Danh sách các tab/trang

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2010

Bơi ếch


Để đi lặn giải trí, ban đầu, thường người ta sẽ "lặn khám phá (tìm hiểu)" với một Hướng dẫn viên chuyên nghiệp đi kèm và CLB lặn chẳng đòi hỏi gì ở anh về kĩ năng - ngoài một vài kĩ thuật sẽ được hướng dẫn ngay tại thực địa (thực hải). Nhưng để trở thành dân "bán chuyên" thì phải qua huấn luyện và thi lấy bằng (mức đầu tiên là "Binh nhất scuba"). Để hỗ trợ cho "chuyên môn", kẻ đi thi Binh nhất phải biết một môn hỗ trợ, đó là bơi cự li 200m (không tính thời gian và kiểu bơi). Tức biết bơi sẽ giúp ích (đắc lực) cho lặn scuba.
Vậy nay, tôi - một kẻ xưng là bơi lội khá (tính trong số "thường dân") - xin đưa hình bơi Ếch lên blog để các anh chị, các cháu tham khảo.

Chú ý Chân:
1- Chân đạp chếch sang hai bên (chứ không phải đạp thẳng về phía sau).
2- Khi kết thúc đạp chân, hãy kéo 2 gót về mông (chứ không phải gập đùi lại).

Chú ý Tay:
1- Khi quạt nước, khuỷu tay gập dần tới 90 độ và quạt chéo xuống (không quạt sang hai bên, không quạt thẳng xuống).
2- Khi quạt tới ngang hông thì nhẹ nhàng khép 2 cánh tay lại và đưa thẳng lên phía trước.

Chú ý Đầu:
1- Đầu luôn luôn "cố định" với thân (tức đầu-cổ không ngóc lên, cúi xuống).
2- Kết thúc thở ra khi miệng sắp nhô lên mặt nước và bắt đầu hít vô khi miệng đã lên khỏi mặt nước, tức hít vô khi cơ thể "bỗng dưng" nổi chéo lên (chứ không phải cố ngóc đầu lên để hít).

Nếu các anh/chị/cháu cần trao đổi riêng với chúng tôi, xin mời vào chiquang.ha@gmail.com

21 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tuyệt quá, rất bổ ích. Nhiều cái cứ tưởng đơn giản hoá ra mình bơi sai bét. Ưu điểm lớn nhất của kiểu bơi này theo tôi là lâu mệt và không bị chuột rút.
* Các bác coi lại dùm: con ếch thật nó bơi sai thì phải. Nó không thèm xài chi trước?!
TM

Nặc danh nói...

Chào a.TM.
Con Ếch thật không dùng "tay" bởi vì riêng chân của nó đã dư xài rồi (bản thân nó đã được "trang bị" chân nhái rồi). Anh hãy xem các vận động viên bơi-lặn mang chân nhái đều không xài tay. Những kẻ bơi hay lặn vo không xài chân nhái đề phải quậy thêm 2 tay cho nó ... bằng con nhái.
HCQuang

Nặc danh nói...

- A.Chí: VĐV bơi xài chân nhái không dùng tay thì họ thở bằng "mang" à?
TM

Nặc danh nói...

Chào a.TM: Họ dùng ống thở (snockel). Nhưng xài ống thở chưa quen thì (tạm thời) bị uống nước chút đỉnh.
HCQuang

Nặc danh nói...

Ấy, chữ ống thở tiếng Anh bị thiếu 1 kí tự.
HCQuang

Nặc danh nói...

Vâng, đúng như anh nói trên email.
Các Hiệp hội bơi lội thế giới nhất trí quy chuẩn 4 kiểu bơi: bơi Ếch, bơi Delphin (bướm), bơi Krun (Trườn sấp, Tự do), bơi ngửa.

Bơi Ếch, bơi Delphin thì rõ rồi, con người (trong phạm vi có thể) bắt chước kiểu bơi của con ếch và cá heo, nhưng 2 kiểu kia (không hề có con Krun, con Ngửa) thì sao?

Con người, từ khát vọng muốn chiếm địa bàn này (hải bàn) nên mới chế thêm 2 môn bơi này.
Bơi trườn sấp (Krun): là kiểu bơi tối ưu nhất theo cơ thể con người (ít mất sức nhất trong việc muốn hoàn thành mục tiêu bơi nhanh, bơi lâu). Kiểu bơi này hỗ trợ cực kì đắc lực cho dân lặn scuba.
Bơi ngửa: thực chất là bơi Krun nhưng lật ngửa lại, phơi bụng lên giời. Người cứu hộ trên sông biển thường xài kiểu bơi này. Với cánh lặn scuba, sau khi lặn một vòng, anh ngoi lên và bơm áo phao rồi bơi về tàu. Lúc này anh bơi ngửa là thích hợp nhất.

HCQuang

Nặc danh nói...

Cháu nhận định chưa đúng, vì:
Trừ bơi delphin, trong 3 kiểu bơi còn lại, xét trên cùng 1 quãng đường và trong 1 thời gian quy định, thì bơi Ếch tốn sức hơn so với bơi Krun và bơi ngửa (hiệu suất thấp hơn). Nhưng:
Khi bước chân vào "làng bơi" thì người ta hay chọn bơi Ếch vì bơi Ếch là môn có vẻ dễ tập nhất.
Trong thực tế, khi bơi trên sông biển, bơi Ếch có thể di chuyển thuận lợi hơn 2 kiểu bơi kia nếu biển có sóng gió.
Đấy chính là các lí do để những kẻ "bình dân" thích chọn bơi Ếch.

Tất nhiên khi trở thành Pro thì bơi kiểu nào cũng có cái hay riêng của nó, ví dụ bơi delphin là kiểu bơi rèn luyện (rất hao sức mà tốc độ chậm hơn Krun), nhưng với kẻ Pro, nhiều lúc họ lại thích xài kiểu này để bơi lặn với bàn chân nhái (đuôi cá).
HCQuang

Nặc danh nói...

Khi chưa biết bơi thì bơi ở hồ bơi nào cũng được, nhưng để luyện bơi:
Loại hồ bơi: Nên chọn hồ bơi dài 50m có độ sâu đồng đều 2m. Hồ này khách bơi nhiều và khách chơi ít.
Quản lí của hồ bơi: Nên chọn hồ bơi được chia thành 8 luồng hơn là hồ chỉ chia vài ba luồng.
Giờ bơi: Hạn chế bơi trong giờ cao điểm.
HCQuang

Nặc danh nói...

Đúng đấy.
Tập bơi bằng ống thở ban đầu sẽ hơi bực mình, ví dụ nước cứ vô miệng. Để tập, bạn hãy ngậm "mồm thở" (đầu ngậm của ống thở) càng nhẹ nhàng càng tốt, vì làm được như thế tức là miệng của bạn sẽ thích ứng với "mồm thở".

Nó bổ trợ rất tốt cho lặn bằng bình khí nén. Nó tốt tới mức lần đầu tiên lặn ở thực địa (thực hải) thì bạn đã là kẻ thành thục trong việc thở bằng bình khí nén rồi.

Xin lưu ý là ngậm lỏng "mồm thở".

HCQuang

Nặc danh nói...

Xin chào.
Đúng, bơi Krun (Trườn sấp, Tự do) sẽ có tác dụng bổ trợ rất đắc lực cho lặn chân nhái.

Riêng bơi Delphin (Trườn ngửa), theo tôi không nên ôn luyện, vì nó:
-Rất tốn sức, tức hiệu suất thấp (trừ phi bạn muốn tập để tăng kích cỡ cơ bắp).
-Phải dùng sức uốn của lưng nên cái lưng sẽ đau-mỏi nếu ta bỏ tập vài tháng (với người có tuổi thì càng đau tợn), còn nếu bạn không thấy đau-mỏi lưng thì có nghĩa bạn đã bơi sai.
-Phải dùng động tác "vẩy" gót (để chân nhái, chính xác là đuôi cá, họat động có hiệu quả), thành ra cũng vất vả, coi chừng đau cổ chân.

HCQuang

Nặc danh nói...

Xin chào.
Khi lặn bằng chân nhái, bạn cần lưu ý: hãy vẫy chân nhái lên-xuống, chứ không phải đạp chân nhái ra phía sau (mà dân diving VN gọi vui là đạp xích lô). Vẫy lên-xuống mới sinh ra lực đẩy về phía trước.

Khi cần giữ nổi (cơ thể thẳng đứng), bạn cũng vẫy chân nhái như vậy chứ không đạp đạp theo kiểu chân Ếch (như thế mới "tỏ ra là Pro").

HCQuang

Nặc danh nói...

Bạn bơi Bướm (Delphin) chưa được 50m đã thấy rất mệt là đúng đấy, vì:
Đây là môn rèn luyện thể lực, tăng cường cơ bắp, chứ không phải là môn bơi ứng dụng, nên rất mệt là đúng rồi.
Tuy nhiên, nếu bơi chưa được 50m thì chắc chắn bạn đã bơi chưa đúng kĩ thuật. Tôi thấy ở hồ bơi có tới 95% số người bơi Bướm đều bơi sai kĩ thuật (không tính VĐV và đám năng khiếu).

Theo tôi, để tập bơi Bướm, trước tiên bạn nên tập bơi Ếch và/hoặc bơi Trường sấp đã.

HCQuang

Nặc danh nói...

Xin chào.
Đúng, bơi Krun (trườn sấp) sẽ hỗ trợ cho môn scuba diving đắc lực hơn là môn bơi ếch rồi. Mà luyện bơi Krun với chân nhái, ông thở nữa thì càng OK. Có gì tui sẽ đưa bài bơi Krun lên blog để anh em tham khảo.
HCQuang

HCQuang nói...

Bạn y hệt tôi, tức là không hề biết bơi Bướm.
Người ta thường nói "kĩ thuật bơi Bướm của một ai đó, hoặc đúng hết hoặc sai hết, và không bao giờ được dùng bơi Bướm để trừng phạt VĐV".
Câu nói đó có nghĩa là: phải luyện tập rất chuẩn xác (tức bạn phải trở thành một VĐV). Đồng thời tập môn này quá vất vả, vất vả tới mức không thể dùng nó làm công cụ phạt học trò.

HCQuang nói...

Thế là gần 2 năm tui mới quay trở lại bài này.
Xem lời góp của tui vào trưa ngày 4/3/2010 mới phát hiện ra một lỗi:
Tui viết "riêng bơi Delphin (Trườn ngửa), theo tôi..." - sơ suất quá.
Xin cải chính là "riêng bơi Delphin (Bướm), theo tôi...".
Xin lỗi mọi người (tuy đã quá muộn).
HCQuang

Nặc danh nói...

Em có câu hỏi khi em bơi ếch rất khó ngoi lên thở. Làm theo kỹ thuật đè tay như các clip thì lên cao nhưng khi đáp xuống nước chìm quá sâu, rất khó ngoi lên trong lần kế tiếp và rất mất sức. Theo các thầy dạy bơi thì nước ngang trán thôi và phải chủ động ngóc đầu lên, dễ bơi nhưng mỏi cổ. Vậy phải làm sao đỡ mỏi cổ và dễ lấy hơi hả bác?

HCQuang nói...

Chào bạn.

Thầy nào lại dạy ngóc đầu lên thở vậy, tệ thật. Chẳng có môn bơi nào ngóc đầu lên thở cả.
Về kỹ thuật của cả 4 môn bơi thì đầu, cổ, thân mình VĐV cần "cố định" với nhau - y như mình bị bác sỹ bó bột vậy.

Thở trong bơi ếch: 2 tay không quạt sang hai bên, cũng không quạt xuống dưới, mà quạt chéo 45 độ. Đồng thời, khi quạt thì cánh tay (khủy tay) sẽ gập dần tới 90 độ. Bạn cần quạt lẹ tay một chút.
Lực quạt nước sẽ làm phần trên của cơ thể nổi chếch lên khỏi mặt nước - đó chính là thời điểm bạn hít vào (dư thời gian mà). Và dĩ nhiên trước đó bạn đã phải thở ra xong xuôi rồi.

Nước ngang trán thôi là thế nào? Giai đoạn vươn duỗi của bơi ếch thì trán ở dưới mặt nước rồi, còn giai đoạn tay đang quạt nước thì phần thân trước nổi dần lên tới mức lòi cả đầu, cả vai lên khỏi mặt nước, sá gì có mỗi cái trán.

Chân: cứ 2 tay vừa quạt xong là 2 chân đạp liền. Không đạp thẳng về sau mà đạp xeo xéo ra hai bên.

Bạn có thể không đồng với tui và đó cũng là chuyện hiển nhiên, bởi vì tui không phải là HLV, không phải là VĐV chuyên nghiệp, thậm chí chưa từng được học bơi ở bất kì một trung tâm dạy bơi nào trên hành tinh này. Thầy của tui hồi xưa là sách dạy bơi, ngày nay là các clip của những VĐV cấp thế giới.

Bạn hãy xem các clip quay những VĐV chuyên nghiệp bơi ếch thì sẽ thấy rõ.

HCQuang nói...

Nói thêm.
Quạt tay xong là quạt chân luôn. Có lẽ bạn không đạp chân ngay?

Nặc danh nói...

Nhờ anh hướng dẫn cách sử dụng chân vịt khi bơi, trẻ em có nên xài chân vịt không ?

HCQuang nói...

Chào bạn.

Theo tui, bạn chưa nên tập bơi với chân vịt khi chưa thuần thục kỹ thuật bơi, bởi nó sẽ làm "hư chân" (xin lỗi vì tui chưa biết kỹ năng bơi của bạn tới mức nào). Trẻ em càng không nên tập bơi với chân vịt vì càng dễ "hư chân", trừ phi cháu bé được khẳng định có năng khiếu.

Để bơi với chân vịt, bạn hãy tự hỏi: Mình tập bơi với chân vịt để làm gì?
Trong một núi (theo đúng nghĩa đen của từ này) chân vịt đang có bán trên thị trường thế giới, bạn sẽ khó lòng chọn cho mình được một cặp chân vịt vừa ý, vừa sức, và đúng với môn bơi mà bạn đang hướng tới.

Nếu mua thì ban đầu bạn nên mua loại nào?

Riêng về chiều dài thôi, đã có mê man loại chân vịt: (tính từ mũi ngón chân trở ra) từ dài gần 1m, tới 60cm, tới 10cm, tới ... 0cm (tui không dỡn đâu).

Và nếu bạn đã thỏa mãn "tiêu chí" trên, thì bạn hãy mua đại 1 cặp chân vịt và bơi thử, bơi tập. Sau vài chục km bơi thử, bạn sẽ thấy chân vịt bạn đã mua có phù hợp với nguyện vọng luyện tập của ban hay không.
Tui tin là đa số sẽ không thấy phù hợp.
Và, thế là, bạn lại tiếp tục mua, tiếp tục thử, cho tới khi, hoặc chọn được thứ phù hợp, hoặc rèn luyện tới mức thích nghi với nó, hoặc chán nản cái của nợ đó mà quên luôn.

Tui có thể tư vấn cho bạn và tui hi vọng rằng, tới cặp thứ 3 sẽ vừa ý bạn.
Bạn đừng quá tin vào sự tư vấn của tui, bởi tui đã tư vấn cho 3 người (mới có 3 người thôi), đều là những chàng trai khỏe mạnh, ham bơi lội (nhưng kỹ thuật bơi chưa hoàn hảo). Kết quả, có 1 người sắm chân vịt tới lần thứ 2 là thối chí, nghỉ luôn. 2 người kia mới sắm chân vịt lần 1 là thối chí. Tóm lại sự tư vấn của tui thất bại, phần nào cũng vì người cần chân vịt chưa biết mình sắm chân vịt để làm gì.

Riêng tui đã sắm 5 cặp chân vịt, hư mất 2, còn 3. 3 cặp này đang xài tốt, mỗi cặp "vô một việc" rất "rạch ròi, phân minh".

Ăn chơi tốn kém.
Bạn có thể trao đổi với tui qua hộp thư chiquang.ha@gmail.com

HCQuang nói...

Xin lỗi, tui ghi sai về chiều dài chân vịt:
"Riêng về chiều dài thôi, đã có mê man loại chân vịt: (tính từ mũi ngón chân trở ra) từ dài gần 1m, tới 60cm, tới 10cm, tới ... 0cm":
Xin sửa: Loại gần 1m và loại 60cm là tính cả bàn chân, loại 10cm, 0cm mới trừ ra bàn chân.
Xin lỗi bạn đọc.