Danh sách các tab/trang

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Tại sao thợ lặn cứ phải ra kí hiệu “OK”


(bài trên Scubadiving.com – trích)

Jack là một thợ lặn có đẳng cấp. Anh vừa sắm một giàn thiết bị mới: bình thép đôi 104 foot khối cùng các thiết bị tương ứng. Jack biết không nên lặn sâu với thiết bị lần đầu tiên sử dụng, nhưng không vấn đề, anh đã không ít lần lặn sâu trên 40 mét.

Sáng hôm sau, Jack và bạn bè làm một chuyến lặn xác tàu đắm ở độ sâu 43 mét (cuộc lặn không có Divemaster (DM)(*). DM địa phương nhắc, rằng sau khi nhảy xuống nước, các bạn ra kí hiệu “OK” với tàu lặn rồi hãy đi xuống; rằng các nhóm lặn nên đi xuống theo dây neo; rằng khi tới đáy cần xác nhận “OK” với nhau, rồi hãy bơi đến xác tàu, bắt đầu khảo sát từ mũi xác tàu.

Hôm đó thời tiết rất hoàn hảo nên không một ai quan tâm tới động tác “OK” này, kể cả nhân viên giám sát lặn của tàu. Jack là người đầu tiên nhảy xuống nước. Hai bạn lặn trong nhóm anh, Jim và Al, khi nhảy xuống đã không thấy Jack, và ngạc nhiên hơn, cho tới lúc chạm đáy vẫn không thấy Jack chờ họ tại chân dây neo như quy ước. Họ bèn bơi về phía mũi xác tàu.

 

Khi Jim và Al tới mũi xác tàu, họ thấy bên kia xác tàu có một dòng bong bóng khí sục lên từ đáy biển. Vượt qua mặt bong xác tàu, họ thực sự bị sốc khi trông thấy Jack đang bò trên đáy biển. Sau một cuộc trao đổi bằng tín hiệu tay, Jim và Al thống nhất phương án rằng, Al sẽ đi tới Jack, còn Jim chờ ở gần mũi xác tàu để giám sát và để sẵn sàng hỗ trợ. Al bơi tới, đưa mồm thở dự bị(*) cho Jack. Anh vòng tay ôm lấy Jack, bơm khí vào BCD(*) của mình để nâng Jack lên một chút và bơi về phía Jim, nơi các anh sẽ đưa Jack lên. Với sự hỗ trợ của hai bạn lặn, Jack đã hoàn thành chuyến đi lên với cú dừng giải áp. Cuối cùng, cả ba đã lên tàu an toàn.


Té ra BCD của Jack đã không giữ được nổi. Ngay khi xuống nước, tấm kim loại sau lưng Jack (thay cho đai chì(*) cùng các thiết bị nặng nề đã lập tức dìm anh chìm nghỉm. Jack quạt chân nhái như điên để giữ nổi, nhưng các nỗ lực của anh đã không thành công. Khi chìm tới đáy, Jack biết rõ nếu đi lên cấp tốc từ độ sâu này (43 mét) sẽ là một sự rủi ro quá lớn, vì vậy anh chọn phương án là bò tới mũi xác tàu rồi tìm về dây neo của tàu lặn, và theo nó để đi lên có kiểm soát.

Cuộc điều tra cho thấy, BCD của Jack (kiểu back inflation) có lỗi. Một trong hai cánh của BCD không phồng lên khi bơm hơi (đường thông giữa hai cánh bị dính mặt trong), nên khi bơm BCD, không khí chỉ vào một cánh rồi ra van xả. Do đó BCD đã không đủ bù nổi đối với giàn thiết bị nặng nề – chúng tới 100 pound.

 

Thợ lặn nói:

-Lẽ ra Jack nên làm một chuyến lặn nông để thích nghi với giàn thiết bị mới của mình. Thậm chí anh cũng không thèm thử nghiệm chúng tại hồ bơi.
-Nhân viên cửa hàng thiết bị lặn đã có lỗi, họ đã không bơm thật căng BCD để xem nó hoạt động có tốt hay không, hoặc họ phải chuẩn đoán được vấn đề này.

Rất may, lỗi này đã được khắc phục bởi phản ứng bình tĩnh của hai bạn lặn, và cũng do hôm đó tầm nhìn dưới đáy là tuyệt vời.

(*) xin xem trong “Tự điển lanbien” ở bên phải trang blog.
H: "đồ đạc" lủng củng (chỉ có tính minh họa)

2 nhận xét:

HCQuang nói...

Một anh bạn xem bài này đã nói rằng: cái "tệ" nhất là anh ta lại được 2 thợ lặn đàn em cứu, cứu rất ngoạn mục.
HCQuang

HCQuang nói...

HLV Hùng (vinadive) nói rằng BCD kiểu "2 lá phổi" dùng sẽ cảm thấy rất thoải mái, nhưng cần để ý đường ống dẫn hơi ("cuống phổi") một chút. Nếu "cuống phổi" không ở vị trí cao nhất thì có thể khí trong "cánh" bên phải của BCD sẽ không ra hết (nếu cần xả hết), và có thể không vào đầy "cánh" bên phải của BCD (nếu cần bơm thật đầy).
HCQuang