Không đi lặn ở Trường Sa được thì đến nơi dễ đến là Nha Trang. Với tui vào dịp lễ đi Nha Trang cũng không vất vả lắm vì có hai trở ngại lớn nhất dịp nghỉ lễ là đi lại là lưu trú thì: Đi lại bằng xe lửa là yên tâm không lo kẹt xe, chỉ phải lo mua vé trước vài tuần là được. Còn lưu trú thì Nha Trang là quê tui nên về đó kiếm chỗ ngủ không khó. Mặt khác, tui cũng nóng lòng muốn thử mấy cái đồ chơi tậu được khi đi ADEX cùng Coral hồi giữa tháng tư. Đó là một bộ gá máy chụp hình cộng cánh tay gắn đèn chụp hình (Strobe hoặc đèn LED) và một đèn LED 650 lumens chuyên dụng cho video. Tui cẩn thận chuẩn bị mấy thứ này từ mấy hôm trước khi đi, kiếm một cái túi bảo vệ bằng neopren để đựng và xếp vào tủ. Để có được tiện nghi khi lặn, bạn phải trả giá bằng sự phiền toái khác :). Tui có một túi to để chứa tất cả những gì thuộc về trang bị lặn mang theo. Cái list các thứ trang bị này cứ lớn dần theo thời gian. Khi tui lần đầu tiên đi thi thực hành để lấy bằng Open Water trên vai chỉ có cặp fins, kính lặn và ống thở nay sau 3 năm thì mỗi lần đi lặn phải tha một túi to khoảng 13-14 kg. Vấn đề là nhiều chi tiết quá nên dù đã ghi cẩn thận vào sổ các thứ cần mang theo, cuối cùng đến Nha Trang tui mới phát hiện ra là bỏ quên cái túi bộ gá máy cùng đèn chụp hình ở nhà. Thế là hết cơ hội thử nghiệm chụp hình và quay video có ánh sáng phụ trợ dưới nước :(( Đành lại chụp hình với ánh sáng tự nhiên như những lần trước. May mắn là ngày hôm đó nắng chói chang nên ánh sáng ở độ sâu 10 m cũng còn khá. Tầm nhìn không tốt lắm chỉ cỡ 8-10 m. Lần này có dịp thử chiếc GoPro HD ở biển nên tui không quay video bằng máy chụp hình nữa. Do quên bộ gá máy ảnh ở nhà nên tui đeo máy GoPro lên đầu và tay điều khiển máy ảnh. Chất lượng video khá tốt (HD) dù chỉ sử dụng ánh sáng tự nhiên, Nhưng quay kiểu này làm cho việc biên tập rất mệt vì phải mất công xem, cắt ra những clip ưng ý rối mới biên tập lại thành video hoàn chỉnh. Đành hẹn các bạn các cảnh quay của anh bạn Hero vào bài sau, còn bài này chỉ có ảnh, như mọi khi chộp bằng máy Sealife MD800 với ánh sáng tự nhiên.
Lần này Ki Ka không lặn cùng tui vì đang mắc huấn luyện một cô gái Nhật lấy bằng OWC
Tui lặn cùng Nguyên, chuẩn úy PADI của Rainbow Divers Nha Trang.
Đã vài tuần nay, tại vị trí này có một chú cá ngựa bám đoạn dây chão này, khi tui được dẫn tới thì thật xui xẻo, không thấy chú cá ngựa đâu, chỉ có một chú cá nóc lượn lờ.
Một chú cá "lá" nằm sâu trong hốc, loay xoay một lúc mới chộp được, mà mấy nét cũng không chuẩn được.
Chộp chú sên trần (nudibranch) nì lại quá dễ, tui chộp nó trong tư thế hai chân chổng lên trời!
Cá sư tử (lionsfish) - đề tài quen thuộc :)
Một chú tôm rập rình ở cửa khe đá.
Một chú sên trần khác, lần này tui may mắn chộp được một loạt nudibranch - chỉ tiếc không có ống kính macro để có thể chụp đẹp hơn
Gặp lại Ki Ka ở dưới nước.
Theo sau là cô học trò người Nhật - đang thi lấy bằng OWC do Ki Ka hướng dẫn.
Hai thầy trò Ki Ka
Trái ngược với cảnh hai thày trò nhà Ki Ka ung dung bơi ngắm cảnh, anh chàng to khỏe Hàn Quốc này bị một DM nắm cổ lôi sềnh sệch vì chỉ là một diver "lặn thử"! Còn gì là thú vị nữa :D
Cuối cùng là tui với cái camera GoPro HD trên đầu.
Tui đi lặn với Rainbow Nha Trang. Đi lặn dịp lễ đông nghẹt luôn, hôm đó tàu tôi đi chở tới 25 khách lặn chưa kể đội HDV và HLV lặn của RB. Tại Hòn Mun, ngoài các tàu chở khách lặn của các CLB ra còn nhiều tàu chở khách du lịch ra đó bơi, lặn snorkel và xem san hô qua tấm kính ở đáy tàu.
Chuyến đi này, việc quên đèn chụp hình ở nhà không phải là xui xẻo duy nhất. Lần lặn thứ hai, tui bị rơi mất túi chì (1,5Kg) lúc nào không hay :(( - kỳ lạ là mất 1,5 Kg mà tui hổng có cảm giác gì cả, cứ lặn bình thường tới lúc lên tàu chú Nguyên mới phát hiện ra. Từ nay đi lặn chắc phải mang đai chì cho lành ;)
6 nhận xét:
AMk3.
Theo tui anh mất 1,5kg đối trọng nhưng không thấy gì, không có nghĩa là anh không thấy gì, mà là chưa thấy gì thôi (tui nghĩ vậy). Bởi vì lúc mất cục chì thì chai khí vẫn còn nhiều khí nên cái cục chì bị rớt chưa phát huy tác dụng.
Theo bảng tra cứu sức nổi, thì với chai nhôm AL-80 (thể tích 11 lít, dung tích 2.247 lít) sẽ là:
-Trọng lượng trên bờ: chai rỗng là 14,4 kg và chai đầy là 17,2 kg.
-Sức nổi chai rỗng +1,8 kg, sức nổi chai đầy -1,1 kg.
Nếu nó rỗng hoàn toàn thì tới 1,8 kg lận.
Và cộng với kỹ năng cân bằng khá tốt của anh, nên mất 1,5kg chưa nhằm nhò gì.
sao lại xui xẻo quên đèn flash vậy anh!!! đúng là cẩn thận mấy cũng có sai sót, hihi!!!
@HCQ: Lần này có thay đổi về "quân trang" đang từ shoty 3 ly sang bộ dài 0.5 ly nên tui bỏ bới 1 ký chì (bình thường 6Kg). Khi bị mất 1,5 ký, có vẻ không ảnh hưởng lắm đến độ nổi trung tính nên tui lại nghĩ có lẽ 5Kg vẫn còn là quá nặng! Lần sau phải "cân" thử trước khi lặn để biết chính xác lượng chì cần mang theo.
Đai chì là tư trang cần phải có, nên điểm lặn nào cũng có rồi, sao chú phải trang bị riêng của mình làm gì? Nó không như quần áo, kiếng, ống lặn... Chú bớt 6kg chì là vác thêm được cả đống phụ kiện khác rồi :D
Viet Dzung Do.
Không phải chú AMk3 là sở hữu chủ của 6-7kg chì đâu (ổng "kẹo" thấy bà cố), mà vì ổng sắm cái "BCD cánh" có thiết trí 4 túi đựng chì, 2 cái trên vai và 2 cái dưới đáy BCD. Khi lặn, Divers bỏ chì vô 4 túi cho nó đỡ vướng víu cái hông.
Chắc bữa đó ổng chia chì vô 4 túi nhưng "dán" không dính 1 túi. Ổng là phó nháy nên lâu lâu có màn đưa chân lên trời cắm đầu xuống đất (để chụp hình), thế là cục chì ở túi đó nó rớt.
Chắc vậy thôi.
Về mặt kỹ năng, gắn (toàn bộ) đối trọng vào BCD sẽ làm Divers được thoải mái hơn so với đai chì quốn quanh bụng, nhưng:
-Khi leo lên tàu lặn: kẻ đeo đai chì đưa đai chì lên cho thủy thủ rồi mới leo lên - đỡ nặng, còn kẻ nào bỏ chì trong BCD thì phải "ôm" cả mớ leo lên - vất vả hơn.
-Khi gặp tình huống bất khả kháng mà, theo "luật lặn", Diver buộc phải đi lên khẩn cấp, thì kẻ đeo đai chì móc tay vô khóa đai là đai chì rớt ra, và sau đó tự khắc nổi lên. Còn kẻ bỏ chì trong túi BCD thì đưa 2 tay ra sau móc khóa "neo" 2 túi, 2 túi (có chì ở trỏng) cũng rớt ra, và cũng tự khắc nổi lên. Giống nhau thôi.
Nhưng một số Divers cho rằng, thao tác mở khóa đai chì phù hợp với động tác tự nhiên của con người hơn là động tác mở khóa túi.
Tất nhiên với Divers có kinh nghiệm thì động tác này chỉ là phản xạ của bản năng thứ hai - không vấn đề.
Nghề chơi cũng lắm công phu (cụ Nguyễn Du đã nói).
Viet Dzung Do.
AMk3 không sở hữu các cục chì. Ý ổng nói là xưa nay ổng bỏ chì vô 4 túi của BCD (2 túi vai, 2 túi dưới), nay muốn bớt chì trong túi đễ gắn vô đai (ở vùng thắt lưng).
Đăng nhận xét