Bộ lạc Moken sinh sống dọc bờ biển Andaman thuộc hải phận của Thái Lan và Myanmar. Họ khoảng 15.000 người, đều nhìn thấy rõ trong môi trường nước. Từ ngàn đời nay, người Moken đã sử dụng khả năng này để tìm kiếm thức ăn dưới đáy đại dương. Giới khoa học gọi họ là "Bộ lạc có mắt của loài cá".
Người bình thường lặn biển không đeo kính lặn thì hình ảnh nhìn thấy sẽ rất mờ, bởi mắt người vốn chỉ thích nghi với môi trường không khí, nhưng người Moken lại thấy rõ những con sò, trai, hải sâm và cả con ốc nhỏ xíu ở độ sâu 3 - 4m nước mà không cần kính lặn. Người ta không giải thích được vì sao cả những em bé 5 - 7 tuổi trong bộ lạc này cũng có được khả năng nhìn rõ mọi vật dưới nước. Trong môi trường nước, mắt của các em tinh gấp 3 lần mắt của trẻ em châu Âu, vì thế có thể phân biệt được những vật thể đường kính nhỏ hơn 1,5 mm, trong khi trẻ em châu Âu phải vất vả lắm mới nhìn thấy những thứ dưới 3 mm.
GS.Anna Gislen, Đại học Y khoa thành phố Lund, Thụy Điển, nhận định: Về mặt sinh học, mắt người rất khó thích nghi với môi trường nước. Do mắt người tròn và chứa chất lỏng có thể tập trung các tia sáng về phía con ngươi, đó là năng lực khúc xạ. Có điều, trong môi trường nước, ánh sáng lại không truyền đi giống như trong không khí. Kết quả là năng lực khúc xạ của mắt người có thể giảm đến 2/3 khi ở dưới nước. Tất cả những gì diễn ra trước mắt đều mờ ảo khiến cho việc đánh giá chính xác các động vật biển như cá, san hô, ốc và cả khoảng cách hoàn toàn bị sai lệch. Bình thường chỉ có những người bị cận thị nặng mới có thể bù đắp lại được sự sụt giảm này. Giả thuyết mà GS đưa ra là có thể người Moken đã bị cận thị như loài chuột chũi. Thế nhưng họ không giải thích được là tại sao trên mặt đất, mắt của người Moken lại bình thường.
Trở lại bờ biển Andaman lần thứ ba, GS mới phát hiện ra bí quyết nhìn dưới nước của người Moken: Khi lặn, họ đã thu hẹp đồng tử lại. Ngoài ra, họ còn có khả năng nén thuỷ tinh thể để cho chúng trở nên tròn hơn, nhờ thế có thể bẻ cong được tia ánh sáng đi vào. Hai quá trình này giúp cho hình ảnh dưới nước trở nên sắc nét hơn trong mắt họ. Sự thích ứng này với môi trường nước là một phản ứng phụ mà các nhà nhãn khoa học gọi là "sự hưởng ứng phản xạ khi lặn xuống nước". Tất cả các loài động vật có vú, kể cả con người đều có cơ chế đặc biệt này nhưng ở các cấp độ khác nhau. Và có thể đối với người Moken, sự đáp ứng của phản xạ được phát triển mạnh và ngay lập tức bởi một số dây thần kinh thị lực. Howard Howland, nhà sinh học thần kinh, Đại học Cornell, New York, Mỹ, nói: Kỹ năng thu hẹp đồng tử và nén thủy tinh thể để nhìn rõ mọi vật dưới nước là hoàn toàn có thể học được, dù là học một cách vô thức. Kỹ năng này dần dần được tiến hóa lựa chọn cho các thế hệ sau. Chính tiến hóa đã hỗ trợ cho quá trình thích nghi di truyền nhằm tăng cường khả năng nhìn dưới nước của người Moken. Điều này giúp giải thích tại sao trẻ em Moken ngay từ khi còn nhỏ cũng đã ít nhiều có kỹ năng này. Trong giai đoạn dưới 10 tuổi, khả năng thu hẹp đồng tử, nén thuỷ tinh thể của các em vẫn còn yếu, nó sẽ mạnh dần lên khi đến tuổi trưởng thành.
Chỉ tiếc là nhóm nghiên cứu chưa biết được cụ thể mức độ "tinh mắt" của người Moken trưởng thành, bởi họ, do quá rụt rè, e ngại, đã không đồng ý tham gia các thử nghiệm.
6 nhận xét:
Hè, vậy chắc từ giờ cháu phải tập thêm cái món "nhìn bằng mắt thường dưới nước" này quá! Dù sao thì mở mắt nhìn dưới nước cũng là một phản xạ tự nhiên (trong phản xạ lặn) mà mình đã quên đi mất! Nếu không cần mắt kính nữa thì đúng là "freedive" chính cống rồi còn gì - "free like a fish in water!"
Người Moken là "tộc người du mục biển" (Moken Sea Nomads)dưới đại dương duy nhất còn lại trên trái đất cho đến nay. Người Moken có nền văn hóa "một mình với đại dương" lâu đời tới 3500 năm. Tui dùng ứng dụng "Dive Moken" trên iPhone" để thử sức với người Moken trong lặn vo. Người Moken không cần bất kỳ công cụ hỗ trợ gì khi lặn xuông đáy đại dương.
Có một dự án (projectmoken.com) cổ vũ cho lối sống Moken thông qua phim ảnh, các sản phẩm đa phương tiện tương tác, du lịch sinh thái...Bạn có thể xem tại đây
Xin đưa thêm hình.
Hình: đám con nít bộ tộc Moken đang lặn vo - một trò chơi phổ biến, kiểu như con nít thành phố hồi xưa đá banh trên vỉa hè, hoặc con nít thành phố thời nay "chơi điện tử" vậy.
HCQuang
Xem cái video clíp thấy phê thiệt!
@chú AMk3: cái link chú đưa bị sai rồi!
Thật tuyệt, cháu thử căng tròn thuỷ tinh thể của mình lên thì thấy rõ hơn một tí dưới nước! Theo một số bài báo khoa học thì ngay trong phản xạ lặn, khi mặt chúng ta áp xuống nước lạnh thì đã có một số tín hiệu thần kinh kích thích chúng ta điều tiết mắt rồi!
Có thể một ngày nọ chúng ta sẽ tập được cách nhìn dưới nước, đưa phản xạ lặn quay trở lại với con người 100% chăng?!
... Và từ 6 năm trước (2006), các nhà khoa học đã thử cho những đứa trẻ châu Âu tập luyện... sau 1 tháng, chúng đã có khả năng nhìn dưới nước tương đương với trẻ em Moken!!! ;)
Tuyệt!
Đăng nhận xét