(trích lược trên báo)
Mỗi ngày ít nhất 6 giờ, Hồng và các bạn lặn làm việc dưới đáy biển, công việc chính là bắt sò huyết cho chủ tàu. Ngư trường khai thác sò huyết thường cách bờ từ 2 đến 3km và ở độ sâu từ 15 đến 20m. Trên mỗi tàu, 10 thợ lặn chỉ có một bình ôxy cỡ một bình khí ga 10kg, mỗi người được chủ tàu trang bị cho một “ống lặn” dài chừng 100m nối vào “mũi” để thở, ngoài ra không có một thiết bị bảo hiểm nào. Để thợ lặn không bị nổi, chủ tàu trang bị cho họ một bọc chì nặng khoảng chục cân.
Thợ lặn khi đã nhảy xuống nước là phó thác thân mình cho biển, cứ đến giờ nghỉ trưa, những người ở trên thuyền sẽ giật vòi ôxy báo hiệu cho họ lên thuyền, ăn vội bát cơm rồi nghỉ một chút, rồi tiếp tục quăng mình xuống biển sâu.
Làm việc ở độ sâu ấy, lại không có các thiết bị bảo hiểm cần thiết bảo vệ nên tính mạng của họ luôn bị đe dọa. Nguy hiểm nhất là lúc lên thuyền, do sự thay đổi áp suất quá đột ngột dễ gây “sốc” đối với cơ thể người thợ. Đó là chưa nói đến những sự cố về kỹ thuật vẫn thường xảy ra, điển hình là mỗi ngày người thợ thường bị mất khí thở 3-4 lần do “ống lặn” bị gập, nếu không kịp rút “chốt” thả bọc chì cho người nổi lên hoặc xử lý chậm thì người thợ lặn coi như cầm chắc cái chết.
Mặc dù đã có kinh nghiệm 5 năm làm nghề, nhưng ngày 17/7/1998 đã trở thành ngày định mệnh của cuộc đời Hồng. Hồng bị nạn khi lên tàu nghỉ trưa. Vì bất cẩn, mọi người đã kéo anh lên tàu quá nhanh làm cho áp suất trong người Hồng bị thay đổi đột ngột. Ngồi bệt trên sàn tàu hút chưa hết điếu thuốc, Hồng đã thấy choáng váng mặt mày, bụng dưới tê buốt và có cảm giác mót tiểu nhưng không đi được. Theo kinh nghiệm, mọi người vội cột chì vào người và dòng dây thả Hồng xuống biển, nhưng do chưa “trả” đúng độ sâu nên không có hiệu quả. Sau một tuần Hồng nằm mê man bất tỉnh ở Bệnh viện Vũng Tàu, mọi người đã đưa anh về nhà.
Hình minh họa.
(Chủ đề: Tin tức và cuộc sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét