Danh sách các tab/trang

Thứ Hai, 8 tháng 2, 2010

Quân hàm "binh chủng" PADI

Bằng cấp của Hiệp hội lặn quốc tế gốc Úc-Mỹ (PADI) theo cách hiểu của một Trung sỹ bộ binh.

Binh nhì – Discover Scuba Diving :
Bất cứ ai đã lặn với bình lặn đều được xem là Binh nhì tức lính tập sự. Lính tập sự không có Bằng.
Anh được xuống độ sâu 6m (trường hợp đặc biệt là 10m) với thời gian lặn tối đa 30 phút (khá lâu đối với kẻ mới lặn).
Là Binh nhì, anh không có quyền suy nghĩ. Anh chẳng cần kĩ năng gì khác ngoài việc tuân lệnh. Trong “tác chiến”, anh có thể hoàn toàn yên tâm vì luôn có một kẻ “có năng lực” bám sát giúp đỡ tất tần tật theo phương thức một kèm một.

Binh nhất – Open Water Diver:
Là kẻ đã được huấn luyện các kĩ năng cơ bản của thợ lặn (lặn giải trí).
Anh được xuống độ sâu tối đa 18m với thời gian cho đến hết bình khí nén (trừ lượng khí dự phòng). Anh không bị ai kèm cặp.

Hạ sỹ - Adventure Diver:
Biết các kĩ năng cơ bản và biết hơn Binh nhất 2 kĩ năng nâng cao (trong đó có kĩ năng lặn độ sâu 30m). Anh được các đơn vị “chiến đấu” xem là kẻ đã thục luyện các yếu lĩnh cơ bản của người lính nên trong “tác chiến” sẽ không có ai “kè” anh về kĩ thuật.
Anh được xuống độ sâu tối đa 30m.
Hạ sỹ tuy không có Bằng nhưng được “Phòng tổ chức” PADI xác nhận trong hồ sơ cá nhân, nên khi xuống các đơn vị “tác chiến”, anh được quyền chơi theo đúng cấp độ của mình.
PADI cho phép “phong vượt cấp” qua cấp Hạ sỹ.

Trung sỹ - Advanced Open Water Diver:
Thành thục các kĩ năng cơ bản và biết hơn Binh nhất 5 kĩ năng nâng cao. Anh được các đơn vị “chiến đấu” xem là chiến sỹ xuất sắc.
Anh được xuống độ sâu tối đa 30m, mặc nhiên được chơi các môn trong 5 kĩ năng nâng cao.
Ngoài ra anh được chơi các môn đã “học thêm”, tức tuy cùng Trung sỹ như nhau nhưng anh này có thể được chơi nhiều môn hơn anh khác (lặn sâu 40m, lặn với bình khí nén giàu oxy, …).

Thượng sỹ – Rescue Diver:
Thành thục kĩ năng của Trung sỹ, đồng thời được huấn luyện là Nhân viên Cứu hộ (Emegency First Response).
Nếu như thi lấy Bằng Trung sỹ có thể tiến hành bằng cách thực hiện các thao tác thực dụng, thì thi lấy Bằng Thượng sỹ nhất thiết phải thi cả về lý luận chuyên môn, tức anh Thượng sỹ bắt đầu có yếu tố “trí thức”.
Anh được chơi các môn của Trung sỹ và các môn mà anh đã “học thêm”.
Tất nhiên anh hơn Trung sĩ ở chỗ có thể cứu hộ, vì vậy mỗi khi đi lặn thì anh được trọng vọng hơn viên Trung sỹ quèn.

Chuẩn úy – Divemaster:
Là thợ lặn chuyên nghiệp và được xem là sỹ quan. Anh bắt đầu có quyền bắt kẻ khác tuân lệnh.
PADI định nghĩa Chuẩn úy là “trưởng toán hành động”.
Để được thi lấy bằng, anh phải có đủ bề dày kinh nghiệm (tính theo số giờ lặn, tối thiểu 100 giờ).
Khi có bằng này, anh đi chơi “vô tư” mà không ai có quyền nhắc nhở, quở trách. Trong việc chơi bời, anh là dân da trắng ở lục địa Đen, Vàng dưới thời thực dân kiểu cũ.

Ngạch sỹ quan “không có số”:
Từ Chuẩn úy, anh có hai đường “thăng tiến”:
Hoặc anh tiến thẳng theo ngạch “sỹ quan có số” (các Instructor) để trở thành lính lê dương nhà nghề, hưởng quân hàm Thiếu-Trung-Đại úy, Thiếu-Trung-Đại tá, Thiếu tướng;

Hoặc anh tiến xeo xéo theo ngạch “sỹ quan không có số” với bằng cấp tương đương bằng cấp Instructor, nếu như anh chọn mục tiêu để đi chơi, giải trí.
Anh có thể lên tới Thiếu-Trung-Đại úy và kịch trần là Master Scuba Diver (không có chữ Trainer). Anh có đầy đủ kĩ năng tương đương với bên “có số” nhưng “không thèm biết” kĩ năng tổ chức huấn luyện.

Ngạch sỹ quan có số (Instructor):

Thiếu úy – Assistant Instructor:
Thợ lặn chuyên nghiệp, Huấn luyện viên. Anh là thầy của Nhân viên Cứu hộ (Emegency First Response Instructor).
PADI cho phép “phong vượt cấp” qua cấp Thiếu úy.

Trung úy – Open Water Scuba Instructor:
Huấn luyện viên cấp cao hơn (cũng gọi là Assistant Instructor).
Việc thi lấy bằng Instructor khá gian nan và với cơ cấu giám sát tinh vi, nhưng một khi đã là sỹ quan, anh sẽ đuợc hưởng nhiều quyền lợi.
Là sỹ quan, anh được toàn quyền hành động, có quyền chấp thuận hoặc phủ quyết ý kiến kẻ khác không cần thông qua biểu quyết.
Anh có quyền huấn luyện, chấm thi, giám sát trong việc thi lấy bằng và PADI sẽ “nhắm mắt” cấp bằng cho đối tượng theo chữ kí của anh.
Anh được cấp mã khóa lên mạng nội bộ PADI để tra cứu hồ sơ cá nhân của kẻ khác.

Đại úy – Specialty Instructor:
Chuyên gia.
Anh là huấn luyện viên cấp cao nhưng đi chuyên sâu vào một số chuyên ngành và là chuyên gia trên những lãnh vực đó.
Khi tàu ngầm bị nạn ở rìa Bắc cực và cánh Hải quân chạy qua rước anh, anh sẽ tới đó với tư cách là Chuyên gia, bởi anh có nhiều kinh nghiệm lặn sâu trong nước cực lạnh. Anh nói với viên sỹ quan Hải quân "hoặc các anh hãy làm như tôi nói, hoặc tàu ngầm của các anh trở thành tài sản của sinh vật biển".

Thiếu tá – Master Scuba Diver Trainer:
Chuyên gia cấp cao hơn. Trong chuyên môn của anh thì anh là nhất. Anh ta chẳng thèm đếm xỉa tới ý kiến của bất kì ai, kể cả Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang.

Trung tá – IDC Staff Instructor:
Thầy của các Huấn luyện viên. Anh là "giáo sư", "nhà giáo ưu tú" và đồng thời là một chiến binh siêu hạng.

Đại tá – Master Instructor:
Chỉ huy trưởng chiến dịch. Anh tới "quân khu", đơn vị nào là may mắn, là vẻ vang cho "quân khu", đơn vị đó.

Thiếu tướng – Course Director:
Thủ trưởng Binh chủng PADI. Anh ta là Giám đốc chương trình, có quyền sửa đổi, bổ sung “Luật Binh chủng”.

7 nhận xét:

dathb136 nói...

Không hiểu anh Quang dùng font chữ nào mà máy em không đọc được gì cả?Nói chung môn lặn biển là một môn thể thao lý thú!Ngoại trừ lặn sâu phải nắm chắc kĩ thuật và rất am hiểu nó.

N.H.QUE nói...

Nhệt liệt chúc mừng 2 đại ca mở ra 1 sân chơi mới . Nhưng thú thiệt em xem mà chẳng hiểu gì cả . Tết này em về NHA TRANG ăn tết , có khi liều mình đi lặn xem thử nó mần răng .
N.H.QUẾ

Nặc danh nói...

Có một anh thượng sỹ (Rescue fiver) gọi ĐT nói với tôi rằng, tuy câu liên quan tới tiền bạc là nói vui thôi nhưng ...
Tôi mới nghĩ là, anh em binh sĩ trong binh chủng chiến đấu là vì "sự nghiệp CM" chứ nào có cầu mong gì tới huê lợi. Và tôi đã bỏ đoạn này.
Kính.
HCQuang

N.H.QUE nói...

Anh HCQ ơi , sao hôm nọ em đọc được , bây giờ bài này lại chuyển ngôn ngữ rùi .

Nặc danh nói...

Chào NHQue.
Anh không biết nữa, đi mà hỏi ông tây (ông AMK3).
HCQuang

N.H.QUE nói...

Ma ma đại tổng quản ui , giờ thì còn đọan giới thiệu : Trung sỹ ...5 kỹ năng ... cao , là không đọc được . Hay thật á , chữ của thợ lặn có khác.

Nặc danh nói...

Chào NHQue.
Nỏ phải chữ thợ lặn mô (thợ lặn trao đổi với nhau theo ngôn ngữ người câm điếc), chắc anh AMK3 chơi xỏ anh đấy.
HCQuang