Danh sách các tab/trang

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Trang bị để lặn Scuba ở vùng nước ấm.

Chúng ta sống ở vùng khí hậu nhiệt đới, trang bị đi lặn của chúng ta vì thế gọn nhẹ hơn nhiều so với khi lặn ở vùng ôn đới hay vùng cực. Xin giới thiệu bộ trang phục điển hình của dân lặn Scuba vùng xứ nóng như ở ta (Miền Nam).

   Hình trên đây được lấy từ trang web padi.com minh họa đồ nghề căn bản của dân đi lặn Scuba. Bài này sẽ giới thiệu tổng quan các trang bị này để có một bức tranh chung, các bài sau sẽ đi cụ thể hơn về từng thứ (tổ hợp vài thứ trang bị) để các bạn rõ.
   Từ trên xuống, ta có Mask - Kính lặn, có chức năng ngăn cách mắt và mũi với nước. Khi tiếp xúc trực tiếp với môi trường nước, mắt chúng ta không có khả năng điều tiết để có thể nhình chính xác. Mũi là một trong các "hốc" có không khí, cần được bảo vệ khỏi áp lực của nước vì thế mắt và mũi cần có Kính lặn bảo vệ.
   Ngay tiếp dưới là Fins - Cặp chân Nhái - chú thích này trên hình không chính xác vì không trỏ tới cặp chân nhái cô bạn lặn đang xách trên tay. Chân nhái giúp chúng ta bơi dưới nước nhẹ nhàng, không tốn sức.  Có hai loại chân nhái chính, loại mái chèo hoạt động theo nguyên lý mái chèo thuyền và loại cánh quạt, hay còn gọi là đuôi cá voi hoạt động theo nguyên lý cánh quạt tàu. Cặp chân nhái của cô gái trên hình là loại đuôi cá voi.
   Kế tiếp là Snorkel - Ống thở  Ống thở là một đoạn ốn nhựa cong, ngắn giúp chúng ta thở khi bơi úp mặt xuống nước. Công dụng chính của ống thở đối với người lặn Scuba là để thở khi bơi trên mặt nước, nhất là khi sóng lớn mà không phải dùng dưỡng khí quí giá trong bình khí nén.
   Buoyancy Control Device (BDC) - Bộ điều khiển sự nổi hay Áo phao có chức năng điều tiết sự nổi của người lặn đồng thời để gắn bình khí nén và có tác dụng như một áo Ghi lê đa dụng. Khi ta lặn, cần có trạng thái nổi trung tính (lơ lửng, không chìm, không nổi) và BDC giúp ta có trạng thái này.
   Regulator - Vòi thở theo cách nói dân dã chỉ là một phần của bộ Regulator. Thực ra đây là thiết bị chuyển áp - hạ áp suất cao trong bình khí nén về áp suất môi trường và cung cấp cho người lặn thở dưới nước. Regulator gồm 2 thành phần là First Stage - Tầng 1 và Second Stage - Tầng 2. Tầng 1 chuyển áp suất cao xuống hạ áp và tầng 2 cung cấp không khí đã hạ áp cho người lặn. Vòi thở chính là tầng 2.
   Cylinder - Bình khí nén ta không nhìn thấy trên hình vì cô gái đeo nó trên lưng như ta đeo balo. Thông thường dân lặn Scuba tiêu khiển dùng bình 11 lit với khí nén ở áp suất 200 bar khi nạp đầy. Bình khí được làm từ thép hoặc nhôm (hợp kim) theo một qui trình sản xuất và kiểm tra nghiêm ngặt. Với một bình đầy loại này, người có kinh nghiệm như anh Chí của chúng ta có thể lặn được tới 60 phút ở độ sâu 10 -15 m.
    Exposure Suite - Bộ  đồ lặn Là bộ đồ làm bẳng chất liệu neopren bó sát người, giúp giữ ấm đồng thời chống nắng và bảo vệ khỏi những vật sắc, nhọn dưới đáy biển. Bộ đồ lặn có 2 loại theo chức năng là Wet Suite và Dry Suite. Wet suite dùng cho vùng nước ấm và ôn đới, khi trời không lạnh. Mặc Wet Suite, nước vẫn tràn vào nhưng bị nhốt giửa da và áo và tạo thành lớp cách nhiệt tránh cho cơ thể khỏi bị mất nhiệt. Còn Dry Suite hoàn toàn ngăn cách nước và làn da cùa người lặn tạo sự thoải mái ở vùng nước giá lạnh.
   Submercible Pressure Gause (SPG) - Đồng hồ áp suất Giúp người lặn kiểm soát liên tục lượng khí tiêu thụ trong bình. Khi kim của SPG chỉ số 50 bar, ngôn ngữ dưới nước của dân lặn chỉ trạng thái này là nắm đấm giơ ra - lúc này cần phải kết thúc cuộc lặn mà vẫn còn chút khí dự phòng.
   Alternate Air Source - Vòi thở dự phòng. Vòi thở dự phòng là trang bị bắt buộc phải có. Chức năng là để thay thế vòi thở chính khi có sự cố và thường hay sử dụng hơn cả là để chia sẽ dưỡng khí với bạn lặn khi cần thiết.
   Compass - La bàn có công dụng chủ yếu là sử dụng để định hướng khi lặn dưới nước. Nó hoạt động như la bàn thông thường nhưng được thiết kế đặc biệt để không bị ngấm nước và chịu áp suất cao.
    Dive Computer - Đồng hồ lặn Thực ra là một máy tính giúp ta theo dõi độ sâu, thời gian lặn và cho ta biết có thể ở được bao lâu tại một độ sâu nhất định mà vẫn trong giới hạn an toàn. Một số máy tính - đồng hồ lặn còn tích hợp cả tính năng của SPG - cho ta biết lượng khí tiêu thụ trong bình.
    Wistler - Còi dùng khi ở trên mặt nước để thu hút chú ý tàu thuyền đến đón. Ngoài ra còn có thể dùng gương hay phao hình trụ để làm tín hiệu.
     Còn một thứ trang bị mà tôi không thấy trên hình này đó là hệ thống chì trọng lực. Weight System  đối trọng với Áo phao BCD được dùng để cân bằng sức nổi. Trong nước biển, cơ thể chúng ta nổi lềnh bềnh chưa kể wet suite, bình khí nén và BCD đều nổi, cần có một dây lưng xỏ các cục chì nặng 1- 1,5kg để giúp ta chìm xuống.
  Trên đây là toàn bộ các trang bị cần thiết của dân lặn Scuba. Như ta thấy, chức năng chính của chúng là  thích nghi con người với môi trường nước và làm cho con người trở thành một phần của nó. Các trang bị này không làm thay chúng ta, như kính lặn không nhìn hộ ta mà cho phép ta nhìn rõ hơn dưới nước. Bộ Regulator không thở hộ chúng ta mà chỉ giúp ta thở dưới nước một cách thoải mái. Bộ wet suite không "sưởi" ấm ta nhưng cho phép cơ thể giữ nhiệt một cách hiệu quả.
   Một vài tiêu chí khi chọn lựa trang bị lặn là:
    - Phải tiện nghi, thoải mái.
    - Vừa vặn và dễ nhìn.
    - Được xem như khoản đầu tư dài hạn cho "sự nghiệp" lặn theo mục tiêu riêng của mình.

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thực ra đi chơi "lăng nhăng" cũng chưa cần đồng hồ lặn, la bàn, còi (vì có anh HDV đi trước dẫn đường rồi).
AMK3: tôi nghĩ "Mask" dịch là "kính lặn" thì "đại chúng" hơn.
HCQuang

AMk3 nói...

Để đi lặn chơi, ta chẳng cần sắm gì vì các trung tâm lặn đều có sẵn mọi trang bị cho ta. Bài này có tính chất giới thiệu các trang bị của lặn scuba và được viết theo hình ảnh có sẵn. Đầy đủ ra còn phải kể đến đèn lặn để lặn đêm hoặc ở vùng tối, dao lặn, túi trục đồ và phao hiệu + cờ lặn cũng nằm trong trang bị scuba.
Như mục tiêu chí chọn lựa trang bị đã nói, đây phải được coi là khoản đầu tư dài hạn cho "sự nghiệp" lặn theo mục tiêu riêng của từng người! Còn nếu đã coi đây là một khoản chi phí thì ta sẽ phải càng thắt chặt túi càng hay :)

Nặc danh nói...

Tùy tiêu chí của người lặn mà người đó sẽ quyết định mua hay không mua.
Nếu coi việc mua sắm là một khoản chi phí thì càng hạn chế càng tốt, bởi các CLB dive sẽ trang bị đầy đủ (ở mức vừa đủ) cho khách lặn. Chi phí giảm thì hiệu suất tăng.
Nếu coi việc mua sắm là khoản đầu tư dài hạn vì "sự nghiệp CM" thì nên mua. Nhưng cũng như việc đầu tư cho kinh doang sản xuất, sẽ phải lựa chọn, đầu tư cái gì trước, cái gì sau, thậm chí có cái có thể bỏ qua. Đồng thời cân nhắc giữa chất lượng hàng và giá phải trả.
a.AMK3 nói đúng.
HCQuang