bảng O² Table:
1.ventilate 2:00 static 1:00
2.ventilate 2:00 static 1:15
3.ventilate 2:00 static 1:30
4.ventilate 2:00 static 1:45
5.ventilate 2:00 static 2:00
6.ventilate 2:00 static 2:15
7.ventilate 2:00 static 2:30
8.ventilate 2:00 static 2:30
total duration 30:45

Cả hai bảng này đều có thể thay đổi cho phù hợp với ý muốn và cảm nhận của bạn lặn.
Tui đang dùng phần mềm Static Apnea Trainer dùng cho điện thoại Android. Bạn có thể tải về từ đây
Bạn cũng có thể sử dụng phần mềm Bảng Static Apnea trên PC.



.

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

Buổi tập đầu tiên của nhóm Lặn Vo

Tối qua, người thì thức xem đá banh, người thì thức đọc tài liệu, nhưng sáng nay cả 3 thành viên của nhóm lặn tự do vẫn tập họp đầy đủ ở hồ Hàng Không. Chú AMk3 tới sớm nhất, từ trước 7:30, đứng đợi trên thềm hồ... ComputerBoy đúng 7:30 tới cổng CLB, vội vã thay đồ chạy lên hồ và hướng thẳng tới chỗ nước sâu, nhưng bỗng nghe tiếng ai gọi lại... thì ra là chú AMk3 đã đợi trên bờ tự nãy giờ. Một lát sau thì TchyA tới, cả 3 bắt đầu lặn.


Lần đầu TchyA xuống nước vẫn còn gặp vấn đề kinh điển với một lỗ tai không chịu thông, nhưng mấy lần sau thì có vẻ suôn sẻ hơn. Kiểu này thì TchyA phải tập thêm những cách cân bằng tai khác đi thôi. Sau đó, TchyA thử tập static apnea có bấm giờ: Mặc dù chưa khởi động gì hết mà TchyA đã làm liền một mạch 2 phút! "Đây là lần đầu tiên tui nín thở được 2 phút!", TchyA hớn hở nói. Nếu có luyện tập và khởi động đầy đủ, chắc hẳn TchyA phải nín được từ 3 phút trở lên.


Sau đó, mọi người tự do lặn... ComputerBoy thử lặn xả hơi (với cái phổi lép) kết hợp với cân bằng tai liên tục (không ngắt quãng). Lần này thì đã khá quen với áp suất nên thoải mái ở dưới đáy lâu hơn, và cách cân bằng liên tục cũng làm cái lỗ tai nó dễ chịu hơn, không phải bận tâm với nó nữa. TchyA thì thử cả 2 loại chân nhái (fins) của chú AMk3, có vẻ rất thích thú. Với cái chân nhái dài chuyên để freedive, TchyA mần một mạch dynamic apnea 50m một cách dễ dàng. Đến lượt ComputerBoy mang chân nhái vào để tập dynamic thì lại thấy có nhiều acid lactic tích tụ ở cơ chân, mặc dù sau 50 mét thì thấy mình vẫn còn dư hơi. Hồi đó giờ ComputerBoy tập dynamic chân không (no fins) thì sức chịu CO2 chỉ vừa đủ để đi hết đoạn 50m thôi, nhưng bù lại là kết hợp cả tay lẫn chân nên thao tác nhẹ nhàng hơn và chưa bao giờ có cảm giác của acid lactic.

Quay qua quay lại một hồi thì đã nghe tiếng còi báo hết giờ... TchyA bảo "vẫn còn muốn tập nữa, tiếc là hôm nay đi trễ". Còn ComputerBoy thì đã bắt đầu run cầm cập y như những lần trước. Để tiếp tục tập với mọi người thì ComputerBoy phải gấp rút kiếm cái áo để mặc vào mới được.


(Không biết cái phao của chú AMk3
có giống như vầy không?)

Khi lên bờ, TchyA bảo là lần này đã cảm thấy thoải mái hơn nhiều, ở dưới nước được lâu hơn và không còn cảm giác sợ nữa. Còn chú AMk3 thì giới thiệu về các bảng tập nín thở để làm quen với sự thừa CO2 và sự thiếu O2. Chú cũng giới thiệu cơ sở vật chất ở Nha Trang đã chuẩn bị sẵn sàng cho anh em luyện tập freedive ở ngoài biển, nghe có vẻ rất hấp dẫn.

Vậy là buổi tập đầu tiên đã kết thúc tốt đẹp. Đề nghị chú AMk3 gửi cho mọi người các bảng tập nín thở (cả bản PC lẫn bản mobile) nhé. Lần sau chúng ta sẽ thảo luận thêm về kinh nghiệm tập nín thở trên bờ với các bảng này. Dự kiến lần sau ComputerBoy sẽ mở "workshop" thảo luận với mọi người về kỹ thuật cân bằng tai của Frenzel. Đây được coi là kỹ thuật chuẩn của môn freedive.

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

Những Nguy hiểm cùng Kinh nghiệm cho Bơi lội và Lặn tự do ngoài Biển

Trong quá trình tìm điểm lặn vo gần SG và nghĩ về kế hoạch thực tập ngoài biển cho nhóm lặn tự do mới (sắp) thành lập, mình bỗng nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa chứa đầy đam mê, mạo hiểm, cùng những kinh nghiệm, kiến thức được rút ra từ đó. Thế nên để chào mừng buổi họp mặt đầu tiên của nhóm lặn tự do ngày mai, mình cũng muốn chia sẻ vài kinh nghiệm cùng mọi người.

Dòng chảy dọc theo bờ (longshore current) (Viết tắt: "Dòng dọc bờ")

Ở biển khơi, không lúc nào là không có gió. Gió thổi tạo nên sóng, sóng đánh vô bờ, nước chồm lên bãi cát rồi phải rút xuống tạo nên các dòng chảy gần bờ (nearshore currents). Thuở nhỏ, cứ mỗi mùa nghỉ hè, mẹ lại đưa mình ra Vũng Tàu đi tắm biển. Mình thích bơi ra ngoài xa thoát khỏi vùng sóng vỡ (surf zone) để tự do vùng vẫy với làn nước trong và êm ả, không bị quấy nhiễu bởi những con sóng bạc đầu (surf, breakers). Cũng trong những lúc thưởng thức cái không gian thoáng đãng ở ngoài đó rồi dòm vào trong bờ ngắm những con người bé nhỏ nô đùa với sóng mà có một ngày, mình chợt nhận ra rằng mình đang bị nước cuốn đi ngang với một tốc độ đáng gờm... Lấy những căn nhà cao tầng hoặc ngọn núi xa xa phía sau làm mốc thì cái khung cảnh náo nhiệt trên bãi biển đang trôi sang một bên (trái/phải) thấy rõ. (Điều này thật khó nhận ra khi ở gần bờ vì không thấy được những điểm mốc ở đằng xa.)

Những lần đầu thấy bị cuốn đi như vậy, mình đã hoảng hồn cố sức bơi ngược trở lại, nhưng hầu như chẳng bao giờ thắng được dòng của nước. Từ từ rồi mình mới nhận ra rằng hễ bơi vô gần bờ thì dòng chảy chậm đi, nên không bao giờ được bơi ngược dòng nước mà phải cắt ngang dòng của nó. Và đây cũng là quy tắc chung cho các dòng chảy khác.

Ngoài cái thú vùng vẫy ngoài xa, mình còn luôn bị hấp dẫn bởi những cảnh quan ngoạn mục dưới đáy biển. Và cũng trong những lần lặn xuống đáy như vậy, mình đã phát hiện ra là vận tốc dòng chảy giảm đi nhiều khi đi từ trên mặt xuống dưới đáy. Bình thường, nếu nằm trên mặt nước quan sát một cái mốc dưới đáy (hòn đá chẳng hạn) thấy nó liên tục rời xa mình, thì (với dòng chảy nhẹ) chỉ cần xuống khoảng 1 mét nước là không còn thấy bị xê dịch nữa.


Mãi sau này khi đi học lặn, mình mới biết đó là dòng chảy dọc theo bờ. Nó là kết quả của gió thổi xéo (không vuông góc với bờ biển) tạo nên những con sóng đánh xéo vào bờ, đưa nước lên rồi rút xuống chạy dọc bờ theo những đường zig-zag. Ngày trước chẳng được học, chẳng có mạng internet, mình chẳng biết đến cái tên của nó, nhưng lần nào ra biển mình cũng xem hướng chảy và vận tốc của nó để biết đường bơi lội. Với những bãi cát nhỏ thì mình phải bơi ra từ đầu này của bãi để dòng nước đưa mình đến đầu kia rồi bơi vào trước khi phải đối mặt với những ghềnh đá đầy vỏ hàu sắc bén như dao cạo. (Dù có bị trôi ra khỏi bãi cát, cũng phải bơi hướng vào bờ chứ không được bơi ngược dòng! Đó là kinh nghiệm xương máu của mình.) Còn với những bãi cát dài thì có thể thoải mái để nước cuốn đi, nhưng nếu có bơi lội thì nên hướng ngược dòng nước để khi vào bờ đỡ phải "chạy bộ" trở về chỗ cũ.

Dòng dọc bờ chảy nhanh cỡ nào? Theo kinh nghiệm của mình ở Vũng Tàu và Nha Trang thì thông thường nó từ chỗ rất chậm (chưa bao giờ thấy dừng hẳn) đến khoảng 3km/h (0.8m/s). Còn trong những ngày biển động, gió lớn thì theo CoastalWiki nó có thể lên trên 9km/h (2.5m/s). Và có một lần đi tắm biển với đoàn ở Bãi Sau (VT) đúng lúc trời mưa to gió lớn, nhưng vì lịch đã lên cứng rồi nên buộc phải xuống tắm, mình cũng chỉ dám quanh quẩn ở vùng nước sâu tới gối nhưng đã cảm thấy nước chảy rào rào dưới chân mạnh đến độ không còn đứng vững nữa, ai thả mình xuống nước thì bị nó "bắn" đi như giữa dòng nước lũ! Bữa đó khi mò lên bờ, cả đám đi mãi, tìm mãi mới ra cái xe của đoàn (loại 52 chỗ, to tướng).

Dòng chảy rời xa bờ (rip current) (Còn gọi "dòng rút")

Nếu dòng dọc bờ xuất hiện hầu như mọi lúc mọi nơi (vì ít khi nào gió thổi đúng vuông góc với bờ) và không mấy nguy hiểm thì anh em của nó là dòng chảy rời xa bờ tuy ít gặp hơn nhưng lại rất nguy hiểm. Cũng là sóng vỗ nước lên bờ rồi rút trở ra, nhưng khi gặp những lạch nhỏ tạo bởi những dải cát ngầm chắn ngang dưới nước, nước rút ra biển bị dồn thành một dòng xảy xiết với vận tốc tăng dần từ bờ kéo ra tít ngoài xa (thường ra khỏi vùng sóng vỡ) tạo thành dòng chảy rời xa bờ (dòng rút). Dòng chảy này nguy hiểm ở nhiều điểm: Thứ nhất, nó kéo người ta từ chỗ cạn (gần bờ) ra chỗ sâu (xa bờ) nên vô cùng nguy hiểm cho những người không biết bơi; Thứ hai, khi bị bất ngờ kéo ra khơi thì kể cả người biết bơi cũng dễ dàng bị hốt hoảng và cố sức bơi ngược vào bờ, dẫn đến kiệt sức (dòng rút có thể chảy tới 18km/h (5m/s)); Thứ ba, dòng chảy này thường tập trung ở những lạch nhỏ nên khó bị phát hiện, dễ gây bất ngờ cho người bơi.


Nói là nguy hiểm, nhưng thực ra dòng rút chỉ nguy hiểm đối với những ai chưa biết đến nó mà thôi. Theo quy tắc nói ở trên, chỉ cần bình tĩnh không chống lại dòng nước mà bơi cắt ngang nó, tức bơi dọc theo bờ, thì ta có thể dễ dàng thoát khỏi nó. Hơn nữa, khi thoát khỏi "cái lạch nhỏ" đó rồi thì chúng ta còn được sóng đưa ngược trở vô bờ nữa (vì nước có ra ắt phải có vào), nên việc bơi vào bờ lúc bấy giờ sẽ nhẹ nhàng hơn. (So sánh với việc phải lội bộ ngược trở lại chỗ cũ sau khi bị dòng dọc bờ cuốn đi.)

Tuy nhiên, dòng rút sẽ thực sự trở nên nguy hiểm trong điều kiện thời tiết xấu, vì nó xuất hiện bất chợt, mạnh bất thường, ở những nơi bình thường không hề nguy hiểm, và thường kết hợp chặt chẽ với dòng dọc bờ. Ngày trước, có lần 2 mẹ con mình ra tắm ở cái bãi tắm nhỏ bên dưới Ô Cấp (VT) và gặp phải trận mưa dông. Đó là một bãi cát nhỏ với 2 bên được "che chở" bởi những phiến đá chồm ra ngoài biển. Ngày thường thì ở đây chỉ có dòng dọc bờ thôi, nhưng hôm đó thì cả cái bãi cát nhỏ đó trở thành một lối thoát nước khổng lồ khi những con sóng lớn liên tục tràn lên thềm đá 2 bên rồi đổ dồn vô bãi để thoát ra biển. (Y như những con đường trong thành phố bỗng trở thành những cống thoát nướt khổng lồ trong mưa vậy.) Mẹ mình thấy sóng lớn thì thích đùa với sóng mà không chú ý là nó đang kéo mình dần ra ngoài... Khi nước ngập tới ngực thì bất chợt 2 mẹ con bị nó "bứng" hổng cẳng lôi thẳng ra khơi... Mẹ mình bị lôi ra trước, bị những con sóng bạc đầu cao lớn vùi dập và cảm giác liên tục xa bờ làm hốt hoảng, cố sức bơi ngược trở vô... Nhưng không những không nhích vào được tí nào mà ngay sau đó mẹ mình đã "được" dòng dọc bờ tiếp đón, kéo phăng phăng sang bên phải (hướng về Bãi Trước, bắc tây bắc)... Mới phút trước 2 mẹ con còn nắm tay nhau được thì bây giờ đã cách nhau mười mấy mét! Rồi thì cũng đến lượt mình lặp lại con đường của mẹ, nhưng sau nhiều lần chui đầu xuống nước để tránh những con sóng dữ, ngẩng đầu lên thì mình đã thấy mẹ ở tuốt trong kia, trên những phiến đá đầy vỏ hàu bén ngót... "Tiêu mẹ rồi!" mình vừa nghĩ được một tí về mẹ thì lại phải tiếp tục chui đầu xuống nước để trốn sóng... Chẳng mấy chốc mà dòng dọc bờ đã đưa mình đi xa, dòm vào chẳng thấy bờ cát đâu mà toàn là đá với đá. May là có kinh nghiệm trước đó, mình bình tĩnh lựa lúc sóng yên mà bơi từ từ vào gần bờ cho dòng chảy chậm lại (nhưng vẫn đủ xa tránh bị đập vào bãi đá), rồi từ từ quay trở ngược lại bãi cát (bằng hết sức bình sinh, nhưng cũng chỉ tiến được một cách rất từ từ). Khi lên bờ thì chẳng thấy ai ngoài 2 cha con nhà nọ đã rút lên trên đường Hạ Long quan sát tự nãy giờ. Mình thì không sao nhưng mẹ thì đã bị thương nặng ở tay, phải đi bệnh viện gấp! Một kỷ niệm đau thương, nhưng cũng là bài học lớn: địa hình nguy hiểm, dòng rút, dòng dọc bờ, và nhiều điều bất lợi khác có thể "hợp tác" với nhau biến những thứ bình thường trở nên hết sức nguy hiểm.

Những con sóng dữ

Gió trên biển thổi mạnh tạo nên sóng, từ những con sóng tròn đầu, gió thổi mạnh hơn nữa sẽ trở thành sóng nhọn đầu, rồi đến khi chiều cao con sóng (tính từ đỉnh tới chân) vượt quá 1/7 chiều dài của nó (tính từ đỉnh sóng này tới đỉnh sóng kia) thì ngọn sóng bắt đầu vỡ ra tạo nên sóng bạc đầu. Đó là ở ngoài khơi, còn khi tiến vào bờ thì những con sóng tròn đầu cũng bị đáy biển dưới chân đội lên dần và trở thành sóng bạc đầu (khi chiều cao vượt quá 1/7 chiều dài) dù không có gió mạnh.

Trong những cơn mưa dông và/hoặc lúc biển động thì hầu như đâu đâu cũng gặp những con sóng bạc đầu hung dữ. Một người đang bơi mà gặp phải cái lưỡi sóng vươn dài lên cao rồi đập xuống thì chắc chắn phải lộn nhào, rất dễ bị mất phương hướng. Nếu phải liên tục đối đầu với chúng thì người khoẻ mạnh cũng nhanh chóng bị đuối sức. Còn mình thì không khoẻ lắm nhưng qua vài lần tiếp xúc với sóng, mình đã nhận ra cách sống hoà bình với nó: Đơn giản nhất là chui thẳng vào bụng sóng, nơi yên bình nhất! (Hiển nhiên là bạn phải biết nín hơi, và tốt nhất là một tí lặn tự do.) Bằng cách này, mình luôn vượt qua vùng sóng vỡ (sóng bạc đầu) để tiến ra ngoài xa một cách nhanh chóng và hết sức nhẹ nhàng, bất chấp sóng to đến cỡ nào. (Ở VN thì ít thấy sóng bạc đầu cao, nhưng ở Nhật thì mình đã thấy những con sóng cao tầm 1 mét tiến vào bờ.) Mỗi lần chui vào bụng sóng trong làn nước yên bình và lắng nghe những chấn động bạo lực của lưỡi sóng đang lùi nhanh về phía sau, mình có cảm giác thật khoan khoái tuyệt vời!

Đó là khi ta đi ngược chiều sóng vỗ, còn nếu đi xuôi chiều hoặc song song với lưỡi sóng thì sao? Khi bơi từ ngoài vào bờ, nếu gặp những con sóng vừa tầm (từ 1m trở xuống) thì đó là cơ hội tốt để chúng ta thưởng thức cảm giác lướt sóng bằng cách hơi chúi đầu xuống và đưa chân lên khi sóng vừa tới để "ôm con sóng vào bụng" và lướt đi cho tới khi nó tan rã. (Với những con sóng cao hơn thì có lẽ bạn nên tập lướt sóng bằng ván.) Và cuối cùng, nếu ta đang bơi song song với lưỡi sóng thì tốt nhất là chui xuống nước một tí (khoảng nửa mét) mỗi khi gặp con sóng đang tấp đến bên sườn, nếu không muốn "thưởng thức" cảm giác xoay vòng trong nước. Mỗi khi chui xuống nước, mình lắng nghe cảm giác sóng đang rào rào lướt qua trên lưng cũng rất chi là thú vị!


Vậy là nhờ vào lặn vo mà mình đã tránh được nhiều rắc rối ở trên mặt nước, vùng "biên giới phức tạp" giữa nước và không khí: Dòng chảy mạnh trên mặt, sóng vỗ mạnh trên mặt, hầu hết những bạo lực thông thường đều xảy ra trên mặt nước. Hơn nữa, những cử động tay chân của chúng ta ở trong nước hiệu quả hơn nhiều so với trên mặt nước. Thế nên nhiều khi cần có sự yên bình, mình đã lặn hẳn xuống dưới đáy để di chuyển, bỏ mặc những ồn ào náo nhiệt của sóng gió ở lại bên trên! Với mình, di chuyển ở trong nước luôn hiệu quả hơn trên bề mặt: Ở vùng nước lặng thì tốc độ như nhau nhưng lặn bên dưới khoẻ hơn bơi bên trên; Còn ở vùng sóng gió thì đi bên dưới luôn nhanh hơn và nhẹ nhàng hơn nhiều.

Vọp bẻ (chuột rút)

Hồi nãy giờ, mình đã nói nhiều về chuyện vật lộn vớn những con nước dữ với một ý chung nhất là "bình tĩnh, mềm dẻo, không cố sức". Ngoài việc tránh bị kiệt sức ra, cách hành xử mềm dẻo còn giúp chúng ta tránh một con "ma da" nguy hiểm, đó là vọp bẻ, hay chuột rút. Vọp bẻ là hiện tượng co cơ không tự chủ, thường xảy ra khi chúng ta cố gắng dùng cơ bắp để làm điều gì đó nặng nhọc, nhất là trong vùng nước lạnh. Một lần nữa, dù cho bị vọp bẻ, chúng ta cũng nên hết sức bình tĩnh và nhẹ nhàng: cơ nào bị vọp bẻ thì để nó yên, đừng cố cử động, và nhẹ nhàng dùng những cơ khác để vận động. Không ít người bị vọp bẻ ngoài khơi và chết... vì hốt hoảng, sặc nước, v.v. chứ không phải vì vọp bẻ. Mình từng bị vọp bẻ ở khắp nơi, từ giữa hồ (cái "hồ đá" hoang lạnh ở Làng ĐH chứ không phải hồ bơi) đến ngoài biển khơi và dưới đáy biển, nhưng chưa bao giờ có vấn đề gì xảy ra ra cả. Lần đầu tiên mình bị vọp bẻ là ở dưới đáy biển Vũng Tàu, cũng ở bãi tắm dưới chân Ô Cấp đó. Hôm đó, mình đã quá mãi mê quan sát một cụm sinh vật dưới đáy đến nỗi quên mất việc hết hơi dự trữ. Khi nhận ra thì mình bất chợt đạp mạnh xuống nền cát để ngoi lên, nhưng cái lạnh ở tầng nước sâu cùng với cú đạp chân bất ngờ đó đã làm bắp vế mình co cứng lại, nổi lên một cục hạch cứng ngắc. Mình trồi lên mặt nước và nhoẻn miệng cười "À, cuối cùng thì mình cũng đã biết 'con vọp' nó 'bẻ chưn' như thế nào!" Không sao, quả là đau thiệt, nhưng mình vẫn hoàn toàn tỉnh táo cùng với 2 tay 1 chưn còn lại rất bình thường. Nằm trên mặt nước một hồi, thấy rõ nguyên nhân của cái lần vọp bẻ này, mình bắt đầu khuơ tay quạt nước từ từ tiến vào bờ, không thèm cố sức nữa. Những lần sau cũng vậy, mình cứ thoải mái nằm nghỉ trên mặt nước một tí rồi vào bờ giãn cơ, xoa bóp một chập là khỏi.

Thực ra, để có thể bình tĩnh và thoải mái được ngay trong lần vọp bẻ đầu tiên đó, mình đã phải nhờ đến một cái duyên tự thuở bé thơ: Hồi nhỏ xíu, chẳng nhớ rõ lớp mấy, nhưng hẳn là còn tiểu học, trong một lần đi bơi ở hồ bơi Cần Thơ, mình đã học lỏm được cái "bài học đầu tiên" trong một lớp bơi lội nào đó, đó là bài "lướt nước". Từ đó, mình biết được rằng với cái phổi chứa đầy khí thì mình chẳng bao giờ có thể tự chìm được. Nhờ thế mà từ đấy về sau mình cứ thoải mái nằm nhởn nhơ hằng giờ liền trên mặt biển, thỉnh thoảng lại quạt tay một cái hoặc đạp chân một tí để ngẩng lên hớp một bụng khí rồi trở lại nằm tiếp. Có những "chân lý" hết sức đơn giản như vậy mình đã "ngộ" ra chỉ trong một khoảnh khắc, mà nhiều người tập mãi, bơi mãi vẫn không hề biết đến. Điển hình là hồi bên Nhật, trước khi đi chơi ở Okinawa, 2 anh bạn của mình đã phân vân rằng "nếu không có ống thở thì làm sao mà ngắm san hô được?!" Họ đều đã biết bơi, nên chỉ trong 1 buổi ở hồ bơi ngay trước ngày lên đường, mình đã kịp chỉ cách "dưỡng" (theo cách nói của một anh bạn) để có thể nằm thoải mái trên mặt nước mà hầu như không tốn một tí sức lực nào. Rồi một lúc nào đó trong hồ bơi, mình đã thử xuống nước trong tư thế 2 tay 2 chân bị trói, nhưng rồi cũng thấy là vẫn có thể thở và di chuyển chầm chậm được. Vậy là bơi thì khó chứ để nổi được thì không hề khó! (Ngược với quan điểm miệt vườn Miền Tây "biết nổi gọi là biết bơi".) Quan điểm này cũng giống quan điểm bơi trong bài "Bơi chìm và bơi nổi" vậy.

Những khác biệt giữa lặn tự do và lặn bình dưỡng khí...


Tham gia blog một thời gian nhưng chưa đóng góp bài viết nào, hôm nay cuối tuần rảnh rỗi TchyA mới viết được bài đầu tiên cho blog. Để hưởng ứng tinh thần freediving của chú Minh và ComputerBoy, bài viết này sẽ đề cập đến freediving.

Nhiều người cho rằng lặn tự do (freediving) và lặn bình dưỡng khí (scuba diving) cơ bản là giống nhau. Điều này có thât sự đúng? Thật ra về cơ bản, lặn tự do và lặn bình dưỡng khí là hoàn toàn khác nhau. Sự khác nhau này cũng giống như sự khác nhau giữa môn bơi và môn lặn. Bài viết này nhằm so sánh những điểm khác biệt giữa hai môn lặn này.

Về kỹ thuật:
Lặn tự do dựa chủ yếu vào kỹ thuật giữ hơi (breath-hold). Bạn chỉ có một lần thở cho cả phiên lặn. Vì vậy một buổi lặn tự do thường có nhiều phiên lặn, mỗi phiên chỉ diễn ra trong khoảng một vài phút. Trong khi đó với lặn bình dưỡng khí, bạn được cung cấp khí để thở thường trực và có thể hít thở thoải mái như ở trên cạn. Một buổi lặn bình dưỡng khí thường chỉ gồm một phiên lặn kéo dài vài chục phút đến vài tiếng đồng hồ.

Về rủi ro:
Rủi ro lớn nhất đối với lặn bình dưỡng khí là bệnh ni-tơ (decompression sickness). Bệnh xảy ra do quá trình hô hấp dưới áp suất nước sẽ làm phát sinh các bọt khí ni-tơ trong máu và mô. Khi bạn trồi lên mặt nước với tốc độ nhanh (trên 10m/phút), các bọt khí này sẽ giản nở ra trong cơ thể và gây ra những biến chứng nguy hiểm. Đối với lặn tự do, bạn không hô hấp dưới áp suất nước, khí bạn hít vào một lần duy nhất được lấy trên mặt nước, tại áp suất khí quyển bình thường, vì vậy bệnh ni-tơ không xuất hiện hoặc không đáng kể dù bạn phải trồi lên mặt nước rất nhanh. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với lặn tự do chính là triệu chứng ngất do thiếu oxy (black-out).

Cấp cứu một người lặn tự do bị ngất (black-out)...

Về bạn lặn:
Lặn nói chung là môn thể thao ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì vậy một quy tắt an toàn trong khi lặn là luôn đi cùng với bạn lặn. Với lặn bình dưỡng khí, bạn và bạn lặn thường lặn cùng nhau để hỗ trợ nhau khi gặp sự cố. Với lặn tự do, bạn và bạn lặn của mình không lặn cùng nhau mà thay phiên nhau lặn, khi một người lặn thì người kia ở trên mặt nước quan sát. Quy tắt an toàn của lặn tự do là bạn và bạn lặn của mình phải luôn ở hai trạng thái ém khí khác nhau. Có như vậy thì khi một người gặp sự cố, người kia mới đủ hơi để trợ giúp.

Bạn lặn trên mặt nước hỗ trợ người lặn tự do...

Về trang thiết bị:
Lặn tự do có trang bị nhẹ nhàng hơn hẳn so với lặn bình dưỡng khí. Không còn ống thở và bình khí cồng kềnh, bạn được tự do vùng vẫy trong nước. Tuy nhiên, bạn cũng cần một số trang thiết bị để hỗ trợ lặn tốt hơn: kính lặn (mask) để quan sát dưới nước, bộ quần áo lặn (wetsuit) để chống lạnh, cặp chân nhái (fins) để di chuyển dễ dàng dưới nước.

Các trang thiết bị dành cho lặn tự do có một số khác biệt so với lặn bình dưỡng khí. Kính lặn tự do áp sát mặt hơn (low-volume) để tiết kiệm khí bạn dùng cân bằng kính dưới áp suất nước. Bộ quần áo lặn tự do bó sát người hơn và co giãn tốt hơn để bạn có thể hoạt động linh hoạt hơn dưới nước. Cặp chân nhái lặn tự do dài hơn và mềm hơn giúp bạn di chuyển nhẹ nhàng và đỡ tốn nhiều sức.

Chân nhái lặn tự do dài và mềm hơn...

Trên đây là một số nhận định của TchyA khi so sánh hai môn lặn tự do và lặn bình dưỡng khí. Mọi người có thêm thông tin và kiến thức gì thì đóng góp nhé.a

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

Freedive - Lặn vo là gì?

ComputerBoy bắt đầu chuỗi bài về lặn vo - free dive cách nay đã một năm. Nay có vẻ như đã có một vài sự quan tâm nhất định tới môn chơi này của các bạn lặn - thành viên blog lặn biển nên tui quyết định sẽ hành động :).
   Tui lấy nguyên phần giới thiệu của trang freediveireland.com về freedive để làm bài khởi động cho nhánh lặn này. Nội dung nó đây:


Freediving (lặn vo) hay apnea được coi là một môn thể thao, khoa học hay là nghệ thuật giữ hơi thở của bạn khi ở dưới mặt nước.
Chúng ta đều quen thuộc với lặn ống thở ( snorkeling ) hoặc scuba. Khi lặn ống thở ta luôn ở trên mặt nước còn khi lặn vo ta nín hơi, lặn lặn xuống và bơi quanh ở dưới đáy nước. Độ sâu có thể là 1 m hoặc 50 m sâu và thời gian có thể vài giây hoặc vài phút một lần lặn.
Những người lặn vo (freediver) được phân biệt thành hai loại ( không kể những người kiếm sống bằng nghề lặn vo như ngư dân, các Ama…) là những vận đông viên freediver thi đấu và những freediver giải trí. Tuy nhiên khó mà phân loại một cách rạch ròi những người này thuộc loại hình nào. Phần lớn rơi vào cả hai thể loại.

Những người lặn vo giải trí (lặn chơi, lặn nhởn – như định nghĩa của bác HCQ) chỉ là tận hưởng môi trường nước mà không phiền dộ sâu bao nhiêu hay thời gian dài thế nào khi họ ở dưới đáy nước. Họ đơn giản tận hưởng cảm giác thư giãn, những cảnh quan và sự  tĩnh lặng khi ở dưới nước.

Những vận động viên freediver lại là những người tích cực luyện tập và thi đấu tại các cuộc đua tài trên thế giới. Tất nhiên rất thường có sự “pha trộn” hai giới này với nhau. Một vận động viên vẫn có thể coi mình là một người lặn vo giải trí và tham tham gia thi đấu để gặp bạn bè hoặc tích lũy kinh nghiệm.

Thi đấu freediving bao gồm các bộ môn được chia ra thành thi đấu hồ bơi và ở vùng nước mở (biển, hồ…)
Bạn có thể theo dõi các kỷ lục và các nhà vô địch của các bộ môn khác nhau tại đây: Aida International website.

Trong hồ bơi, chúng ta có bộ môn lặn tĩnh Static (Sta – Tĩnh) ở đó bạn phải nín thở lâu nhất có thể mà không chuyển động. Kỷ lục hiện nay của Stephan Mifsud là 11 phút 35 giây.

Sau đó là môn lặn động có chân nhái (DYN) với kỷ lục của Aleaxy Molchanov là 250 m và môn lặn động không chân nhái (DNF) với kỷ lục của Dave Mullins là 213m. Hai môn này không tính thời gian mà tính khoảng cách xa nhất đạt được trong 1 lần lấy hơi.

Ở ngoài biển, ta có vài bộ môn thi khác nhau, phổ biến nhất là constant weight (CW) – (trọng lượng cố định) khi VDV lặn xuống độ sâu định trước và lấy cái nhãn (tag) từ dưới đó lên. Nếu anh ta mang 5kg trên dây lưng thì sẽ phải trở lên với 5kg. Kỷ lục môn này của Herbert Nitsch là 124m.

Chúng ta cũng có môn constant weight no fins (CNF) cũng tương tự nhưng không có chân ếch và có lẽ là môn đơn giản và khó khăn nhất.  Người giữ kỷ lục môn này là William Trubridge  95m. (Thực tế hôm nay là hơn 100 m tui không nhớ cụ thể)

Variable weight là khi VDV sử dụng trọng lực để lôi xuống sâu và trở về bằng chân ếch hoặc kéo dây. Kỷ lục của Herbert Nitsch là 142m.

Free Immersion (FIM) là môn thi khi người lặn xuống và lên bằng cách dùng tay kéo lên hoặc xuống sợi thừng. Kỷ lục 120m của Herbert Nitsch.

Cuối cùng là không hạn chế - no limits (NL). Môn này nay không được đưa vào thi đấu nữa nhưng một số cá nhân vẫn dùng môn này để ghi nhận kỷ lục của mình với sự chứng kiến của nhóm trộng tài chính thức. Đây là môn có kỷ lục sâu nhất. VDV ngồi trên một xe trượt nặng để đi xuống và lên bằng túi khí. Kỷ lục hiện nay của Herbert Nitsch là 214m.  Những số liệu kỷ lục này hôm nay không còn đúng nữa, bạn có thể tham khảo các kỷ lục mới nhất trên trang của AIDA International. 


Cuối tuần này sẽ có buổi gặp đầu tiên của những thành viên blog lặn biển yêu thích freedive. Mong rằng khởi đầu tốt đẹp.

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

Khi không lặn Scuba, hãy Free Dive!

Sau chiến dịch Vùng Vịnh, ai về nhà nấy. Lại ngập chìm vào công việc, gia đình, quan hệ, và nhiều mối bận tâm đời thường khác.... Với tui, thật không dễ gì quên những cảm giác ngập tràn, lênh đênh, lơ lửng trong môi trường nước, trạng thái không trọng lượng và sự chuyển động chậm rãi, thư giãn trong không gian ba chiếu với những tia nắng lung linh nhảy múa. Thật may mắn, tất cả những cảm xúc và trải nghiệm này bạn hoàn toàn có thể có được nhờ free dive (lặn vo)với chỉ một hơi thở. Không cần trang bị lỉnh kỉnh BCD, bình dưỡng khí với hệ thống vòi ống, mồm thở lằng nhằng... trang bị tối thiểu mà bạn cần là kính lặn, thậm chí kính bơi bỉnh thường. Với một số kỹ năng căn bản và kiến thức về môi trường nước cũng như an toàn mà các bạn lặn Scuba đều rành thì Free Dive là một môn thể thao giải trí rất tốt cho họ. Đôi khi, Free Dive có thể giúp ta khám phá những thứ mà Scuba không giúp được. Video dưới đây sẽ minh họa cho điều này.

 
 Các bạn thành viên blog scuba, khi không đi lặn scuba hãy cùng tui di lặn free dive! Không phải chờ đến tận tháng 8 như AoE.